(VietNamNet) - Khi Việt Nam gia nhập WTO, sinh viên cần chuẩn bị những hành trang gì? VietNamNet đã ghi nhận những ý kiến xung quanh vấn đề này bên lề buổi giao lưu giữa SV và doanh nghiệp về câu chuyện thời sự: Việt Nam gia nhập WTO tại trường ĐH Nông lâm TP.HCM diễn ra sáng 10/6.
Buổi giao lưu thu hút hàng ngàn SV tham dự |
Nguyễn Trần Quang, Giám đốc công ty GoldSun: Xác định tinh thần cạnh tranh
SV trên thế giới rất tự tin và tự nhiên, trong khi nhiều SV Việt Nam còn rụt rè. Bởi vậy, điều quan trọng là SV phải thay đổi nếp tâm lý này.
Tôi không muốn bàn luận chuyện Việt Nam gia nhập WTO trễ hay không trễ. Đó là chuyện của quá khứ. Chúng ta phải nói đến chuyện tương lai.
Ngay cả ý "có công bằng hay không", cũng không nên đặt ra. Điều quan trọng là khi gia nhập WTO, phải xác định tinh thần cạnh tranh, càng vượt xa đối thủ càng tốt hoặc phải vượt trội.
Nguyễn Thành Hưng - SV K28 khoa Kinh tế: Tự "lăn xả" vào thực tế
Điều đầu tiên cần chuẩn bị thật kỹ kiến thức chuyên ngành.
Bên cạnh kiến thức chuyên môn, tiếng Anh rất quan trọng. Ngay từ bây giờ, em phải lên kế hoạch cho mình về việc học tiếng Anh, ngoài học ở trường, em sẽ đi học lớp "Speaking" để nâng cao khả năng giao tiếp.
Bản thân em, ngoài học kiến thức ở lớp, rất thích đi thực tế bởi kiến thức nhà trường chủ yếu là lý thuyết. Ngoài việc trường bố trí đi thực tế, em tự liên hệ các doanh nghiệp đi thực tế để trang bị kiến thức thêm cho mình.
Vũ Mộng Anh, K29 khoa Kế toán: "Dắt lưng" ngoại ngữ
SV trong thời kỳ hội nhập là phải nhanh nhẹn và tự trang mình cho mình mọi công cụ hỗ trợ trong công việc như tiếng Anh, CNTT..
Sắp ra trường, trước tiên em phải "dắt lưng" cho mình vốn liếng về ngoại ngữ phải kha khá và kỹ năng sử dụng internet.
Trên thực tế, việc SV đầu tư cho việc học CNTT chưa nhiều. Chẳng hạn như bản thân em, sử dụng máy tính thành thạo. Nhưng những yêu cầu cao hơn nữa thì nhiều lúc lúng túng. .
Khi Việt Nam gia nhập WTO, SV cần "vận động"rất nhiều kiến thức chuyên môn và kiến thức xã hội.
Ông Eibia Gen, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM: SV tự tìm "lỗi" để sửa
Hệ thống giáo dục phải nghiên cứu thị trường nhiều hơn, sau đó là phương pháp giáo dục cần phải thay đổi. Việt Nam áp dụng phương pháp truyền thống là thầy nói và trò nghe còn trong hệ thống hiện đại SV phải nói nhiều trong giờ học. Như vậy học ở Việt Nam là tự học đòi hỏi SV phải tự học và tìm 'lỗi" để trở thành những người tốt.
-
Thực hiện: Vĩnh Hào