221
484
Chuyện giảng đường
chuyengiangduong
/giaoduc/chuyengiangduong/
780512
Hậu nghiên cứu khoa học SV: "Ẩn số" thị trường
1
Article
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
Hậu nghiên cứu khoa học SV: 'Ẩn số' thị trường
,

(VietNamNet) - Bên này là ý tưởng, là nghiên cứu. Bên kia là thực tế đầy thử thách, đầy cơ hội và cũng nghiệt ngã không kém. Cơ hội gieo hạt mầm ý tưởng của SV vào đó là bao nhiêu?  

Điểm danh giải thưởng "nghìn đô" 

Phương Thảo giới thiệu sản phẩm của nhóm

Những nghiên cứu khoa học được đề cập trong bài viết này đều mang tính ứng dụng cao. Những sản phẩm đầu tiên đều đã hoàn thành và đạt được không ít giải thưởng. Từ ý tưởng đến lúc hoàn thành sản phẩm hay dự án, họ- các SV còn đang ngồi trên ghế nhà trường – đã không ít lần phải rơi nước mắt. Chỉ có họ mới biết SV làm nghiên cứu khổ cực đến đâu. Và cũng chính thế, hơn ai hết, họ là những người không cam tâm nếu mồ hôi công sức của mình bị quẳng vào quên lãng. 

Khi tìm cách liên lạc với Đinh Thị Như Hoa (Khoa Môi trường, ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQG Hà Nội) – một trong ba tác giả của đề tài “Tái sử dụng bột bã thải giàu kim loại nặng để sản xuất men màu trong gốm sứ”, tôi mới được biết cô đã rời khỏi Hà Nội về Phú Thọ. Và đang bắt tay vào giai đoạn hai của nghiên cứu: đưa sản phẩm vào sản xuất đại trà như thế nào?  

Ngay từ những ngày đầu tiên, Như Hoa - Bình -Thanh Xuân đã tính toán khá tỉ mỉ những số liệu khi đưa công trình vào ứng dụng: một công ty như Goshi Thăng Long phải mất khoảng 2 triệu/tháng để thuê người đổ bột bã thải công nghiệp, đấy là chưa tính đến khâu xử lý. Nếu áp dụng công trình nghiên cứu của cả ba thì coi như một công đôi việc: vừa tận dụng được nguồn chất thải bỏ đi, vừa hạn chế tối đa khả năng ô nhiễm môi trường. Đồng thời, lại tạo ra được nguồn nguyên liệu sản xuất bột men màu trong gốm sứ, hạ giá thành một cân bột từ 15 - hơn 20 nghìn trên thị truờng xuống còn từ 5- 7 nghìn đồng/cân. Một số liệu làm những kẻ thờ ơ nhất cũng phải vào cuộc. 

Vậy là họ chạy xuống Bát Tràng, năn nỉ mượn cho bằng được lò gốm để trực tiếp thử nghiệm trên sản phẩm. Kết quả: màu sắc lạ mắt, độc đáo của loại bột men màu mới đã khiến một số người chấp nhận cái giá 20.000 đồng cho một lọ hoa. Trong khi một sản phẩm cùng loại bao giờ cũng  chỉ dưới 10.000 đồng. Ba cô gái ngỡ ngàng. World Bank đã trao 10.000 USD cho công trình này với giải thưởng “Ngày Sáng tạo”. 

Lao ngay vào giai đoạn hai: tính toán tỷ lệ để sản xuất trên quy mô lớn. “Chỉ còn là vấn đề thời gian.” Như Hoa tự tin nói. “Công trình sẽ được nghiệm thu trong tháng sáu này, sau đó tụi mình sẽ quẳng nó vào thị trường”. 

Nhưng quan trọng là không phải bất cứ một công trình nào của SV cũng có được cái may  mắn nhận được một giải thưởng nước ngoài- với món tiền thưởng đáng mơ ước, như trên.  

Số tiền thưởng vài triệu đồng của các giải thưởng trong nước nếu dùng để trang trải những khoản nợ cơm áo trong thời gian tiên hành nghiên cứu, thì đủ. Nhưng nếu lấy nó làm vốn khởi đầu  đưa công trình vào thực tế thì...nói chỉ thêm buồn.

Khi kết thúc công trình nghiên cứu về thiết bị xử lý rác sinh hoạt bằng ấu trùng của ruồi lính đen, Hương Thảo và Tuấn Khả (Giải thưởng VIFOTEC 2005) không ngừng mong mỏi được “làm một cái gì đó thực tiễn với công trình của mình.” Đưa nó vào đời sống của các hộ nông dân với quy mô lớn là mơ ước của Thảo. Nhưng chính cô bây giờ cũng đã bắt đầu nghĩ về mơ ước ấy với sự tiếc nuối. Cả bất lực. 

Để làm đựoc điều đó thì cô và người bạn đồng hành  phải đối mặt với những vấn đề: Vốn ở đâu ra? Thuyết phục người dân như thế nào để họ tin vào hiệu quả kinh tế của thiết bị này? Giá thành của thiết bị mà cả hai tự thiết kế là hơn 1 triệu. Nhưng nếu sản xuất theo dây chuyền thì sẽ hạ xuống còn bao nhiêu? Toàn là những kỹ  năng về kinh doanh - mảnh đất lạ với những SV chuyên về nghiên cứu.  

Quan trọng hơn, thiết bị này chỉ xử lý được rác hữu cơ. Mà ở Việt Nam, rất ít nơi làm được sự phân loại rác thải ngay từ đầu.  

Thảo chưa có thời gian để suy nghĩ tới những vấn đề này. Cô đã trở thành một tân cử nhân. Mà một tân cử nhân thì có quá nhiều vấn đề để mà đối mặt: việc làm và ổn định cuộc sống. Cô không thể uống nước lã để sống và theo đuổi một cái gì đó quá bấp bênh.  

Một công trình khác: “Đề xuất quy trình dãn nhãn sinh thái cho hàng nông sản Việt Nam” do hai SV Châu Quý và Hồng Nhung (trường ĐHDL Kỹ thuật công nghệ TP.HCM) thực hiện. Một thời gian dài lăn lộn khảo sát từ A-Z những sản phẩm trên thị trường. Để rồi đưa ra đựơc ba giải pháp nhằm nâng cao tính cạnh tranh cho mặt hàng nông sản và giảm thiểu nạn ô nhiễm môi trường. Giải nhất Eureka 2005.  

Và Nhung bảo: “Nếu như được áp dụng...”. Vấn đề chính là ở chỗ: tại sao lại là “nếu như”? 

Công trình của Quý- Nhung  là đề xuất giải pháp. Tức là dưới dạng tài liệu. In nó ra rồi đưa cho doanh nghiệp ư? Thật là ngây thơ. Có hơn 80% doanh nghiệp nhỏ hiện nay  không quan tâm đến vấn đề này (theo khảo sát của Nhung). Họ sẽ sẵn sàng cho những giải pháp này “ra đi” nếu chỉ dựa vào sức lực của hai SV này.

Có cần học cách kinh doanh? 

Bùi Trọng Lịch (nhân viên quản trị dự án công ty Trí Tuệ Việt), một cử nhân  Công nghệ sinh học nhận xét : “Chúng ta đổ công sức tiền của để chứng minh rằng một cộng một bằng hai. Nhưng rồi làm thế nào để biến cái hai đó thành lợi nhuận hoặc mang nó đến cho người biết làm ra lợi nhuận thì lại không biết cách. SV nghiên cứu vẫn coi thị trường là mảnh đất xa lạ”. 

Việc tìm kiếm đối tác hay một  doanh nghiệp nào đó thường được “nhường” lại cho trường, khoa hay giảng viên hướng dẫn. Nhiều công trình sau khi hoàn thành đã được bàn giao 100% cho giảng viên hướng dẫn, còn tác giả của nó thì thậm chí chẳng buồn quan tâm đến các vấn đề của “hậu nghiên cứu.”  

“Thầy là người uy tín, nhiều mối quan hệ rộng. Nếu như thầy cũng chẳng thể đưa nó ra thị trường được thì mình có làm cũng chả  vượt qua thầy được.” Một tác giả công trình đã nói vậy. 

Liệu có nên đặt câu hỏi rằng: Chính lối tư duy như vậy là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng một số lượng lớn những công trình SV,  đạt hết giải thưởng nọ đến giải thưởng kia nhưng lại phủ bụi ở đâu đó chỉ sau vài năm? 

H. Tùng (Sở KHCN Hà Nội), một cựu SV của Bách Khoa Hà Nội thừa nhận rằng: “Đòi hỏi một SV có cả hai kỹ năng về nghiên cứu và kinh doanh là điều rất rất khó. Bởi vậy, người ta mới cần đến sự liên kết giữa hai nhóm doanh nghiệp và nghiên cứu.” 

Vậy ai sẽ là người chịu trách nhiệm cho sự liên kết này? Nhà trường hay doanh nghiệp? Hay trước khi trông đợi vào đó, SV tốt hơn cả là cứ tự thân vận động thì hơn? 

Trong số các môn học mà SV khoa CNSH (KHTN)  từng học có môn quản trị kinh doanh và theo Bùi Trọng Lịch, điều đó là cần thiết: “Tôi yêu thích CNSH nhưng tôi phải học quản trị kinh doanh để ứng dụng nó vào thực tế.” 

Nói đi nói lại, vẫn là một vấn đề nói nhiều nhưng không bao giờ cũ đối với SV: tính chủ động.  

Tại sao ta không marketing cho chính những công trình, những tâm huyết của mình thay vì ngồi đợi nhà đầu tư hay doanh nghiệp sẽ gõ cửa trong một ngày đẹp trời nào đó? Tại sao không? 

  • Bài, ảnh: Trịnh Khánh

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,