(VietNamNet) - Chỉ có 4% HS các trường có thói quen đọc sách điện tử trên mạng, khoảng 10% nhận thức và thấy rõ được lợi ích của Internet, 15% thú nhận có truy cập vào các trang "web đen", còn lại, phần lớn HS thường xuyên truy cập Internet để tán gẫu, nghe nhạc hay chơi games trực tuyến...
Phó Bí thư Đoàn trường Kim Liên, Nguyễn Huy Dũng phát biểu tại buổi toạ đàm. Ảnh Nguyệt Minh |
Đó là con số được chính các bạn trẻ đến từ 10 trường THPT trên địa bàn Hà Nội công bố tại buổi toạ đàm "Tuổi trẻ học đường với Internet" do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp với Công ty VDC tổ chức sáng 17/4 tại Hà Nội.
Chưa vào "web" đen: chưa phải đàn ông (?)
Phó Bí thư Đoàn trường THPT Kim Liên Nguyễn Huy Dũng cho biết: Qua khảo sát tổng số 2.500 HS của trường, có tới 80% bạn thường xuyên truy cập Internet. Trong số đó, chỉ có 12% thường xuyên đọc báo điện tử để cập nhật tin tức, 5% sử dụng những địa chỉ web để phục vụ cho việc học tập, tìm hiểu, khám phá, 4% có thói quen đọc sách điện tử trên mạng.
Số còn lại thường xuyên nghe nhạc trên mạng hoặc đăng ký làm thành viên của những forum âm nhạc. Đặc biệt là có tới 15% HS thừa nhận đã truy cập websex (gọi chung là web đen).
Cũng với một phép tính tương tự, trường THPT Nhân Chính có tổng số 1.322 HS thì có tới hơn 1.200 bạn thường xuyên khai thác, sử dụng mạng Internet hàng ngày. Trong số đó, 50% chưa hề biết đến kỹ năng soạn thảo văn bản hay tạo ra thư mục riêng. Bù lại, các bạn có thể nhớ tới hàng chục nick name và tốc độ chat không hề kém một nhân viên đánh máy thành thạo ở các văn phòng.
Nguyên nhân Internet có sức hút lớn đối với giới trẻ học đường được các bạn HS trường Nhân Chính lý giải: Do ham tìm tòi, khám phá, do tò mò, do bị rủ rê, làm theo phong trào, do gia đình mải làm kinh tế, không để ý quản lý, do các cơ quan chức năng lỏng lẻo trong quản lý...
Điều quan trọng, theo HS trường THPT Hoàng Văn Thụ, là do ở Việt Nam thực sự chưa có những trang web dành cho tuổi học sinh. "Các trang web học tập thì chưa được phổ biến rộng rãi để HS được biết trong khi những diễn đàn về học tập, thể thao, giải trí lành mạnh dành riêng cho HS thì chưa có" - Nguyễn Huy Tuấn kết luận.
Riêng căn nguyên sâu xa của việc HS truy cập các trang web đen được các HS trường THPT Nguyễn Siêu "bắt bệnh": do nhà trường không dạy HS kỹ về giới tính nên nhiều bạn cho biết, sở dĩ họ truy cập các trang websex vì tò mò muốn biết nam - nữ quan hệ sinh lý với nhau như thế nào?!
Ngoài sự tò mò về giới tính, HS tìm đến các trang web đen còn do sự xúi giục của bạn bè. "Nhiều khi các bạn rủ truy cập web đen, mình từ chối là lập tức bị cười nhạo lạc hậu, là đụt, chưa phải là đàn ông" - T, một HS trường THPT Hoàng Văn Thụ kể.
Theo nhận xét của nhiều HS tại buổi toạ đàm, con số 15% HS thú nhận có truy cập các trang web đen chưa hẳn là chính xác và trên thực tế có thể lớn hơn nhiều. Thực trạng này chính là căn nguyên dẫn tới nhiều tệ nạn xã hội, ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng đến nhân cách, tâm hồn cũng như việc học hành của giới trẻ.
Bạn giúp bạn: Cách tốt nhất để tạo thói quen truy cập Internet "sạch"?
Mở lớp đào tạo về kiến thức sơ đẳng, căn bản sử dụng Internet cho phụ huynh HS; quy định các cửa hàng Internet, đặc biệt là các hàng Games chỉ được mở vào ngày nghỉ; tuyên truyền, tác động của Đoàn với HS; cấm HS không truy cập Internet vô tội vạ từ trường về nhà và ngược lại... là giải pháp mà rất nhiều bạn trẻ hồn nhiên đề xuất tại buổi toạ đàm. Song, như lời nhận xét của nhiều bạn tham gia diễn đàn thì những giải pháp trên sẽ khó mà thành hiện thực.
"Giải pháp mà chúng ta đưa ra cứ bó buộc vào chữ cấm trong khi ở lứa tuổi học trò, càng cấm các bạn càng tò mò, muốn khám phá hơn. Điều quan trọng là ý thức của mỗi chúng ta" - Nguyễn Thanh Tùng, HS trường THPT Trần Hưng Đạo phản biện.
"Tôi đồng ý, thế nhưng theo bạn, phải làm thế nào để các bạn trẻ có ý thức khai thác, truy cập Internet sạch?" - Anh Dương Quốc Hưng, Trưởng ban Tư tưởng - Văn hoá Trung ương Đoàn "vào cuộc" khi không khí thảo luận tại buổi toạ đàm bắt đầu "nóng" lên.
"Bạn giúp bạn là giải pháp tốt nhất để HS truy cập Internet sạch" được nhiều bạn trẻ tham gia toạ đàm đồng tình. Ảnh Nguyệt Minh |
Nguyễn Thuỳ Trang, HS trường THPT Tây Hồ lập tức đề xuất: Em cho rằng để tác động vào ý thức của các bạn không phải là khó. Chúng ta nên dùng cách "bạn giúp bạn".
Theo Trang, nếu bản thân một HS biết sử dụng, khai thác Internet một cách thành thạo, biết tận dụng các trang web lành mạnh, bổ ích để phục vụ cho việc học tập, giải trí của mình thì bạn đó hoàn toàn có thể đủ uy tín để tác động, gây ảnh hưởng tích cực cho các bạn khác. Cứ thế, nhân rộng ra thì sẽ hiệu quả hơn là cấm này, cấm nọ.
"Nếu chúng ta cấm các cửa hàng Net hay cấm các bạn HS không truy cập web đen mà các bạn vẫn không có ý thức thực hiện thì kết quả vẫn là số không" - Trang quả quyết.
Tán thành giải pháp trên, Thuỳ Dương, HS trường chuyên ngữ bổ sung: "Sử dụng những người có kiến thức về Internet và khai thác thông tin trên Internet một cách lành mạnh để tác động vào nhận thức của các bạn cùng lớp, cùng trường hoặc cùng sinh hoạt trong các CLB chắc chắn sẽ hiệu quả. Ngoài ra, nhà trường cũng nên phối hợp với gia đình chặt hơn để khuyến cáo phụ huynh không nên cho con em mình nhiều tiền để tiêu dùng vô tội vạ. Nếu kết hợp được các giải pháp trên, em tin nhất định sẽ thành công" - Dương khẳng định.
-
Nguyệt Minh