- Hai nữ sinh Trường THPT Trần Nhân Tông (Hà Nội) từng gây náo động học đường đầu năm 2010 vì đánh bạn và clip ghi lại vụ việc được phát tán trên mạng, nay đã có nhiều tiến bộ.
HS Trường THPT Trần Nhân Tông trong giờ học thể dục. Ảnh: Nguyễn Hường |
Không đẩy các em ra ngoài xã hội
Năm học 2009 - 2010, Chu Minh Huyền và Vũ Ngọc Diệp đều có học lực yếu, hạnh kiểm yếu và phải học lại lớp 10.
Tuy nhiên, Ban Giám hiệu trường THPT Trần Nhân Tông vẫn quyết định giữ hai em lại, tạo điều kiện để hai em định hình nề nếp và học hành.
TIN LIÊN QUAN: |
Quyết tâm như vậy, nhưng khi nói đến việc sẽ bố trí các em vào học lớp nào, không ít thầy cô băn khoăn và e ngại.
Thầy Đoàn Văn Vinh, nhà giáo có trên 30 năm kinh nghiệm trong nghề, đã chủ động nhận hai nữ sinh vào lớp chia sẻ:
“Dù sao các em vẫn còn là những đứa trẻ, sai thì các em đã sai rồi, bây giờ phải giúp các em làm lại mới là điều quan trọng”.
Thầy quan niệm: Khi các em đang sa vào những thói hư tật xấu thì nhà trường, gia đình phải giang tay dìu dắt, chứ không phải đuổi học để trò sa tiếp vào vực thẳm hư hỏng.
Thầy Vinh khẳng định với cha mẹ của hai nữ sinh: “Mọi chuyện đã qua. Bây giờ đã khép lại trang cũ, năm nay mở ra cho các em một trang hoàn toàn mới.”
Và với giáo viên, thầy cũng thể hiện quan điểm rõ ràng: “Năm ngoái là năm ngoái, năm nay là năm nay. Các thầy cô hãy cho qua những chuyện quá khứ đó và đối xử với các em như những học sinh bình thường khác".
Tinh tế như dạy trò “hư”
Trong mắt thầy cô Trường THPT Trần Nhân Tông (ngôi trường nằm cạnh "chợ trời" ở Hà Nội), việc vi phạm trong năm học trước của hai cô học trò giờ đã lui vào quá khứ. Dù năm ngoái hai em đã làm náo loạn không gian học đường vốn yên tĩnh của trường, nhưng chính các em mới là người chịu sức ép nặng nề nhất.
“Nếu đi kiểm tra qua lớp của hai trò, tôi chỉ lướt qua thôi chứ không bao giờ dừng lại lâu. Dừng lại sẽ khiến các con nghĩ cô lại săm soi xem mình có khuyết điểm gì không, lại sợ sệt và suy nghĩ!”- Cô Lê Thị Minh Hằng, hiệu phó nhà trường, chia sẻ.
Thầy Vinh cho biết, đầu năm học, hai nữ sinh vẫn còn những vi phạm nhỏ như đi học muộn, ngồi trong lớp không ghi bài, nói chuyện riêng. Nhưng gần đây, những chuyện như thế không còn nữa.Trang phục, kiểu tóc của hai cô học trò đã bớt ngổ ngáo, dần đúng chất học trò hơn.
Dạy những học trò đặc biệt, nhiều thầy cô giáo thường hay có thái độ đề phòng hoặc ác cảm. Theo Thầy Vinh, đó là sự tối kỵ.
NHỮNG BỨC THƯ CẢM ĐỘNG |
“Nếu chúng ta luôn đề phòng các em, đi đâu cũng dán mấy chữ học sinh cá biệt lên trán các em, động một chút lại gọi bố mẹ em đến thì sẽ dồn các em sang một thái cực khác.
Các em dễ cảm thấy mình không được tin tưởng, bị ghét bỏ. Nhẹ nhất là sinh ra chán nản, hoặc mạnh hơn là phản ứng tiêu cực và sinh ra những hậu quả tệ hại khác”.
Vì thế, ở trong lớp của thầy Vinh, “các em hoàn toàn bình thường, không có gì phải phân biệt đối xử cả.”
Trải qua hơn 30 năm gắn bó với nghề, đã từng dìu dắt những học trò một thời ngỗ ngược, thầy Vinh chia sẻ: “Sông có khúc, trò có lúc. Chỉ có điều trong giai đoạn khó khăn, gia đình và nhà trường kiên trì đồng hành với các em, để khi đi qua giai đoạn đó, tự các em nhận thấy thật đáng sợ vì mình đã từng có một thời như thế.
Cần phải hi vọng và luôn luôn hi vọng, cần phải bao dung một chút để các em có cơ hội tiến bộ.
Đối với trò cá biệt, cần nhất là gặp được người thầy yêu thương, có tâm với các em thực sự thì nhất định sẽ thay đổi.
Hai cô học trò đang tiến bộ dần. Nhưng thầy Vinh nói: “Sự tiến bộ của các em vẫn chưa định hình vững chắc. Phải hết sức kiên trì để rèn luyện từng thói quen tốt như ghi chép bài học, chú ý nghe giảng, ăn mặc phù hợp, trật tự trong giờ và ứng xử hòa đồng với bạn bè”.
“Điều cần với các em bây giờ là sự ổn định và cố gắng, mong sao sẽ không có những bất thường xảy ra. Các em hiểu được tấm lòng người lớn đối với mình sẽ cố gắng thay đổi!- Thầy Vinh hi vọng.
Phần 2: Thủ thỉ với hai nữ sinh đánh bạn bị ghi hình