-Trong khi cả xã hội phẫn nộ trước vụ cô giáo Nữ, nhóm trẻ mầm non tư thục Hoa Lan (TP.HCM) bỏ bé 4 tuổi vào thang máy để dọa thì rất nhiều sinh viên (SV hệ trung cấp, CĐ mầm non ở Hà Nội không hề biết về thông tin này. Phóng viên VietNamNet đã làm một cuộc điều tra nhỏ về đào tạo giáo viên (GV) mầm non hệ trung cấp, CĐ và ghi nhận được nhiều ý kiến trái chiều xung quanh việc đào tạo GV mầm non.
HS, SV ngành mầm non chỉ biết học!
Trường mầm non thực hành, là nơi thực tập cho các HS, SV hệ trung cấp, cao đẳng của Trường Cao đẳng Sư phạm Mẫu giáo Trung ương, Hà Nội. |
"Em rất ít khi đọc báo trên mạng, thỉnh thoảng em cũng ra mạng nhưng chủ yếu là đi chat thôi. Còn báo thì hầu như không mua."- Thanh Hòa (tên đã được thay đổi), một HS đang theo học hệ trung cấp mầm non, Trường CĐ Sư phạm Mẫu giáo Trung ương (CĐSPMGTƯ) nói.
Tình hình cũng không khả quan hơn đối với các SV đang theo học hệ CĐ của Trường và ĐH Sư phạm Hà Nội.
Một điều thật bất ngờ là kênh thông tin phổ biến nhất đối với giới trẻ hiện nay là mạng Internet thì lại như "của hiếm" đối với các SV trường này, đặc biệt là những bạn sống trong ký túc xá.
Ký túc xá Trường CĐSPMGTƯ hoàn toàn không có Internet. Các HS, SV ở đây cho biết, họ cũng không có nhu cầu sử dụng Internet nhiều. Căn phòng đơn giản với đồ đạc chủ yếu nhất là... giường và một số ít sách vở.
Với sự việc gây chấn động dư luận và mang ý nghĩa cảnh tỉnh đối với các cô giáo mầm non, trên giảng đường, có lẽ cũng rất ít giảng viên đang giảng dạy chuyên ngành mầm non mang nó ra để trao đổi với SV. Vì vậy mới có hiện thực là hầu như không có cô giáo mầm non tương lai nào chúng tôi gặp phát biểu được trước sự việc này.
Trong hiểu biết của các SV đang học ngành sư phạm mầm non, bạo lực với lứa tuổi mẫu giáo gần như không có. Các bạn đều cho biết, môi trường các bạn thực tập không thấy hiện tượng này.
Hầu hết đó đều là những trường mầm non rất uy tín và các cô giàu kinh nghiệm nuôi dạy trẻ. Vậy nhưng đối với nhiều bậc phụ huynh đang có con học mẫu giáo, những sự việc này không phải là hiếm.
Chương trình đào tạo GV mầm non rất toàn diện
Gặp gỡ các cô giáo mầm non tương lai hệ trung cấp và cao đẳng, chương trình học cho thấy các cô được đào tạo rất toàn diện, từ giáo dục, chăm sóc, phát triển thể chất, tâm lý trẻ em từ 0-6 tuổi đến các kỹ năng giải quyết các tình huống trong quá trình nuôi dạy và chăm sóc trẻ trong nhà trường. Cuốn giáo trình nổi bật nhất mà HS, SV ngành mầm non phải học là Tâm lý học trẻ em lứa tuổi mầm non, bên cạnh cuốn Tâm lý đại cương.
Một điều đặc biệt là trong quá trình giảng dạy, phương pháp giáo dục trẻ và ổn định lớp học không hề tồn tại các phương pháp dọa nạt trẻ kiểu như: "Con không ăn cô sẽ đưa xuống cho bác sĩ tiêm đấy", "con mà nói nhiều thì sẽ bị cắt lưỡi", hoặc chỉ cần một cái "lườm" hay một lời quát của cô đủ cho cả lớp phải "im re". Phạt trẻ bằng nhiều hình thức như cho đứng góc lớp, nhốt vào nhà vệ sinh... cũng nằm ngoài những phương pháp các cô giáo mầm non tương lai được học.
Thậm chí, Thanh Hòa, SV hệ trung cấp mầm non còn nhấn mạnh: "Cô giáo luôn dặn chúng tôi tuyệt đối không được dọa trẻ, khiến các em sợ đến trường, sợ thầy cô giáo.
Nhiều lần dọa trẻ sẽ khiến các em sợ hãi và trở nên nhút nhát hoặc đêm về ngủ mơ, ngủ không ngon giấc, ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ".
Như vậy, dọa trẻ, "ra oai" với trẻ, phạt trẻ bằng nhiều hình thức khiến trẻ phải sợ và nghe lời là những phương pháp do các cô giáo mầm non trong quá trình làm việc tự "sáng tạo" ra.
Và thực tế, các cô được học xử lý tình huống trong nuôi dạy trẻ mẫu giáo rất ân cần và đầy tình yêu thương đối với trẻ. Những tình huống thường gặp như trẻ biếng ăn, trẻ nghịch ngợm, không chịu ngủ... đều được các cô giáo đưa ra những cách giải quyết rất khéo léo.
Một HS hệ trung cấp mầm non - CĐSPMGTƯ chia sẻ từ những gì được học: "Nghề nuôi dạy trẻ thực sự là nghề luôn "bám sát đối tượng" về cả tâm lý lẫn thể chất".
Trong từ điển của cô nuôi dạy trẻ luôn sẵn sàng với hai từ: gần gũi và yêu thương trẻ. Nếu trẻ có tài năng, phải tìm cách để phát triển tài năng của trẻ. Nếu trẻ ít nói, cô phải gần gũi, quan tâm và chia sẻ với trẻ nhiều hơn để trẻ bớt nhút nhát, hòa đồng và nói nhiều hơn. Nếu trẻ hư, nghịch ngợm thì không được ra lệnh cấm đoán mà phải tìm hiểu vì sao trẻ hư, phối hợp cũng với gia đình để cùng giáo dục trẻ.
Tương tự như thế, những điều thường gặp như trẻ biếng ăn, sợ ăn, các cô sẽ chia bữa ăn ra làm nhiều bữa nhỏ, chia bát to ra nhiều bát bé hơn để trẻ có cảm giác mình chỉ phải ăn ít. Trẻ quậy phá lại cần được quan tâm nhiều hơn để các em biết mình luôn được chú ý và yêu thương..v..v..
Tuy vậy, khi đặt mình vào trường hợp của cô giáo ở trường mầm non Hoa Lan, các SV đều không biết được mình sẽ giải quyết tình huống đó như thế nào, vì chưa đứng trong trường hợp đó bao giờ.
Nhiều kiến thức về tâm lý trẻ em được học từ năm thứ nhất đến giờ đã "quên mất" hoặc không chắc chắn. Khoảng cách từ lý thuyết được học đến thực hành vẫn là một điều khó vượt qua, mặc dù lý thuyết và các kỹ năng nuôi dạy trẻ được đào tạo khá bài bản.
Lương thấp, nhưng tạm hài lòng!
Khi được hỏi mức lương thấp có làm các HS, SV ngành mầm non nản chí không, các bạn đều cho rằng mức lương 2,5 triệu là niềm mơ ước, còn khoảng 1,5 triệu cũng tạm được. Một số bạn cho rằng, cũng không dám mơ lương cao, vì ngành giáo dục nơi nào cũng thế.
Các bạn đồng ý với nhau về chuyện đã là giáo viên thì cái tâm và lòng yêu trẻ sẽ giúp các bạn vượt qua mọi khó khăn về vật chất.
Nhiều bạn bước chân vào ngành mầm non vì thích trẻ con thực sự, nhưng có bạn vì trượt ngành yêu thích nên phải vào học ngành mầm non, hay đơn giản là gia đình mong muốn bạn trở thành cô giáo dạy trẻ.
Trong vai SV tốt nghiệp ngành trung cấp và cao đẳng mầm non đi xin việc tại một trường mầm non tư thục khá tiếng tăm ở Hà Nội, có cơ sở vật chất hiện đại, chúng tôi được biết, sau khi nộp hồ sơ, qua vòng phỏng vấn miệng, nếu được nhận sẽ dạy thử một tháng.
Sau một tháng, nếu đứng lớp được, có thái độ cư xử tốt với HS và dạy tốt, chúng tôi sẽ được ký hợp đồng chính thức, mức lương thử việc là 1,7 triệu đồng/tháng.
Sau khi ký hợp đồng, SV tốt nghiệp hệ cao đẳng sẽ nhận mức lương cao hơn hệ trung cấp, cụ thể hệ số lương của bậc trung cấp là 1,8- 1,9, hệ số lương của bậc cao đẳng là 2,1- 2,4.
Người tuyển dụng trường này cho biết, nếu muốn đạt mức lương khoảng 5 triệu đồng/tháng thì phải phấn đấu lên làm quản lý, còn là GV mầm non thì không thể đạt mức lương như vậy, cho dù có dạy giỏi tới mức nào.
Người tuyển dụng còn cho biết thêm, SV tốt nghiệp hệ cao đẳng mầm non vẫn được đánh giá cao hơn hệ trung cấp, vì họ được đào tạo kỹ hơn, có chiều sâu hơn, hiểu biết cặn kẽ hơn và trên thực tế, làm việc tốt hơn.
-
Tú Uyên - Nguyễn Hường
Bác sĩ Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng T4- Nghiện chất- Viện Sức khoẻ Tâm thần - Bệnh viện Bạch Mai: Trường hợp của cô giáo Trần Thị Xuân Nữ một lần nữa cho thấy chất lượng đầu vào giáo viên của các trường mầm non tư thục cần được kiểm định chặt chẽ. Cô giáo Trần Thị Xuân Nữ đặc biệt thiếu kỹ năng nuôi dạy và chăm sóc trẻ, rất thiếu kiên nhẫn và không hiểu tâm lý của cháu bé để giáo dục cháu. Về mặt tinh thần, cô giáo không kiểm soát được hành vi, để bản năng con người vượt quá tầm kiểm soát. Nhưng điều quan trọng nhất ở đây, cô Trần Thị Xuân Nữ đã thiếu mất cảm nhận chiều sâu về nghề nghiệp của mình. Cô giáo làm việc tất cả vì tiền, nhận hợp động vì tiền và thu được kết quả bằng bất cứ giá nào và phương pháp gì. Dạy trẻ là một nghề khó, nuôi dạy trẻ mầm non còn khó hơn rất nhiều, đòi hỏi cô giáo phải có tình yêu nghề, yêu trẻ bằng cả cái tâm trong sáng thì mới có thể chinh phục được những đứa trẻ vốn rất nhạy cảm và tinh tế hơn những gì chúng ta nghĩ. Các bậc cha mẹ cũng cần phải xem xét lại việc gửi con ở đâu, thay vì chỉ cần có người trông con. Chính phụ huynh không biết ngôi trường đó chuyên môn sâu như thế nào mà chỉ biết giao mọi trách nhiệm trong giờ cho cô giáo, để họ "trông con" là chính chứ không phải chăm sóc, dạy dỗ nên không tham vấn cho cô giáo rằng con tôi như thế nào, cá tính ra sao. Sự việc này một lẫn nữa cho thấy sự quản lý lỏng lẻo của các ngành chức năng trong việc quản lý chất lượng của các trường mầm non tư thục.