- Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, Hồ Bích Ngọc (du học sinh trường INSA de Rouen, Pháp) cũng như nhiều du học sinh khác nuối tiếc vì không được "tắm mình" vào không khí của Đại lễ. Ngọc xa Hà Nội đã được 2 năm. Những ngày này, không khí chào mừng Đại lễ tràn ngập các báo làm cho nỗi nhớ của Ngọc càng sục sôi hơn.
XEM CLIP DIỄU BINH ĐẠI LỄ TẠI ĐÂY
Ngọc chia sẻ: “Thèm được về nhà quá! Cảm giác như Hà Nội sắp đón Tết ấy. Nhưng mùng Một Tết Hà Nội không náo nhiệt như bây giờ. Mình không thích Hà Nội quá ồn ào".
Tiếc vì không thể về, Ngọc càng nhớ Hà Nội hơn: “Nhớ nhất là sự tấp nập của phố cổ. Mình có sở thích là gửi xe trên phố Cầu Gỗ rồi đi bộ lòng vòng. Thực ra cũng chẳng có gì để xem, chỉ là hàng quán nối tiếp hàng quán.
Nhưng đặc biệt ở chỗ, đi vào một phố nào đó chỉ cần ngửi bằng mũi thôi mình cũng có thể biết đó là phố nào. Phố Thuốc Bắc có mùi thuốc rất thơm, phố Hàng Mành có mùi bún chả, phố Hàng Than có mùi bánh cốm, phố Hàng Đường có mùi ô mai,...Những thứ đó khi ra nước ngoài ta không thể nào gặp được”.
|
Du học sinh Lê Gia Lệ Thi (thứ 2 bên trái): "Em mong muốn Hà Nội sẽ luôn êm ấm, nhân hậu, đầy yêu thương và chở che để những đứa trẻ như chúng em trưởng thành mà không có gì phải nuối tiếc. Hà Nội của 1000 năm sau vẫn sẽ giữ được những vẻ đẹp cổ kính, lắng sâu như 1000 năm trước. Hà Nội của 1000 năm sau sẽ có những môi trường học tập tốt nhất để những đứa trẻ sau này sẽ không phải đi xa mà vẫn được hưởng thụ những giá trị giáo dục và tinh thần tốt nhất
|
Lê Thi vừa xa Hà Nội để sang học một trường THPT ở Huntington Beach, California (Mỹ) nên nỗi nhớ Hà Nội của cô gái 15 tuổi này càng tha thiết. Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, không khí mùa thu là điều gắn bó với cô nữ sinh này nhất.
“Vì mùa thu là mùa có sinh nhật mẹ và cả nhà luôn luôn được xuống phố để rồi được ăn những món ăn nóng hổi bốc khói nghe ngút” . “Còn một điều rất nhớ nữa là mùng 1 Tết, em được mặc áo dài để đi chúc tết bà ngoại, được ăn bánh trưng do mẹ nấu, được ăn cá kho do ba làm, và ăn khoai lang ldo anh chị luộc…”
Điều khiến Thi luyến tiếc là trong chuyến đi học nhiều năm nay, em chỉ có thể mang đến nước Mỹ chiếc áo dài, nhưng những gì thân thương nhất của Hà Nội vẫn lắng đọng trong trái tim.
Cũng xa nhà, Nguyễn Duy Phong (du học sinh trường Đại học Vân Nam, Trung Quốc) càng tiếc hơn khi không thể về nước mừng Đại lễ. “Mình đã dành dụm tiền và lên kế hoạch bay về Việt Nam vào dịp này nhưng không ngờ lịch học lại thay đổi.
Tiếc lắm chứ, vì nghìn năm mới có một lần. Nhưng bố mẹ bảo việc học vẫn là quan trọng nhất. Thế là đành ngập ngùi ngồi chat với bạn bè, bảo tụi nó đi chơi rồi gửi ảnh qua cho đỡ nhớ”, Phong chia sẻ.
“Nếu bây giờ mà ở nhà thì mình đã vi vu phố cổ, lượn Bờ Hồ, overnight (thâu đêm) luôn í chứ. Mình có nhóm bạn vẫn thường tụ tập overnight vào những dịp lễ, tết. Chúng mình không đi nhảy nhót, bia bọt gì đâu, chỉ đi loanh quanh phố cổ để chụp ảnh thôi. Đơn giản vì thích Hà Nội về đêm”, Phong chia sẻ thêm.
"Tôi mơ về Hà Nội..."
1. Châu Dứa ( Đang học tập và sinh sống tại Nhật Bản)
Mình sinh ra và lớn lên ở Hà Nội nên vẫn luôn nhớ về. Nhớ nhất là mùa thu Hà Nội vì mùa thu đẹp và gắn với nhiều kỷ niệm.
Thời gian này bố mẹ thường xuyên gọi điện cho mình vì thương con không được đón không khí nghìn năm. Sự phấn khởi của các cụ khiến mình rất vui. Các cụ cao tuổi vẫn thường có những tình cảm thuần khiến như thế.
|
Châu Dứa |
Mong là những người trẻ tuổi như mình sẽ luôn giữ được tình yêu với Hà Nội như thế hệ đi trước và sẽ làm nhiều điều thiết thực hơn. Đơn giản như việc hành xử có ý thức, văn minh hay lớn hơn là góp sức xây dựng những công trình thực sự có ý nghĩa đối với Hà Nội.
Điều khiến mình mừng nhất là dịp này Hà Nội đã khởi công xây dựng tuyến tàu điện đô thị đầu tiên ở Việt Nam. Mỗi lần đi tàu điện ở bên Nhật mình đều mong Hà Nội sẽ có những chuyến tàu tiện lợi như thế. Hi vọng nó sẽ sớm được hoàn thiện và đưa và sử dụng để giúp người Hà Nội đi lại đỡ vất vả hơn.
Mình mong Hà Nội sau này sẽ là thủ đô giàu đẹp xứng với tầm vóc của nó. Và một văn hoá Hà Nội đích thực sẽ được người ta vun đắp, gìn giữ và thậm chí dũng cảm xây dựng lại từ bây giờ.
2. Nguyễn Thu Hà- 23 tuổi- ĐH Công nghệ Hoa Đông- Thượng Hải- Trung Quốc
Những ngày này tôi thấy bồi hồi và rất nhớ Hà Nội. Hai năm không về, Hà Nội hẳn đổi thay rất nhiều.
|
Nguyễn Thu Hà |
Qua báo chí, mạng internet thấy diện mạo Hà Nội thật đẹp, thật rực rỡ, trong lòng rất tự hào và phấn khởi. Nhưng cũng những hình ảnh ấy khiến tôi càng nhớ về Hà Nội.
Tôi đặc biệt nhớ những món ăn chỉ Hà Nội mới có. Những ngày này nghe tin về đại lễ trong lòng nôn nao khó tả, chỉ ước được “bay” về với thủ đô… Chỉ ước được cùng cả nhà đi ra Hồ Gươm, ngắm pháo hoa, chào Hà Nội trong tuổi 1000…
Tôi mong Hà Nội ngày càng phát triển về mọi mặt kinh tế, văn hóa. Cái nghèo sẽ không còn hiện diện ở thủ đô nghìn tuổiI, ý thức người dân cũng từng bước nâng cao. Hà Nội tương lai gần không còn ngập lụt, tắc đường, quảng cáo lem nhem nữa.
Và tương lai xa, Hà Nội sẽ trở thành một thủ đô giàu mạnh, một thành phố vừa hiện đại, vừa bảo tồn được những nét văn hóa đặc sắc không dễ gì bị “hòa tan”.
3. Phan Doãn Phúc, 20 tuổi, Đại học Ngoại ngữ Tokyo, Nhật Bản
Những ngày nà,y tôi thường hay nghe các ca khúc viết về Hà Nội. Mỗi bài hát lại gợi nhắc tôi về thủ đô thân yêu. Tôi có thể mường tượng ra những con phố quen thuộc: Phan Đình Phùng- Hoàng Diệu- Hoàng Hoa Thám rợp bóng cây…
|
Doãn Phúc |
Nhật Bản mùa này đang mưa, khiến tôi nhớ nao lòng những cơn mưa Hà Nội. Nhớ nao lòng những chiều ra bãi sông Hồng cưỡi ngựa với người ấy. Những kỉ niệm đẹp vừa gần, lại vừa xa xôi vời vợi.
Ngày nào tôi cũng phải cập nhật thông tin về hoạt động của Đại Lễ qua mạng. Là một công dân thủ đô, tôi thực sự rất tự hào trước dấu mốc 1000 năm Thăng Long- Hà Nội. Mong rằng người Hà Nội ngày càng ứng xử và nâng cao ý thức để xứng đáng hơn với bề dày nền văn hiến 1000 năm ấy.
Giao thông Hà Nội thực sự là một nỗi ám ảnh lớn với tôi. Vì thế, hi vọng sau sáu năm nữa khi hoàn thành chương trình học, giao thông Hà Nội đã được cải thiện hoàn toàn.
Nếu được tưởng tượng về Hà Nội một ngàn năm nữa, với tôi đó sẽ là một thành phố vì hòa bình, một Hà Nội hiện đại nhưng vẫn giữ được những nét cổ kính và bản sắc.
|