221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
1313631
"Anh thưa em!"
1
Article
null
'Anh thưa em!'
,

- "Anh thưa em" là một tình huống sư phạm mà tôi đã gặp ngày mới ra trường. Bài viết nhỏ này, tôi đã từng đăng ở một tờ báo ngành. Nay, tôi muốn gửi đến VietNamNet như một lời tâm sự trên diễn đàn "Ứng xử các tình huống trong sư phạm". Bài viết có tiêu đề: "Niềm hạnh phúc giản dị".


Mô tả ảnh.
Ảnh: Bảo Anh.
Một lần đến giao dịch tại ngân hàng, khi đang chờ đến lượt, một chàng trai dáng vẻ thanh nhã đến bên tôi, lịch sự:

- Xin lỗi cô, cho em hỏi cô có phải là cô… không ạ?

Vừa cố xác nhận, tôi vừa tích cực lục tìm trong trí nhớ, nhưng chàng trai đã tiếp tục:

- Em là Tuấn Anh, học lớp 9A trường… năm cô mới ra trường đã dạy chúng em.

Ôi, ra vậy, cô trò nhận nhau tay bắt mặt mừng, lập tức những gương mặt ấn tượng của lớp 9A năm đó lướt qua trong trí nhớ tôi.

Và em, em có biết rằng, cuộc gặp gỡ vô tình này đã khiến tôi tự tin hơn, hạnh phúc hơn, cũng từ đó trong hành trang nghề nghiệp của tôi có
thêm một niềm tự hào nho nhỏ mà vô cùng quý giá!

- Cô ơi, cô chính là thần tượng của bọn em ngày đó đấy!

- Vậy ư, em có khen cô quá lời không đấy?

- Không đâu ạ, dù chỉ là trẻ con nhưng chúng em vẫn nhận thấy cô có gì đó không giống với thầy cô khác khiến chúng em không dám quậy phá, chỉ
sợ cô buồn.

- Thật sao, thảo nào cô thấy lớp mình dạo ấy ngoan thế, và rất người lớn nữa?

- Cô ạ, sau đó và hôm nay gặp lại cô, em vẫn nhận thấy thế và em biết cái khác đó là gì.

- Cô thì không biết và cô đang rất muốn nghe đây.

- Bình thường thôi cô ạ, nhưng không phải với ai chúng em cũng có cảm giác được là bạn như với cô, và thế là chúng em tự thấy thân thuộc và gắn bó dù không được gặp cô nhiều.

Tuấn Anh, cậu trò nhỏ nhút nhát của lớp 9A cách nay mười bảy năm, hôm nay gặp lại, em đã là một chàng trai tuấn tú và thành đạt, vẻ tự tin và chân
thành của em khiến tôi xúc động và ngạc nhiên nữa.

Tôi thường nhớ lại những ngày mới ra trường với bao cảm xúc buồn vui lẫn lộn. Đã không ít lần, trong tôi xuất hiện ý nghĩ băn khoăn về con đường mình đi, nên bước tiếp hay rẽ sang ngả khác? Tôi đã làm được gì, sẽ làm được gì và có thể làm được gì, khi mà tôi chỉ là một cô giáo dạy “môn phụ”? Cơ hội nào cho tôi thỏa mãn ước vọng đây?

Lớp 9A năm đó đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng đẹp, vui, bất ngờ.. đủ để mỗi khi nhớ lại tôi có thể mỉm cười hạnh phúc và thanh thản.

Này là Anh Thư, cô bé có gương mặt đẹp thánh thiện như Đức Mẹ, nhút nhát một cách dễ thương. Này là Dũng Rô, nghịch lắm nhưng rất thông
minh. Rồi còn Dũng Béo nữa, hay xung phong hát mẫu bằng cái giọng ồm ồm khiến cả lớp nhiều phen cười nghiêng ngả. Cô bé lớp trưởng Huyền Đen chả hiểu sao lớp răm rắp gọi bằng chị kể cả những cậu bé ngỗ ngược nhất, nàng Hương quản ca lúc nào cũng điệu đà như tiểu thư…

Và đây, một giờ học khác, sau khi đã kiểm tra bài cũ và giới thiệu bài học hôm nay, tôi quay lên ghi đầu bài, bỗng một tiếng nói dõng dạc cất lên:

- Anh thưa em!

Người nóng ran, một tình huống không bao giờ ngờ tới nhưng tôi không thể không quay lại, lớp im phắc, một vài ánh nhìn cô giáo thăm dò. Quay
lên viết tiếp, tiếng nói lại cất lên, ba lần như vậy.

Chút lúng túng thoáng qua, tự nhiên, tôi thấy vui vui, thanh thản và nhẹ nhõm đối diện với học trò:

- Ai mà lịch sự với bạn gái quá vậy?

Cả lớp òa lên, tiếng cười rinh rích của nhóm con gái, cười phá lên của bọn con trai, một vài khuôn mặt đỏ bừng phẫn nộ:

- Thưa cô, bạn Dũng Rô trêu cô đấy ạ!

- Vậy ư, chắc bạn thấy cô giống bạn gái mình nên thốt lên vậy chứ gì? Lúc nào Dũng kể cô và các bạn nghe chuyện bạn gái nhé!

Cậu bé lém lỉnh, ngỗ ngược đang tính trêu cô bị cô trêu lại, mặt đỏ lựng, nhìn cô ngượng nghịu.

Tôi biết, rất có thể một cách ứng xử khác sẽ khiến em là kẻ mắc lỗi, thực lòng tôi luôn coi học trò như em mình, con mình vậy, mình sẽ luôn phải
chứng kiến và thậm chí là đối tượng của những hành vi không ngờ tới nên luôn nhắc mình giữ cho “cái đầu lạnh” trong mọi tình huống.

Tôi đã yêu, đã trân trọng và tự hào biết bao về nghề, những thành quả lao động và về tình yêu của học trò với mình… Tôi đã từng rưng rưng bao lần khi tên của học sinh tôi được xướng lên ở thời điểm quan trọng nhất trong các cuộc thi Sơn ca Thành phố. Tôi từng hạnh phúc và nghẹn ngào thế
nào khi học sinh tôi rộn ràng lộng lẫy trên các sân khấu của thành phố mùa hội diễn.

Tất cả những hào quang đó lắng lại rất nhanh trong tôi, vậy mà, nỗi mặc cảm “môn phụ” thì lại luôn đeo bám không khi nào nguôi? Có lẽ, bởi đó mới là thực tế mà hàng ngày tôi phải đối mặt và dũng cảm vượt qua.

Có một nhà giáo đã nói: “Nếu không được làm nghề mình yêu thì hãy cố gắng yêu nghề mình phải làm!”- có lẽ chính tôi đã luôn phải nhắc mình như
vậy.

Thật may mắn cho tôi, vì nghề này sản phẩm của lao động là con người, mà là giai đoạn trong sáng vô tư nhất của con người, nên khi đối diện với
sản phẩm quý giá ấy người lao động cũng luôn cảm thấy nghề mình cao quý, công việc là cao quý để có thể quên đi những ưu tư khác.

Tôi đâu dám nghĩ sẽ là thần tượng của ai, nhất là với đám học trò giỏi giang, hiếu động, xinh đẹp như thiên thần kia. Vậy mà sau mười bảy năm, tôi vui buồn, vất vả nếm trải, em đã mang đến cho tôi phần thưởng quá lớn. Và hơn hết, cho tôi cảm nhận mình đã đúng về phương châm nghề nghiệp - bất kể tôi là ai, dạy môn gì, đứng trước học trò phải tôn trọng chúng và tự trọng mình! Tôi cảm thấy mình được nhìn nhận xứng đáng. Với tôi, điều đó đáng giá hơn mọi cám dỗ vật chất.

Tuy nhiên, tôi không quá ngộp thở bởi niềm hạnh phúc này vì biết rằng, con mắt các em thật thơ ngây và thánh thiện. Vì thế, đừng bao giờ để thần tượng của các em bị sụp đổ hay bôi bẩn lên đó.

Không phải đời lúc nào cũng vui, cũng có những học trò, thậm chí đã trở thành đồng nghiệp với tôi. Nhưng khi gặp lại cô giáo cũ, em coi như không quen, và điều ấy đã khiến tôi cảm thấy bị tổn thương không ít.

Nhưng thực lòng tôi vẫn nghĩ, có thể em cho rằng nếu em có nhận, tôi cũng không thể nhớ được em là ai? Suy nghĩ ấy khiến lòng tôi thanh thản hơn!

Vậy đấy, đã hơn hai mươi năm trong nghề, cũng nhiều khi tưởng chừng mệt mỏi, thử hình dung mình có thể làm việc gì khác khả dĩ thu nhập cao hơn, lại không nhất thiết phải “mô phạm” hay “chuẩn mực” gò bó… Và tôi nhận ra rằng, mình đã quen quá, gắn bó quá với nghề dạy học rồi. Nếu phải rời xa sách vở giấy mực, rời xa những trăn trở suy tư về học trò, tôi sẽ thật bơ vơ!

  • Tiêu Dao (Đống Đa, Hà Nội)

********************************

Là giáo viên, đã từng hay đang là học sinh, hoặc là phụ huynh, hẳn bạn đã từng biết tới các tình huống sư phạm. Mời bạn đọc tham gia giới thiệu các tình huống ứng xử sư phạm ấn tượng mà mình đã từng biết, từng trải qua. Các bài viết chưa đăng tải ở báo nào, được chọn đăng sẽ có chế độ nhuận bút. Mời quý vị gửi bài viết theo địa chỉ email: bangiaoduc@vietnamnet.vn hoặc: Ban Giáo dục, Báo Điện tử VietNamNet, 141, phố Bà Triệu, Hà Nội. Cảm ơn các bạn.

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,