Nhân dịp có cô em bà xã tôi tên là Yến, từ Hà Nội vào, bà con họ hàng mời tới để gặp mặt. Biết làm gì hơn là tổ chức một bữa tiệc!
Bà bác đưa ra ý kiến: “Thôi, các cháu cứ ở nhà, bác qua đón bằng taxi rồi tất cả ra nhà hàng ăn một bữa vui vẻ”.
Cô Yến này cả đời tằn tiện, lại không đi làm, sống bằng tiền trợ cấp về hưu non một lần (không rõ chính sách hồi nào, chỉ biết về hưu mất sức được lĩnh một món tiền rồi thôi, không ai lo cho nữa) nên sống rất tiết kiệm. Ai lỡ bước ra khỏi phòng tắm mà quên tắt điện là bị cô nói lên nói xuống. Đi đến nơi nào lạ là cô nhờ người quen chỉ cho bến xe bus, nói rằng vừa đỡ tiền vừa ngồi ung dung, an toàn.
Cô cho biết ở Hà Nội, cô toàn đi xe bus và thuộc làu các số xe, tuyến đường.
Bà xã tôi thì đã quen “nhanh gọn”, hở chút là taxi hoặc xe ôm, riêng xe ôm có phần thuận lợi hơn, không sợ kẹt xe.
Hễ kẹt một cái là ông xe ôm thuộc hết các con hẻm đi tắt, nhanh chóng thoát khỏi đám đông đưa khách về đến nơi an toàn.
Bà xã tôi còn nói: “Với lại, taxi họ chảnh lắm, hễ mưa gió khó khăn, lễ lạt một cái là không tìm đâu ra taxi, xe nào cũng đầy khách. Trong khi xe ôm thì tìm thấy rất dễ dàng. Ở Sài Gòn thì chỉ có khách đi vé tháng, sinh viên, người về hưu mới đi xe bus. Phải chờ lâu, lại còn phải đi bộ, có khi phải đỏi xe tới hai, ba chặng mới tới nơi. Tiết kiệm được chút tiền thì lại mất cả buổi trời. Mà thời giờ là vàng bạc, thời giờ làm ra tiền…”.
Cứ mỗi người một quan điểm như thế là đủ để om xòm cả nhà rồi. Đến khi cô Yến được mời đi ăn nhà hàng lại xảy ra “chiến tranh” nữa.
Cô Yến nói: “Em ghét nhất là ra nhà hàng. Nhất là khi cô ấy thấy cái tờ hóa đơn thanh toán tiền thì …càng ghét. Bởi chỉ cần cho cô một nửa số tiền đó,cô sẽ nấu cho cả nhà một bữa tiệc đầy đủ, ngon lành. Bà bác phải giải thích: “Đời sống bây giờ là thế cháu à. Dịch vụ nhiều và tiện lắm. Có đắt một chút cũng phải thôi…".
Đang bí không biết đãi cô Yến ra sao thì con gái của bác tôi nói: “Mẹ đừng đi nhà hàng, để mời chị đến nhà con. Con làm một xíu xong liền, lại vui nữa”.
Bây giờ có phụ nữ lứa tuổi trung niên, dân văn phòng sành điệu lại dám mời khách tới nhà?
Thường thì người ta không thích mời khách đến nhà - chốn riêng tư của mỗi gia đình, có gì cứ mời đi nhà hàng cho khỏe.
Với lại, họ có biết nấu nướng gì đâu. Thế hệ không vào bếp mà. Trong bếp của họ nếu không là mẹ, là dì thì cũng là ôsin. Cô nào cũng diện thời trang, dùng đồ hiệu, hễ hỏi đến sở thích thì thế nào cũng nói rằng thích thời trang mua sắm du lịch chứ chẳng mấy người nói thích nội trợ, thích chăm sóc người khác…
Thế nên khi cô con gái của bà bác đưa ra sáng kiến “đến nhà con” thì ai cũng vừa mừng vừa ngạc nhiên. Mừng vì cô Yến thoát nạn đi nhà hàng, ngạc nhiên vì “cô trung lưu văn phòng” thuộc giới thạo tiếng Anh, vi tính lại sẵn sàng phục vụ, mua mệt vào mình như vậy.
Bà chủ trẻ đãi món cuốn với cá hấp, môt phần món thịt heo rừng do cô quay lấy, và kết thúc là nồi bún riêu cua, ăn thật đã. Mọi người tíu tít ôn lại chuyện xưa.
Đang vui vẻ thì đứa con gái của chủ nhà đi học về. Con bé chạy lên lầu thay quần shorts, ôm cái vi tính và điện thoại cho bạn tíu tít.
Khi mọi người gọi xuống ăn cơm chào khách, thấy con bé không xuống, bà chủ nhà nói: “Thôi mọi người cứ ăn đi. Tụi nó sinh hoạt không giống mình”.
Rồi bà chủ trẻ nói với mẹ mình: “Mẹ thấy không, thế hệ của bà của mẹ đảm đang nhưng ít được học hành. Thế hệ con của con thì học nhiều nhưng lại không biết làm gì. Chỉ có lứa của con và chị Yến, thế hệ vàng khoảng 45 - 55 tuổi là vừa có học vừa biết nội trợ, lại vừa giữ được tình nghĩa. Thật hiếm hoi. Thế hệ vàng bây giờ hết rồi, biến mất rồi, thấy không?”.
(Theo Doanh Nhân Sài Gòn Cuối Tuần)