Sẽ trả lương giảng viên theo hiệu quả giảng dạy

Cập nhật lúc 06:28, 13/10/2010 (GMT+7)

- Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân vừa có yêu cầu cơ sở giáo dục đại học sẽ thí điểm trả lương cho cán bộ, giảng viên gắn với nhiệm vụ, hiệu quả lao động giảng dạy và nghiên cứu khoa học.


Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ làm việc với khoảng 30 cơ sở giáo dục đại học về việc thực hiện khung học phí mới.

Đặc biệt, cần có sự đánh giá rõ ràng để có chế độ ưu đãi, khuyến khích cụ thể đối với những người làm tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Kết quả đánh giá cán bộ, giảng viên của trường cần được cụ thể hóa thành tiêu chí trong việc xét nâng lương, khen thưởng và các chính sách hỗ trợ khác.

Phó Thủ tướng yêu cầu, mỗi trường cần xây dựng một số ngành mũi nhọn của trường với sự ưu tiên đầu tư cần thiết để các ngành đó sớm trở thành ngành đào tạo chất lượng cao, tiếp cận trình độ khu vực và thế giới, là hình mẫu về quản lý đào tạo, phát triển ngành.

Cổng thông tin Chính phủ dẫn một văn bản thông tin, Phó Thủ tướng đã chỉ đạo các trường tổ chức tọa đàm, trao đổi trong sinh viên về chủ đề "Nói không với học tập vì bằng cấp mà phải vì lập nghiệp của bản thân và vì trách nhiệm với đất nước".

Trong năm học 2009-2010, đã có 245 trường cam kết về chất lượng đào tạo công bố với xã hội; 218 trường tổ chức rà soát, bổ sung chiến lược phát triển; 183 trường xây dựng và công bố được chuẩn đầu ra. Mục tiêu năm học này, tất cả các trường công bố chuẩn đầu ra đối với tất cả các ngành đào tạo và công bố cam kết chất lượng đào tạo.

Sau khi đăng tải loạt bài về thu nhập của giảng viên, giáo viên, VietNamNet đã nhận được nhiều phản hổi từ bạn đọc. Đa số bạn đọc cho rằng, giảng viên ĐH, CĐ cũng “miệt mài” làm thêm để kiếm tiền. Trong số đó, có không ít người kiếm được nhiều tiền từ việc làm thêm. TP HCM là địa bàn đầu tiên trên cả nước đưa giảng viên ĐH vào danh sách những đối tượng phải nộp thuế thu nhập cá nhân.

  • Phạm Duyên

Ý kiến của bạn

Ý kiến bạn đọc

TKH, 11:38, 13/10/2010

Khi nào giảng viên và giáo viên sống được bằng lương thì hãy nói đến chuyện trả lương cho giảng viên thông qua việc đánh giá chất lượng bài giảng. Cái chúng ta cần là sự đồng bộ chứ không phải sự chắp vá.

Ngọc Tuấn, 43 Hoang Dieu, quan 4, 11:38, 13/10/2010

Bà xã của tôi là một giáo viên cấp 3, nên tôi cũng biết một ít về cách đánh giá hiệu quả giảng dạy của giáo viên. Giáo viên được đánh giá dựa vào kết quả học tập của các học sinh, và cụ thể là điểm của các em. Và điều này tạo ra một số tiêu cực:

- Các thầy cô chạy theo thành tích, cho các em điểm cao để được đánh giá tốt.
- Các thầy cô bằng cách này, hay cách khác tranh nhau lớp chọn, lớp giỏi để dạy.
- Các thầy cô tổ chức dạy thêm, học thêm, cho học trò làm bài tương tự hoặc giống bài kiểm tra sắp tới.

Ngay cả việc đánh giá giáo viên vẫn chưa ổn, thì việc trả lương dựa vào đó càng bất ổn hơn nhiều?!?

Nhân tiện, tôi xin có vài dòng về tiền lương giáo viên và những tiêu cực trong ngành giáo. Gia đình tôi có 4 người là giáo viên, 3 người dạy ở tỉnh và bà xã tôi dạy ở thành phố HCM. Anh chị tôi ở tỉnh vẫn sống tốt bằng mức lương của giáo viên vì họ dạy cũng được 15-20 năm rồi, và họ cũng mở một vài lớp dạy thêm để thu nhập.

Riêng vợ tôi, mặc dù đã tốt nghiệp thạc sĩ, lương của cô ấy chỉ khoảng 2 triệu, chưa được 1/10 lương của tôi. Vậy thì, có cách nào để giáo viên có thể sống bằng chính sức lao động của mình??? Đó là:

- Bỏ nghề giáo, tôi biết rất nhiều người đã bỏ nghề vì không thể nuôi sống gia đình bằng nghề giáo. Tôi và vợ tôi đôi khi cũng nghĩ đến điều này.
- Tổ chức dạy thêm, hoặc dạy ở các trung tâm. Trường hợp này quá phổ biến ở Việt Nam hiện nay.

Về mặt cá nhân, tôi nghĩ những ai đã chọn ngành giáo thì phải có cái tâm. Chính vì điều này, tôi chưa bao giờ khuyến khích vợ tôi dạy thêm, và cô ấy cũng chưa bao giờ làm điều đó.

Nhưng thực tể, cái tâm không thể nuôi sống họ được. Vậy chúng ta có nên trách họ? Hồi còn là một cậu học sinh cấp 2, tôi đã từng bỏ học một vài môn khi giáo viên môn đó đối xử không công bằng với các bạn không đi học thêm. Bây giờ, thế hệ trẻ của chúng ta cũng đang chịu những điều tương tự. Thật tội nghiệp các em!

Đôi dòng suy nghĩ của một người có vợ và anh em làm trong nghề giáo.

Ngọc Tuấn.

innovation, Hà Nội, 09:30, 13/10/2010

Khó hơn cả mò kim đáy biển. Việt Nam ta vẫn đang trọng bằng cấp và các mối quan hệ phức tạp để có lương và thù lao cao.

Trần Ngọc Thạch, 109G/2 Trần Hưng Đạo, Qui Nhơn, 08:47, 13/10/2010

Liệu có thể xem GD bậc ĐH & CĐ là một ngành kinh doanh tri thức?

Tại sao ta không làm thí điểm, xem một số trường ĐH & CĐ (không phải tất cả) là một ngành kinh doanh tri thức (theo phân khúc ngành nghề hẹp như quản trị-kinh doanh, kế toán, kiến trúc v.v.), một phần hoặc toàn diện), như các nước tiên tiến đang thực hiện?

Nếu thực hiện được việc này, chúng ta sẽ hạn chế (phần nào) được 'đầu vào' (do học phí cao), nhưng lại chuẩn hóa được 'đầu ra' (có thể kiểm soát). XH sẽ giảm bớt gánh nặng chi phí trả lương cho đội ngũ giảng viên, CB quản lý... của trường, nhưng ngược lại, nhà trường sẽ hạch toán để trả lương xứng đáng cho đội ngũ này thông qua học phí, có nguồn thu tích lũy để tái đào tạo, phát triển và mở rộng (cả về vật chất lẫn con người). Các trường sẽ phải cạnh tranh về chất lượng giáo dục, uy tín và thương hiệu v.v. cả trong và ngoài nước (mô hình đào tạo CĐ & ĐH của Singapore đã thu hút hàng ngàn du học sinh & GV giỏi từ các nước khác trên thế giới). Khi đó, SV đăng ký học (có thể dựa vào học bạ hoặc sơ tuyển) dù có phải đóng một khoản học phí tương đối cao hơn (so với mặt bằng chung) họ vẫn không phải hối tiếc vì lượng kiến thức & kỹ năng thực hành sẽ thu được sau khi ra trường ("Tiền nào, của nấy"). Mặc khác, việc dạy & thi theo tín chỉ sẽ khuyến khích được nhiều đối tượng tham gia (theo quỹ thời gian phù hợp của từng người, với thời gian kéo dài hơn vì không tập trung dài hạn, và thi rớt một tín chỉ vẫn có thể nộp tiền để hoc & thi lại) là CB-CNV đang làm việc trong cơ quan, hoặc đang học tại các trường khác .v.v

Chỉ khi nào chúng ta thực hiện được điều này (rất khả thi và triển vọng vì chúng ta không thiếu đội ngũ GV giỏi từ trong nước, hoặc đội ngũ GV Việt kiều hoặc GV nước ngoài từ nước ngoài, thông qua nhiều hình thức), lúc đó Việt nam mới có được những thương hiệu "ĐH quốc gia" có tiếng trong khu vực, hoặc trên thế giới. Nếu thông qua hình thức liên kết đào tạo (với các trường nỗi tiếng trên thế giới, chúng ta mới tiếp cận (tiếp thu có chọn lọc) được những phương pháp dạy & học tiên tiến, chương trình đào tạo & lượng kiến thức luôn được cập nhật sát với thực tiễn xã hội. Điều này sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí và nguồn nhân lực khi giảm thiểu được số SV có dư điều kiện du học nước ngoài, nhưng lại mở ra cơ hội (tiếp thu tri thức) cho những SV ít có điều kiện về kinh tế hơn. Chắc chắn rằng, môi trường dạy & học tại những trường này sẽ ưu việt hơn tiệm cận với môi trường giáo dục chung trên thế giới. Và sản phẩm 'đầu ra' chắc chắn phải tương xứng, vì thương hiệu & uy tín của trường (do phải cạnh tranh theo qui luật cung-cầu của kinh tế thị trường).

Và như vậy, Bộ GDĐT sẽ có nhiều thời gian và ngân sách hơn để đầu tư cho các bậc giáo dục cơ sở thấp hơn, cho các ngành giáo dục bậc cao khác mà nhà nước phải bao cấp. Hơn nữa, áp lực thi cử vào cuối cấp phổ thông và CĐ & ĐH sẽ giảm bớt, vì có sự điều tiết tự nhiên tùy theo 'túi tiền' của mỗi gia đình và tùy theo trình độ học lực, cũng như nguyện vọng của mỗi SV (Tất nhiên, chương trình học bổng sẽ dành nhiều hơn cho các SV nghèo-học giỏi, SV dạng chính sách hoặc SV ưu tú v.v.).

Mong Bộ GDĐT và các lãnh đạo ngành để tâm xem xét. Hãy mạnh dạn 'đổi mới' khi ta còn cơ hội nắm bắt. Và để ngành GD không còn tụt hậu so với các nước trong khu vực.
Chỉ có bắt tay vào làm mới tìm thấy cái gì thực sự cần sửa sai, cần đổi mới. Mọi sáng tạo đều bắt nguồn từ thực tiễn!

TNT

Do Xuan Quang, THUY NGUYEN hai phong, 08:21, 13/10/2010

Cho phép tôi hỏi mỗi một câu đơn giản là ai sẽ là người đáng giá hiệu quả của giảng viên đây. Các ông cứ nói cho hay !

Tin liên quan

Các tin khác