- Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân vừa có yêu cầu cơ sở giáo dục đại học sẽ thí điểm trả lương cho cán bộ, giảng viên gắn với nhiệm vụ, hiệu quả lao động giảng dạy và nghiên cứu khoa học.
Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ làm việc với khoảng 30 cơ sở giáo dục đại học về việc thực hiện khung học phí mới.
Đặc biệt, cần có sự đánh giá rõ ràng để có chế độ ưu đãi, khuyến khích cụ thể đối với những người làm tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Kết quả đánh giá cán bộ, giảng viên của trường cần được cụ thể hóa thành tiêu chí trong việc xét nâng lương, khen thưởng và các chính sách hỗ trợ khác.
Phó Thủ tướng yêu cầu, mỗi trường cần xây dựng một số ngành mũi nhọn của trường với sự ưu tiên đầu tư cần thiết để các ngành đó sớm trở thành ngành đào tạo chất lượng cao, tiếp cận trình độ khu vực và thế giới, là hình mẫu về quản lý đào tạo, phát triển ngành.
Cổng thông tin Chính phủ dẫn một văn bản thông tin, Phó Thủ tướng đã chỉ đạo các trường tổ chức tọa đàm, trao đổi trong sinh viên về chủ đề "Nói không với học tập vì bằng cấp mà phải vì lập nghiệp của bản thân và vì trách nhiệm với đất nước".
Trong năm học 2009-2010, đã có 245 trường cam kết về chất lượng đào tạo công bố với xã hội; 218 trường tổ chức rà soát, bổ sung chiến lược phát triển; 183 trường xây dựng và công bố được chuẩn đầu ra. Mục tiêu năm học này, tất cả các trường công bố chuẩn đầu ra đối với tất cả các ngành đào tạo và công bố cam kết chất lượng đào tạo.
Sau khi đăng tải loạt bài về thu nhập của giảng viên, giáo viên, VietNamNet đã nhận được nhiều phản hổi từ bạn đọc. Đa số bạn đọc cho rằng, giảng viên ĐH, CĐ cũng “miệt mài” làm thêm để kiếm tiền. Trong số đó, có không ít người kiếm được nhiều tiền từ việc làm thêm. TP HCM là địa bàn đầu tiên trên cả nước đưa giảng viên ĐH vào danh sách những đối tượng phải nộp thuế thu nhập cá nhân.
-
Phạm Duyên