221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
1313883
Những lá thư đặc biệt "chê" cô giáo tiếng Anh
1
Article
null
Những lá thư đặc biệt 'chê' cô giáo tiếng Anh
,

- Chỉ một lá thư nhưng đã giúp cô trở thành một giáo viên giỏi. Cô rất cảm kích trước lá thư của người học trò năm nào". Câu chuyện của bạn đọc Lê Nga Phương chia sẻ một tình huống sư phạm có ý nghĩa mà ở đó, thái độ góp ý của học sinh đã giúp người giáo viên thay đổi.

BẠN ĐỌC THAM GIA VIẾT BÀI "ỨNG XỬ SƯ PHẠM"

songngu.jpg
Trong một giờ học ở trường song ngữ. Ảnh: Lê Anh Dũng

Trường tôi có những hòm thư góp ý được treo ở đầu mỗi cầu thang, và người giữ chìa khóa chính là thầy hiệu trưởng. “Các em hãy mạnh dạn viết thư, trao đổi tâm tư nguyện vọng, thầy hứa sẽ giữ bí mật về danh tính người viết và sẽ giải đáp những thắc mắc của các em”. Có được câu nói này, lũ học trò chúng tôi vô cùng hào hứng. Như được tiếp thêm sức mạnh, những gì lâu nay chúng tôi chỉ dám nói nhỏ với nhau đều được chuyển thành giấy trắng mực đen và bỏ vào hòm thư góp ý.

Lá thư đầu tiên mà lớp tôi gửi chính là lá đơn có hơn 30 chữ kí của các thành viên trong lớp, kiến nghị nhà trường đổi giáo viên dạy tiếng Anh. Lí do được đưa ra là: thầy phát âm không chuẩn, dạy thì ít mà mắng học sinh thì nhiều, lúc nào cũng chê bai chúng mày dốt, ngu lâu khó đào tạo…

Chúng tôi không hề biết, lá thư đó đã làm cả một cuộc hành trình khá dài: từ hòm thư góp ý đến phòng thầy hiệu trưởng, đến tay cô tổ trưởng tổ Ngoại ngữ, vào phòng họp giáo viên tổ ngoại ngữ và cuối cùng nằm trong cặp cô giáo chủ nhiệm lớp tôi.

Cô bước vào lớp, nhìn lớp một lúc lâu mà không nói gì. Lũ chúng tôi chờ đợi, sợ sệt.

“Cô rất buồn vì cách cư xử của các em. Không phải vì chuyện lá thư, cũng không phải vì những điều các em viết trong đó. Cô chỉ muốn hỏi lớp, trước khi viết lá thư này, đã khi nào các em trao đổi trực tiếp với thầy chưa? Các em đã tự nhìn lại bản thân mình chưa? Và đã có ai nói gì với cô hay chưa? Nếu các em chưa hài lòng về cách dạy của thầy giáo, các em nên đề nghị trực tiếp với thầy. Nếu ngại, các em phải trao đổi với cô. Cô biết, các em có nhiều bức xúc, và có quyền đề nghị thay đổi giáo viên. Nhưng hôm nay, cô muốn kể cho các em nghe một câu chuyện. Hy vọng các em nghe xong sẽ hiểu được điều cô muốn nói với các em.

Cách đây 3 năm, khi mới vào nghề, cô được phân công dạy lớp B3. Đấy là một lớp bán công, các anh chị có lực học rất yếu. Biết như thế nên buổi học nào, cô cũng phải cố gắng dạy thật kĩ, thật chậm, chủ tâm khắc sâu kiến thức cơ bản để những bạn có lực học yếu trong lớp có thể hiểu được bài.

Lúc đầu, lớp học rất hăng hái, nhưng càng về sau, sự uể oải càng hiện rõ trên khuôn mặt của các bạn trong lớp. Cô đã quên lớp nào cũng có sự phân hóa, có người giỏi và có người yếu kém.

Những bạn có lực học khá không thích cách dạy của cô, thậm chí, có bạn còn xì xào cô dạy chán ngắt, chả có gì mới. Chính cô cũng băn khoăn, không biết nên làm thế nào cho hợp lí.

Rồi, cô nhận được lá thư của một bạn trong lớp, bạn ấy viết ngắn gọn thế này thôi:

"Cô ạ! Cảm ơn cô vì đã tận tình với chúng em. Nhưng giá như cô đừng dạy kĩ quá thì chúng em có cơ hội để phát huy khả năng của mình. Đụng đến đâu, chúng em cũng thấy cô đã nói cả rồi. Thành thử, chúng em thấy chán học. Đấy là lí do tại sao gần đây, lớp học không còn sôi nổi nữa. Chỉ một lá thư ấy thôi nhưng đã giúp cô rất nhiều. Cô đã tìm ra cách để trở thành một giáo viên giỏi như ngày hôm nay. Cô rất cảm kích trước lá thư ấy của người học trò năm nào".

Cô nghĩ, thầy cô giáo nào cũng mong muốn các em học thật tốt, mong muốn tìm ra phương pháp tốt nhất để giảng dạy các em, nhưng không phải lúc nào cũng đúng cách. Hãy biết cách góp ý. Lời góp ý đúng đắn chính là điều thầy cô luôn trông đợi ở học sinh.”

Cô giáo ra khỏi lớp, để lại chúng tôi với bao trăn trở, suy nghĩ về chính mình…

  • Lê Nga Phương (Hà Nội)

**************************

Là giáo viên, đã từng hay đang là học sinh, hoặc là phụ huynh, hẳn bạn đã từng biết tới các tình huống sư phạm. Mời bạn đọc tham gia giới thiệu các tình huống ứng xử sư phạm ấn tượng mà mình đã từng biết, từng trải qua. Các bài viết chưa đăng tải ở báo nào, được chọn đăng sẽ có chế độ nhuận bút. Mời quý vị gửi bài viết theo địa chỉ email: bangiaoduc@vietnamnet.vn hoặc: Ban Giáo dục, Báo Điện tử VietNamNet, 141, phố Bà Triệu, Hà Nội. Cảm ơn các bạn.


,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,