- Thấy rõ nỗi lo lắng của con khi trượt giải học sinh giỏi, cùng với "bài học kinh nghiệm" thuở cắp sách, tôi dự định chuyển lớp, thậm chí chuyển trường cho cháu. Nhưng thật bất ngờ...
Kỷ niệm no đòn
Năm học 1979 - 1980, tôi đang là học sinh lớp 7. Lớp cuối cấp 2 tương đương với lớp 9 bây giờ. Tôi cùng hai bạn nữa được cử đi thi học sinh giỏi cấp thị. Đến ngày thi, có cô bạn nói mình cảm thấy không thi được nên không đi, và cả hai đứa còn lại chúng tôi đồng tình và tất cả bỏ thi.
Phụ huynh xếp hàng đăng ký học cho con. Ảnh: Tú Uyên.
Tuổi 13 nghĩ đơn giản, nhưng không ngờ đó là một hành động làm ănh hưởng đến thành tích của trường, trường tôi bị điểm không và đứng xếp hạng cuối trong kỳ thi năm đó.
Cô giáo chủ nhiêm rất tức giận, cô gọi bố mẹ chúng tôi lên và dùng nhiều lời lẽ nặng nề như con các vị tự cao, tự đại, tưởng là mình giỏi, vô ý thức, vô kỷ luật, các vị không biết dạy con..
Kết quả là cả ba chúng tôi về bị một trận no đòn và cuối học kỳ 1 bị xếp loại hạnh kiểm trung bình mặc dù học lực đều đạt loại giỏi.
Học kỳ 2 được xếp loại tốt và cả năm được loại khá và nhờ đó mới được dự thi tốt nghiệp.
Cuối năm đó, lớp tôi chỉ có 24/52 học sinh đỗ tốt nghiệp vì đó là năm đầu tiên thực hiện cải cách giáo dục, năm người thi được vào cấp 3, trong đó có ba chúng tôi. Và cả ba chúng tôi đều đạt điểm số cao được nhà trường mời về dự trong buổi báo cáo thành tích của trường. Trong buổi đó, ba chúng tôi lại được ca ngợi là những đứa con ngoan, trò giỏi, mẫu mực....
25 năm sau
Con trai tôi cũng học lớp 7, hệ 12 năm. Cô giáo dạy văn và là cô giáo chủ nhiệm, muốn con tôi thi học sinh giỏi môn này và khẳng định cháu sẽ đoạt giải với năng khiếu của mình và sự kèm cặp của cô.
Nhưng, con tôi lại đi thi học sinh giỏi môn toán và... không đoạt giải.
Tôi nhận thấy rất rõ nỗi lo lắng của con. Mặc dù bên ngoài thì động viên, nhưng trong lòng, tôi cũng cảm thấy bất an khi nhớ lại chuyện của mình. Tôi còn dự định những phương án như chuyển lớp, thậm chí chuyển trường cho con.
Nhưng thật bất ngờ... Cô giáo chủ nhiệm đến tận nhà, nói với con trai tôi rằng: "Không sao em ạ! Còn nhiều cơ hội cho em thử sức với môn học em thích, chỉ cần em vẫn học môn văn tốt như bây giờ".
Và cô nói với tôi: "Chị hoàn toàn có thể yên tâm và tự hào về con trai mình, cháu học tốt, ngoan và là một học trò có cá tính. Chị đã cho tôi một học trò giỏi".
Tôi như trút được gánh nặng. con trai tôi thì vô cùng sung sướng và thoải mái, cháu tiếp tục vẫn học giỏi môn văn,đi thi học sinh giỏi toán những năm sau đó và,..tiếp tục không đoạt giải.
Cô vẫn chủ nhiệm đến năm cuối cấp và vẫn luôn động viên chia sẻ những lần con tôi trượt. Cô còn trực tiếp dạy kèm môn văn để con trai tôi thi vào chuyên toán cấp 3, và cháu đỗ vào chuyên toán tin nhờ vào điểm môn văn khá cao.
Giờ đây, con trai tôi đang là sinh viên với chuyên ngành kinh tế của một trường đại học có tiếng. Tôi nhận thấy, hầu như trong mỗi việc làm, mỗi câu chuyện, mỗi trang nhật ký.... của cháu đều có tên cô. Hàng năm, cứ đếnngày 20/11, người đầu tiên cháu đến chúc mừng chính là cô.
Và tôi vẫn luôn thầm cảm ơn cô giáo chủ nhiệm cấp 2 của con mình!
-
Trang Thu (Hà Nội)
BÀI VIẾT CỦA BẠN ĐỌC |
Là giáo viên, đã từng hay đang là học sinh, hoặc là phụ huynh, hẳn bạn đã từng biết tới các tình huống sư phạm. Mời bạn đọc tham gia giới thiệu các tình huống ứng xử sư phạm ấn tượng mà mình đã từng biết, từng trải qua. Mời quý vị gửi bài viết theo địa chỉ email: bangiaoduc@vietnamnet.vn hoặc: Ban Giáo dục, Báo Điện tử VietNamNet, 141, phố Bà Triệu, Hà Nội. Cảm ơn các bạn.