- Những ồn ào về hiện tượng "lạm thu" ở bậc học phổ thông chưa ngớt nóng, thì tập thể giáo viên Trường CĐ Công nghiệp Việt Đức (Thái Nguyên) than phiền: học phí trường thu cao ngất. Chưa hết, những sinh viên (SV) nhập học đều bổ chửng vì trường "đẻ" ra rất nhiều khoản thu...
Hiệu trưởng "bật đèn" cho thu học phí cao
Quyết định "Về việc điều chỉnh khung học phí đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục ĐH công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân năm học 2009-2010" của Thủ tướng Chính phủ ban hàng ngày 21/8/2010 quy định mức học phí như sau: Dạy nghề trình độ trung cấp nghề trở xuống: từ 20.000 đến 160.000 đồng/ tháng/ học sinh (HS); TCCN: từ 15.000 đến 135.000 đồng/ tháng/ HS;bậc học CĐ, CĐ nghề: từ 40.000 đến 200.000 đồng/ tháng/ SV.
Cổng Trưởng CĐ Công nghiệp Việt Đức (Thái Nguyên) (Ảnh GĐXH) |
Dù quy định rành rành như vậy, nhưng những gì thể hiện tại văn bản số 04 của Trường CĐ Công nghiệp Việt Đức do hiệu trưởng Phạm Mạnh Tản kí cho thấy: tất cả các bậc học Hiệu trưởng nhà trường "bật đèn" cho thu tăng.
Cụ thể, năm học 2009 - 2010 hệ CĐ chuyên nghiệp (K4) và CĐ nghề (K2) mức học phí trường thu 250.000 đồng/ tháng - cao hơn mức quy định là 50.000 đồng/tháng.
Tương tự, học phí các bậc học khác trong năm học 2009-1020 cũng cao hơn mức quy định cao nhất từ 10.000 - 50.000 đồng/tháng/HS như: TCCN (K12) là 170.000 đồng/tháng, trong khi mức quy định cao nhất là 135.000 đồng/ tháng/ HS; Trung cấp nghề trường thu 150.000 đồng/tháng (mức quy định cao nhất là 160.000 đồng/ tháng), các nghề chi phí đào tạo cao gồm Tiện, Fay, Bào, Hàn, Cơ khí Ô tô mức học phí là 200.000 đồng/tháng/ HS cao hơn mức quy định cao nhất là 50.000 đồng.
Đến năm học 2010-2011 dù thời điểm này trường vẫn đang tuyển sinh nguyện vọng 3 nhưng Hiệu trưởng đã ký quyết định số 70 quy định mức học phí học kì 1 năm học này như sau:
Đối với HS, SV đào tạo theo niên chế mức học phí các bậc học trường ấn định: CĐ chuyên nghiệp 250.000 đồng/ tháng; TCCN là 220.000 đồng/ tháng; CĐ nghề là 440.000 đồng/ tháng và Trung cấp nghề là 400.000 đồng/ tháng.
Còn với những HS,SV Cao đẳng đào tạo theo tín chỉ các ngành Công nghệ Kỹ thuật Cơ khí, Công nghệ Ô tô, Công nghệ Kỹ thuật Điện, Công nghệ Cơ điện tử mức học phí trường thu là 70.000 đồng/ tín chỉ.
"Đẻ" nhiều khoản thu và lách luật...
Ngoài thu học phí cao, không đúng quy định - Trường CĐ Công nghiệp Việt Đức còn "đẻ" nhiều khoản thu khiến HS,SV choáng váng.
Các khoản thu năm học 2009-2010 |
Cầm biên lai thu tiền, tân sinh viên N.T.V không rõ vì sao có khoản ghi bằng tay phí dưới. V.nói "nếu nhân học phí 1 học kỳ (năm học 2010-2011 bậc CĐ) thì nộp 1.000.000 đồng là đúng, nhưng không hiểu 500.000 đồng ghi tay vì sao phải nộp".
Trong những biên lai đóng dấu đỏ của Trường CĐ Công nghiệp Việt Đức mà chúng tôi thu thập được lại "phát sinh" thêm một phần ghi tay thể hiện tổng số tiền HS,SV phải nộp, kèm theo chữ ký người nộp bên dưới. Cụ thể, đối với bậc CĐ dòng ghi số tiền phải nộp là 1.000.000 đồng, nhưng lại thêm "bút tích" có chữ ký viết tay với tổng là 1.500.000 đồng.
Hình thức "1 biên lai, 2 khoản thu" này cũng được áp dụng với bậc Trung cấp nghề. Trên biên lai thu tiền, goài dòng ghi số tiền phải đóng là 800.000 đồng thì còn có thêm "bút tích" viết tay với ký hiệu : 1.150.000 đồng.
Trao đổi với VietNamNet sáng 24/9, giảng viên khoa Cơ khí động lực Đặng Việt Hùng cho biết, ngoài việc thu học phí cao trường còn vẽ nhiều khoản thu khác. Cụ thể, năm học 2009 - 2010 sinh viên còn phải thu các khoản khác như: tiền nước (30.000 đồng); Vệ sinh môi trường (25.000 đồng); Thư viện (50.000 đồng); Vật tư thực hành (165.000 đồng).
Mỗi năm nhà trường thu học phía 2 đợt. Sau khi thu một thời gian, nhà trường mới xuất biên lai thu tiền phí, lệ phí cho HS,SV. Thông thường, trong các biên lai chỉ có duy nhất 1 dòng ghi số tiền mà học sinh phải nộp, số tiền đó sẽ được chuyển vào hệ thống tài chính theo quy định.
Còn vì sao có khoản viết tay phía dưới biên lai? Theo một số giáo viên đang giảng dạy tại trường, khoản tiền cộng gộp viết tay đó cũng chính là số tiền học phí HS,SV phải đóng cho nhà trường. Việc biến tấu "1 biên lai, 2 khoản thu" này được cho là hình thức "lách luật", đối phó với quy định của Nhà nước.
Đã xin Bộ chủ quản cho xài tiền thu sai, vì trả lại khó?
Vẫn theo giảng viên Đặng Việt Hùng, ba năm gần đây tỷ lệ HS,SV đăng ký dự thi và nhập học tại trường đều giảm. Thậm chí có năm đã hạ điểm chuẩn cũng không tuyển đủ chỉ tiêu. Còn mùa tuyển sinh năm nay - 2010, chỉ có 500 hồ sơ đăng ký (chỉ tiêu tuyển mới khoảng 800) nhưng chỉ có trên 330 thí sinh đến thi.
Học phí học kỳ 1 năm học 2010-2011 được Hiệu trưởng Phạm Mạnh Tản ký ngày 23/5/2010 |
Còn năm học 2009-2010, tổng số HS,SV tuyển mới vào trường chỉ bằng khoảng 50% năm học 2008-2009. Thậm chí số đã vào học thì tỷ lệ bỏ học cũng tăng gấp đôi so với 3 ba năm trước.
Theo ông Hùng thì Ban Giám hiệu nhà trường đã họp để tìm nguyên nhân, trong đó có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Khách quan là bởi có nhiều trường ĐH, CĐ mọc lên và trong các trường cũng có đa dạng các loại hình đào tạo dẫn đến các trường vùng ven ít trong "tầm ngắm" của thí sinh.
"Nhưng nguyên nhân chủ yếu do chất lượng đào tạo của nhà trường không đáp ứng nhu cầu. Dù đã thu học phí cao nhưng cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho đào tạo không được quan tâm đầu tư...dẫn đến đào tạo ra trường không kiếm được việc làm nên SV ngày một bỏ nhiều để tìm cơ hội học trường khác" - ông Hùng nói.
Trong khi đó, Hiệu trưởng Phạm Mạnh Tản lên báo khẳng định "Tuy thu vượt nhưng tất thảy số tiền đó đều được sử dụng để đầu tư vào cơ sở vật chất và HS,SV cũng đã được hưởng lợi. Việc kiểm toán, thanh tra Bộ Công Thương (đơn vị chủ quản của trường) cũng đã biết và về kiểm tra. Tuy nhiên, việc trả lại là rất khó cho nhà trường nên nhà trường đã xin phép Thanh tra Bộ Công Thương được sử dụng số tiền đó?".
-
Kiều Oanh