- Gần đây, những đoạn băng ghi hình cảnh học sinh (HS) đánh nhau được tung lên mạng đều quay bằng điện thoại di động. Đáng lưu ý là, HS dùng điện thoại để quay phim chứ không phải để báo cho thầy cô và người lớn.
Đến mức này, Điều lệ trường và nội quy mỗi trường nên có thêm các điều khoản bổ sung để theo kịp sự phát triển nhanh của công nghệ thông tin, đặc biệt là Internet.
Ảnh chụp lại từ clip trên Internet
GS-TS Amal Sedky Winter, chuyên gia tâm lý của Mỹ với hơn 30 năm làm việc trên lĩnh vực bạo hành và hòa bình cho biết: “Để chống bạo lực học đường, phải tìm mọi cách lôi kéo người có thái độ bàng quan vào cuộc. Họ phải có nhiệm vụ can thiệp để chặn đứng vụ việc hoặc báo cáo cấp trên để cấp trên giải quyết. Ở Mỹ, trường học có quy định khi chứng kiến hành vi bạo lực, HS phải lên tiếng.”
Những yêu cầu như thế trong trường học của chúng ta chưa đặt ra một cách cụ thể. Nhiều HS thấy đánh nhau còn tụ tập hò hét, cổ vũ làm cho vụ việc diễn biến xấu đi. Về mặt luân lý, đạo đức, khi hoạn nạn, mỗi người đều cần được giúp đỡ. Muốn mình được bảo vệ, giúp đỡ thì phải giúp đỡ bảo vệ người khác. Vậy nên chăng cần phải GD HS nhiệm vụ bảo vệ và có trách nhiệm với người khác? HS thấy đánh nhau mà không báo thầy cô, không chỉ thuộc phạm trù đạo đức mà còn bị coi là phạm lỗi. Tiếc rằng, nhà trường chưa chú ý đến việc này. Nhiều gia đình không muốn con em liên luỵ nên đã GD theo kiểu “mũ ni che tai”.
“Bạo lực là một hình thức lạm dụng quyền lực để đạt được điều gì đó”. Dạy áp đặt cũng là một hình thức lạm dụng quyền lực để buộc HS phải nghe theo thầy cô giáo. GV dùng hình phạt nặng nề để chừng trị HS cũng là một hình thức lạm dụng quyền lực. Nếu đặt vấn đề như vậy thì tình trạng đánh nhau trong HS thời gian qua liên quan gì tới phương pháp GD áp đặt của gia đình, nhà trường, thậm chí của cả xã hội?
Để hạn chế bạo lực, nhiều ý kiến cho rằng cần có phòng tư vấn tâm lý trong trường phổ thông. Việc này cần thiết, song, nhân viên tư vấn phải giỏi, có kiến thức và kinh nghiệm, nếu không lợi bất cập hại. Đáng chú ý là hiện nay, các trường đều hợp đồng đội ngũ này với mức thù lao ít ỏi.
Môi trường sư phạm cũng ảnh hưởng đến việc hình thành mối quan hệ, ứng xử trong HS. Nhìn một số trường học với 4 bề bê tông, ra chơi, HS tụ tập ở hành lang, bám vào lan can nhìn xuống phố mà thấy thèm khung cảnh trường học như công viên ở các nước. HS thường hiếu động. Trường học thiếu khu vui chơi, HS phát tiết sinh lực thừa vào chỗ nào? Phải chăng “quả đấm” bắt đầu xuất hiện từ đây?
Muốn dạy con ngoan, phụ huynh phải chấp nhận hy sinh nhiều thứ. GS Hồ Ngọc Đại có câu này rất đúng với GD: Mất thời gian là mất tuyệt đối. Một số gia đình mải mê sắm ô tô, mua đất, xây biệt thự… mà quên mất con đang lớn từng ngày. Khi những hành động xấu do các em gây ra thì cha mẹ mới giật mình bừng tỉnh. Khi đó, cái “cây” đã cứng, không uốn được nữa. Nếu mất thời gian là mất tuyệt đối thì nhầm lẫn tai hại nhất là nhầm lẫn về giá trị. Tài sản vô giá của gia đình là con cái chứ không chỉ nhà lầu, xe hơi. Gia tài cũng để lại cho con, nhưng con hư thì đống của cải đó nghĩa lý gì?
Nói tới bạo lực trong HS, chúng ta liên tưởng ra sao với những hiện tượng như, trên đường, người ta chèn ép, vượt lên nhau trong tiếng còi chát chúa, hăm doạ và đe nẹt; tiếng loa phường choe choé chõ vào nhà dân; thâm nghiêm, thanh tịnh như chùa chiền mà người ta đang tâm chèo kéo, nài nỷ để bán hàng; kẻ ăn xin lườm nguýt khi chỉ xin được 500 đồng; người ta hạ cây, lấp hồ…, tàn phá thiên nhiên vì lợi nhuận…?
Nhà nghiên cứu văn hoá Vương Trí Nhàn gọi những hiện tượng trên là “tiền bạo lực”. Những việc như thế đập vào mắt HS từng ngày. Gốc rễ, mầm mống của bạo lực nhan nhản trong đời thường đấy thôi. Bởi thế, HS đánh nhau hôm nay là lỗi của tất cả chúng ta, âm ỉ lâu rồi, chứ đâu phải của riêng nhà trường.
Càng ngẫm càng thấm câu nói của cổ nhân: “Trăm năm trồng người” không chỉ “vì lợi ích” mà để thành Người thì phải mất cả trăm năm.
-
Ngô Thiệu Phong