"Mọi người có vẻ ngạc nhiên lắm khi thấy bố lên kế hoạch cách mạng văn hoá cho hai nhóc một cách rất không hợp thời đại - Nguyễn Thành Vinh, á quân cuộc thi "Đường lên đỉnh Olympia năm 2000" viết.
![]() |
Này, hai nhóc!
Khi mới bắt đầu viết đến dòng đầu tiên của lá thư này, tự dưng bố bật cười chợt nghĩ đến ngày xưa hay đọc lén lưu bút của các chị, tức là bác của các con. Tuổi học trò sến lắm, khi chia tay nhau cuối năm học thường viết những lời thống thiết, đề thời gian kiểu: ngày buồn, tháng nhớ, năm thương.
Tất nhiên chủ nhân của những dòng lưu niệm đầy nước mắt đó ít khi chia tay nhau, qua ngày khai trường năm mới là gặp lại, trừ những nhân vật lưu ban nhỡ nhàng.
Hôm nay, bố đi ăn tối ở nhà một vài người bạn. Nói chuyện lan man và quay về vấn đề giáo dục. Mọi người có vẻ ngạc nhiên lắm khi thấy bố lên kế hoạch cách mạng văn hoá cho hai nhóc một cách rất không hợp thời đại. Trong khi người ta bằng mọi cách cho con cái vào trường điểm, chất lượng cao, thì bố chỉ mong hai nhóc sau này được học trường làng, được học ít mà vui chơi nhiều, được thực sự có được một tuổi thơ nhiều kỷ niệm, được nhẹ nhàng không bon chen điểm chác thành tích. Thế là đã hơn thế hệ bố mẹ nhiều lắm. Bố không cần các con học giỏi, bố mong các con được sống một cuộc sống ý nghĩa, vì không bao giờ có một giai đoạn nào trong cuộc sống tươi đẹp hơn tuổi thơ mình.
May mà mẹ hai đứa cũng rất đồng ý với bố ở điểm này đấy. Rất lạ, nhiều khi bố không hiểu có phải tình yêu và thời gian cải tạo suy nghĩ và tính cách của hai người không. Chứ ở thời điểm này, sau gần bảy năm yêu mẹ, bố vẫn chưa hết ngạc nhiên vì bố mẹ hợp nhau và có nhiều suy nghĩ giống nhau trong cuộc sống quá. Nếu trời đã sinh ra như vậy thì tạo hoá đã quá ưu đãi bố rồi. Cái nồi méo xệch lăn lăn trên đời, tưởng sẽ hở hang mãi mãi, ai dè vớ được cái vung úp chụp vừa như in. Nghĩ vậy nên bố vẫn tươi cười đi qua các ngược đãi của số phận, có ai được tất cả những gì mình muốn đâu, phải không?
Bố đang ở trong một thời gian thử thách khắc nghiệt của công việc. Những gì người khác làm trong nhiều tháng, bố sẽ phải học và làm được trong bốn tuần. Sẽ làm để rút ngắn thời gian lại, để nhanh có các con trên đời hơn nữa.
Thử thách này bố sẽ vượt qua được thôi.
Thôi tạm biệt Gấu và Dac, yêu các con!
P/S: Viết xong thư, đọc lại bố chẳng hiểu mình muốn nói gì cả. Thôi để tóm tắt lại, hai nhóc hãy xem đây là thư cho phép hai nhóc được học dốt. Dù giỏi hay dốt thì bố cũng tự hào vì các con.
-
Nguyễn Thành Vinh - Á quân Đường lên đỉnh Olympia năm 2000 - Theo SGTT)
Tôi tin con của Anh Vinh được cho phép "học dốt" theo cách của anh, 2 bé cũng sẽ thành công thoả nguyện trên đường đời về mặt hạnh phúc, sức khoẻ cũng như học thức.
Lý do :
Mình hiểu từ cho phép "học dốt" của bạn Vinh tức là không bắt buộc làm học sinh có danh hiệu "học sinh giỏi".
Bé sẽ được vừa học vừa chơi theo đúng nhu cầu lứa tuổi. Một đứa trẻ muốn nói sau đó là viết được một ngoại ngữ hay bản ngữ, bé phải sinh hoạt học trong môi trường có người nói viết đúng giọng lẫn đúng từ của ngôn ngữ đó, Và các môn học cũng thế, nếu bé sống học sinh hoạt trong môi trường mà gia đình trường học gia giáo lễ phép, bé cúng sẽ lớn lên gia giáo ;lễ phép. Sống và học trong môi trường toán hay khoa học hay văn học v.v.... bé sẽ có những năng lực đủ để thành công trong đời....
Như thế cái căn bản môi trường học đủ dữ liệu chưa được trang bị , mà ép học sinh học thêm giờ, không được ngủ đủ, không được chơi đủ, cứ dỡ tập sách, ra rã học chay, thì làm sao? Tôi nhớ không nhầm, hình như có nhưng giáo viên trung học dạy điện nhà, mà không biết bắt điện ra sao cả? Giáo viên dạy anh văn mà khi ra nước ngoài học khá chật vật khi nghe nói?
Mình làm sao cho học sinh vừa học vừa chơi, chơi nhưng mà học ..... Tôi chỉ là người dân bình thường, không phải nhà nghiên cứu, xin đừng dùng "lý thuyết suông" ra bắt bẻ, mà quý vị nên thực tâm nhìn thực tế.
Tôi tin con của Anh Vinh được cho phép "học dốt" theo cách của anh, 2 bé cũng sẽ thành công thoả nguyện trên đường đời về mặt hạnh phúc, sức khoẻ cũng như học thức