- Áp lực từ gia đình, nhà trường, bạn bè và chính từ bản thân đã dẫn các em tới quyết định nông nổi: cái chết khi thi trượt ĐH - như một sự giải thoát khỏi thế giới với đầy những khổ đau, u tối.
Từ bức thư tuyệt vọng của cô học trò nhỏ
Ngày…tháng…năm…
Gửi Bác sĩ Nguyễn Văn Dũng, Viện Sức khỏe Tâm thần QG - BV Bạch Mai.
Cháu thật có lỗi vì đã thường xuyên làm phiền bác như thế này. Nhưng cả ngày hôm nay, cháu luôn trong tâm trạng rất tồi tệ. Cháu lo lắng về điều đã xảy ra trong quá khứ. Hồi đó khi bác sĩ hỏi cháu tại sao lại quyết định đi chữa bệnh sau 2 năm ở biệt trong nhà, do quá xúc động nên cháu đã không thể trả lời câu hỏi ấy.
Chán nản, tuyệt vọng, thậm chí tự tử vì áp lực học tập, thi cử của nhiều học sinh có là tiếng chuông cảnh tỉnh cho các bậc phụ huynh và xã hội? (Ảnh: Internet). |
Sự thật là cháu đã vô tình đọc một câu chuyện buồn trên báo về một người đàn ông Nhật Bản phải chịu những điều không đáng phải chịu. Đây là câu chuyện có thật. Rằng sau khi bị mất việc vì công ty gặp khó khăn, ông ta lâm vào cảnh túng quẫn. Họ hàng từ chối giúp đỡ, không tiền bạc, không người thân thích, ông đã chết đói sau đó vài tuần.
(…) Chuyện đó không lúc nào thôi ám ảnh cháu. Cháu sợ mình cũng phải chịu một kết cục bi thương như thế. Dù bản thân cháu thấy mình có nhiều chuyển biến tốt nhưng đến bây giờ cháu vẫn cảm thấy rất sợ hãi…Cháu nhớ lại lời van xin của người đó trước khi chết và cảm thấy rất tuyệt vọng. Cuộc đời cháu sau này sẽ lâm vào ngõ cụt như thế.
Mẹ cháu rất kiên nhẫn với cháu nhưng có lúc bà cũng khiến cháu phải suy nghĩ về sự tàn nhẫn của cuộc đời. Cháu không thể hòa mình vào cuộc sống một cách bình thường như mẹ được. Nhiều lúc cháu nghĩ tại sao mình không kết thúc cuộc đời này khi nó còn đang đẹp. Hồi cấp 2 cháu đã tự tử 3 lần không thành….Còn lần cháu nhảy lầu là giọt nước cuối cùng làm tràn ly.
Trước đây, cháu hay nghĩ rằng, những cơn đau đớn sẽ chấm dứt tâm trạng buồn bã của mình, vì vậy mỗi lần cảm thấy xuống tinh thần cháu đều lấy mảnh thủy tinh vỡ cứa vào tay cho chảy máu…Gần đây cháu không làm thế nữa, nhưng càng ngày cháu càng muốn lắm lại điều đó. Cháu thấy tuyệt vọng quá. Bác làm ơn giúp cháu với.
Đến nỗi khổ tâm người bác sĩ điều trị bệnh nhân tâm thần
“Bình thường phải tầm 2-3h sáng, mình mới đi ngủ được vì phải ngồi trả lời e-mail, tin nhắn hỏi thăm, chia sẻ, thậm chí chửi bới, uất hận và mong nhận được những tư vấn, giúp đỡ” – Bác sĩ Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng Điều trị bệnh nhân tâm thần nam và Điều trị nghiện chất, Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia, BV Bạch Mai cho biết: “Còn hôm nào sớm là 12 giờ đêm”.
“Làm nghề khác thì mong có nhiều việc để làm, chứ bác sĩ điều trị tâm thần như mình chỉ mong sao có càng ít bệnh nhân tới khám, tức càng ít trường hợp bị stress bệnh lí tới điều trị tại Viện thôi” – BS Dũng chia sẻ. |
Nhẹ nhàng là trường hợp với chia sẻ: “Thi xong, cháu bị hoang tưởng rằng lúc nào cũng có người theo dõi đằng sau lưng. Ban đầu cháu tin là đúng và vì thế nên bị mất ngủ cả tháng. Sau đó ngồi nghĩ lại mới biết mình sai, cháu ngồi khóc một mình”.
Rồi nữa, có trường hợp cậu con trai “nhà nòi” về công nghệ thi trượt ĐH Bách Khoa Hà Nội bị rối loạn thần kinh. Người mẹ vào thăm, xót con quá cũng lâm vào tình trạng như con.
Hay trường hợp của Lan. Năm nay em 20 tuổi, hiện đang là SV một trường ĐH nghệ thuật tại Hà Nội. Dù vậy, ước mơ của bạn là thi vào một trường ngoại ngữ nên em quyết định thi tiếp ĐH.
Trượt, Lan cảm thấy chán nản. Phẫn uất, em chửi bới bất cứ ai đụng vào “bộ lông nhím” của mình. Rồi Lan bỏ nhà, vào chùa ở một thời gian".
Trong tin nhắn gửi tới BS Dũng, giọng em buồn bã: “Cháu cảm thấy chán ghét bố mẹ vì không hiểu cháu. Bố lúc nào cũng bia rượu say khướt. Mẹ thì nhiếc mắng, dằn vặt cháu luôn. Cháu hiểu mọi người thương cháu nhưng cháu không thể chịu đựng được những lời nói, hành động của bố mẹ dành cho cháu”.
Đau lòng hơn là trường hợp các em không làm chủ được bản thân, muốn tìm tới cái chết để được “thoát khỏi thế giới đầy đen tối và xấu xa này”. Như trường hợp của Hoa, cô bé mới thi ĐH vừa xong là một ví dụ.
17 tuổi, Hoa là con một nghệ sĩ. Gia đình em vừa chuyển từ nơi khác tới sống ở khu phố đông đúc giữa lòng thủ đô. Để kiếm sống, họ mở quán bán cà-phê tại nhà. Em tâm sự: “Cháu không thể chịu được cảnh phía trên học, phía dưới nhà là mùi cà-phê thơm tức mũi, lại còn tiếng mẹ hát để chiều lòng khách tới”.
Bao nhiêu phẫn uất cứ lớn dần, cho tới khi biết kết quả thi ĐH quá thấp Hoa đã mua 20 viên thuốc tự tử để mong được “sớm giải thoát bản thân”. May mắn em được gia đình kịp thời đưa vào BV chạy chữa, kết hợp với liệu pháp trị liệu về tinh thần nên tình hình đã tạm ổn.
Thậm chí, cá biệt có trường hợp một học sinh đã đỗ giải cao kì quốc gia nhưng rồi lại trượt ĐH đã nhảy lầu tự tử. May mắn, em chỉ bị gãy chân, sức khỏe tinh thần suy sụp nghiêm trọng khi được đưa vào Viện SKTT để điều trị.
“Làm nghề khác thì mong có nhiều việc để làm, chứ bác sĩ điều trị tâm thần như mình chỉ mong sao có càng ít bệnh nhân tới khám, tức càng ít trường hợp bị stress bệnh lí tới điều trị tại Viện thôi” – BS Dũng chia sẻ.
-
Văn Chung