- Ngày 19/8, ngày đầu tiên diễn ra Đại hội toán học thế giới tại Hyderabad (Ấn Độ), danh sách Giải thưởng Fields sẽ được công bố cùng nhiều giải thưởng khác. Tuy nhiên, trong khoảng hai tuần nay và rải rác từ rất lâu trước đó, một số tờ báo, diễn đàn trên mạng khá lạc quan về việc GS Ngô Bảo Châu sẽ giành giải thưởng cao nhất của Toán học lần này.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Tạp chí Toán học (www.math.vn) ngày 28/4/2010 đã xới lên vấn đề này bằng bài viết: Giải thưởng Fields 2010 và cơ hội cho Ngô Bảo Châu. Bài viết phân tích giá trị của Bổ đề cơ bản của Chương trình Langlands mà GS Ngô Bảo Châu đã chứng minh thành công.
Ngô Bảo Châu chụp hình lưu niệm tại trường cũ, nơi anh học phổ thông chuyên toán suốt ba năm THPT. Ảnh: Bùi Tuấn |
Mạng này cho hay: Năm 2009, GS Ngô Bảo Châu đã trở nên nổi tiếng khi hoàn tất chứng minh cho bổ đề cơ bản trong chương trình Langlands. Sau đó, tờ Time của Mỹ đã bình chọn công trình này là một trong 10 sự kiện khoa học - công nghệ của năm 2009. Bây giờ, không phải Ngô Bảo Châu, mà chúng ta - những người yêu Toán đang mong chờ một điều lớn lao hơn: giải thưởng Fields 2010. Mặc dù Đại hội Toán học thế giới đến tháng 8/2010 mới được tổ chức, nhưng ngay từ bây giờ, giới Toán học Việt Nam đã rất nóng lòng chờ đợi ngày Ngô Bảo Châu được vinh danh.
Thuật ngữ bổ đề (lemma) thường dùng để chỉ một cái gì đó dễ chứng minh, một kết quả kỹ thuật giản đơn cần thiết trên con đường chứng minh một định lý đích thực. Thế nhưng, trong trường hợp này, cụm từ bổ đề cơ bản (fundamental lemma) lại gắn liền với một giả thuyết quyết định, một bộ phận không thể tách rời của Chương trình Langlands, một “bổ đề” khó chứng minh đến mức mà 30 năm qua, nhiều nhà toán học hàng đầu - kể cả cá nhân Langlands - đã ra sức lao vào giải quyết nhưng đều thất bại!
Qua đó, có thể thấy rằng Chương trình do nhà toán học kiệt xuất Langlands khởi xướng sẽ được xây dựng nhờ một cuộc chạy tiếp sức của nhiều thế hệ các nhà khoa học, có thể mất nhiều thế kỉ để hoàn thiện. Và Ngô Bảo Châu, nhà toán học Việt Nam có thể nói là đã bắc cây cầu quan trọng nhất trong cuộc chinh phục này.
Ngày 10/8/2010, trên VietNamNet, ông Lê Tuấn Hoa, Phó Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam cũng đã nêu dự đoán: Năm ngoái khi tôi đi Hong Kong, các giáo sư ở đó cũng dự đoán Ngô Bảo Châu là ứng cử viên nặng ký của giải thưởng Fields. Ngay từ năm 2008, trong làng Toán nhiều người đã tin Ngô Bảo Châu sẽ đoạt giải thưởng Fields khi anh kết thúc công trình nghiên cứu của mình.
Trên Bee.net.vn ngày 11/8/2010 có bài mang tựa đề: “Nobel Toán học” gọi tên Ngô Bảo Châu, trong đó nêu: Ngay từ cuối năm 2009, GS Châu đã được xem là một trong những ứng viên hàng đầu cho giải thưởng Fields vì những cống hiến nổi bật của anh, đặc biệt là công trình lừng lẫy chứng minh Bổ đề cơ bản thuộc Chương trình Langlands. Trên các website chuyên môn cũng như các diễn đàn của giới yêu toán, cái tên Ngô Bảo Châu liên tục được nhắc đến bên cạnh những gương mặt nổi tiếng khác. Sự kỳ vọng càng lớn hơn khi anh được chọn trình bày báo cáo khoa học tại phiên toàn thể hội nghị 2010.
Hình ảnh của trang web Đại hội Toán học thế giới tổ chức tại thành phố Hyderabad, Ấn Độ |
Tờ này cũng cho biết thêm: Trong suốt 74 năm qua, châu Á mới có một quốc gia duy nhất có công dân được nhận giải này là Nhật Bản vào các năm 1954, 1970 và 1990.
Trên diễn đàn Vietphd.org, một thành viên mang bút danh Fergusion Alex bình luận trong chủ đề tương tự cho hay: " Hôm trước mình tình cờ gặp một Prof. ở Johns Hopkins. Ông ấy nói "everyone thinks he will win" (mọi người nghĩ anh ấy sẽ thắng). Trong khoa học có lẽ không có bất ngờ như trong bóng đá.
Nhiều thành viên của diễn đàn cũng hy vọng về kết quả đẹp lần này.
Gần đây nhất, báo Người lao động ngày 14/8/2010 đã phỏng vấn Ngô Bảo Châu trước khi anh lên máy bay cùng gia đình sang Ấn Độ tham dự Đại hội Toán học Thế giới. Trả lời câu hỏi "Có nhiều luồng dư luận cho rằng cơ hội giành giải Fields của ông gần như là chắc chắn?", GS Ngô Bảo Châu trả lời: Cơ hội là khá lớn vì có nhiều nhà toán học báo cáo tại đại hội nhưng chỉ có hai người ở độ tuổi dưới 40.
Tuy nhiên, anh chia sẻ với VietNamNet: "Đối với tôi, giải thưởng Fields vẫn là một giả thuyết. Nếu thành sự thật, nó sẽ là một niềm tự hào chính đáng không chỉ của riêng cá nhân tôi, mà cả các bạn trẻ Việt Nam dấn thân vào con đường khoa học. Riêng với tôi, có thể nó sẽ đem đến một trách nhiệm rất lớn. Cho nên, xin thú thực là tôi hơi lo". Mọi dự đoán chỉ là dự đoán. Điều khát khao về một người Việt Nam đầu tiên có thể giành Giải thưởng Fields hay không sẽ được biết vào buổi Lễ khai mạc Đại hội Toán học ở Ấn Độ ngày 19/8/2010 sắp tới. Danh sách 20 nhà Toán học được mời báo cáo tại phiên họp toàn thể của Đại hội Toán học thế giới: 1. David Aldous, USA
2. Artur Avila, Brazil
3. R. Balasubramanian, India
4. Jean-Michel Coron, France
5. Irit Dinur, Israel
6. Hillel Furstenberg, Israel
7. Thomas J.R. Hughes, USA
8. Peter Jones, USA
9. Carlos Kenig, USA
10. Ngo Bao Chau, USA
11. Stanley Osher, USA
12. R. Parimala, USA
13. A. N. Parshin, Russia
14. Shige Peng, P.R. China
15. Kim Plofker, USA
16. Nicolai Reshetikhin, USA
17. Richard Schoen, USA
18. Cliff Taubes, USA
19. Claire Voisin, France
20. Hugh Woodin, USA