Nhọc nhằn cảnh “gà trống chăm con”
Xin nghỉ phép được năm ngày, hai bố con ông Nguyễn Hoàng Ba (47 tuổi, quê Long An) khăn gói lên Sài Gòn ứng thí.
|
Những người đàn ông này cũng đảm đang trong việc chăm sóc con cái không thua gì phụ nữ. |
Vì là con đầu lòng nên đây cũng là lần đầu tiên ông Châu đưa con đi thi đại học. Đến khi vào cuộc, thực sự trở thành “ôsin” của con, ông mới thấy hết được những nhọc nhằn của cảnh “gà trống nuôi con”.
Nhà ở Long An, ông Ba chọn giải pháp “đi xe buýt cho an toàn”. Lên tới Sài Gòn, hai cha con dạo lòng vòng cả buổi chiều mà vẫn không tìm ra nhà trọ. May sao, đội tiếp sức mùa thi kịp thời hướng dẫn ông vào một phòng trọ nhỏ tại phường Linh Trung (Thủ Đức).
Vừa hì hục lên tới phòng trọ, trời đổ mưa tầm tã, ông Ba thở một hơi dài thoải mái.
Những ngày sau đó, chuyện ăn uống, đi lại của con càng khiến ông…đau đầu.
Không quen với việc lo cho con từng chén cơm, ly nước, con của ông lại là con trai, hai cha con càng chật vật hơn trong sinh hoạt hằng ngày.
Ông Ba chia sẻ: “Lo cho con ăn uống đủ chất đã khó, mấy ngày này, tính toán sao cho không “hụt” túi lại là một vấn đề lớn”.
Còn với ông Hoàng Lại, (52 tuổi, quê Nha Trang) càng thấy vất vả hơn khi con ông là con gái.
“Có những chuyện nó chỉ nói với mẹ. Mình muốn hỏi cũng không biết hỏi thế nào. Mà có hỏi, nó cũng không nói, cứ im im suốt cả ngày”, ông Lại lo lắng.
Sau khi đặt chân tới Sài Gòn, ông Lại cùng con gái xin trọ ở KTX ĐHQG TPHCM. Cha và con gái nên không được ở chung phòng. Mỗi lần tới giờ ăn, giờ đi thi, ông phải lội bộ qua dãy nhà con ở, đứng dưới nhìn lên.
Rồi chuyện tâm lý con gái cũng khiến ông lo lắng. Thường ngày ông ít khi trò chuyện, gần giũ con, chỉ lo kiếm tiền để đủ cho cả nhà sống qua ngày. Những chuyện khác, một tay người vợ quán xuyến. Đưa con đi thi, ông vừa làm bố, vừa phải học cách làm mẹ.
Mong được chứng kiến con “đổi đời”
Đưa con đi dự thi, chứng kiến cảnh con từng ngày “vật vã” với sách vở, những ông bố khao khát chờ đến ngày con mình được đỗ đạt.
Cả đời làm thuê làm mướn, đối với hầu hết các phụ huynh, đại học là cánh cửa để con họ “đổi đời”.
“Có bao nhiêu sức, bao nhiêu tiền của tôi đều không tiếc đầu tư cho con học hành. Chỉ mong nó sau này giúp ba…bỏ nghề làm mướn”, ông Lại nói mà giọng cứ run run.
Những ngày ở Sài Gòn, không dám gọi điện thoại cho vợ nhiều, sợ hụt tiền về, thế nhưng, mỗi lần con gái thi xong, ông Lại liền gọi về báo tin cho gia đình, đồng thời, hỏi xem phải cho con ăn gì, uống gì…
|
"Gà trống chăm con". |
Ngồi hơn 3 tiếng đồng hồ ngoài cổng trường chờ con, các ông bố ít khi thao thao buôn chuyện như các bà mẹ, nỗi lo của cánh trụ cột gia đình dường như không thể nói thành lời.
“Lo cho con nó đến nỗi không biết nói gì! Đứng ngoài cổng trường mà như đứng trong chảo dầu”, ông Nguyễn Văn Mạnh (quê Lâm Đồng) nghẹn ngào.
Suốt cả mùa thi, ông Nguyễn Văn Cẩm (49 tuổi, quê ở Vũng Tàu) phải đưa đón cậu quý tử lên Sài Gòn dự thi. Những trận cầu nảy lửa mà trước đây không bao giờ ông bỏ qua thì nay đành phải gác lại.
“Mê bóng đá lắm, nhưng chuyện thi cử ảnh hưởng đến cả tương lai của con, tôi không dám lơ là”, ông Cầm chia sẻ.
Từ khi bắt đầu vào mùa thi, ông Cẩm hằng ngày đưa con từ Vũng Tàu lên Sài Gòn thi, tối lại đón về. Đường xa, sợ con trễ giờ nên những trận đấu vào buổi sáng sớm ông không dám xem, sợ hôm sau không “tỉnh táo” được. Còn những trận có thể xem được thì cũng chỉ xem một mình trong sự im lặng.
Buổi sáng chờ con ở cổng trường, ông chỉ biết tranh thủ theo dõi “đường đi nước bước” của đội bóng mình yêu thích qua bè bạn và các trang báo.
“Tôi yêu Tây Ban Nha, con tôi mà hoàn thành tốt bài thi chiều nay thì hai cha con sẽ xả láng một bữa với trận chung kết World Cup”, ông Cẩm vui vẻ.
Sự kỳ vọng quá lớn từ họ hàng khiến áp lực cho “con một, cháu đích tôn” thêm nặng triễu khi vào phòng thi. Bởi đậu Đại học không chỉ là bước ngoặt đời người mà còn là bộ mặt cho cả tộc họ...
Mặc dù hết giờ làm bài thi chiều 9/7, nhưng thí sinh Nguyễn Văn Tuấn tại hội đồng thi Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (Q.Thủ Đức) vẫn đứng tần ngần trong sân trường. Tuấn cho biết: “Em biết sức mình chỉ cao đẳng là vừa nhưng vì cháu đích tôn nên bố mẹ, họ hàng lại kỳ vọng em phải vào đại học”.
|
Thi cử vốn đã bị áp lực... Ảnh: An Bang |
Lúc đầu, Tuấn đăng ký một trường CĐ phù hợp sức học nhưng bố mẹ lại nổi giận. Tuấn nửa đùa nửa thật: “Sao bố mẹ không sinh thêm con, mình học dở thì còn em còn anh. Đằng này chỉ có một mình”.
Chị Lan (quê Long An) đứng trước điểm thi ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, bồn chồn: “Con thi không được, đâu chỉ con hay vợ chồng tui buồn mà còn cả ông bà, họ hàng nữa…”.
Dẫn con đi thi, chị Lan thuê một phòng riêng cho mẹ con ở vì con chị không quen sống cảnh đông người, ồn ào. Nỗi lo lắng bị họ hàng nhà chồng quở trách vì “có đứa con dạy cũng không xong”, khiến khuôn mặt chị già hơn cái tuổi 44 của mình.
Còn Đặng Thanh tại hội đồng thi CĐ Công nghệ Thủ Đức (Q.Thủ Đức) cũng “éo le” không kém. Ba mẹ nói: “Con của bố mẹ thì phải học đại học”, khiến Thanh dở khóc dở mếu.
Thanh cho biết, đang học Trung cấp (ở Đắk Lắk) nhưng tới mùa thi, lại khăn gói vào Sài Gòn dự thi theo nguyện vọng của bố mẹ và họ hàng... dù 3 lần thi tuyển sinh trước vẫn không đậu. Cũng chỉ cái tội con một...
|