- “Sinh viên bây giờ cũng thực tế lắm. Ngỡ tưởng là tình yêu thắm thiết lắm, vậy mà tốt nghiệp xong thì “dứt áo”, đường ai nấy đi. Nghĩ cũng buồn” – Thao chua chát khi kể về những cuộc tình sinh viên “rụng rớt” sau mấy năm học ĐH của bạn bè.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Tình chỉ đẹp khi còn dang dở?
Hồng, quê Nam Định là sinh viên năm cuối Học viện Báo chí – Tuyên truyền. Dịu dàng, nết na, học hành chăm chỉ, khuôn mặt ưa nhìn, Hồng là niềm ước ao của biết bao chàng trai.
Biết tin Hồng đã có người yêu, một chàng cũng là dân Học viện (kĩ thuật quân sự) biết bao con tim lại thổn thức. Những buổi liên hoan, sinh nhật, họp lớp của Hồng, dù bận, dù bị “cấm trại”, chàng vẫn cố tìm cách xin ra để nàng vui.
Hai năm, ba năm trôi qua, mọi thứ vẫn chỉ toàn màu hồng với họ. Rồi cũng đến ngày hai đứa tốt nghiệp, chuẩn bị ra trường. Anh kia về quê Bắc Ninh công tác.
“Dù anh ấy nói một tuần sẽ ra Hà Nội thăm nó, nhưng nó vẫn xác định là trước sau gì cũng chia tay thôi vì khoảng cách” – Thao cho biết.
Còn đâu những phút giây lãng mạn bên nhau như họ đã từng mộng mơ! (Ảnh: ymoi.com) |
Còn Hồng sụt sùi: “Mình biết là hối tiếc, là xót xa. Nhưng làm sao được. Chuyên ngành của mình về quê khó kiếm việc, mà mình cũng không muốn về quê. Anh ấy còn quyến luyến lắm nên mình cũng chưa biết nói làm sao để anh không buồn chán”.
“Những lúc bên nhau, mình cũng dò hỏi nhưng anh ấy chỉ tảng lờ đi, nói lúc hai đứa đang yêu nhau thế này thì cứ tận hưởng đi, nghĩ xa xôi làm gì. Mình thì ngại nên cứ chần chừ, dùng dằng chuyện chia tay” – Cô buồn bã nói.
Không như cô bạn cùng lớp, Dương là cô gái sống thực tế. Tình yêu của cô đã được bốn năm. “Những lúc mấy đứa ngồi trò chuyện với nhau, Dương từng nói sau này nếu muốn bám trụ được ở đất thủ đô thì phải lấy một ông chồng giàu, thật giàu. Chứ cứ vật vờ ở Hà Nội suốt đời cũng chỉ đi thuê trọ, sống vật vã qua ngày. Khổ lắm” – Thao cho biết: “Mà là nói thật, không chút bông đùa”.
Lý do khiến cô quyết định nói lời chia tay người yêu là: “Mình ra trường, anh ấy vẫn còn đang học, chưa có gì trong tay, tương lai mù mịt. Thế thôi”.
Học tiếng Anh, nhưng không có khả năng dịch, Dương nói mình muốn đi dạy vì thấy hợp hơn. “Tạm thời mình cứ ở Hà Nội ít thời gian. Sau ít thời gian, không trụ được thì về quê tính tiếp”.
“Cả hai đứa, người yêu đều sống tử tế, có trách nhiệm. Vậy mà cuối cùng chẳng chuyện của đứa nào đi được tới nơi” – Thao chán nản: “Sinh viên bây giờ sống cũng thực tế lắm. Giờ đâu còn chuyện “một túp lều tranh, hai quả tim vàng” đâu”.
Thế gian ai học được chữ ngờ
Chuyện của Nam và Huyền, sinh viên một trường Kinh tế tưởng đã là hình mẫu của những đôi trẻ yêu nhau và “cùng nhìn về một hướng”.
Nam hơn nàng một khoá. Ngay từ khi Huyền mới vào trường, hai người quen nhau trong cuộc gặp mặt đồng hương và tình yêu theo thời gian cùng tìm đến. Hai người sớm nhận ra khát vọng thành đạt ở mảnh đất thủ đô. Họ cùng giúp đỡ nhau trong học tập, cùng xây dựng kế hoạch thăng tiến trong tương lai.
Huyền vốn là con nhà đại gia ở đất Lạng Sơn. Nhiều người không khỏi “phục” ý chí của họ khi Huyền đầu tư tiền bạc, vật chất để Nam có được những mối quan hệ với những nhân vật thành đạt, có địa vị xã hội.
Tốt nghiệp ĐH, với nhiều cô cậu sinh viên cũng là lúc để nói lời chia tay. |
Nhiều lần, những món quà đắt tiền như điều hoà, ti vi xịn còn được Huyền đưa từ Lạng Sơn lên để Nam mang đi làm quà biếu cho các “sếp”. Hai người “tâm đầu ý hợp” đến nỗi, gia đình Huyền không nghi ngờ chuyện đôi bạn ra trường sẽ có một đám cưới hạnh phúc và coi việc Huyền làm cũng là đầu tư cho con rể tương lai.
Đùng một cái, chỉ sau mấy tháng ra trường và đi làm ở một cơ quan có tiếng, Nam thẳng thừng nói lời chia tay với Huyền. Không ai tin nổi một kết cục như thế. Chỉ có H. chìm đắm trong đau khổ khi biết rằng sự “đầu tư “ của mình cho người yêu đã bị lợi dụng.
Con gái trưởng phòng xinh đẹp, sự hứa hẹn “tặng” luôn một căn hộ giữa Hà Nội đã trở thành “khâu hoàn tất” cho việc khởi dựng sự nghiệp hoàn hảo của Nam.
Cố gắng “vớt vát”
Chuyện tình yêu của Linh, ĐH Sư phạm Hà Nội lại khác. Linh cho biết: “Hai đứa vẫn yêu nhau, nhưng bố mẹ anh ấy xem bói, nói tuổi của mình và anh không hợp nên ngăn cảnh anh ấy tới với mình”.
Linh sụt sùi: “Mình quê Vĩnh Phúc, anh quê Thái Nguyên, là dân kĩ sư. Tốt nghiệp rồi giờ mình cũng tính ở trên Hà Nội, kiếm việc làm thêm một thời gian. Sau một năm, nếu bố mẹ anh ấy vẫn giữ thái độ ngăn cản chắc mình sẽ chủ động nói lời chia tay trước. Rồi về quê, xin dạy ở trường nào đó trong huyện”.
Còn với Tiến, sinh viên ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH QGHN thì: “Kết thúc học ở đây, cô ấy xin được học bổng đi học ở nước ngoài, những 4 năm. Giờ hai đứa vẫn còn yêu nhau lắm. Chẳng biết sau này thế nào, nhưng lúc này đây, mình muốn làm cho cô ấy thật vui, thật thanh thản chuẩn bị cho chuyến đi”.
Không lời hứa hẹn, Tiến chỉ nói: “Nếu sau này hai đứa gặp lại, không còn là người yêu mình cũng mong cô ấy giữ mãi những hình ảnh tốt đẹp của mình trong tim cô ấy”.
Bước tiếp con đường yêu sau ĐH Vào mùa tốt nghiệp năm nay, phóng viên tờ Pháp luật của Trung Quốc đã đến khảo sát tại một số trường ĐH của nước này và nhận thấy hiện nay thay vì chia tay nhau, khá nhiều đôi bạn trẻ quyết định cùng nhau đối diện và khắc phục khó khăn sau ngày ra trường. Đào Hinh Vũ và Vương Hiểu Trì, 2 sinh viên ngành điện ảnh của trường ĐH nghệ thuật Bắc Kinh, sắp tốt nghiệp. Đào là người Quảng Đông, Vương là người Liêu Ninh và cả hai đã xác định sau này sẽ tiếp tục cùng nhau bước tiếp trên đường đời. Hinh Vũ tâm sự, cuối tháng 6 này họ sẽ làm lễ tốt nghiệp và đến tháng 8 thì làm lễ đính hôn. “Không dễ dàng gì để tìm được một người thích hợp với mình. Hai năm yêu nhau, không thể nói chia tay là chia tay ngay được”, cô tâm sự. Cử nhân tương lai này còn cho rằng sau này khi đi làm, bận bịu với công việc, sẽ ít có thời gian để đi tìm tình yêu thậm chí có nhiều người phải chịu cảnh “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó” nếu không thể tìm được cho mình ý trung nhân. Ngẫm lại, cô thấy càng phải quý trọng tình yêu mình đang có. Tháng 9 tới, cô sẽ tới Hồng Kông để học tiếp lên thạc sĩ nhưng khoảng cách về địa lý không khiến hai người lo lắng. Trái lại, theo Hiểu Trì, điều này sẽ càng tiếp thêm cho anh động lực và tin tưởng hơn vào cuộc sống của họ trong tương lai. Ngoài chuyện tình của hai người, trong lớp còn có sáu cặp nữa và không đôi nào trong số đó chọn cách chia tay. Một giảng viên ĐH nghệ thuật Bắc Kinh kể nếu như mọi năm, thầy cô thường phải chứng kiến cảnh các đôi bạn trẻ chia tay nhau trong thời gian chuẩn bị ra trường thì năm nay lại hoàn toàn khác; thậm chí, thầy đã nhận được vài tấm thiệp mời đám cưới từ sinh viên. Gần đây, mạng điều tra Trung Quốc đã tiến hành khảo sát đối với các sinh viên sẽ tốt nghiệp năm nay. Trong số những đối tượng được hỏi, có 85% lựa chọn tiếp tục nuôi dưỡng tình yêu thời sinh viên của mình. Theo giáo sư Hùng Hán Trung - chủ nhiệm trung tâm quản lý thanh niên Trung Quốc, hiện nay, ngày càng ít đôi chia tay nhau sau khi tốt nghiệp. Điều này chứng tỏ các bạn sinh viên rất biết trân trọng tình yêu của mình. Đây là một điểm tích cực và cho thấy trong xã hội hiện đại, giới trẻ vẫn rất coi trọng tình cảm chứ không chỉ chạy theo những giá trị vật chất như nhiều người vẫn lo ngại. (Theo VTC) |
-
Văn Chung – Nguyễn Hường