- Sẵn sàng bỏ ra hàng chục ngàn đô la để sở hữu một tấm bằng tiến sĩ, hoặc lựa chọn những cơ sở đào tạo kém chất lượng để có tấm bằng này cho thấy quan niệm ấu trĩ ở một bộ phận trí thức "nửa mùa".
TIN LIÊN QUAN |
---|
"Không xưng danh thì ai biết là ai...?"
Nếu đến một nước phát triển ở châu Âu và giới thiệu bản thân với một người dân bình thường: Tôi đang làm tiến sĩ ở trường X...thì hẳn là bạn sẽ nhận được câu hỏi: Tiến sĩ là làm cái gì?
Đừng nghĩ rằng dân trí những nước này thấp quá. Đơn giản là bởi "danh hiệu" đó không có gì đặc biệt đối với họ. Nếu giới thiệu mình làm tiến sĩ với người đang công tác trong trường đại học, người ta sẽ hiểu ngay công việc của bạn là gì. Tuy nhiên, với một người dân bình thường thì "danh hiệu" đó không có gì "ấn tượng".
Tuy nhiên, hãy nói điều đó với ai đó ở nước ta, từ thành thị cho tới nông thôn, ít nhất bạn cũng nhận được một ánh mắt yêu mến tức thì, trong đó có phần ngưỡng mộ, khâm phục.
Hay thử để ý trong một hội nghị, kể cả hội nghị của ngành giáo dục, trong phần kính thưa hay giới thiệu, lẽ ra chỉ cần nêu: "vụ trưởng A", "thứ trưởng A" hay thậm chí "bộ trưởng A" là đủ, nhưng không, trước chức vụ đó bao giờ cũng phải xướng lên cái danh hiệu "phó giáo sư, tiến sĩ A" hay "giáo sư, tiến sĩ A".
Tiến sĩ không phải là tước vị mà là một nghề
Nguyễn Thành Trung, một nghiên cứu sinh tại Bỉ cho biết: Sau khi làm nghiên cứu sinh 5 năm, tôi tự cười mình 5 năm về trước, khi đó tôi đã rất tự hào khi nhận được "học bổng" du học tiến sĩ do trường ĐH trực tiếp cấp. Nói tôi "từng tự hào" vì ngày đó có rất nhiều bài báo ca ngợi những người cùng lúc nhận được rất nhiều học bổng cấp từ các nước tiên tiến.
Anh nói: "Nhưng giờ thì tôi đã rõ, làm tiến sĩ không có gì quá khó khăn và to tát như người ta tưởng. Làm tiến sĩ là học cách làm nghiên cứu, là chập chững bước vào nghiên cứu khoa học. Trở thành nhà khoa học mới là cái đích cuối cùng. Nhưng con đường từ tiến sĩ tới danh hiệu nhà khoa học còn xa lắm, bởi vì làm tiến sĩ xong mà không nghiên cứu được cái gì, tấm bằng đó cũng coi như vứt sọt rác."
"Những người chính thức trở thành nghiên cứu sinh của trường (regular Ph.D student) làm việc giống hệt một công chức của trường và được hưởng một mức lương theo qui định. Hình thức trả lương này không phải là học bổng, mà gọi là trợ cấp (grant), một hình thức lương không đóng thuế.
Các nước Âu –Mỹ rất khuyến khích người nước ngoài ứng cử vào các vị trí này, vì người bản xứ ít người chịu làm công việc nặng nhọc nhưng lương thấp như thế, vào khoảng 1.800 euro/tháng (thu nhập thấp hơn một công nhân quét rác xứ Bỉ, vì họ có thêm 2 tháng lương một năm để đi nghỉ hè). Bên cạnh đó, đào tạo ra một người bản xứ đủ trình độ làm công việc này, họ phải mất chi phí nuôi người đó từ lúc mới sinh cho đến khi xong đại học hoặc thạc sĩ, trong khi đó nếu tuyển người nước ngoài, họ sẽ không mất khoản chi phí đó."
Anh Trung nhấn mạnh: "Trong quá trình học, tôi chứng kiến nhiều cuộc “ra đi” của đồng nghiệp, cả Tây, cả châu Á, không phải vì họ không giỏi giang mà vì không gặp may: họ gặp phải một đề tài không có đáp số. Tôi cũng ngạc nhiên khi thấy họ ra đi mà vẫn bình thản như không, vì hóa ra, học tiến sĩ với họ đơn giản là làm một công việc, là một phương tiện chứ không phải là một mục đích tối cao."
Bằng tiến sĩ chỉ là cái giấy chứng nhận biết cách nghiên cứu khoa học. Tiến sĩ không phải là một tước vị mà là một nghề như bao nghề bình thường khác. |
"Rõ ràng, đây không phải là chuyện một cá nhân đi tìm kiếm một tước vị mà là chuyện đào tạo một người làm khoa học, hay nói nôm na là đào tạo một nghề nghiên cứu. Chỉ đơn giản là thế. Trong xã hội ở đây, người ta không đặt nặng nề cái danh mà đặt các “thực” lên hàng đầu. Cụ thể là học bổng tiến sĩ của tôi cũng chỉ bằng thu nhập một công nhân nào đó làm việc 8 giờ/ngày. Tôi nói không ngoa, vì một điều rõ ràng nhất là về tiền, danh hiệu tiến sĩ không mang lại nhiều hơn cho họ, trong khi đó công việc nghiên cứu lại nặng nhọc, đầy áp lực về mặt tinh thần."
"Lương của một người làm việc “postdoc” (sau tiến sĩ) ở Bỉ chỉ khoảng 2.000 euro/tháng, giáo sư thì nhiều hơn tùy theo thâm niên. Tôi từng chứng kiến một bà giáo sư vì bất đồng chuyện cơ quan mà bỏ việc ở trường đại học, đi làm người tính tiền ở siêu thị. Về lương mà nói, cũng chỉ giảm một ít, bởi người tính tiền ở siêu thị cũng được trả khoảng 1.800 euro/tháng sau thuế, lại chẳng phải suy nghĩ gì nhiều!"
-
Tú Uyên