221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
1277367
“Trò thì phải nghi ngờ thầy, rõ chưa?”
1
Article
null
“Trò thì phải nghi ngờ thầy, rõ chưa?”
,

- Trò được thoải mái trao đổi, tranh luận dân chủ, không chút e ngại với thầy cô với phương châm: nghi ngờ chính điều thầy dạy mình. Đó là không khí học ở Trường THPT Chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội.

Năm nay, trường lại tiếp tục khẳng định "đỉnh cao" với 40 giải quốc gia (trong đó có 5 giải nhất), đạt 87% tổng số dự thi và được xếp vào "tốp đầu" của những trường có tỉ lệ học sinh đoạt giải. "Ở riêng" ngót 1 năm, ngôi trường đặc biệt này đang viết tiếp câu chuyện 40 năm dạy và học của khối chuyên Sư phạm.

TIN LIÊN QUAN

Mô tả ảnh.
Đội tuyển Sinh của trường năm nay.

"Thế mới là học!"

Bùi Kim Ngân, giải nhất văn quốc gia năm nay là một “điển hình” thường xuyên đặt câu hỏi trong các buổi học. "Thậm chí, đó còn là việc chính của em".

"Em có thói quen thắc mắc nhờ sự cổ vũ của thầy. Thầy dạy em rất thích bị học sinh “nghi ngờ” những kiến thức đã mình đã truyền cho trò" - cô bé chia sẻ.

Ngân nói, thầy giáo dạy theo kiểu “điểm xuyết”:

"Đối với nhiều người, sẽ rất vất vả nếu chỉ quen được thầy cô dạy theo kiểu chỉ bảo từng chút một. Một tác phẩm văn xuôi hay thơ đều phải được giảng từng câu, phân tích từng nội dung nhỏ. Thầy không dạy như vậy. Với chúng em, thầy để mỗi người có ý kiến riêng cho từng tác phẩm, cho từng vấn đề, không bao giờ áp đặt chúng em phải theo lời thầy giảng.”

Vì cách dạy “mở”, cộng với yêu cầu “luôn nghi ngờ những kiến thức thầy dạy” từ chính… thầy, những giờ học đội tuyển là cơ hội để các thành viên tranh luận “nảy lửa” với nhau và với thầy cô.

Đội tuyển Sinh học, Địa lý năm nay “thắng lớn”: tất cả các thành viên đi thi đều có giải và trong đó, mỗi đội "rinh" hai giải nhất. Học theo lối tranh luận cũng là đặc điểm của các đội này.

Ngọc Oanh, giải nhất môn Sinh là người luôn được các thành viên trong đội tuyển Sinh ngưỡng mộ vì sự say mê tìm hiểu và hăng hái mang những gì mình tìm hiểu lên hỏi cô giáo.

Hà Ly và Thu Giang, hai học sinh giành giải nhất của đội tuyển Địa cũng cho biết: “ Cách thầy để cho chúng em tự tìm hiểu trong tài liệu trước khi dạy và được cùng nhau làm sáng tỏ vấn đề hiệu quả hơn nhiều so với cách học đọc và chép mà mọi người thường gán cho khối C”.

Các em tự tìm hiểu và đào sâu kiến thức qua những tài liệu tự đọc ở nhà và đưa đến lớp tranh luận với nhau. Khi nào không ai chịu ai hoặc vấn đề đã “trật” ra khỏi đường ray thì lúc đó, thầy cô giáo mới vào cuộc để làm trọng tài.

“Tự bản thân trò đã thông minh và say mê môn học. Vì vậy, nhiệm vụ của các thầy là phát huy những thế mạnh đó, đem lại cho các em sự tự tin. Và các em tự tin nhất khi được thể hiện quan điểm của mình trong mọi vấn đề!” - Thầy Phạm Gia Mạnh - giáo viên môn Văn của trường cho biết.

Đây cũng là quan điểm của nhiều thầy cô của trường. Phương pháp dạy này đặc biệt hiệu quả đối với những học trò ham hiểu biết, luôn muốn “kiểm chứng” thông tin mà thầy cô mang đến.

"Thầy say nghề thì trò say học"

“Trò yêu thích một môn học thường bắt đầu từ việc trò yêu quý người thầy dạy môn đó. Muốn được học trò yêu quý, người thầy cứ dạy hết cái tâm của mình và chính thầy phải “say” môn mình dạy trước!”- Đó là chia sẻ của thầy Hiếu, giáo viên Địa lý và cũng là người dạy đội tuyển Địa năm nay.

“Tôi cố gắng dạy hết mình. Nếu thổi được niềm say mê của mình vào những học trò thì đó là điều hạnh phúc!”- Cô Vĩnh Hà, giáo viên dạy môn Sinh tâm sự.

Mô tả ảnh.
Kim Ngân
“Sau giờ học, thầy còn đưa cả đội đi chơi để chúng em thấy thoải mái, thầy trò hiểu nhau hơn. Thầy tặng chúng em những cuốn sách bổ ích, mong muốn chúng em học giỏi hơn. Ngày 20/10, thầy không quên nhắn tin chúc mừng chúng em nữa!” – Thu Giang- giải nhất Địa lý "bật mí" những bí mật nho nhỏ.

Kim Ngân chia sẻ: “Mỗi thầy giáo có những thế mạnh riêng. Mỗi người đều dạy cho em về thế mạnh ấy qua bài giảng. Em học lấy sự nhiệt tâm hay nghiêm túc khi thầy làm việc, học tư duy lôgic khi thầy phân tích bài học, học sự tinh tế khi thầy diễn đạt vẻ đẹp thơ ca, học tư duy rất sáng, rất rõ ràng và ngắn gọn khi thầy giải quyết một đề bài.”

“Từ những bài học đó, em nhìn thấy nhược điểm và ưu điểm của mình", cô bé kết luận.

Bí quyết học lấy “cái khôn” trong “túi khôn” của thầy Địa lý cũng được các trò tâm đắc.

"Trao niềm tin cho giáo viên giỏi"

Mô tả ảnh.
Ông Nguyễn Đức Hoàng.
“Học sinh đến đây từ các địa phương. Các em đều có chí hướng trong học tập, có phẩm chất trí tuệ và năng khiếu ở một môn nào đó.Vì vậy, điều các em cần là những người thầy, người cô có nhiệt tâm và chuyên môn giỏi để thổi bùng lên niềm đam mê sẵn có" - T.S Nguyễn Đức Hoàng, hiệu trưởng nhà trường cho biết

"Chương trình dạy học cụ thể cho một môn nào đó thì giao quyền trực tiếp cho các giáo viên chuyên là tốt nhất. Đó là cách để phát huy sự sáng tạo, linh hoạt trong mỗi thầy cô. Còn người đứng đầu trường chuyên sẽ là một tổng đạo diễn, nắm bắt những đặc điểm của môi trường chuyên, học sinh chuyên, cách quản lý, những khung chương trình đào tạo mà trường chuyên phải có" - vị hiệu trưởng từng là học sinh chuyên Toán, lãnh đội HSG đi thi quốc tế nêu quan điểm.

Ông cũng từ chối cách quản lý áp đặt máy móc đối với giáo viên và học sinh. "Bởi sự linh hoạt và ý thức trách nhiệm cao của giáo viên cần cơ chế mở và tạo điều kiện về mọi mặt của nhà trường".

Về lâu dài, mục tiêu của trường là đào tạo toàn diện, đi sâu môn chuyên và tăng cường tiếng Anh.

Bên cạnh việc học trên lớp, học chuyên đề sâu cho môn chuyên, học sinh được tăng cường tiếng Anh suốt 3 năm học với thời lượng mỗi tuần 10 tiết. Kết thúc năm học lớp 10, các em có cả một tháng “đầu tư” cho tiếng Anh trong một chương trình liên kết với tổ chức tình nguyện viên.

Còn đào tạo song ngữ đang là mục tiêu mà nhà trường hướng đến trong tương lai gần.

TS Hoàng cho rằng, điều cần ở người quản lý là khả năng quy tụ một đội ngũ giáo viên giỏi để tạo thành một hệ thống, một đội ngũ giáo dục có chất lượng cao. Chính những giáo viên giỏi này mới là những đạo diễn quan trọng nhất trong hệ thống, làm nên sức mạnh của cả một tập thể.

Vì vậy, "đặt niềm tin vào những giáo viên giỏi" là quan điểm dùng người của TS Hoàng.

  • Nguyễn Hường
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,