- Khi trong cuộc sống không chỉ có các loại hàng hoá mà ngay cả những hoàn cảnh cần tấm lòng nhân ái cũng đang kêu cứu vì bị “làm giả”, các bạn học sinh trong cuộc trao đổi này băn khoăn liệu mình có đủ bản lĩnh để sống nhân ái trong xã hội mà sự vô cảm đang dần lấn sân?
Lòng nhân ái cũng phải thông minh? Phóng viên: Em sẽ phản ứng như thế nào trong hoàn cảnh lòng nhân ái của mình có thể bị lợi dụng như những trường hợp giả ăn mày, giả nghèo khổ? Em có nghĩ rằng mình nên sống nhân ái một cách thông minh không?
Phạm Thị Huyền Trang: Bản thân từng gặp nhiều hoàn cảnh buộc em phải cân nhắc xem có nên làm một người tốt hay không. Không ít lần em đã “vô cảm” khi đứng trước nguy cơ mình có thể bị lợi dụng và cướp tài sản. Sau những lần đó em đều thấy áy náy mãi, nhưng chỉ có vậy thôi thì không thể đủ để thực sự sống nhân ái. Nếu có thể nhân ái đúng người đúng cảnh thì còn gì bằng. Dương Thị Tuyết Trinh: Em luôn nhìn mọi việc một cách thoáng nhất, thoải mái nhất, không nhất thiết phải suy xét hay tính đến việc có bị lợi dụng, có bị thiệt thòi hay không. Nếu em đứng trước những người ăn xin thì em sẽ cho tất cả những ai xin mình mà không cần băn khoăn đến chuyện thật, giả. Vì nếu những người đó lừa dối em, thì chính họ sẽ là người có lỗi, còn mình thì không bao giờ phải day dứt.
Nguyễn Thị Linh Chi: Khi mà cuộc sống ngày càng xô bồ, phức tạp và vượt quá sức tưởng tượng của ta thì nhân ái thông minh cũng là quan điểm không có gì là ích kỷ.
Song, nhân ái hay yêu thương là một vấn đề rất bản năng mà không phải lúc nào con người ta cũng dễ dàng nhận biết được cái “đúng người đúng việc” kia để tìm đến sự nhân ái thông minh cho chính mình.
Bởi vậy, em nghĩ rằng, mỗi chúng ta hãy trải rộng lòng nhân ái của mình bằng cách trao đi những yêu thương rất giản dị, rất bé nhỏ thôi nhưng bằng một cách tự nhiên không tính toán. Lòng nhân ái khi đó sẽ thực sự trọn vẹn.
Bùi Kim Ngân: Theo em nghĩ thì nếu thiếu sự thông minh thì sẽ không sống được một cách nhân bản nhất. Chỉ trừ thánh thần còn đối với những con người bình thường thì lòng nhân ái của họ cũng chỉ có mức độ.
Ta đâu phải là chúa Giê-su chịu đóng thân mình trên cây thánh giá để cứu vớt con chiên nhiều tội lỗi, ta đâu phải Thích Ca Mâu Ni xẻ thịt mình cho muông thú?
Bất cứ điều gì bị tách ra khỏi sự thông minh đều là nguy hại, đối với chính họ và những người xung quanh, kể cả đó là lòng nhân ái.
Sống nhân ái cũng cần có điều kiện?
Phóng viên: Đã có nhiều hoàn cảnh người ta vô cảm vì không có những điều kiện tốt để nhân ái. Phải chăng muốn sống nhân ái và giúp đỡ được mọi người thì chính mình phải có đủ vật chất, địa vị rồi mới nghĩ đến người khác?
Hồng Minh: Quan trọng là phải có vốn sống và sự trải nghiệm. Nếu trải nghiệm rồi thì mới có sự thấu hiểu, từ đó mới có sự đồng cảm.
Em lại thấy người nghèo thường nhân ái hơn vì họ từng trải qua thiếu thốn khổ cực, chứ người giàu khó lắm vì họ đã quá đầy đủ rồi.
Tuyết Trinh: Em cho rằng ý kiến của Hồng Minh là cực đoan và có phần ác cảm với những người giàu.
Một cổ nhân Trung Quốc có nói: “nhân bất vị kỷ thiên tru địa diệt” - con người mà không vì mình thì trời tru đất diệt. Em thấy lời dạy đó đúng đắn. Mình không giàu có khó có thể giúp người, mình không yêu thương mình khó có thể yêu thương người.
Người ta có thể giúp đỡ người khác chưa chắc vì yêu thương, mà vì chính danh tiếng của họ, của cơ quan họ. Nhưng điều đó có gì là xấu. Đó là nghệ thuật “đắc nhân tâm” (được lòng người) mà nhiều người giàu ngày nay đang lựa chọn.
Nhưng khó khăn đâu phải là lý do để lạnh lùng trước hoàn cảnh của người khác.
Gia đình bác em và gia đình dì ruột của em dù hoàn cảnh rất khó khăn nhưng vẫn nhận con nuôi chỉ vì gia đình đứa trẻ ấy còn nghèo hơn, lo lắng mọi chuyện học hành như đối với con đẻ vậy.
Em có người bạn đang nuôi dưỡng ước mơ sau này đủ kinh tế để xây nhà cho những đưa trẻ mồ côi chưa tìm được nơi che mưa che nắng.
Linh Chi: Em nghĩ lòng nhân ái có trong một đứa bé khi nó biết chia sẻ túi kẹo với người bạn hàng xóm và cũng có trong một nhà tỷ phú khi ông để lại toàn bộ tài sản để làm từ thiện.
Rõ ràng, bất cứ ai trong chúng ta cũng có thể nghĩ đến lòng nhân ái, nếu họ thực sự sống với tư cách là một CON NGƯỜI.
Giữ vững niềm tin cuộc sống để bảo vệ lòng nhân ái
Phóng viên: Khi bước chân vào cuộc sống, những điều sách vở nói và nhà trường dạy như những màu hồng sẽ dần va chạm với màu xám của cuộc đời, liệu nó còn giữ được sắc hồng như ban đầu?
Tuyết Trinh: Em biết mình không thể sống vô cảm được, còn nhân ái hoàn toàn là điều em sẽ cố gắng.
Em luôn cố gắng giữ vững niềm tin vào cuộc sống, tin rằng cuộc sống còn nhiều điều tốt đẹp, những biểu hiện vô cảm không phải là bản chất.
Huyền Trang: Em cũng không tự tin rằng mình sẽ luôn tin vào cuộc sống, em cũng chỉ biết cố gắng để sống nhân ái hơn.
Chỉ có điều em có niềm tin là mình sẽ không vì hoàn cảnh mà thay đổi những quan niệm sống mình hằng theo đuổi.
Hồng Minh: Sống nhân ái là cách sống mà em đã chọn. Và để bảo vệ điều đó, em nghĩ mỗi người cần có bản lĩnh để đứng vững trước cuộc sống.
Niềm tin vào bản thân,vào những điều thiện vẫn luôn tồn tại trong cuộc sống sẽ giúp em có sức mạnh.
Kim Ngân: Em nghĩ sẽ cần rất nhiều thứ: thời gian, sự trải nghiệm, tri thức để mình có thể tự điều chỉnh bản thân.
Phóng viên: Em có sẵn sàng chịu thiệt thòi để sống nhân ái?
Tuyết Trinh: Trong nhiều trường hợp, em xin được sống nhân ái mà chấp nhận sự thiệt thòi.
Đôi khi, em cho rằng dùng chính lòng nhân ái, nhiều khi dù biết bị lợi dụng nhưng vẫn chấp nhận, cũng có thể thức tỉnh những con người vô cảm.
Huyền Trang: Em không dám khẳng định rằng mình có thể chịu thiệt thòi như Trinh.
Linh Chi: Thức tỉnh người khác bằng lòng nhân ái là một hướng đi đúng đắn và em hoàn toàn nhất trí. Xưa nay, trái tim vẫn có sức mạnh rất lớn.
Và khi đã sống nhân ái mình đã được rất nhiều rồi, không cần phải nghĩ đến sự thiệt hơn ở đây nữa.
Phóng viên: Cảm ơn các bạn đã tham gia cuộc trò chuyện online.
-
Thuỷ Văn (Thực hiện)