Đi cùng với tính phổ biến, sức hấp dẫn và những tiện ích của mạng xã hội Facebook là một số rắc rối liên quan đến những người dùng của nó.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Thận trọng với những gì bạn nói trên Facebook
Một thanh niên 19 tuổi người Singapore đã bị đuổi học và bị cảnh sát ‘sờ gáy’ vì tội đăng tải những lời đe dọa đánh bom trong danh sách những việc cần làm của mình trên Facebook.
Dù bị phát hiện đó chỉ là một trò đùa, cậu cũng không thể được tha bổng một cách dễ dàng. Bởi, ngoài việc làm cho mọi người hoảng sợ thì cảnh sát còn phải ‘hao công tốn sức’ để chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc chiến vì những trò đùa dại dột như vậy.
Và trường hợp của thanh niên này cũng không phải là duy nhất.
Một học sinh 16 tuổi khác cũng đã từng bị bắt sau khi giãi bày ‘mong ước’ của mình trên Facebook là có thể đánh bom vào tất cả các trường học hàng đầu của Singapore. Cậu còn nói thêm rằng mình nên được học về khủng bố.
Thủ phạm của những trò đùa này đều đã bị bắt và đang chờ cảnh sát xem xét vụ việc.
Một vụ việc khác cũng liên quan đến việc chia sẻ thông tin trên Facebook là trường hợp của cậu bé Matthew Law, 19 tuổi đã đợi cô bạn gái cũ 14 tuổi ở cổng trường để đánh cô bé. Sở dĩ Laws có thể theo dõi được nạn nhân là nhờ thấy thời gian biểu của cô bé trên Facebook.
Dùng Facebook để ‘công kích’
Lợi dụng Facebook để ‘tấn công’ những người mà mình không ưa là một trong những ‘tiện ích’ mà mạng xã hội có thể làm được.
Trường hợp một hiệu trưởng mới được bổ nhiệm của một trường trung học ở Anh đã phải từ chức vì bị các học sinh của mình lập một chiến lược ‘tẩy chay’ trên Facebook là một ví dụ.
Cô giáo 50 tuổi này đã được các ủy viên hội đồng quản trị nhà trường lựa chọn cho chức vị hiệu trưởng để thay thế cho vị hiệu trưởng cũ, tuy nhiên giáo viên này lại không được lòng những học sinh của mình. Họ có cảm tình với thầy hiệu trưởng cũ hơn, vì thế một số học sinh trong trường đã lập lên một trang Facebook đề nghị thầy giáo này được tiếp tục giữ chức vụ hiệu trưởng thay cho cô giáo kia.
Những học sinh này và một số phụ huynh đã lôi kéo các giáo viên trong trường về phe của họ bằng cách tung ra những thông tin sai lệch trên Facebook về cô hiệu trưởng mới để gây sức ép với hội đồng quản trị nhà trường.
Dưới áp lực đó, cô giáo được chọn cho chức vụ mới này đã xin từ chức với lí do cá nhân và lí do chuyên môn.
Một rắc rối khác liên quan đến Facebook là trường hợp của một nữ trợ giảng ở Anh đã bị đình chỉ dạy vì tung lên Facebook những lời chế giễu cô học trò 4 tuổi của mình khi cô bé đang bị phạt.
Trên trang Facebook của mình, cô đã viết: “Nhìn này, Faye (tên cô học trò) đang khóc dưới cái cây hối lỗi đấy. Lạ chưa kìa! Trông thật là thú vị! Nực cười quá đi mất!”
Mẹ cô bé đã thu thập được 60 chữ kí vào đơn kiện yêu cầu nữ trợ giảng này không được phép quay lại trường nữa.
Hiệu trưởng của trường này đã thay mặt nhà trường xin lỗi về hành vi của cô giáo này và ngay lập tức cô bị đình chỉ dạy và chờ xử lý kỉ luật.
Hầu tòa vì…Facebook
Một cậu bé đã kiện mẹ mình ra tòa vì bà đã truy cập vào trang Facebook cá nhân và xâm phạm cuộc sống riêng tư của cậu.
Cậu nói rằng bà mẹ đã thay đổi mật khẩu tài khoản Facebook của mình khi cậu vô tình ra ngoài mà vẫn còn đăng nhập và bà đã viết những lời bình luận ‘vu khống’ trên trang cá nhân của cậu.
Bà mẹ này thì cho rằng bà đang thực hiện nghĩa vụ của một người mẹ. Bà đã đọc được một vài entry, trong đó có một lần cậu con trai viết về việc lái xe với tốc độ 153km/h sau khi cãi vã với bạn gái. Nội dung của một số entry khác cũng khiến bà rất lo lắng. “Điều đó đã thúc giục tôi bắt đầu ghé qua Facebook của nó để xem chuyện gì đang diễn ra” – bà nói.
Tuy nhiên, cậu con trai không đồng tình với quan điểm đó và yêu cầu không tiếp xúc với mẹ mình nữa.
Vụ việc này hiện đang được bàn tán xôn xao trên nhiều diễn đàn trực tuyến. Còn bà mẹ thì luôn tin rằng mình đã làm đúng và đang chuẩn bị ra tòa ngày 12/5 tới.
Lên kế hoạch ẩu đả trên Facebook
Hai nữ sinh đã sử dụng mạng xã hội Facebook để tổ chức đánh nhau ở ngoài trường học của mình.
Theo thông tin của Tòa án cho biết thì hai nữ sinh này đã có mâu thuẫn trước đó và đã nhiều lần đánh nhau.
Cô bé 14 tuổi đã khai nhận với quan tòa rằng cô đã đánh một học sinh lớp trên vào hồi tháng 1. Sau đó, nữ sinh lớp trên 15 tuổi này đã gửi một tin nhắn lăng mạ cô trên Facebook và đề nghị một trận ‘phân thắng bại’ một lần nữa.
Nữ sinh 14 tuổi đã đồng ý và ngay lập tức tin tức này được tất cả bạn bè của 2 nữ sinh này biết đến và mời họ tới xem.
Luật sư bào chữa của nữ sinh 15 tuổi cho biết: “Họ đã dùng Facebook để liên lạc với nhau và họ đã tự đưa mình vào tội gây ẩu đả được tổ chức trước”. Hiện tại cả 2 nữ sinh này đều đã bị bắt và giam giữ.
Học trò lợi dụng Facebook giả danh thầy
Những học sinh này mạo danh là các giáo viên trong trường và gửi đi những tin nhắn có nội dung tình dục không đứng đắn, thậm chí là tạo ra những sơ yếu lí lịch giả lấy tên của các giáo viên trong đó có chứa những thông tin xấu nhằm làm mất danh dự của họ.
Một giáo viên cho biết: “Một sinh viên trong trường đã giả mạo là một đồng nghiệp của chúng tôi. Tôi và các giáo viên khác đã thêm người này vào danh sách bạn bè và chúng tôi chỉ phát hiện ra khi người đó gửi đi những lời bình luận khiếm nhã có nội dung liên quan đến tình dục cho một đồng nghiệp khác.”
Trường hợp khác là về một giáo viên đã từng bị gọi lên phòng hiệu trưởng vì trong phần liệt kê các sở thích trên trang Facebook của anh có một nội dung là “quan hệ tình dục với các cậu bé và các cô bé chưa đủ tuổi”. Thông tin này chỉ được tháo bỏ khi thầy giáo này nói với các học sinh của mình rằng cảnh sát đang điều tra vụ việc.
Một đại biểu của Hiệp hội giáo viên và giảng viên Anh chia sẻ: “Tôi đã thực sự sốc khi biết rằng một số học sinh đã gửi những lời bình luận cay độc về các giáo viên của mình. Vụ việc đau lòng mà tôi từng được nghe là một học sinh cũ đã thành lập một nhóm trên Facebook với cái tên là ‘Tham gia nhóm này nếu bạn tin rằng cô X vẫn còn ‘zin’.”
- Nguyễn Thảo (Tổng hợp)