- Dù luôn phản đối chuyện con cái tối mắt, tối mũi học thêm suốt ngày, nhưng đến hè, anh Ngọc Hiền (quận Tân Bình, TP.HCM) vẫn phải tính nước cho con.. ôm cặp sách. Với 2 đứa con vừa học xong lớp 9 và 11, học hè là yên tâm hơn cả vì ít ra, con anh không còn thời gian để đi chơi với bạn bè, chơi game.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Chóng mặt tìm chỗ gửi con
Không phải cha mẹ nào cũng có thời gian để chăm sóc, dẫn con đi chơi. Ảnh: Minh Quyên |
Năm nào cũng vậy, mùa hè luôn là nỗi ám ảnh của phụ huynh. Con học mầm non hay trung học đều phải lo "sốt vó".
Sau ngày 31/5, hầu hết các trường mầm non công lập đều đóng cửa. Nhiều phụ huynh loay hoay không biết tìm đâu chỗ để gửi con.
“Tôi lao đao khi nghe trường thông báo nghỉ hè từ 31/5 đến tận 15/6. Giờ phải gửi tạm đứa nhỏ ở nhà bác. Mà nó phá quá! Đi làm không yên tâm tí nào” - chị Nguyệt Hương, phụ huynh có con học tại Trường mầm non Họa Mi (Q.2) than thở.
Chị Nguyên Phương còn khổ sở hơn khi sáng phải đưa con đi học luyện chữ vào lớp 1. Chiều phải mang con lên cơ quan vì không có ai trông giùm. “Con tôi học ở Trường Mầm non 14 (Q.Tân Bình), cũng là trường công nên 2 tuần nghỉ hè phải cố gắng xoay sở, vừa làm, vừa giữ con”.
“Chưa kể, sau 2 tuần trường đóng cửa, khi đi học lại, học phí sẽ cao hơn” - chị Hương nói thêm. Chị cho biết, học phí trong năm khoảng 500.000 đồng sẽ lên tăng lên thành 620.000 đồng khi học 2 tháng hè.
Theo bà Lê Thị Liên Hoan, Phó phòng Giáo dục mầm non (Sở GD - ĐT TP.HCM), nguyên tắc là các trường sẽ cho nghỉ hè 3 tháng. Tuy nhiên, do nhu cầu của phụ huynh, các trường sẽ mở thêm 2 tháng hè từ 15/6 - 15/8. Vì thế, học phí sẽ do nhà trường và phụ huynh thỏa thuận với nhau.
Trẻ ở nhà...lo hơn đi học
Có con nhỏ không ai giữ đã than khổ, những phụ huynh có con lớn tuổi cũng khổ không kém.
Nỗi sợ con cái chơi bời, chơi game, tiếp xúc với bạn bè xấu... khi được nghỉ hè luôn ám ảnh nhiều phụ huynh.
Những cám dỗ từ bạn bè xấu, game online, truy cập vào trang web đen... với trẻ luôn khiến phụ huynh lo sợ. Ảnh: Minh Quyên |
“Dịp hè rảnh rỗi, thường thì các bạn hay rủ nhau đi uống trà sữa, chơi game, đánh bài, lên mạng chat...” - Nguyễn Thanh Long, học sinh Trường THCS Lý Thường Kiệt cho biết.
Chị Bình, có con trai đầu học lớp 7 Trường TH Trần Đại Nghĩa nói chị rất không yên tâm khi 1 tuần, con chị chỉ học 3 buổi tiếng Anh.
Để con sống lành mạnh, chiều tối, 2 vợ chồng chị phải "hy sinh" giờ nghỉ ngơi hiếm hoi để dẫn con đi chơi. Cuối tuần, con trai chị được đến nhà thiếu nhi để học võ.
Với 2 đứa con, một học lớp 9, một học lớp 11, anh Ngọc Hiền (nhà ở quận Tân Bình) cho biết anh thấy yên tâm nếu con mình đi học thêm trong hè. Vì đi học, ít ra con cái không còn thời gian để đi chơi với bạn bè, chơi game...Điều này có vẻ mâu thuẫn, bởi trên thực tế anh luôn phản đối việc con cái không được đi chơi, tối mặt, tối mũi, học thêm suốt ngày.
Kín mít lịch "chạy sô"
Sợ con trai ham chơi, chị Ngọc Hoa, phụ huynh có con học Trường THCS Lý Thường Kiệt lên kế hoạch sẵn cho con trong hè.
Học sinh căng thẳng đi "luyện công" lại làm phụ huynh an tâm hơn. Cảnh học sinh tan học thêm ở Trung tâm Lý Tự Trọng. Ảnh: Minh Quyên |
Nguyên tháng 6, chị cho con đi học ôn thi lên lớp 10. Sang tháng 7, tháng 8, chị tìm chỗ cho con học thêm. Thời gian không học thêm, chị thuê luôn gia sư cho con.
“Đây là lứa tuổi dễ bị sa ngã nhất. Biết là học nhiều cháu mệt, nhưng phải chịu. Để giảm áp lực, tôi cho nó đi du lịch vài ngày để giải khuây...” - chị Hoa bộc bạch.
Ngay cả khi con chỉ chuẩn bị lên lớp 2, chị Yến Hoa, phụ huynh có con học Trường tiểu học Đoàn Kết cũng phải cho bé đi học thêm. Sáng, học thêm ở nhà cô giáo. Chiều, đón con về. Tối lại đưa con đi học ở trung tâm tiếng Anh 3 buổi/tuần.
Nỗi khổ trong hè của chị là phải đưa rước con liên tục. Nhưng với chị là “không sao”, miễn lịch học của con kín.
Cũng vì thế, phụ huynh nào có con phải học liên tục trong hè, dù căng thẳng nhưng họ vẫn yên tâm. Cũng vì lí do đó, không ít học sinh phải chịu cảnh: mùa hè là mùa...“luyện công”.
-
Minh Quyên