221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
1281371
PGS lừng lẫy Văn Như Cương thất hứa với thầy Khoa?
1
Article
null
PGS lừng lẫy Văn Như Cương thất hứa với thầy Khoa?
,

- Dư luận vẫn chưa quên lời Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh, ông Văn Như Cương khi khẳng định "sẽ nhận thầy Đỗ Việt Khoa về làm việc nếu thầy gặp khó khăn". Khi hay tin thầy Khoa sẽ nghỉ việc, trao đổi với VietNamNet chiều 21/5, ông Cương nói "bây giờ thì tôi không nhận thầy nữa vì nhận thức đã thay đổi".

a

PGS Văn Như Cương: "Về phía Bộ GD-ĐT lúc đó cũng hơi đề cao, tâng bốc quá hiện tượng đó bằng việc hết phần thưởng này đến phần thưởng khác..." (Ảnh K.O)

Lúc đó thầy về tôi nhận, còn giờ thì....

- Chắc ông đã nghe thông tin về thầy giáo Đỗ Việt Khoa bỏ nghề?

Có, tôi đã biết thông tin qua báo chí. Nhưng hình như chưa có đơn chính thức?

- Sở GD-ĐT Hà Nội chưa nhận đơn, nhưng thông tin ông Khoa nghỉ việc đến thời điểm này là chắc chắn. Vậy ông có thực hiện hiện lời hứa cách đây khoảng 3 năm là "sẽ nhận thầy Khoa về làm việc"?

Bây giờ thì tôi không nhận nữa, bởi nhận thức của tôi cũng đã thay đổi.

Năm 2006, thông qua báo chí tôi được biết thầy Khoa là người chống tiêu cực và được dư luận hưởng ứng.

Lúc đó, tôi có suy nghĩ "chuyện nhốn nháo trong thi cử thì thật ra ai cũng biết, nhưng để nói và có minh chứng bằng clip thì thầy Khoa là người đầu tiên".

Và tôi nghĩ, nếu vì chuyện chống tiêu cực mà nhà trường - nơi thầy Khoa công tác gây khó khăn cho thầy Khoa thì tôi sẵn sàng nhận thầy về.

Sau đó một thời gian thì có đồng nghiệp hỏi "thầy Cương đã nhận thầy Khoa về chưa?". Tôi nói "thầy Khoa có bị đuổi việc đâu...". Rồi qua theo dõi những việc thầy làm thì thấy thầy Khoa không được bình thường.

Ví như, việc thầy Khoa ứng cử đại biểu Quốc hội chẳng hạn. Có thể, thầy Khoa nghĩ sau vụ chống tiêu cực thi cử được Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân đến nhà thăm và tặng bằng khen, được VTV làm chương trình "người đương thời"....nên đã đề cao mình quá?

Do đó, bây giờ thì tôi không nhận thầy về làm việc nữa.

- Vì sao ông có suy nghĩ là thầy Khoa không bình thường?

Qua một thời gian, tôi hiểu rõ hơn và có suy nghĩ thầy Khoa là người không bình thường cả về tư duy, nhận định và đánh giá mình. Trong đó, đánh giá mình rất quan trọng đối với một thầy giáo biết mình, biết người.

Việc chống tiêu cực đó thì tốt quá rồi. Nhưng đó không phải là lý do để tự cho mình là người có một uy tín nào đó hay một thành công nào đó. Việc ứng cử viên đại biểu Quốc hội thì cũng khuyến khích - đó là người phải biết mình có thể cống hiến được gì hay có thể làm được gì.

Nhưng cách làm của thầy Khoa thì nói thật tôi cũng hơi thất vọng. Vì sao ở trường thầy bị cô lập, giáo viên ở trường không trao đổi với thầy bởi bao giờ trong túi thầy Khoa cũng có một cái máy ghi âm. Nên nói gì thầy ghi âm được hết nên ai cũng ngại. Vì giáo viên nói chuyện với nhau đôi khi cũng có những chuyện sơ hở.

- Vì lý do "nhạy cảm" đó mà ông bỏ ý định nhận thầy Khoa về làm việc?

Ý của tôi là không nên vùi dập những con người dám đứng lên đấu tranh nếu ông Hiệu trưởng ấy, tập thể giáo viên ấy thấy đây là điều tốt thì sửa chữa. Còn nếu mà vì lý "đấu tranh thì tránh đâu" thì tôi sẵn sàng nhận thầy để giúp thay đổi nhận thức.

Nếu lúc đó thầy về tôi sẽ nhận. Và lúc đó, tôi cũng chưa nói là nhận thầy về dạy môn gì, bởi theo nguyên tắc của trường là phải kiểm tra chuyên môn. Có thể nhận thầy về làm những công việc khác để cho thầy có một chỗ đứng nếu Trường THPT Vân Tảo đuổi thầy lúc đó.

Ở trường tôi, các thầy không ủng hộ cách làm của thầy Khoa

- Thực ra, đuổi việc ngày lúc đó như ông phán đoán để nhận thầy ngay lúc đó sẽ không thể xảy ra mà phải có một quá trình làm cho nản, chán...Nếu ông là lãnh đạo Trường THPT Vân Tảo, ông sẽ làm thế nào?

a
Trường THPT Vân Tảo
Câu nói của tôi "nhận thầy về làm việc" chỉ có giá trị ở thời điểm đó thôi.

Nhưng với thời gian 3 năm thì tôi đã có nhận thức khác. Nếu thời điểm đó thầy Khoa khó khăn quá vì trường gây khó khăn thì tôi đã nhận rồi...

Tôi không hiểu nội tình cụ thể, nhưng ông Hiệu trưởng của Trường THPT Vân Tảo đã thay mới thì tôi nghĩ một người nhận nhiệm vụ mới chắc chắn không theo vết xe cũ là trù dập nhân viên, nếu trước đó có hiện tượng trù dập.

Tôi nghĩ Hội đồng trường đó, ông hiệu trưởng ấy có xác định thái độ làm việc sẽ khác, nhưng tại sao vấn đề diễn ra vẫn phức tạp, căng thẳng vẫn xảy ra? Tôi chưa biết nguyên nhân do đâu nhưng theo tôi nghĩ từ phía thầy Khoa nhiều hơn.

Qua một số công việc thầy Khoa làm, tôi nghĩ thầy là một người không bình thường nên không được tập thể yêu mến.

Còn nếu tôi là Hiệu trưởng Trường THPT Vân Tảo thì mọi sự sẽ rõ ràng, công khai minh bạch. Thầy tố cáo gì tôi thì thầy cứ nói. Ban kiểm tra xuống thì tôi sẽ nói lại. Ban kiểm tra quyết định gì nếu sai tôi sẽ đấu tranh.

Tôi được biết, mấy lần thanh tra Sở GD-ĐT Hà Nội về trường làm việc và đã có kết luận, trong đó có một vài điểm tố cáo đúng nhưng có nhiều điểm thầy Khoa tố cáo không đúng. Dù không trực tiếp thanh tra nhưng thấy sở kết luận như thế thì cũng phải tin chứ. Chả nhẽ thanh tra sở lại vào hùa với trường để dọa ông Khoa?

- Theo ông thì khi thanh tra đưa ra kết luận thì cũng phải kèm theo đề xuất xử lý, kỷ luật hay khiển trách cả bên bị đơn và nguyên đơn. Nhưng kết luận chỉ đưa ra thế và không có động thái tiếp theo, khiến người tố cáo chưa tin vào cách làm?

Ban thanh tra của Sở GD-ĐT Hà Nội quyết định, trong những nội dung thầy Khoa tố cáo có một số điều đúng thì chắc chắn là sở phải uốn nắn rồi và trường phải hứa thực hiện.

Kết luận có nêu một số điều thầy Khoa tố cáo không đúng thì tất nhiên tố cáo không đúng thì phải chịu trách nhiệm.

Nhưng khi bản thanh tra này chưa xong thì thầy Khoa lại kiện tiếp thì phải còn thanh tra nữa, và cứ làm như thế thì chưa biết đến bao giờ...

- Ông không đồng tình với cách làm của ông Khoa?

Ở trường tôi, các thầy không ủng hộ cách làm của ông Khoa. Nhiều người cho rằng thầy Khoa dại.

- Nhưng nếu đặt vào vị trí người đi kiện thì ông có nghĩ đến tình huống: thanh tra vào cuộc cho có? Và ông nhìn nhận thế nào với kết cục của một người chống tiêu cực như thầy Khoa?

Cũng có thể đó là một tình huống, nhưng tôi vẫn nghĩ khi đã thay hiệu trưởng mới thì chuyện chèn ép sẽ không còn căng thẳng nữa.

Với thầy Khoa, tôi đánh giá cao vì thầy đã có được những dẫn chứng chống tiêu cực thi cử ở thời điểm nhiều người biết nhưng không ai dám nói.

Tuy nhiên, về phía Bộ GD-ĐT lúc đó cũng hơi đề cao, tâng bốc quá hiện tượng đó bằng việc hết phần thưởng này đến phần thưởng khác, rồi thầy lại lên "người đương thời" nữa...

Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến ông Khoa đánh giá mình không đúng.

- Cảm ơn ông!

  • Kiều Oanh (Thực hiện)

Những đợt "sóng nổi" tại Trường THPT Vân Tảo

- Năm 2006, thầy giáo Đỗ Việt Khoa tố cáo tiêu cực ở Hội đồng thi tốt nghiệp Trường THPT Phú Xuyên A (Hà Tây cũ). Hiệu trưởng THPT Vân Tảo Từ Ngọc Lĩnh làm chủ tịch Hội đồng thi bị cách chức.

- Sở GD&ĐT Hà Tây (cũ) cử Phó phòng Giáo dục thường xuyên Lê Xuân Trung về làm hiệu trưởng Trường THPT Vân Tảo ngay sau đó.

- Sau hơn một năm giữ chức, Hiệu trưởng Lê Xuân Trung đã bị thầy giáo Đỗ Việt Khoa tố cáo nhiều sai phạm từ lạm thu, phạt HS nghỉ học. Tháng 12/2007, thanh tra Sở GD-ĐT Hà Tây về THPT Vân Tảo kiểm tra những thông tin tố cáo.

- Đêm 14/11/2008, bảo vệ THPT Vân Tảo là Trần Văn Xường và Nguyễn Văn Đông xông vào nhà chửi bới và cướp máy ảnh của thầy giáo Khoa.

- Trưa 15/11, công an huyện Thường Tín tạm giam Trần Văn Xường vì hành vi cướp giật tài sản. Còn chiếc máy ảnh của thầy Khoa hỏng hoàn toàn do bị ném xuống mương nước cạnh trường

- Chiều 18/11, Hiệu phó THPT Vân Tảo Nguyễn Thị Hoa thừa nhận việc bảo vệ lăng mạ, hành hung và cướp máy ảnh của thầy Khoa là điều đáng tiếc.

- Chiều 22/11, Thanh tra Bộ Giáo dục đề nghị khẩn trương giải quyết dứt điểm vụ việc cũng như xem xét trả lời đơn thư tố cáo của thầy Khoa và báo cáo Bộ.

- Chiều 25/11, Công an huyện Thường Tín (Hà Nội) cho biết, đã khởi tố vụ án và bị can Trần Văn Xường để điều tra về việc cướp tài sản của thầy Khoa.

- Ngày 26/11, Đỗ Việt Khoa tố cáo sai phạm của THPT Vân Tảo, nổi bật là việc thu tiền học thêm cao gấp đôi quy định, thu quỹ xây dựng trái phép...

- Ngày 27/11, Hiệu trưởng THPT Vân Tảo (Hà Nội) Lê Xuân Trung cho biết, việc trích phần trăm khoản thu của học sinh cho giáo viên chủ nhiệm là do Hội phụ huynh.

- Ngày 1/12, Thanh tra Sở GD-ĐT Hà Nội kết luận, trong số các nội dung tố cáo của thầy Khoa, có các nội dung đúng nhưng cũng có nhiều nội dung sai.

- Chiều 2/12, Thanh tra Bộ GD-ĐT khẳng định, Hội phụ huynh thu các khoản tiền liên quan đến giảng dạy là sai mục đích và hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm.

- Sáng 4/12, Chánh thanh tra Bộ GD-ĐT đã về trường Vân Tảo tiếp nhận đơn kiến nghị của thầy giáo Đỗ Việt Khoa.

- Năm 2009, thầy Đỗ Việt Khoa vẫn đeo đuổi vụ việc để “trắng – đen, đúng - sai” được rõ ràng.

- Tháng 5/2010, thầy Khoa có ý định nghỉ dạy sau gần 20 năm đứng lớp.

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,