Richard C. Levin, Hiệu trưởng Trường ĐH Yale (Mỹ) vừa có bài phân tích về xu thế các trường ĐH châu Á vươn ra thế giới. Bài viết đề cập tới những kế hoạch đầy tham vọng, những con người đi tiên phong ở các quốc gia. Dưới đây, VietNamNet lược trích bài viết này.
TIN LIÊN QUAN
Sự phát triển nhanh của kinh tế châu Á từ sau Thế chiến thứ 2 – bắt đầu từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, sau đó lan rộng ra Hồng Kông, Singapore và cuối cùng là Ấn Độ, Trung Quốc – đã làm thay đổi sự cân bằng về sức mạnh của các quốc gia trên toàn cầu.
ĐH Phúc Đán – một trong 9 trường ĐH hàng đầu của Trung Quốc thuộc nhóm C9 - được xem là Liên đoàn Ivy của Trung Quốc.
Những quốc gia này đã nhận ra tầm quan trọng của lực lượng lao động được đào tạo đối với sự tăng trưởng kinh tế. Họ hiểu rằng, đầu tư vào nghiên cứu sẽ giúp nền kinh tế có nhiều đổi mới, khả năng cạnh tranh cao hơn. Vào đầu những năm 60, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan đã nỗ lực cải thiện dân trí của mình bằng cách mở rộng đầu vào bậc sau trung học và đã đạt được những kết quả ấn tượng.
Trung Quốc đã có liên đoàn Ivy, Ấn Độ mơ có Harvard
Ngày nay, Trung Quốc và Ấn Độ thậm chí còn có những kế hoạch nhiều tham vọng. Cả hai nước này đều cố gắng mở rộng hệ thống giáo dục đại học của mình, và từ cuối những năm 90, Trung Quốc đã đạt được những thành quả đầy bất ngờ.
Họ còn có tham vọng thành lập một số trường đại học mang tầm quốc tế. Ở Trung Quốc, mới đây 9 trường đại học nhận được trợ cấp nhiều nhất của Chính phủ đã cùng tập hợp lại thành một nhóm C9 – được coi là "liên đoàn Ivy"của Trung Quốc.
Ở Ấn Độ, Bộ Phát triển nguồn nhân lực gần đây cho biết dự định xây dựng 14 trường đại học tổng hợp tầm cỡ thế giới.
Các quốc gia châu Á khác cũng đang có những kế hoạch của riêng mình để không bị tụt hậu. Ví dụ như, Singapore đang dự dịnh thành lập một trường đại học công lập đào tạo về công nghệ và thiết kế, chưa tính đến một trường đại học nghiên cứu tự do theo phong cách Mỹ được liên kết với ĐH National
Những ý tưởng này cho thấy Chính phủ các quốc gia châu Á đã hiểu được rằng, cải thiện hệ thống giáo dục đại học là việc cần phải làm để duy trì sự tăng trưởng kinh tế trong một nền kinh tế toàn cầu hậu công nghiệp dựa trên tri thức.
Họ đang có những tiến bộ nhờ việc đầu tư vào nghiên cứu, cải cách những phương pháp giảng dạy truyền thống của ngành giáo dục, đồng thời bắt đầu thu hút được đội ngũ giảng viên xuất sắc tới từ các quốc gia khác.
Thách thức vẫn còn nhiều, song có thể đến khoảng giữa thế kỷ này, các trường đại học châu Á sẽ nằm trong danh sách các trường đại học tốt nhất thế giới.
Những người đi tiên phong
Ở giai đoạn đầu phát triển sau chiến tranh của các quốc gia châu Á, chính phủ các nước này hiểu rằng việc mở rộng đầu vào cho giáo dục đại học là điều kiện tiên quyết để duy trì sự tăng trưởng kinh tế.
Với lực lượng lao động được đào tạo tốt, trong vòng nửa thế kỷ qua, Nhật Bản và Hàn Quốc đã chuyển từ nền kinh tế nông nghiệp sang công nghiệp, tiếp đó là từ nền kinh tế tập trung vào các ngành sản xuất kĩ thuật thấp tới nền kinh tế sản xuất kĩ thuật cao.
Với sự đầu tư đáng kể của Chính phủ, hệ thống giáo dục đại học của cả 2 quốc gia này đều phát triển nhanh chóng. Ở Nhật Bản, tỉ lệ người học đại học so với tổng dân số ở độ tuổi học đại học đã tăng từ 9% vào năm 1960 tới 42% vào giữa những năm 90. Ở Hàn Quốc, tỉ lệ tăng thậm chí còn vượt bậc hơn – từ 5% vào năm 1960 tới trên 50% vào giữa những năm 90.
Các quốc gia châu Á đang tăng cường đầu tư vào nghiên cứu – điều kiện cần đề duy trì tăng trưởng kinh tế |
Trong giai đoạn này, Trung Quốc và Ấn Độ bị tụt lại phía sau. Thậm chí, vào giữa những năm 90, chỉ có 5% dân số Trung Quốc ở độ tuổi học đại học được đến trường đại học – ngang tầm với Bangladesh, Botswana và Swaziland. Ở Ấn Độ, mặc dù đã có những nỗ lực sau chiến tranh trong việc thành lập một nhóm các trường đại học tổng hợp quốc gia và sau đó là Viện Công nghệ Ấn Độ, song tỉ lệ này cũng chỉ ở mức 7% trong những năm 90.
Cuối những năm 90, các nhà lãnh đạo Trung Quốc hiểu rằng đất nước họ cần phải theo kịp các cường quốc khác. Phát biểu tại lễ kỉ niệm 100 năm ĐH Bắc Kinh vào năm 1998, Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân đã phác thảo ra một kế hoạch mở rộng hệ thống giáo dục đại học của đất nước này.
Và chính quyền dưới thời của ông đã tiến hành kế hoạch này nhanh chóng hơn bất kì nỗ lực nào từ trước tới giờ trong lịch sử. Tới năm 2006, Trung Quốc đã chi 1,5% GDP cho giáo dục đại học – gần gấp 3 lần con số mà nước này đã chi ra cách đây một thập kỉ.
Kết quả đầu tư của thành phố Bắc Kinh đã gây sửng sốt. Hơn một thập kỉ sau tuyên bố của Chủ tịch Giang, số cơ quan giáo dục đại học ở Trung Quốc đã tăng gấp đôi, từ 1.022 lên tới 2.263. Trong khi đó, số sinh viên vào đại học ở Trung Quốc mỗi năm tăng gấp 5 lần – từ 1 triệu sinh viên vào năm 1997 tới hơn 5,5 triệu sinh viên vào năm 2007. Sự phát triển này chưa từng có trước đây và hiện nay số sinh viên đại học của Trung Quốc là nhiều nhất trên thế giới.
Việc mở rộng này đã chậm lại từ năm 2006 do bị hạn chế vì nỗi lo rằng số sinh viên tăng lên đã vượt quá số lượng sinh viên mà một giảng viên có thể kiêm nhiệm. Sự hạn chế này nhằm đảm bảo chất lượng ở một số trường. Tỉ lệ sinh viên – giảng viên đã tăng gấp đôi trong thập kỉ qua.
Những thành quả của Ấn Độ chưa hoàn toàn ấn tượng song tham vọng của đất nước này cũng không hề nhỏ.
Với nền dân chủ lớn nhất thế giới, Ấn Độ đang có khả năng trở thành đất nước đông dân nhất trong 2 thập kỉ, và tới năm 2050, nếu như Ấn Độ vẫn duy trì sự tăng trưởng như hiện tại thì nó có thể trở thành quốc gia đông dân thứ 2 sau Trung Quốc.
Để tạo điều kiện cho sự tăng trưởng kinh tế, Bộ trưởng Bộ Phát triển Nguồn Nhân lực – Kapil Sibal đã đặt ra mục tiêu tăng tỉ lệ sinh viên đại học từ 12% tới 30% vào năm 2020. Mục tiêu này đông nghĩa với việc Ấn Độ sẽ tăng 40 triệu sinh viên đại học trong thập kỉ tới – một mục tiêu đầy tham vọng.
Và chắc chắn rằng, dù chỉ đạt được một nửa con số đó thôi cũng đã là một sự thành công đáng kể của đất nước này.
(Còn tiếp)
-
Nguyễn Thảo (dịch từ Times Higher Education)