Châu Á tăng mạnh trường đại học
Sự phát triển kinh tế nhanh chóng của Châu Á kể từ Thế chiến thứ II – bắt đầu là Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan, sau đó mở rộng tới Hồng Kông, Singapore và cuối cùng là sự phát triển hùng mạnh của Ấn Độ và Trung Quốc – đã vĩnh viễn làm thay đổi cán cân quyền lực toàn cầu, và họ hiểu rằng việc đầu tư vào giáo dục sẽ giúp đổi mới và tạo ra nhiều khả năng cạnh tranh hơn cho nền kinh tế.
TIN LIÊN QUAN
Bắt đầu từ những năm 60, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan đã tìm cách để người dân có thể tiếp cận nhiều hơn với nền giáo dục đại học, và họ đã đạt được những kết quả ấn tượng.
Thậm chí ngày nay, Trung Quốc và Ấn Độ còn có cả một chương trình nghị sự đầy tham vọng. Cả hai quốc gia này đang tìm cách mở rộng hệ thống giáo dục đại học của mình.
Kết quả đầu tư vào giáo dục của Bắc Kinh thật đáng kinh ngạc. Trong thập kỷ qua, số lượng các tổ chức giáo dục bậc cao ở Trung Quốc tăng hơn gấp đôi, từ 1.022 đến 2.263 tổ chức. Trong khi đó, số lượng người Trung Quốc ghi danh vào một trường đại học mỗi năm tăng lên gấp 5 lần.
Cho đến nay, thành tích giáo dục của Ấn Độ không lớn lắm, tuy nhiên tham vọng của quốc gia này không hề nhỏ. Để thúc đẩy sự phát triển kinh tế, Ấn Độ sẽ tăng tỷ lệ học sinh sinh viên trong nền giáo dục sau trung học lên từ 12% đến 30% vào năm 2010. Kế hoach này sẽ giúp Ấn Độ tăng thêm 40 triệu sinh viên đại học trong thập kỷ tới.
Có được những tiến bộ to lớn trong việc mở rộng cách tiếp cận giáo dục đại học, các quốc gia hàng đầu của Châu Á lại tiếp tục tập trung vào một mục tiêu đầy thách thức: xây dựng lên các trường đại học có thể cạnh tranh với các trường hàng đầu thế giới.
Chính phủ các nước Trung Quốc, Ấn Độ, Singapore và Hàn Quốc rõ ràng là đang tìm cách để nâng cao vị thế của một số trường đại học của mình, bởi vì họ nhận thấy rằng, các nghiên cứu khoa học dựa trên các trường đại học đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở Hoa Kỳ, Châu Âu và Nhật Bản .
Việc đưa các trường đại học lên vị trí hàng đầu là một yêu cầu cao. Các trường đại học đẳng cấp thế giới đạt được vị thế cao đó là do họ tập được các học giả nghiên cứu chuyên sâu, những người giỏi nhất toàn cầu về các lĩnh vực của họ. Điều này yêu cầu phải có cơ sở vật chất tiện nghi, kinh phí đầy đủ, mức lương và thưởng có thể cạnh tranh được với các trường hàng đầu khác. Trung Quốc đang đầu tư khá nhiều vào cả ba yếu tố trên, ngoài việc thu hút đội ngũ giảng viên, họ còn có cả một hệ thống phân bố kinh phí nghiên cứu.
Chỉ dựa vào giáo dục thì không đủ để một quốc gia có thể phát triển về phương diện kinh tế, tuy nhiên, giáo dục sẽ tạo nên những công dân có hiểu biết, có triển vọng lớn, và các doanh nhân năng động, có khả năng tư duy độc lập cao. Các nhà lãnh đạo của Trung Quốc, đã nhận ra rằng, hai yếu tố mà các trường đại học của mình còn thiếu là : bề rộng đa ngành và sự bồi dưỡng tư duy đánh giá.
Các phương pháp và các chương trình giảng dạy truyền thống của Châu Á có thể hoạt động tốt với việc đào tạo kỹ sư và các công chức địa phương, nhưng không phù hợp với việc bồi dưỡng các quan chức lãnh đạo và công cuộc đổi mới.
Những sinh viên muốn trở thành người đứng đầu trong chính phủ hay các ngành thương mại, y tế, pháp luật, các trường đại học… cần phải có đầu óc “tự chủ” – có khả năng thích ứng với hoàn cảnh thay đổi liên tục, và có khả năng tìm ra những cách sáng tạo để giải quyết vấn đề. Để nuôi dưỡng được những thói quen như thế này đòi hỏi sinh viên phải tiếp nhận thông tin nhiều hơn; họ phải học cách suy nghĩ cho chính bản thân mình.
Các chương trình giảng dạy theo phong cách Hoa Kỳ đã đang được thực hiện ở Châu Á, nhưng việc thay đổi phong cách giảng dạy này đã cho thấy nhiều vấn đề: chương trình này cần nhiều tiền hơn để mở các lớp học ít sinh viên hơn, và nó đòi hỏi giảng viên phải chấp nhận phương pháp giảng dạy mới.
Không phải tất cả các trường đại học đều có thể hoặc đều buộc phải có được đẳng cấp thế giới. Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc đều đã nghiệm ra bài học này.
Tuy nhiên Ấn Độ thì không. Quốc gia này đã thành lập 5 Học viện Công nghệ Ấn Độ trong các thập niên 50 và 60, và hơn 10 trường khác đã được thành lập trong vòng hai thập kỷ qua. Đây là những cơ sở giáo dục có tiếng trong việc đào tạo kỹ sư, nhưng không có tính cạnh tranh toàn cầu.
Mặc dù vậy, theo một khía cạnh nào đó, Ấn Độ có được lợi thế mạnh mẽ hơn Trung Quốc, ít nhất là cho tới lúc này. Ấn Độ tạo điều kiện cho giảng viên của mình thoải mái theo đuổi sở thích của họ. Ở bất cứ nơi nào sinh viên và giảng viên cũng đều được bày tỏ ý kiến như nhau, và do vậy, tự do là một yếu tố tuyệt đối cần thiết ở bất kỳ một trường đại học lớn nào.
Các quốc gia Châu Á đang gia cố gắng tạo ra các trường đại học hàng đầu. Họ tập trung mọi nguồn lực để có thể tạo ra các trường đại học đẳng cấp thế giới. Điều này không thể thực hiện được trong một sớm một chiều mà sẽ tốn thời gian nhiều thập kỷ, nhưng quá trình này đang diễn ra nhanh hơn bao giờ.
-
Nguyễn Phượng (Theo Asiaone)