-Lời tòa soạn: “Lòng nhân ái và sự vô cảm” vừa bước vào kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm 2010 với tư cách là đề thi phần văn nghị luận xã hội. Có 3 giải nhất và thí sinh đạt điểm cao nhất là 18. VietNamNet đã liên lạc với Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng (Bộ GD-ĐT) để xin các bài viết của thí sinh, ngõ hầu cung cấp cho bạn đọc góc nhìn của học sinh về vấn đề xã hội nhức nhối này. Tuy nhiên, theo quy định, bài thi sau 1 năm mới được mở niêm phong và công bố. Do đó, chúng tôi đã mời 5 thí sinh đoạt giải nhất và nhì của cuộc thi tham gia một thảo luận online nhỏ về những trang viết và trang đời của các bạn.
5 học sinh trong thảo luận. Từ trái sang: Dương Thị Tuyết Trinh (THPT Chuyên Trần Phú-Hải Phòng) - giải nhất; Nguyễn Thị Huyền Trang (THPT Chuyên Sư phạm Hà Nội) - giải nhì; Bùi Kim Ngân (THPT Chuyên ĐH Sư phạm - Hà Nội) - giải nhất; Nguyễn Thị Linh Chi (THPT Chuyên Hà Nội-Amsterdam) - giải nhất; Nguyễn Hồng Minh (THPT Chuyên Hà Nội-Amsterdam) - giải nhì.
Đề bài:
Câu 1. (8 điểm) Câu 2. (12 điểm) |
Tôi là ai trong trang viết?
Phóng viên: Em suy nghĩ gì trước đề văn này?
Về nội dung thì cả hai câu đều khá hay, có điều em thấy hơi cũ. Câu NLXH nội dung hay, có tính "mở". Tuy nhiên, em thấy cũng có khá nhiều người nói đến vấn đề này rồi.
Bùi Kim Ngân: Em thấy đề rất sát với hiện thực của xã hội hiện nay. Vì vậy, chúng em có thể vận dụng những kiến thức đời sống và suy nghĩ một cách tốt nhất với khả năng của mình.
Riêng em, em rất thích những đề nghị luận mang tính xã hội như vậy. Có lẽ đề NLXH năm nay phù hợp với “tạng” của em.
Dương Thị Tuyết Trinh: Khi đọc đề bài, em đã mất hơn 15 phút mà trong đầu không có một điều gì. Những trăng sao mây gió không hề phù hợp để mở bài cho đề NLXH này. Em có cảm giác ngoài chất văn thì đề thi năm nay cần học sinh có “chất sống”, vốn sống.
Nguyễn Hồng Minh: Đề nghị luận xã hội lại càng gần gũi hơn, quen thuộc hơn vì đề bài đã đề cập đến một vấn đề nổi cộm và được xã hội quan tâm.
Phóng viên: Trong bài viết của mình, em chọn điểm nhấn nào?
Huyền Trang: Thực ra, em chỉ thích phần bàn về sự vô cảm thôi, không thích phần lòng nhân ái lắm. Bởi lòng nhân ái là vấn đề quá muôn thuở rồi, em không có cảm hứng, cũng không có ý tưởng gì mới mẻ. Với lại, trong xã hội bây giờ rõ ràng sự vô cảm đang chiếm ưu thế hơn, trong khi tác hại của nó lại vô cùng lớn.
Viết bài, em nghĩ, cốt để nói lên những kiến giải của mình trước vấn đề nhức nhối này. Điều này mới cần thiết chứ nếu chỉ chăm chăm ngợi ca lòng nhân ái, chắc cũng chẳng giúp được gì, với lại cũng chẳng cần đến mình làm gì.
Kim Ngân: Em cũng chọn điểm nhấn là sự vô cảm, em cho rằng đó là sự lựa chọn thông minh nhất với đề bài chỉ có 60 phút để giải quyết. Hơn nữa, em nghĩ, khi người ta trăn trở về sự vô cảm trong xã hội cũng có nghĩa là lòng nhân ái đang sống dậy trong con người đó.
Hồng Minh: Em nhấn vào lòng nhân ái. Vì đây là cách sống em lựa chọn và cũng là cách sống cần thiết cho mọi nguời trong xã hội. Câu chuyện này lúc nào cũng mới vì mỗi thời đại và bản thân mỗi người, nó luôn cần người ta phải suy nghĩ,day dứt và lựa chọn cách sống.
Tuyết Trinh: Câu chuyện này chỉ cũ khi người ta nói quá nhiều lý thuyết, phán xét xã hội và người khác nhưng lại không tự nhìn lại bản thân, có thể cũng đang vô cảm mà không nhận ra.
Em muốn nhấn mạnh vào lòng nhân ái bằng cách dùng sự vô cảm làm đòn bẩy. Nếu bài viết chỉ nhấn mạnh vô cảm như một sự “vạch tội” những hiện trạng của xã hội thì đó sẽ trở thành bài viết có cái nhìn tiêu cực.
Hãy đọc thật kỹ đoạn văn Nguyễn Minh Châu đã ghi lại. Trong chuyến tàu hôm đó, vẫn có một người là chính tác giả chạy đi tìm cảnh sát đến giúp người mẹ tội nghiệp kia. Xã hội chưa đến mức nguội lạnh những tấm lòng.
Bản thân người ra đề cũng đã nhận thấy rõ những biểu hiện của sự vô cảm, điều mà người ra đề muốn là chúng ta nghĩ sao về lòng nhân ái xuất phát từ một tình huống của sự vô cảm.
Phóng viên: Với văn nghị luận xã hội, vai trò "cái tôi" của người viết rất quan trọng. Em đã thể hiện điều này trong bài viết ra sao?
Kim Ngân: Trong bài viết của mình, em luôn thể hiện những suy nghĩ của chính minh, đặt chính mình vào trong bài viết để nói với mọi người, đối thoại với mọi người, dù đó là ban giám khảo. Đứng trên lập trường bản thân sẽ dễ thuyết phục người khác nhất, em nghĩ là như vậy.
Tuyết Trinh: Nhiều người cho rằng, đề thi năm nay dễ hơn so với năm ngoái. Nhưng dễ mà “đánh đố” học sinh ở chỗ buộc bạn phải sống trung thành với tâm hồn và lòng mình trước khi đặt bút viết vào trang giấy thi.
Bạn phải đứng vào cuộc, nhìn bằng con mắt của người trong cuộc, và đặc biệt không loại mình ra, không cho mình là nhân tố “vô trùng” để lên tiếng nói với xã hội.
Trong bài viết, em không đứng ngoài phán xét, em đi tìm trong đám người ở nhà ga hôm đó xem có bóng dáng mình hay không?
Hồng Minh, Huyền Trang: Em chọn cách thể hiện cái tôi của mình trong những suy nghĩ về lòng nhân ái và sự vô cảm trong bài viết. Những liên hệ đến bản thân cũng là sự thể hiện cái tôi riêng của mình.
Từ trang viết đến trang đời, muốn sống nhân ái cũng khó!
Phóng viên: Ai cũng phê phán khá “mạnh tay” về sự vô cảm trên trang văn. Vậy ngoài cuộc sống, em tự nhận xét về mình thế nào?
Huyền Trang: Từ khi lên cấp 3, dường như em vô cảm hơn, nhiều khi biết điều đó là không tốt, nhưng vẫn bỏ qua và vô cảm.
Kim Ngân: Em nghĩ, chúng ta chưa thật sự có thời gian để nhìn nhận lại chính mình. Chính những hành động mà mình đã làm là một sự vô tình đáng buồn. Em nghĩ, mình cũng đã từng vô tâm, tuổi nhỏ ai có thể tránh khỏi những việc như thế. Cần rất nhiều thứ để mình có thể nhận thức và điều chỉnh. Ví như tri thức, thời gian cũng đồng nghĩa với sự trải nghiệm.
Tuyết Trinh: Em tự nhận rằng trong cuộc sống, đã có những lúc mình vô cảm, vì vội vã với công việc mà không quan tâm đến cái khó khăn của người khác.
Em nghĩ, trong bài văn, các bạn phán xét những hành khách đó, nhưng nếu là các bạn, các bạn có dám tiến lại và hỏi han, trong khi cả sân ga mặc kệ bà ta, nói rằng bà ta bị điên? Bạn có như thế không?Chúng ta đều thế! Theo em, đừng nói lý thuyết quá vì thực tế khó hơn rất nhiều.
Phóng viên: Trong cuộc sống hiện tại, nhiều khi lòng nhân ái đang bị lợi dụng khiến nhiều người mất lòng tin, cho rằng nhân ái là sự rỗi hơi, ôm rơm nặng bụng. Em thấy sao?
Huyền Trang: Em nghĩ, cái gì mình tin là đúng thì không nên quá quan tâm đến thái độ của người khác.
Em nhớ, câu chuyện hai bạn học sinh vì cứu người mà bỏ thi cả hai môn tốt nghiệp. Tuy hai bạn ấy được báo chí ca ngợi nhưng nhiều bạn ở trường và những người khác nữa cho rằng hai bạn ấy đúng là đồ “dở hơi”, không phải việc của mình đã đành, còn bỏ cả thi cử để ảnh hưởng đến việc của mình.
Những suy nghĩ như thế thật ích kỷ và thực dụng quá!
Kim Ngân: Con người chỉ biết nghĩ đến lợi ích của bản thân thì sao có thể rộng lòng cảm thông và sẵn sàng giúp đỡ người khác?
Tuyết Trinh: Em cho rằng, đó chính là giới hạn trong mỗi người khi e ngại, sợ hãi việc làm nhân ái của mình trở thành “chuyện lạ” trong mắt người khác và tâm lý không muốn sống khác đám đông. Lâu dần thành quen, mình trở thành người vô cảm mà không hay biết.
Có những chuyện không nên xen vào hay gánh vác hộ người khác. Nhưng lý do ấy chưa hoàn toàn đúng. Và cũng không nên chỉ lấy lý do ấy để biện hộ cho sự vô cảm của mình.
Em chỉ muốn hỏi một câu “nếu là bạn lúc đó bị gặp hoàn cảnh như người kia, và tất cả những người xung quanh đều vô tình quay đi trước sự cầu cứu của bạn, liệu bạn sẽ nghĩ sao?”
Linh Chi: Em nghĩ rằng phải biết dùng lòng nhân ái để nâng con người ta lên chứ không phải để nhân ái bị vùi dập bởi những thứ tầm thường như vậy. Niềm tin bị mai một thì chính mình hãy yêu thương nhiều hơn, không chỉ bằng bản năng mà còn là nghĩa vụ, để giữ lấy những niềm tin đang bị mai một.”
Phần 2: Sẽ cân nhắc khi chọn sống nhân ái?
-
Thuỷ Văn (Thực hiện)