- Hai lệnh dừng đột ngột ở bậc ĐH: dừng đào tạo tiến sĩ ở 101 chuyên ngành và dừng mở ngành ĐH, CĐ, cùng với xu hướng lựa chọn của thí sinh năm 2010 là những nội dung được ông Ngô Kim Khôi, Vụ phó Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) trả lời tại buổi họp báo chiều 17/5.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Thí sinh làm bài thi tại Trường ĐH Ngoại thương. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Thưa ông, Bộ GD-ĐT vừa có lệnh dừng đào tạo tiến sĩ ở 101 chuyên ngành. Việc này liệu có ảnh hưởng tới kế hoạch đào tạo 20.000 tiến sĩ?
Ông Ngô Kim Khôi: Việc dừng này căn cứ vào điều kiện đảm bảo chất lượng của trường như: đội ngũ, trang thiết bị, cơ sở vật chất, giáo trình. Cụ thể, các chuyên ngành đào tạo TS ở một số trường không đáp ứng một số điều kiện theo quy chế đào tạo TS.
BộGD-ĐT đã gửi thông báo cho các cơ sở này tạm dừng tuyển sinh để củng cố các điều kiện đảm bảo chất lượng.
Hiện nay, các trường đủ điều kiện thì vẫn đào tạo TS như bình thường.
Việc đào tạo TS tại nước ngoài không có gì thay đổi, thậm chí có tín hiệu đáng mừng là số lượng gửi đi đào tạo TS tại nước ngoài tăng lên trong năm 2009 và 2010. Theo chủ trương, số lượng tiến sĩ đào tạo ở nước ngoài là 10.000.
Thưa ông, vậy còn việc đột ngột tạm dừng mở ngành đào tạo trình độ đại học, cao đẳng được giải thích như thế nào?
Trong công văn tạm dừng đã nêu rõ, hiện nay quy trình, điều kiện và hồ sơ đăng ký mở ngành đào tạo trình độ ĐH, CĐ đang được hoàn thiện, tiếp tục bổ sung để khắc phục những bất cập đã được phát hiện trong quá trình kiểm tra, thanh tra các cơ sở giáo dục đào tạo.
Lý do của việc tạm ngừng mở ngành đào tạo là khi thẩm định các hồ sơ mở ngành của các trường, Bộ phát hiện những trường hợp khai không đúng so với thực tế.
Ví dụ, thẩm định trường ĐH Thủ Dầu Một, một trường được nâng cấp từ Trường cao đẳng sư phạm Bình Dương.
Đoàn kiểm tra của Bộ phối hợp với địa phương phát hiện trường chỉ đủ điều kiện mở 6 ngành đào tạo trình độ ĐH trong tổng số 14 ngành mà trường đề nghị.
Hoặc, Trường ĐH Thành Đông đã có quyết định thành lập của Thủ tướng Chính phủ năm 2009, nhưng hiện nay chưa xây dựng cơ sở mới, chưa có các điều kiện tối thiểu theo quy định của Thủ tướng Chính phủ nên Bộ vẫn chưa giao nhiệm vụ mở ngành cho trường.
Trường chưa có giảng đường, phòng thí nghiệm, thực hành thì vẫn không đủ điều kiện đào tạo, dù đã có quyết định thành lập.
Đoàn giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội thực hiện giám sát tại các trường về thực hiện chính sách pháp luật, về thành lập trường, đầu tư và đảm bảo chất lượng đối với giáo dục đại học cũng có yêu cầu các trường phải hoàn thành đầy đủ thủ tục mở ngành đào tạo để đảm bảo nâng cao chất lượng.
Các trường đã được mở ngành thì vẫn tuyển sinh như bình thường.
Đối với các trường vừa chuyển đổi từ trung cấp lên CĐ, theo quy định thì chưa được phép mở ngành đào tạo trình độ CĐ; hoặc với trường nâng cấp từ CĐ lên ĐH chưa được mở ngành đào tạo trình độ ĐH. Tuy nhiên, nếu đoàn khảo sát của Bộ thấy đủ điều kiện thì vẫn được mở ngành theo yêu cầu.
Hiện nay, việc thu nhận hồ sơ tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2010 đã hoàn tất. Xu hướng tuyển sinh năm nay có điều gì đáng lưu ý?
Ông Ngô Kim Khôi: Qua phân tích của Bộ từ hồ sơ đăng ký dự thi đại học, cao đẳng của thí sinh năm nay, có thể thấy xu thế đăng ký vào ngành quản trị kinh doanh thuộc khối kinh tế chiếm một tỉ lệ cao so với các khối ngành khác. Hấp dẫn thứ nhì đối với các thí sinh là các ngành thuộc khối kỹ thuật- công nghệ…Qua đây có thể thấy bức tranh khá rõ nét về nhu cầu của xã hội.
-
Hương Giang (Ghi)