221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
1273119
Đến lượt hiệu trưởng nhói lòng vì TS ngoại về ĐH lớn
1
Article
null
Đến lượt hiệu trưởng nhói lòng vì TS ngoại về ĐH lớn
,

- Trong buổi thảo luận của các trường ĐH thành viên ĐH Thái Nguyên và 15 trường CĐ khác trên địa bàn diễn ra ngày 7/4, được khuyến khích "nói thẳng, nói thật, nói những điều chất chứa nhất trong lòng không quá 10 phút", Hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Thái Nguyên Nguyễn Văn Tư nói rằng ông rất đau đầu vì chuyện những nghiên cứu sinh đi học nước ngoài trở về đều tìm cách xuống dưới xuôi khiến nguồn nhân lực chất lượng cao của trường lúc nào cũng trong nguy cơ thiếu.

TIN LIÊN QUAN

Mô tả ảnh.
Ông Nguyễn Văn Tư phát biểu trong thảo luận.
"Được động viên nói thẳng, nói thật nên tôi xin phép nói. Để đào tạo được một tiến sĩ ngành y khoa rất khó khăn, đòi hỏi của các thầy dạy y lại khắt khe, nên 5 - 7 hoặc thậm chí 10 năm, mới có được một tiến sĩ. Các trường hợp giảng viên đi học nước ngoài về rồi tìm cách xin đi, nếu trước đó, có cam kết đền bù thì họ cũng sẵn sàng đền, hay thôi việc thì cũng sẵn sàng thôi. Chưa kể, nếu không giải quyết cho đi, phía trường còn phải đền bù hợp đồng".

Trao đổi với VietNamNet lúc giải lao, ông Tư nói, về tâm lý, ông thấu hiểu sự lựa chọn cá nhân của những nhân viên mình. Nhưng ông cũng bày tỏ nỗi lo về sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao trong đội ngũ giảng viên. Nhưng khi biết được chúng tôi muốn đưa phát biểu lên báo, ông khá ngần ngại, dù câu chuyện nhân lực chất lượng cao của ngành y đổ dồn về thành phố lớn là thực tế không chỉ riêng cho đất Thái Nguyên và lúc bắt đầu phát biểu, ông đã lĩnh hội tinh thần của Giám đốc ’xin phép được nói thẳng, nói thật".

Không chỉ ông Tư, trong thực tế, đã từng có hiệu trưởng phải giải quyết đơn xin nghỉ việc cho các cán bộ đi học ngoài tỉnh, ngoài nước của mình với những lý do như "xin nghỉ để chăm sóc bố mẹ".

"Thảo luận làm gì và như thế nào để nâng cao chất lượng giáo dục đại học" được ngành giáo dục xem là một hoạt động lớn trong cuộc cải tổ 3 năm về giáo dục đại học, đã được Ban Cán sự Đảng ra nghị quyết, Thủ tướng Chính phủ ra chỉ thị.

Một "chương trình hành động" đã được thảo ra kỹ lưỡng và bổ từng đầu việc tới từng Thứ trưởng.

Trong 3 tháng, từ tháng 3 đến tháng 5, toàn hệ thống ráo riết tổ chức các cuộc thảo luận từ cấp Bộ, trường tới cơ sở, thảo luận tới cả sinh viên. ĐH Thái Nguyên, cùng với ĐH Đà Nẵng, ĐH Sư phạm Kĩ thuật, ĐH Giao thông vận tải, ĐH Duy Tân là những đơn vị được Bộ GD-ĐT lựa chọn để tổ chức diễn trình các cuộc thảo luận này.

Tại buổi thảo luận của ĐH Thái Nguyên, ý kiến của các đại biểu đã tập trung phân tích một số giải pháp cơ bản mà ĐH này cũng như các trường thành viên đã triển khai, như từng đơn vị phải xây dựng được chiến lược trung hạn, ngắn hạn đặt ra từng bước đi với mục tiêu cụ thể; đẩy mạnh công tác kiểm định, biên soạn giáo trình, nghiên cứu khoa học, quản lý sinh viên; xây dựng đội ngũ; triển khai đào tạo tín chỉ triệt để để người học có ý thức học tập; đổi mới kiểm tra đánh giá để chống tiêu cực, gian dối trong học tập, thi cử; phối hợp chặt chẽ với các địa phương và doanh nghiệp để đào tạo theo địa chỉ; huy động sức mạnh tổng hợp, nhất là của tổ chức đoàn thanh niên, hội sinh viên để thu hút sinh viên tham gia tích cực vào chương trình hành động.

Lắng nghe từng ý kiến, ông Từ Quang Hiển, Giám đốc ĐH Thái Nguyên chốt lại: "Chúng ta cứ trao đổi thoải mái với nhau, nhưng có những việc để thay đổi thì chính chúng ta phải làm. Ví dụ, chuyện cam kết với can bộ đi ra ngoài, hay chủ động chọn, xây dựng giáo trình đào tạo".

Trao đổi bên hành lang, một đại biểu "hiến kế vui": Nếu dòng chảy nhân lực theo cơ chế thị trường thế này, có lẽ phải nghĩ tới thiết lập cơ chế như bóng đá, ở đó, nguồn nhân lực chất lượng cao, mà TS ngoại là một thành tố, được xem như các cầu thủ chuyên nghiệp. Khi họ đầu quân cho các cơ sở lớn thì phải bồi thường hợp đồng theo đúng giá trị hoặc cơ sở tiếp nhận phải "trả phí" chuyển nhượng.

  • Hạ Anh

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,