Các nghiên cứu ở phương Tây cho rằng các công ty bán quà vặt, mỹ phẩm, nữ trang, quần áo … luôn tìm cách tăng lượng người tiêu thụ hàng của mình bằng cách thao túng thế giới quan của trẻ em. Một số "nhân viên tiếp thị" của họ gần đây, theo giới học giả, chính là các siêu sao "kiểu Spice Girls". Một khi ngày càng có nhiều sản phẩm dành cho trẻ em bị cáo buộc là kém phẩm chất, cách làm marketing kiểu này kéo theo nhiều hậu hoạ.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Đâu rồi công nương Diana?
Khoảng năm 2007, có lần một bà mẹ Việt, như dở khóc, dở mếu, hỏi một phụ nữ Anh ở Hà Nội: “Nghe đâu, Spice girls lại sắp tái xuất giang hồ?”.
Bà bạn người Anh bảo: "Ấy là đến nay các bạn mới ngán đám Posh Beckham thôi. Còn ở nước tôi thì mọi thứ sớm hơn. Hết The Little Princess mở đường cho Madona thay xiêm thử yếm, lại đến Anne of Green Gables nhường bước cho Ginger Spice xộc vào cả mắt, mũi, mồm …"
Dù mức sống cao hơn, và các bậc cha mẹ "dày dạn" hơn trong cư xử với "văn hoá nhóm" (sub - culture), trẻ em ở phương Tây vẫn ngập vào ảnh hưởng tiêu cực của Spicemania (chứng hâm mộ Spice Girls, dịch “đồ gia vị”).
Các bậc phụ huynh ở Anh cho rằng cách ăn mặc “nghèo nàn” (skimpy), các điệu bộ và điệu múa, các bài hát của các gái “gia vị” ... đã tạo dựng một lối sống, một nhân sinh quan mà mọi phụ huynh phải xả thân che chắn (shield) nó thật xa khỏi con mình.
Nhìn về phía đám teen Việt: trai tóc đỏ, đeo hoa tai, gái xăm mắt, xăm mình … đang chơi gần đó, bà bạn người Anh bảo: “Thay vì tuyệt vọng bởi những đứa lớn, các vị hãy cố bảo toàn những đứa nhỏ hơn khỏi nhiễm dịch đồ gia vị. Khi quý tộc Anh đang ngày một “nghèo” đi, sẽ không có nhiều triển vọng cho những công nương Diana tái thế”.
Còn nước, còn tát …
Cảnh báo về dịch “cuồng gia vị” (Spicemania), đầu những năm 2000, Gerry Bowler, học giả nổi tiếng về văn hoá hiện đại, có bài viết: The Spice Girls and the death of Childhood [(Spice Girls và cái chết của tuổi thơ). Ông nhận định: “Trẻ em đang bị nhấn chìm bởi một thứ văn hoá cổ suý thị hiếu thấp của người tiêu dùng, hưởng lạc triền miên (endless hedonism), đua đòi theo những hư hỏng của người lớn từ quá sớm”. |
Cứ cho là đã được dạy bảo một cách nền nếp hơn về cảm thụ âm nhạc nước ngoài, nhưng thế hệ U50, U60 hẳn đã không ít lần “loạc choạc” …
Gần đây, xem Youtube bài "Ciao Bambino, sorry" được thể hiện một cách tuyệt diệu bởi thần đồng âm nhạc Italia Toto Cotugno và ca sĩ Nga Tania Ovsienko, thấy như gợn lên một cái gì không thanh khiết. Ovsienko hiện khét tiếng về những bê bối dường như có ý đồ kiểu “lấy tranh chồng người”, để rồi lại đá(!) Vì thế có thể nghĩ rằng ta đã nuôi định kiến chăng, về một cách thể hiện Bambino … của hai danh ca trên?
Nhưng khi trao đổi với hai bạn, một người Ý, một người Bungaria, tôi đã được các bạn biểu đồng tình. Vậy là, có thể tin vào thị hiếu của mình.
Tuy nhiên, một khả năng phán xét như thế, nếu có, dường như chỉ hình thành sau hàng chục năm. Hãy cùng nhớ lại năm 1984, khi Alla Pugachova hát bài "Không có em" (Без меня) trong loạt bài mà R. Pauls viết riêng cho ca sĩ này. Hẳn là đã cảm nhận một cái gì không ổn trong cách thể hiện của Alla trong bài hát sâu lắng, đậm giá trị tinh thần này. Nhưng ta lại tự nhủ: “Mi làm gì có quyền nghi ngờ đỉnh cao của nền nhạc nhẹ Xô viết – đang là cả một cuộc cách mạng về văn hoá và nghệ thuật …”.
Mãi tới hôm nay, khi xem lại Youtube, ta mới “à” lên. Phải rồi, Alla lúc ấy có vẻ hơi “vulgar” (bất nhã) khi hát bài này. Cũng có thể sự xa xôi giữa “hồn” của bài hát ấy với cách thể hiện khi đó của ca sĩ này là do đã lồng tiếng (dubbing, hát nhép)? Vì Pugachova đã giữ micro hơi xa miệng mình.
Nhưng lối sống của “máy bay bà già” Pugachova, vừa bị Nhà thờ chính giáo Nga chính thức lên án, không thể không có mầm mống từ những ngày còn Liên Xô hùng mạnh.
Các 5X, 6X hẳn vẫn đang kiên nhẫn uốn nắn con cháu mình, theo gương cha mẹ "súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa" của chúng ta. Nhưng các cụ đã có lúc phải quát tháo (gọi con cái là "cô Kếu", Mari Sến, "cao bồi thôn" …) để lôi chúng ta xa khỏi những thể loại như "nhạc vàng".
Hám danh - căn bệnh thời đại
Giới quan sát cho rằng bộ đôi Victoria và Dennis Beckham thậm chỉ đã tạo ra xu hướng: gái thuyền quyên đi làm người mẫu, trai anh hùng đi đá bóng.
Khi các thiếu nữ đều muốn trở thành người mẫu thời trang, liệu công nghiệp quảng cáo liệu có đủ chỗ cho tất cả. Cũng như thế, với ngành thể thao vua, liệu có đủ chỗ không, nếu tất cả các thanh niên muốn trở thành cầu thủ.
Các cụ từng dạy ta:"Nghề chọn người, không phải người chọn nghề".
Quá khứ dường như không kể chuyện người hâm mộ nào đạt được thành công như thần tượng (chân chính) của mình. Các fan thường chỉ là cái bóng của thần tượng của mình mà thôi.
Nhìn từ cấp độ lợi ích quốc gia, Obama từng khuyên giới trẻ chớ theo đuổi “mộng” vận động viên thể thao hay ngôi sao truyền hình, mà nên làm khoa học, công nghệ. Tổng thống Hoa Kỳ cũng nghĩ rằng thanh thiếu niên không nên đưa quá nhiều thông tin cá nhân lên mạng.
Thật vậy, để nổi danh bằng mọi giá, kể cả tạo ra tai tiếng của đời tư để “nuôi” hình bóng của mình trong người hâm mộ, các sao đã đưa khán giả vào giường ngủ, giường bệnh của mình.
Nhưng có lúc, họ vô tình để xảy ra những scandal ngoài ý muốn. Nhiều bê bối là do các sao đã bộc lộ sự … vô học (ignorance) - chữ dùng của giáo sư Niall Ferguson, tác giả nhiều bài báo nổi tiếng về văn hoá và giáo dục Anh quốc. Ông cho rằng, văn hoá truyền thông thấp kém là biểu hiện thất bại của nền giáo dục.
Nhưng không ít sao “toả sáng” nhờ tối dạ, vô học. Họ biết khai thác lò xo của tâm lý xã hội thích chuyện ngược đời, lật đời.
Báo chí Anh dẫn chương trình truyền hình “thực” (reality) Big Brother như một “sân rồng” cho những quái vật (monster) “đăng quang” nhờ vào truyền thông. Nhà phê bình văn hoá truyền thông Caitlin Moran từng viết :“ Thời nay, hám danh đã thành bệnh, như chứng ung thư”.
Hám lợi - vườn ươm sao “gia vị”
Học giả Anh cho rằng những lợi ích thương mại đã “xâm lấn” miếng đất màu mỡ - lứa tuổi preteen (trước thập tam).
Các công ty tiếp thị thì không cần quá thông minh để phát kiến rằng trẻ em chưa thể là người tiêu dùng thông thái, rằng cha mẹ chúng thường không thể cố cưỡng khi con mình đòi mua bằng được thứ nọ, thức kia. Các chiến lược marketing chỉ nhằm gieo vào thanh thiếu niên tâm lý: sớm quan tâm tình dục, sớm chải chuốt bằng mĩ phẩm, đồ trang sức thời thượng, vô học, sĩ diện hão, ưa những trò giải trí hời hợt, lối sống đua đòi, không nền nếp, bất chấp khả năng chu cấp của gia đình …
Nói tóm lại, chỉ cần làm nhoà đi những lời mẹ dặn, như “ngủ trưa quen mắt, ăn vặt quen mồm”, là cả kỹ nghệ giải trí, thời trang lẫn các công ty bán quà vặt đều có thể kiếm bộn tiền trong nháy mắt nhờ “móc túi” phụ huynh qua tay con cái chính họ.
Dư luận tiến bộ, chẳng hạn ở Nga, còn chỉ ra những âm mưu lũng đoạn truyền thông để xói mòn bảo hộ quyền lợi người tiêu dùng, bưng bít sự thật về các hàng kém phẩm chất, nhất là fastfood - đồ ăn nhanh.
Là một nước có di sản hùng hậu về những viện nghiên cứu và các phòng thí nghiệm kiểm chuẩn từ thời Xô viết, khá dễ dàng để phát hiện ra, chẳng hạn, nồng độ cao của chất bảo quản trong các đồ ăn hào nhoáng, sành điệu nhập ngoại.
Nhưng vì còn có nhiều công ty bán bim – bim, đồ chơi hay mỹ ký hiện vẫn chưa biến thành doanh nghiệp “khổng lồ”, người ta vẫn sẵn lòng huỷ hoại sức sống, cả về thể lực lẫn trí lực, của các thế hệ mai sau.
Và vẫn rất nhiều bài báo ở Nga vạch mặt những chiêu rủ rê trẻ em “mua bệnh vào người” bằng tiền của chính cha mẹ chúng, thông qua các chiến dịch quảng cáo hàng ngoại có chứa chất độc hại …
Bất chấp xung đột nội bộ, những Spice Girls vẫn trung thành vô hạn với “phong cách nghệ thuật” của mình: những nét nhạc và điệu múa đều đều đến mức thành nghi thức, luôn được bình xét là xuất sắc bởi Virgin Records. Nhưng trong tiếng hát, điệu vũ của họ vẫn vẳng tiếng mở nút chai Pepsi, dấp dính Chupa Chups, nháy sáng Polaroid …
Chính các Spice Girls cũng từ vai “chim mồi”, chuyên câu khách “nhí”, chuyển thành vai tài phiệt – đưa hàng hoá của mình thâm nhập vào các lứa tuổi trẻ hơn.
Truyền hình ban ngày của Anh hồi đầu thế kỷ đã cấm sản phẩm khoai tây chiên của một trong những gái Spice, vì quá khêu gợi. Giáo sư Gerry Bowler cho rằng đây là ví dụ điển hình cho thấy khán giả trẻ là đối tượng được nhắm vào để tạo thị hiếu tiêu dùng thấp.
Hiệu ứng Spicemania đang thúc đẩy các công ty chạy theo lợi nhuận bỏ công -của tạo thêm các thần tượng cho "nền văn minh mì ăn liền” .
Toàn cầu hoá đang mở rộng sân chơi, giúp các công ty “mẹ mìn” này sang canh tác ở thế giới thứ ba, nơi dân trí còn thấp.
Bà bạn người Anh, mà ta nói đến ở đầu bài báo này, trước khi rời Hà Nội, còn dặn với lại:
“Những ‘đồ gia vị’ mới đang đổ bộ từ nhiều nước. Hãy cảnh giác”.
-
Lê Đỗ Huy (tổng hợp)