- Quốc Tuấn đang theo học tại trường cấp 3 trên địa bàn Hà Nội cũng đã nhiều lần tham gia vào các vụ ẩu đả trong giới học trò cho biết, việc đánh nhau của học sinh là chuyện rất bình thường. Theo Tuấn, những người thích "sống trên phân người khác", ra vẻ đàn anh rất dễ bị đánh. Các trường đều có HS "kết băng đảng", hoặc nhóm bạn để có thể bảo vệ nhau khỏi bị bắt nạt.
- Nhìn cái mặt thấy ghét thì...đánh (!?)
- Kỷ luật nhóm nữ sinh đánh bạn hội đồng và quay phim
-
Công an Hà Nội vào cuộc vụ clip nữ sinh bị đánh
Bị đánh chỉ vì "nhìn người lạ"
Hình ảnh nữ sinh bị đánh hội đồng được phát tán trên mạng |
Trong những năm học cấp 2, Tuấn từng chứng kiến nhiều vụ đánh nhau vì những lý do lãng xẹt như "nhìn đểu", "sống không đẹp", "ghen tuông",... thậm chí có những vụ còn xử nhau "như xã hội đen".
Tuấn cũng từng là nạn nhân của việc bị cho là "nhìn đểu".
Việc xảy ra khi em mới bước chân vào cấp 3. Lúc đó là giờ nghỉ, Tuấn ngồi uống nước ở quán nước và nhìn thấy một bạn HS trông dáng vẻ quê quê. Thấy cái vẻ "kỳ kỳ" đó, em cứ nhìn cho đến khi bị HS đó quay lại bảo: "Mày nhìn đểu tao à?". Mới vào trường cấp 3, còn lơ ngơ nên Tuấn vội vàng trả lời: "Đâu, em có nhìn đểu anh đâu", rồi vội xin lỗi, nhưng vẫn bị đánh hội đồng cho một trận.
Sau đó, Tuấn kết thân với một số bạn ở các trường khác và cả những HS đã bỏ học. Nhưng "sống đẹp" thì mới chơi. "Sống đẹp" là vì bạn bè, không ra vẻ trên phân và sẽ hỗ trợ nhau khi một thành viên trong đó cần giúp đỡ nếu va chạm, xích mích, đánh nhau với đối phương" - Tuấn giải thích.
Quan niệm "sống đẹp" được các thành viên trong đội đặt lên hàng đầu. Việc HS các trường lập băng nhóm không còn là mới mẻ. Những đối tượng bị đánh chủ yếu là "những người thích sống trên phân người khác, cùng độ tuổi với nhau mà đòi làm anh".
"Nhiều lúc, khi va chạm với nhau, em cảm thấy đuối hơn đối phương, cũng phải xin lỗi nhưng trong lòng rất ấm ức. Cảm thấy không thể đánh lại được đối phương thì em tìm cách rút lui êm đẹp và gọi đội của mình đến. Tuy nhiên, cũng phải cân đối lực lượng, thái độ, thấy đội mình không thể thắng được thì không ra mặt nữa", Tuấn kể.
Các vụ đánh nhau chủ yếu diễn ra trong ngõ, nơi vắng người và "được làm vua, thua làm giặc". Lúc đánh, không nghĩ đến hậu quả, đối phương sẽ bị đánh bất kể vào đâu. Dù rất hiểu rằng, 16 tuổi đã phải đứng trước vành móng ngựa, nhưng khi xông trận thì không ai nghĩ đến chuyện đó.
Hỏi về clip nữ sinh bị đánh hội đồng gây xôn xao dư luận mấy ngày nay, Tuấn cho đó là điều bình thường. Tuấn suy luận, có thể bạn gái bị đánh mắc lỗi khó được tha thứ nên không nhận được sự giúp đỡ của các bạn khác dù bị đánh dã man.
Việc quay clip có thể là theo phong trào nhưng để phát tán tràn lan trên mạng như vậy là điều không đáng có. Thỉnh thoảng, Tuấn cũng quay lại các trận đánh nhau bằng điện thoại, sau đó, cho một số bạn xem rồi cũng xóa luôn. Theo Tuấn, việc đưa clip lên mạng là một hình thức tự nâng mình lên mà em thì không có "thói quen" đó.
"Khi giao du với các nhóm bạn, bố mẹ em cũng khuyên em phải biết "chọn bạn tốt mà chơi". Cho nên, mình phải biết nghĩ mới chơi được, không phải bạn rủ đi đâu, làm gì cũng làm theo", Tuấn thẳng thắn bộc bạch.
Biết đánh nhau không báo sẽ bị kỷ luật
Cuối tháng 10/2009, dự luận Hà Nội sôi sục trước việc các nữ, nam sinh đánh nhau trước cổng Trường THPT Nguyễn Trãi, quận Ba Đình dẫn đến 1 người bị tử vong và 1 người thương nặng và đáng tiếc là những HS này bị "nhầm" khi đang đứng trước cổng trường chờ đi sinh nhật bạn.
Nguyên nhân vụ án mạng được xác định là do mẫu thuẫn giữa một nữ sinh Trường THPT bán công Đống Đa và một nhóm HS Trường THPT Phan Huy Chú. Một nữ sinh H.G. - HS Trường THPT bán công Đống Đa mâu thuẫn với nữ sinh H.L. - trường THPT Nguyễn Trãi.
Ngày 23/9, khi H.G. đi học về qua Trường Nguyễn Trãi thì bị một nhóm học sinh Trường Phan Huy Chú (nhóm này có quen với H.L.) dùng mũ bảo hiểm đánh. Phán đoán nhóm học sinh trên do Hải L. “điều” đến, H.G. ấm ức đã nhờ một số bạn bè là HS Trường THPT bán công Đống Đa hẹn nhóm học sinh vừa đánh mình đến cổng trường Nguyễn Trãi để “nói chuyện”.
15 người liên quan đến vụ việc này và quá nửa là HS Trường THPT bán công Đống Đa. Hiệu trưởng Trần Thị Thanh Hà kể lại, gần 10 HS nhà trường tuy không tham gia trực tiếp nhưng biết mà không nói lại đã bị nhà trường đưa ra kỷ luật.
Sau đó, các lớp có nêu lại câu chuyện này để HS thảo luận: "Nếu là em trong trường hợp đó sẽ làm gì?". Thay vì mong đợi một câu trả lời là em sẽ nói với bố mẹ, thầy cô thì các em lại bảo: em sẽ hô "công an đến" để các bạn sợ sẽ chạy tóe ra; hay "nó có súng đấy". Nghĩa là, các em đều muốn việc này tự mình giải quyết. Không cần sự can thiệp của người lớn.
"Cho đến khi xảy ra hậu quả như vậy, một số HS vẫn nghĩ mình không phải chịu trách nhiệm và đó chỉ là đánh dọa", cô Hà trăn trở.
M. Anh - một thành viên trong hội tham gia đó cho biết, trường học nào cũng xảy ra đánh nhau. Hậu quả của việc đáng tiếc trên em không biết trước sẽ xảy ra như vậy. H.G là bạn em - quen từ cấp 2 qua "bạn này bạn kia" - và khi được bạn gọi đi để tham gia đánh nhau em đã đi với một suy nghĩ đó là bạn mình thì mình bênh và nghĩ rằng việc đó rất bình thường.
M.Anh cho biết, từ khi học lớp 2 đã xảy ra xô xát, đánh lộn cũng do "nhìn đểu" và các bên đều gọi bạn trong lớp, trong trường thường chơi với nhau hoặc có anh, chị cũng gọi đến để đánh nhau.
La Th., HS Trường THPT bán công Đống Đa cho biết thêm, chuyện HS đánh nhau, quay clip xảy ra từ lâu chứ không phải bây giờ mới có. Chủ yếu diễn ra vào cuối năm cấp 2 và đầu cấp 3, lứa tuổi dở dở ương ương và bốc đồng, thích thể hiện mình.
Về clip nữ sinh bị đánh, Th. cho rằng, người mới xem sẽ thấy bức xúc, người lớn nghĩ trẻ con bây giờ hỗn tạp; nhưng với HS thì việc xem trẻ con đánh nhau không có gì là lạ lẫm.
Ở clip này, Th. cho rằng, các bạn xung quanh nhảy vào can thì bạn này sẽ bị đánh tiếp hay không muốn liên lụy nên phải gọi người lớn. Tuy nhiên, Th. cũng bày tỏ quan điểm tức giận khi thấy thái độ bàng quan, như "ngồi quán trà đá" của các bạn ngồi xem bạn mình bị đánh.
Theo một báo cáo của 38 Sở GD-ĐT, từ năm 2003 đến nay, có hơn 8.000 HS tham gia đánh nhau, bị các trường xử lý kỷ luật.
Bà Đỗ Thị Hải, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu môi trường và các vấn đề xã hội cho biết, lứa tuổi 10-19 (HS THCS và THPT) hay gặp những khó khăn không tự mình giải quyết được.
Ở lứa tuổi này, trẻ đang phải tiếp nhận rất nhiều những tác động cả tích cực và tiêu cực từ phía gia đình, nhà trường và xã hội. Chẳng hạn như: internet (web đen), nghiện chat; gia đình không hạnh phúc, ly hôn, bạo lực gia đình và hiện tượng "thương mại hóa" giáo dục...
Tại hội thảo bàn chuyện dạy kỹ năng sống cho học sinh trong trường phổ thông cuối tháng 11/2009, nhiều ý kiến cho rằng, chương trình dạy đạo đức cho học sinh nặng về lý thuyết, không tạo được dấu ấn để hình thành nhân cách HS.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển khi đó đã "nhận trách nhiệm": "Đoàn Thanh niên và Bộ GD-ĐT chịu trách nhiệm lớn nhất trước xã hội về đạo đức lối sống của HS".
Trong rất nhiều vấn đề, dư luận luôn "đòi" người đứng đầu cơ quan Nhà nước phải "nhận trách nhiệm". Tuy nhiên, khi Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hiển tự nhận như vậy thì một luồng dư luận lại chưa đồng tình.
"Chẳng nhẽ mình xin lỗi mà vẫn bị đánh" (V.Chung, HS Trường THPT bán công Đống Đa): Một buổi tối đầu tháng 3, khi đang ngồi chat thì nhận được một đường link của ai đó gửi với dòng chữ kèm theo là: xem các em đánh nhau dã man không. Nội dung là khoảng 14h ở Vườn hoa Paster có vụ ẩu đả. Em xem cả 2 phần. Phần tung trên mạng mới là phần 1. Phần 2 là có hình ảnh dân quanh đấy vào can. Nhưng trong đó, cũng có phần chú thích là đang quay thì bị rơi máy. Sau việc này, em cũng quên vì thỉnh thoảng vẫn thấy trên mạng tung các clip đánh nhau như vậy. Em cũng đã từng chứng kiến vài ba vụ giải quyết với nhau bằng chân tay của HS. Thậm chí, ra đường cũng từng bị cà, bị quát "nhìn đểu" nhưng đều xin lỗi. Chẳng nhẽ mình xin lỗi mà vẫn bị đánh! Biết đánh nhau mà không báo cũng là phạm lỗi (Cô Trần Thị Thanh Hà, Hiệu trưởng Trường THPT bán công Đống Đa, Hà Nội): Khi xem clip nữ sinh bị đánh hội đồng, tôi cảm thấy rất buồn. Nhưng cũng chẳng biết trách ai: nhà trường, gia đình hay xã hội mà chỉ muốn nói các con chưa được quan tâm đầy đủ. HS chưa được giáo dục đầy đủ về ứng xử, nhân văn và tình thường. Ở trường này, tỷ lệ gia đình các em trục trặc, cha mẹ ly hôn, không quan tâm đến con cái nhiều hơn các trường khác. Trong 10 HS thì có đến 9 em có hoàn cảnh gia đình không quan tâm nhiều. Vụ việc đánh nhau có sự tham gia HS của trường hồi tháng 10 năm ngoái là một hồi chuông cảnh báo ráo riết các nhà trường, gia đình và cả xã hội khi các em hành xử kiểu xã hội đen chỉ bắt nguồn từ cái "nhìn đểu". Lúc đó, một số HS được bạn gọi đến, tuy không tham gia nhưng đều bị nhà trường kỷ luật và mời bố mẹ đến. Chúng tôi nói rất rõ ràng, lỗi của các em không phải là đã tham gia đánh nhau mà là biết chuyện sẽ xảy ra đánh nhau nhưng không báo cho thầy cô hay bố mẹ. |
-
Bảo Anh
(Tên một số nhân vật trong bài đã được thay đổi)