- Độ tuổi 5 - 6 tuổi là thời điểm phù hợp nhất cho các em làm quen và học tiếng Anh. GS.TS. Joan Kang Shin và GS.TS. Jodi Crandall, được giới thiệu là 2 chuyên gia dạy tiếng Anh cho trẻ em,đến từ trường ĐH Maryland, thành phố Baltimore, tiểu bang Maryland (Hoa Kỳ) đã tư vấn như vậy tại buổi gặp gỡ với báo chí ngày 5/3 tại phòng Văn hóa thông tin (Tổng lãnh sự quán Hoa Kì ở TP.HCM).
HS 6 tuổi vào lớp 1 trong lễ khai giảng năm học 2009 - 2010. Ảnh: Phạm Hải |
PV: Thưa giáo sư, trên thế giới, các em ở độ tuổi nào có thể bắt đầu học tiếng Anh?
GS.TS. Joan Kang Shin: Có một điều đáng ngạc nhiên khi tôi đi qua nhiều nước là các nước có xu hướng giảm dần độ tuổi trẻ em bắt đầu học tiếng Anh.
Tại châu Á, thông thường học sinh lớp 3 các em bắt đầu học tiếng Anh như ở Nhật Bản và Hàn Quốc.
Riêng ở Campuchia, học sinh lớp 6 mới bắt đầu học tiếng Anh.
Ở Thái Lan, học sinh lớp 1 đã bắt đầu học tiếng Anh tổng quát và lớp 3 học chuyên sâu hơn. Năm tới, nước Lào sẽ hạ độ tuổi bắt đầu học tiếng Anh xuống và trẻ lớp 1 đã được học.
PV: Vậy thì ở Việt Nam, theo giáo sư, ở độ tuổi nào các em có thể học tiếng Anh?
GS.TS. Jodi Crandall: Tôi không thể nói được độ tuổi thấp nhất ở Việt Nam để có thể học tiếng Anh là tuổi nào.
Tôi chỉ có thể nói chung là với điều kiện nào đó thì các em ở độ tuổi nào nên được học với phương pháp ở độ tuổi đó.
Ví dụ học sinh nhỏ tuổi lớp 1, lớp 2 thì nên dạy các em cách phát âm, các em sẽ học tốt hơn. Nhưng lớn hơn tí nữa thì dạy ngữ pháp các em sẽ tiếp thu nhanh hơn vì các em đã có đầu óc suy luận. Và tôi có thể nói rằng tùy theo điều kiện của từng nước mà quyết định thời điểm dạy tiếng Anh ở tuổi nào.
PV: Vậy khi các em chưa được 6 tuổi, phụ huynh có nên cho các em học và làm quen với tiếng Anh hay không?
GS.TS. Joan Kang Shin.
GS.TS. Joan Kang Shin: Từ 5 - 6 tuổi là thời điểm phù hợp nhất cho các em làm quen và học tiếng Anh.
PV: Vậy ở lứa tuổi đó, nên dạy cho các em như thế nào là tốt nhất?
GS.TS. Joan Kang Shin: Sử dụng bài hát hay những câu chuyện đơn giản rất thích hợp đối với các em độ tuổi này. Trong bài hát đó có những từ được lặp đi lặp lại và dễ dàng thấm vào các em. Những bài hát với từ ngữ hết sức gần gũi, đơn giản như bài hát về bộ phận cơ thể, người dạy vừa hát vừa múa để mô tả từng bộ phận tay, chân, mắt. mũi, miệng... các em sẽ rất dễ nhớ từ mới.
Những em có tính năng động sẽ thích những hoạt động như thế này.
PV: Khi dạy tiếng Anh cho trẻ em nhỏ tuổi (từ 6 - 10 tuổi), giáo viên thường gặp những khó khăn gì so với trẻ lớn hơn?
GS.TS. Joan Kang Shin: Đặc tính của trẻ em độ tuổi này rất hiếu động nên dạy cho chúng thì khó khăn hơn, và nó còn là thử thách lớn cho các thầy cô giáo so với dạy trẻ lớn tuổi hơn. Tuần qua chúng tôi cùng với các thầy cô giáo ở Việt Nam tìm cách dạy cho trẻ em thấy hứng thú khi học tiếng Anh và giúp các em tiếp thu được một cách hiệu quả bằng cách tham gia vào các hoạt động của lớp học.
GS.TS. Jodi Crandall: Trẻ em có đặc tính là sẽ chú ý học với thời gian ngắn, nếu mình không chịu thay đổi phương pháp và đưa ra được những hoạt động sinh động khác nhau trong thời gian dài sẽ khiến các em chán và mất tập trung. Khi có một lúc nào đó lớp học yên ắng thì giáo viên phải tạo ra hoạt động gì đó làm sinh động trở lại thì các em sẽ chú ý và nhớ bài lâu hơn.
PV: Để có hiệu quả tốt trong khi giảng dạy, giáo viên có thể dùng những phương pháp cụ thể gì?
GS.TS. Joan Kang Shin: Có thể sử dụng các bài hát hay bài hát tập thể. Những bài hát giúp chúng ta kiểm soát lớp học hiệu quả hơn. Trong mỗi bài hát, chúng tôi cũng đã mang đến những mẹo nhỏ giúp học sinh hăng say cho giáo viên trong những ngày qua.
Kể chuyện cũng là một phương pháp tốt. Qua các câu chuyện, các em được học từ vựng, ngữ pháp và còn giúp các em có thêm kiến thức trên thế giới.
GS.TS. Jodi Crandall
Trong khi kể chuyện, bọn trẻ có thể hình dung, tưởng tượng được hoạt động và giai đoạn phát triển của con sâu. Cách kể chuyện qua điệu bộ cơ thể giúp các em tưởng tượng tốt hơn và thấy thú vị hơn. Bên cạnh đó, các em còn có được khái niệm khoa học về loài vật...
Một trong những hoạt động nữa là làm sao chỉ cho học sinh sáng tác và viết một bài thơ đơn giản. Cho các em sử dụng những ngôn từ giản dị, từ có âm ngắn. Với nội dung bài thơ, giáo viên có thể cho các em mô tả cây cối, con vật hay phong cảnh gần gũi nơi các em sống, ... Qua đó, vốn từ của các em sẽ được nâng lên.
PV: Trong quá trình giảng dạy tiếng Anh, những thiết bị hỗ trợ gì có thể sử dụng để tạo sự hiệu quả?
GS.TS. Joan Kang Shin: Giáo cụ trực quan rất quan trọng cho lớp tiếng Anh của trẻ. Hình ảnh minh họa cho trẻ em nhiều chừng nào hay chừng ấy. Ngay cả bộ điệu tay, chân trên cơ thể cũng có giá trị như giáo cụ trực quan.
PV: Ở Việt Nam, sĩ số học sinh trong lớp khá đông. Vậy tình trạng đó có ảnh hưởng đến hiệu quả giảng dạy tiếng Anh hay không?
GS.TS. Jodi Crandall: Dạy lớp có sĩ số học sinh cao, giáo viên sẽ có những khó khăn nhất định. Tuy nhiên, giáo viên có thể tìm cách cho học sinh chia nhỏ thành từng nhóm. Các nhóm lúc này cũng được coi như lớp nhỏ. Giáo viên có thể quan sát theo từng nhóm để hướng dẫn. Ngoài ra, chúng ta có thể dùng những bài hát tập thể thì lớp đông cũng không sao. Hoặc dùng những hoạt động dành riêng cho những nhóm đông học sinh.
Xin cám ơn các giáo sư!
Ông John A. Scacco, Trưởng phòng Hỗ trợ tiếng Anh của Đại sứ quán Hoa kì khu vực Đông Nam Á (tại Bangkok):
Tại TP.HCM hiện nay, chương trình tiếng Anh tăng cường được bắt đầu từ lớp 1. Ngày xưa là lớp 6. Đây là sự thay đổi rất lớn mà cách đây 20 năm chưa có được. Phương pháp giảng dạy cho các em thiếu nhi ở bậc tiểu học lại khác với học sinh cấp 2, cấp 3 trở lên. Nhưng ở Việt Nam, hiện vẫn chưa có truyền thống dạy tiếng Anh cho các em ở bậc tiểu học. Chúng tôi hiểu rằng đây là cơ hội tốt để mời các chuyên gia dạy tiếng Anh cho trẻ em đến đây để hỗ trợ kỹ năng dạy tiếng Anh bậc tiểu học cho giáo viên Việt Nam. GS.TS. Joan Kang Shin hiện là tiến sĩ Ngôn ngữ, Ứng dụng và Văn hóa; thạc sĩ Phát triển hệ thống giảng dạy, Giáo dục song ngữ của ĐH Maryland và bà tốt nghiệp cử nhân Kinh tế của ĐH Cornell. Bà từng tham gia nhiều chương trình, khóa học giúp giáo viên dạy tiếng Anh cho trẻ em tốt hơn, nhiều nhất là các chương trình từ xa qua mạng. GS.TS. Jodi Crandal là Tiến sĩ Ngôn ngữ xã hội; Thạc sĩ khoa học Ứng dụng Ngôn ngữ của ĐH Georgetown; Thạc sĩ Văn học Mĩ của ĐH Maryland, CĐ Park; Cử nhân Văn chương tiếng Anh và Tây Ban Nha của ĐH Ohio. Bà là Giám đốc Chương trình Thạc sĩ khoa học Ngôn ngữ, Ứng dụng và Văn hóa tại ĐH Maryland và là giáo sư tham gia giảng dạy chương trình thạc sĩ TESOL (Teaching English to Speakers of Other Languages). Từ ngày 1 - 5/3, cả 2 đã chủ trì hội thảo "tập huấn phương pháp dạy tiếng Anh cho trẻ em dành cho giáo viên tiểu học ở Việt Nam". |
- Minh Quyên (thực hiện)