221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
1264785
Cấm dạy luật, báo: Bộ Giáo dục "mất kiểm soát" chất lượng?
1
Article
null
Cấm dạy luật, báo: Bộ Giáo dục 'mất kiểm soát' chất lượng?
,

- Cấm trường ngoài công lập đào tạo sư phạm, luật, báo chí trong điều kiện hiện nay là một giải pháp tình thế hợp lý trước thực trạng đào tạo còn lộn xộn của một số cơ sở đào tạo hệ này; hay đó chỉ thể hiện sự "mất kiểm soát" trong quản lý chất lượng của cơ quan chủ quản, và thậm chí còn đi ngược xu thế phát triển?

Sau những góp ý ban đầu về dự thảo quy định việc mở ngành đào tạo ĐH, CĐ, VietNamNet tiếp tục nhận được ý kiến đa chiều của độc giả cả nước. Để rộng đường dư luận, dưới đây, VietNamNet trích đăng một số ý kiến.
1(2).jpg
Giám thị đánh số báo danh trong kỳ thi ĐH năm 2009. Ảnh: MQ


Đừng "bán rẻ’ điều kiện mở ngành

Nếu nghĩ rằng, việc không cho các trường tư đào tạo sư phạm, báo chí và luật sẽ là một trong những phương cách để đảm bảo chất lượng cho những ngành học này ở Việt Nam thì đó là một cách nghĩ không đúng.

Thứ nhất, nếu Bộ đề cao chất lượng đào tạo của những ngành học "nhạy cảm" này thì nên chú trọng kiểm soát các điều kiện và khả năng tổ chức đào tạo của những cơ sở giáo dục đại học muốn đào tạo các ngành đó. Đặc biệt, Bộ cố gắng kiểm soát "nội bộ" để không xảy ra tình trạng "bán rẻ" các điều kiện mở ngành.


Thứ hai, nếu không cho các trường tư đào tạo các ngành này thì đã "đào sâu" thêm "hố ngăn cách" giữa các trường công và trường tư - một hố ngăn cách mà lẽ ra chính Bộ có trách nhiệm "lấp" nó càng sớm càng tốt. Phải chăng Bộ đã tự thừa nhận, sau một thời gian "nỗ lực" phát triển hệ thống giáo dục đại học ngoài công lập, Bộ đã "mất kiểm soát" nên phải sử dụng các biện pháp phân biệt đối xử?
  • Huỳnh Văn Thông (Khoa Báo chí & Truyền thông, ĐH KHXH & NV TP.HCM)

"Cấm có thể đúng!"


Việc không cho phép các trường tư đào tạo Luật, sư phạm, báo chí cũng có thể là đúng. Bởi có thể các nhà quản lý đã nhìn thấy được sự bất cập trong công tác quản lý các trường ngoài công lập. Hiện nay, hầu hết các trường ngoài công lập đều không có giảng viên cơ hữu. Hều hết giảng viên được mời giảng từ các trường công lập và các cơ quan khác, nhưng trên hồ sơ lại "biến" thành giảng viên cơ hữu....

Tuy nhiên, quy định này đi ngược lại chủ trương, chính sách của Nhà nước về xã hội hóa giáo dục đại học, đào sâu hố ngăn cách giữa trường công và trường tư.


Mở ngành đào tạo mới, là việc làm và trách nhiệm của Hiệu trưởng các trường, bởi vì không ai nắm rõ về trường hơn chính là các Ông/Bà Hiệu trưởng đó. Trong khi đó,
các chuyên viên của Bộ chưa có đủ khả năng để “xét duyệt” các chương trình đào tạo của các trường. Chỉ những người trong cuộc mới thấu hiểu về nỗi khổ của việc xin mở ngành nghề, để đối phó với Bộ, nhiều trường đã kê khống danh sách cán bộ giảng dạy các môn học trong chương trình đào tạo… nhưng sau khi được phê duyệt mở ngành đào tạo mới, có thấy chuyên viên nào tới kiểm tra các trường thực hiện chương trình như thế nào đâu…

Theo tôi, Bộ GD-ĐT cần phát huy hơn nữa về công tác quản lý nhà nước, định hướng để giáo dục nước nhà phát triển, Bộ không nên ôm đồm, sự vụ và làm những việc lặt vặt, mà đáng nhẽ ra những việc này phải giao cho các trường, ví dụ như việc cấp phát phôi bằng, chứng chỉ, mở ngành mới.

Trọng Dân (quận 12, TP.HCM)

"Cấm là chính xác"

Tôi thấy không cho trường tư dạy luật, báo và sư phạm là chính xác. Những ngành nghề này cực kỳ quan trọng với xã hội, trong khi đó hệ thống trường đại học tư ở Việt Nam rất lộn xôn về chất lượng.

Những người có điểm thi đại học 3 môn mới chỉ đạt mức "sàn tối thiểu" thi ĐH mà cũng có thể thầy giáo, hay luật sư, nhà báo thì tôi không hiểu sau này tương lai đất nước sẽ về đâu? Hàng loạt cử nhân "dỏm" do các trường đại học tư đào tạo đã là một câu trả lời về chất lượng của đại học tư ở Việt Nam. Theo tôi, cần không cho đại học tư đào tạo bác sĩ nữa.

  • Nguyễn Anh, Huế

3 lý do không thể "cấm"

Trường công dạy luật, báo chí, sư phạm thì có khác trường tư?

Việc cấm này không có cơ sở, ở cả ba phương diện pháp lý, điều kiện vật chất - kỹ thuật và điều kiện về trình độ giảng dạy.

Về phương diện pháp lý: Luật giáo dục quy định cơ sở giáo dục công lập và tư thục bình đẳng.

Về phương diện vật chất - kỹ thuật: Không thể chứng minh được trường công có cơ sở vật chất - kỹ thuật tốt hơn trường tư. Và tiêu chuẩn về vật chất kỹ thuật như thế nào đủ để dạy luật, báo chí và sư phạm sẽ được quy định chung, trường nào đáp ứng được thì dạy. Nếu trường công không đáp ứng được thì cũng không cho dạy.

Về phương diện trình độ giảng dạy: Trường nào đáp ứng được tiêu chuẩn do pháp luật quy định thì được giảng dạy. Số lượng giáo viên cơ hữu phải đạt trình độ tiến sỹ, thạc sỹ là bao nhiêu người, số lượng giáo viên thuê ngoài là bao nhiêu. Đối với giáo viên thuê ngoài thì phải đảm bảo ký hợp đồng mấy năm… Tóm lại là cần đưa ra các điều kiện về trình độ giảng dạy trong quy định của pháp luật để các trường đáp ứng chứ không nên duy ý chí cấm trường tư.

Nếu lập luận rằng sư phạm, luật, báo chí là những ngành nhạy cảm cần phải để trường công dạy thì không đủ sức thuyết phục.

Sư phạm dạy người ta cách làm người. Luật dạy người ta công lý. Còn báo chí dạy cho người ta sự thật. Những cái này đáng lẽ phải nhân rộng sao lại cấm nhỉ?

  • Bùi Ngọc Tùng (Nam Định)

"Cấm vì cử nhân 3 ngành vẫn thất nghiệp nhiều"

Một đặc điểm dễ nhận thấy ở các trường Tư nhân hiện nay là: Cơ sở vật chất, kỹ thuật tốt hơn nhiều so với trường Công lập. Lý do tại sao thì tôi chưa đề cập đến. Tuy nhiên yếu tố nhân lực, các giảng viên thì có vẻ ngược lại.

Yêu cầu tuyển dụng cán bộ công chức, viên chức giảng dạy ở các trường Đại học, Cao đẳng công lập rất khắt khe, yêu cầu trình độ cao (thường là phải có Bằng loại khá trở lên, Nhiều giảng viên đã từng học ở nước ngoài, là thạc sĩ, tiến sĩ,...). Còn các giảng viên ở trường Tư nhân thường làm việc dưới hình thức hợp đồng, hoặc là giảng viên từ các trường Đại học công mời về, hoặc là giảng viên được tuyển dụng với cơ chế "thoáng" hơn, yêu cầu thấp hơn...

Mặt khác, chất lượng đầu vào ở các trường Công lập sẽ cao hơn.

Ngoài ra, còn rất nhiều yếu tố khác chưa được đề cập đến.

Do đó, chúng ta cần cân nhắc hai yếu tố: Nhân lực và vật lực để đánh giá, so sánh chất lượng đào tạo ở trường Công lập và ngoài công lập.

Tôi đồng ý với việc cấm này. Một mặt, để các thí sinh tập trung đầu vào theo chiều sâu (đầu vào cao). Mặt khác, hiện nay đầu ra ngành Luật, Báo chí, Sư phạm ở các trường Công lập khá cao, mỗi năm có khoảng 1.000 đến 1.500 cử nhân ra trường, nhưng tỷ lệ thất nghiệp rất cao. Nhiều cử nhân không có cơ hội làm việc đúng chuyên ngành, trong khi họ được đào tạo theo chiều sâu. Thật đáng tiếc.

Tuy nhiên, bên cạnh việc cấm đào tạo này thì các Bộ, ban, ngành cần tập trung cơ sở vật chất, kỹ thuật hơn vào hệ thống đào tạo ở các trường công lập, nâng cao chất lượng đào tạo hơn nữa.

  • Hoàng Mai Oanh (Hà Nội)

"Ngược xu thế"

Chúng ta đang trên đường hội nhập, mở rộng dân chủ, tiến tới công khai minh bạch để nâng cao tiếng nói của người dân, xích gần lại với thế giới, thế mà lại có qui định thiếu bình đẳng.

Tại sao không mở rộng cánh cửa cho tư nhân tiếp cận để tạo ra sân chơi bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh?

Nói hẹp lại, giáo dục của ta hiện nay "bùng nhùng" là do chính NN tạo ra. Ví dụ, một số trường ĐH, CĐ chưa đủ tiêu chuẩn vẫn được thành lập. Lỗi ở đây là do tư nhân hay do công tác kiểm tra, thẩm định, đánh giá chưa tốt, chưa sâu sát?

Tóm lại, ngoài lĩnh vực công an, quân đội hay những lĩnh vực mà liên quan đến an ninh quốc phòng, còn các lĩnh vực kinh tế, xã hội... hay ngành nào liên quan quốc kế dân sinh thì ai có đủ năng lực thì làm, không nên cấm đoán, tạo ra sự bất bình đẳng, đi ngược lại xu thế hiện nay.

  • Nguyen Huu Dung (Hà Nội)

  • Ban Giáo dục (Tổng hợp)
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,