Kiến nghị lương 1.000 USD cho GS đại học quốc gia

Cập nhật lúc 11:07, 02/01/2010 (GMT+7)

- Việt Nam đã có hơn 20 năm đổi mới nhưng hệ thống lương cho giảng viên đại học về cơ bản vẫn chưa có thay đổi đáng kể. Trong bài viết "Lương giáo sư ở ĐHQG TP.HCM như thế nào hợp lý", GS Phạm Phụ nêu ba bối cảnh, đưa 3 nguyên tắc và đề xuất 3 kiến nghị cho câu chuyện này.

Ba bối cảnh

Lương của Giáo sư (GS) ở ĐHQG TP.HCM (ĐHQG) cần được xem xét trong nhiều bối cảnh:

Bối cảnh 1 - Mặc dù Việt Nam đã có hơn 20 năm đổi mới, nhưng riêng về hệ thống lương cho “công chức Nhà nước”, trong đó có thầy cô giáo, về cơ bản chưa có gì thay đổi đáng kể

Thực trạng, về trung bình có lẽ thì lương chỉ khoảng 30% tổng thu nhập mà phụ cấp và tặng thưởng (allowance, bonus)… lại đến 70%. Nhiều người có cảm giác “giả” là vì vậy. Nếu hai tỷ lệ này đổi cho nhau thì tình hình sẽ tốt hơn, lành mạnh hơn.

Hơn nữa, định hướng cho đổi mới trong việc này cũng còn chưa thấy rõ. Ít ra là lương của GS, của thầy giáo ĐH - không thể đặt vấn đề “chỉ để đủ sống!”. Vì rằng, họ đã đầu tư rất nhiều, họ cần bù vốn đầu tư, cần tài trợ cho gia đình và con cháu, cần có dự trữ cho tuổi già, v.v…

Mô tả ảnh.
Hình 1 là mức chênh lệch lương giữa một người đã tốt nghiệp Đại học và một người không tốt nghiệp ĐH, ở Anh.

Nếu quy về “giá trị hiện tại” (present value), chênh lệch đó có lẽ khoảng từ 350 – 400.000USD. Vì vậy, người ta mới bỏ ra 120 – 150.000 USD chi phí để tốt nghiệp Đại học, nếu tính cả “chi phí cơ hội” (Opportunity cost) do không đi làm kiếm tiền mà lo đi học, và cả chi phí để “bù đắp rủi ro” (Risk premium) vì phải đầu tư cho một tương lai xa đầy bất trắc.

Có lẽ, trong bối cảnh mới của đất nước, chúng ta cũng phải đặt vấn đề như vậy!

Bối cảnh 2: Việt Nam đã tham gia WTO, đã tham gia vào quá trình toàn cầu hóa.

Bản chất của toàn cầu hóa là sự tự do di chuyển của 3 luồng:

(1) Hàng hóa, trong đó có dịch vụ GDĐH.

(2) Vốn.

(3) Di dân, trong đó có lao động.

Điều này có nghĩa: (1) Dịch vụ cung cấp GDĐH của Việt Nam cũng phải đủ sức cạnh tranh với GDĐH của các nước; (2) Phải xem xét vấn đề trên cùng một mặt bằng giá cả nói chung và “giá sử dụng vốn” (cost of capital) nói riêng (đương nhiên tính theo sức mua của đồng tiền); và (3) Nguồn lao động do GDĐH Việt Nam đào tạo cũng phải đủ sức cạnh tranh với lao động của nước ngoài. GS Việt Nam cũng phải vậy, cũng có thị trường lao động GS.

Nghĩa là, trong bối cảnh mới, GS nước ngoài có thể sẽ đến Việt Nam dạy, GS Việt Nam lại cũng có thể ra ngước ngoài dạy.

Bối cảnh 3: ĐHQG vẫn là một “đơn vị sự nghiệp” của Nhà nước

Nghĩa là, trong phát triển, ĐHQG vẫn phải nhìn ra xung quanh, phải biết “liếc nhìn” các đơn vị bạn, đặc biệt là phải theo xu thế chung về phương thức đổi mới.

Do đó, ĐHQG không thể “làm cây thông đứng giữa trời mà reo” mà phải chuyển đổi một cách “tiệm biến tuần tự” (evolution). Vả lại, còn luôn phải tính đến khả năng thực thi.

Bối cảnh này tạm gọi là “những điều kiện riêng của bản địa”.

Ba nguyên tắc

Lương của Giáo sư (GS) ở ĐHQG TP.HCM cũng cần được xem xét dựa trên các nguyên tắc sau:

Nguyên tắc 1: Cân nhắc đến cả 3 đỉnh của “Tam giác công bằng lương bổng” (Hình 2)

Mô tả ảnh.

Hình 2. Công bằng trong chính sách lương bổng.

+ Đỉnh thứ nhất (1) là “công bằng với các thành viên khác” trong đơn vị.

Về đỉnh công bằng này, ĐHQG TP.HCM đang có vấn đề. Đó là sự chênh lệch thu nhập quá lớn giữa những người tạm gọi là có cùng trình độ nhưng lại đang ở những trường thành viên khác nhau. Mặt khác, ngay trong từng trường thành viên, do chưa có cách bố trí hợp lý, thu nhập giữa các thầy cô cũng chênh nhau khá lớn. Ngoài ra, ngay các GS, cũng đang có thực trạng là cả trình độ và tư chất cũng có một “phổ” khá rộng v.v…

Vì vậy, giải quyết thực tế những tồn tại này thực không dễ.

+ Đỉnh thứ hai (2) là “công bằng theo sự hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị”, so sánh một cách tương đối so với các đơn vị khác.

Nói một cách đơn giản, anh không thể đòi hỏi lương bổng của anh tương đương với một anh cùng trình độ nhưng đang ở một đơn vị khác đang “ăn nên làm ra” hơn đơn vị của anh nhiều. Điều này sẽ giúp cho mọi người cùng hướng đến mục tiêu của đơn vị.

+ Đỉnh thứ ba (3) là “công bằng so với thị trường bên ngoài”, so với lương của các ĐH ngoài công lập, lương ở các doanh nghiệp, lương ở các cơ quan quản lý nhà nước v.v…

Đã có hiện tượng, một Tiến sĩ làm trưởng phòng ở một ĐH công lập chuyển ra ngoài làm Hiệu trưởng một ĐH dân lập với mức lương khoảng 30 triệu đồng/ tháng, một phó GS ở ĐH công lập làm kiêm nhiệm tuần một vài ngày ở ĐH dân lập có mức lương khoảng 10 – 12 triệu đồng/ tháng, v.v…

Nguyên tắc 2: Cần tham khảo lương bổng ở GDĐH trên thế giới theo kiểu “GD so sánh”

Xin lưu ý, trong Hiệp định đa phương thương mại dịch vụ - GATS – (trong đó có GDĐH) có phương thức “Hiện diện thể nhân” (Presence of natutal person – một trong 4 phương thức cung cấp dịch vụ), cho phép người cung cấp dịch vụ tạm thời đến với người tiêu thụ. Nghĩa là sẽ có GS, thầy giáo của nước ngoài đến Việt Nam và ngược lại.

Nếu không tính đến chuyện này, tất sẽ có hiện tượng mà thế giới gọi là “decamp” (đột ngột “tẩu thoát”) của thầy cô giáo ở ĐH theo rất nhiều dạng thức khác nhau. Nguyên tắc này chính là xuất phát từ Bối cảnh (2) đã nói phần trên.

Nguyên tắc 3. Cần tính đến cả những “đánh đổi” (trade-offs) khác nhau giữa lương bổng và các điều kiện khác.

Trong xã hội có 2 loại xung đột: “xung đột lợi ích” và “xung đột giá trị”.

Với “xung đột lợi ích”, ngoài tam giác công bằng lương bổng nói trên và “an toàn Jobs” (biên chế)…, thầy giáo ở ĐH còn có nhiều cách để có những bù đắp, trước thực trạng phổ biến trên thế giới là, lương ở ĐH như luôn thấp hơn so với bên ngoài. Ví dụ, “Giảm mức điều chỉnh đối với thu nhập bên ngoài” (Deregulation of Outside Earnings), “Khai thác tài sản trí tuệ” (Exploitation of Intellectual Property), “Thiết lập các cơ chế doanh nghiệp (Creation of Entrepreneurial Structures), v.v… Nhờ đó, ngoài lương cơ bản, các thầy cô tài năng sẽ có thêm thu nhập khác.

Và, còn phải tính cả những “đánh đổi” giữa lương bổng với các “giá trị xã hội” nhờ biết quan tâm đến vấn đề “xung đột giá trị”.

“Xung đột giá trị” là do mất công bằng về thang giá trị, liên quan đến đánh giá, bồi dưỡng, đề bạt… và cả về môi trường làm việc cũng như cung cách quản lý của người lãnh đạo, …

Theo Peter F.Drucker, cha đẻ của môn quản lý hiện đại, thì: trí thức nói chung và thầy cô ở ĐH nói riêng, cũng là người làm công (công nhân) nhưng có khác là họ còn có “tư liệu sản xuất” - những gì đang “nằm giữa hai lỗ tai” của họ, là tài sản riêng và không thể chuyển nhượng. Họ cũng thường có một ít tiền để dành gởi ngân hàng hay mua cổ phiếu, nghĩa là có “một phần là nhà tư bản”. Họ cũng thường là người giỏi nhất trong phạm vi chuyên môn của họ ở đơn vị. Họ có những quan niệm rất đa dạng về lợi ích và hạnh phúc. Lại còn hay “xớ rớ” vào chuyện của người khác nữa v.v... Nếu lãnh đạo biết tôn trọng những “giá trị xã hội” đó của riêng họ, biết làm “đối tác” bình đẳng với họ, chắc họ sẽ sẵn sàng “đánh đổi” để chấp nhận mức lương bổng thấp hơn so với bên ngoài.

Ba đề xuất kiến nghị:

Kiến nghị 1: Lương cơ bản trung bình của GS ở ĐHQG hiện nay nên vào khoảng 1.000USD/tháng

Kiến nghị này xuất phát từ 3 mặt sau đây:

+ Thứ nhất, có lẽ mức thu nhập hợp lý của một người có trình độ tương đương GS hiện nay đang làm việc ở thị trường bên ngoài là vào khoảng 2.000USD/ tháng.

Một GS ở ĐHQG, ngoài tiền lương, có thể có thu nhập hợp lý khoảng 400 – 500USD/tháng (gồm cả nguồn bên trong và bên ngoài nhà trường qua dạy trội giờ, hoạt động nghiên cứu khoa học, thực hiện hợp đồng tư vấn...). Phần chênh lệch còn lại nên xem là để “đánh đổi” cho những “giá trị xã hội” mà họ có được từ ĐHQG.

+ Thứ hai, tham khảo lương cơ bản trung bình và cao nhất của thầy cô giáo ĐH ở nhiều nước trên thế giới (Hình 3)

Ta thấy: Nếu so sánh với GDP/đầu người, thì mức lương trung bình hợp lý ở các nước phát triển cao thường gấp 1,5 – 2 lần, ở các nước phát triển trung bình là 3 – 4 lần, còn ở các nước phát triển thấp lại có thể đến 5 – 8 lần.

Mô tả ảnh.
Hình 3. Mức lương cơ bản trung bình của thầy cô giáo ở ĐH so với GDP/đầu người (tính theo sức mua của đồng tiền – WB, 2004 – 2007)

Dùng dữ liệu trên để “phân tích hồi quy”: lương cơ bản trung bình của thầy cô giáo ĐH Việt Nam hợp lý là vào khoảng 7 lần GDP/đầu người. Năm 2008 Việt Nam có GDP/đầu người khoảng 1.000USD, do đó lương trung bình sẽ vào khoảng 600USD/tháng. Và, ở các nước đang phát triển, lương cao nhất thường xấp xỉ 1,5 lần lương trung bình. Do vậy, mức lương đề nghị cho GS khoảng 1.000USD/ tháng là hợp lý. Nếu “phân tích hồi quy” cho lương cơ bản cao nhất ở GDĐH trên thế giới ta cũng có kết quả tương tự.

+ Thứ ba, về khả năng thực thi.

Do không có dữ liệu tài chính của ĐHQG nên không xét đoán được, nhưng qua một vài con số có sẵn, có thể cho rằng ĐHQG có tiềm năng để thực thi đề nghị này. Tất nhiên là có chữ “Nếu”. Nếu (1) là sử dụng tài chính có hiệu quả hơn, Nếu (2) là cần nâng tỷ lệ chi cho lương bổng trong tổng chi thường xuyên lên trên dưới 60%, và Nếu (3) là cần có sự quản lý tốt hơn các khoản thu ngoài Ngân sách Nhà nước.

Về mặt pháp lý, theo Nghị định 43, thủ trưởng các “đơn vị sự nghiệp có thu” có quyền tăng mức lương cho cán bộ của mình cao nhất lên đến 2,5 lần mức lương theo thang lương Nhà nước. Nếu vận dụng cơ sở pháp lý này thì Giám đốc ĐHQG Tp. HCM cũng có thể thực hiện gần được đề nghị trên.

Kiến nghị 2: Cần có một Đề án tổng thể về chế độ cho cán bộ của ĐHQG

Vì rằng, (1) Không thể nói riêng chuyện lương bổng chỉ cho GS, mà phải cho toàn thể thầy cô giáo và cả cán bộ phục vụ ở các phòng, ban…; (2) Cần có một số chính sách liên quan đến các khoản ngoài lương, ví dụ, khi một thầy cô giáo làm hợp đồng với bên ngoài, thêm bao nhiêu (%) của lương thì được hưởng toàn bộ, nếu trên số đó thì có chính sách chia sẻ với ĐHQG, hoặc quy định về “quyền sở hữu trí tuệ”, khi nào thuộc tác giả, khi nào thuộc ĐHQG? v.v… Và (3) Phải có những quy định để người thầy giáo như có thể “sờ mó” được các “giá trị xã hội” mà họ có thể có được và do đó mới sẵn sàng chấp nhận “sự đánh đổi” với mức lương bổng thấp hơn bên ngoài

Kiến nghị 3: ĐHQG cần xây dựng một dự án dạng “Pilot project”, trình Chính phủ và Bộ GD&ĐT để thực hiện thí điểm chế độ cho cán bộ của ĐHQG.

“Pilot” thường là một cách “gỡ” khi mà phải “xé rào” một số quy định, một số cơ chế… đã được quy định trong các văn bản của Nhà nước. Hơn nữa, việc đứng tên trình Chính phủ về Đề án này nên là “Hội đồng ĐHQG”, một cơ chế có “thiên chức” “Make a change” (thay đổi) hơn là Giám đốc ĐHQG, một cơ chế có “thiên chức” “Keep in order” (giữ trật tự).

  • Phạm Phụ

Ý kiến của bạn

Ý kiến bạn đọc

Phạm Trung Quân, Ngũ Hành Sơn - TP Đà Nẵng, 13:06, 11/01/2010

Sao lương không là 17 hay 18 triệu VND mà là 1000 USD nhỉ???

letam, Saigon, 09:59, 11/01/2010

Lương của thầy cô giáo ở VN hợp lý là vào khoảng 7 lần GDP/đầu người, tức là khoảng 7.000USD/năm (7x1.000USD/năm), tính ra xấp xỉ 600USD/tháng, có vậy mà cũng thắc mắc.

Tạ Đình Quang , 201B Thanh Đa - TPHCM, 09:59, 05/01/2010

Lương Giáo sư 17 triệu đồng ( 1000 USD) là chấp nhận dược .
Theo ông Cương , TP tư vấn tuyển dụng Employment VN , mức lương 1 kỹ sư cơ khí mới tốt nghiệp ĐHBK TPHCM , kèm thêm khả năng tương đối thạo tiếng Anh , tại các Công ty trong nước từ 3 đến 4,5 triệu đồng / tháng , tại các công ty 100% vốn nước ngoài từ 4 đến 5 triệu đồng / tháng , thì mức lương giáo sư đại học 17 triệu đồng/ tháng ( tức 1000 USD ) như GS Phạm Phụ đề nghi là chấp nhận được ( nếu không nói là thấp ) . Vì từ 1 kỹ sư lên 1 tiến sĩ rồi từ 1 tiến sĩ được phong là giáo sư là cả 1 chặng đường lao động trí óc và chân tay gian khổ kèm theo chi phí bằng tiền rất lớn.
Đương nhiên việc tăng lương cho giáo sư sẽ đưa đến hậu quả tăng học phí ở các đại học tư thục hoặc tăng ngân sách giáo dục cho các đại học công lập .
Các bậc phụ huynh Việt Nam từ lâu đã gắn tương lai con em với việc đầu tư cho con em ăn học thành tài , chắc chắn sẽ chấp nhận hậu quả này , nếu " việc tăng lương giáo sư thật sự dẫn đến tăng chất lượng đào tạo đại học " , để con em họ sau khi tốt nghiệp có đủ năng lực đáp ứng cơ quan tuyển dụng , xin được việc làm và nhiều gia đình tiết kiệm được tiền bạc so với việc cho con em du học tự túc .
Vấn đề Nhà nước phải giải quyết tiếp là :
1)-Làm sao phân loại được giáo sư đã phong là giáo sư thiệt và giáo sư giả .
Nếu trót để lọt giáo sư giả thì phải có cách gì để sửa chữa sai lầm này ?
2)-Làm sao kiểm định được , đánh giá được hiệu quả làm việc của giáo sư xứng đáng với mức lương đó ?
3)-Nhà nước sẽ có cách nào để bù đắp khoản chi do tăng lương giáo sư , không thu thêm học phí đối với sinh viên các trường đại học công lập , so với hiện hành ?( chẳng hạn làm theo Pháp , Đức , có ngân sách đầu tư cho các đại học công lập nhằm miễn giảm học phí cho sinh viên ....).

Anh Hoàng Ngô, Hà Nội, 08:10, 05/01/2010

Đồng ý với mức lương của giáo sư có thể nhà nước trả 1000USD/tháng tuy nhiên đổi lại phải đi đôi với chất lượng chứ.

VN không thiếu giáo sư bằng cấp và so với mức sống của công chức VN thì có quá cao quá hay không, và VN thiếu gì giáo sư đi làm thêm dạy thêm ở ngoài,  thu nhập như thế ai tính cho.

Sơn Vũ, Đà Lạt, 15:36, 04/01/2010

Năm 2008 Việt Nam có GDP/đầu người khoảng 1.000USD, do đó lương trung bình sẽ vào khoảng 600USD/tháng. Dựa vào đâu để có số liệu này, 600USD/tháng??? Lương VN cao vậy sao.

Minh, Korea, 14:50, 04/01/2010

Tôi nhớ năm 1996 cũng đã có một cuộc cách mạng về lương cho giáo viên, giảng viên. Nay lại thấy kêu gọi tăng lương cho giáo sư . Tôi xin phân tích tăng lương như đề nghị:

1. Tăng 1.000USD/tháng có đúng và đủ không?
Xin thưa rằng nếu với giáo sư giỏi chuyên môn thì 1.000USD vẫn là thấp. Vì nếu họ giỏi chuyên môn thì chỉ cần một dự án với công ty nước ngoài đã dư sức có được 1000USD/tháng đút túi rồi. Ngược lại với giáo sư kém thì trả như vậy thật lãng phí!

2. Có nên trả như vậy không hay trả bằng cách nào?
Tôi nghĩ nên trả lương cao cho giáo sư giỏi nhưng không phải cào bằng 1000USD cho tất cả mọi giáo sư. Bộ GD-ĐT nên trả lương theo khả năng đóng góp của giáo sư cho xã hội bằng:

- Các dự án đạt được: Cái này Bộ GD-ĐT, Bộ Khoa học công nghệ, Trường… phải có nhiều hỗ trợ, là cầu nối giữa các giáo sư với các công ty, doanh nghiệp, … Tức là phải đưa nghiên cứu sát với thực tiễn.

- Hoặc không phải hoàn thành chỉ tiêu nghiên cứu và giảng dạy cơ bản: số tiết dạy, số bài báo hội nghị, số bài báo tạp chí đăng ở các tạp chí uy tín nước ngoài (2-5 SCI journals/năm, vì để đạt được chỉ tiêu này giáo sư sẽ phải nỗ lực hết sức), … cho 1 năm.

Nếu làm được như trên thì tăng lương mới là triệt để. Nếu không, có tăng 1000 USD như đề nghị thì chắc dăm ba năm nữa lại kêu gọi, lại tranh luận tăng lương tiếp mà thôi!

Nguyễn Trân, 13:18, 04/01/2010

Theo tôi, nên cho tự do thành lập các trường với mức lương của các thầy cô cao (để họ có thể "cao quí" được) nếu xã hội này chấp nhận thì các trường đó sẽ tồn tại và VN có cơ thành rồng thành phụng. Nếu các trường đó không tự sống nổi thì coi như xã hội này sẽ đi đâu chắc các vị cũng sẽ biết. Tất nhiên nhà nước phải hỗ trợ để thành lập các trường như vậy như cấp đất rộng, thủ tục hợp lý,... chớ cứ gào thét này nọ nhưng khi cần hỗ trợ thì lại vòi vĩnh tham nhũng thì coi như không.

Duong, HN, 08:33, 04/01/2010

Dùng dữ liệu trên để “phân tích hồi quy”: lương cơ bản trung bình của thầy cô giáo ĐH Việt Nam hợp lý là vào khoảng 7 lần GDP/đầu người. Năm 2008 Việt Nam có GDP/đầu người khoảng 1.000USD, do đó lương trung bình sẽ vào khoảng 600USD/tháng. Và, ở các nước đang phát triển, lương cao nhất thường xấp xỉ 1,5 lần lương trung bình.

1000 USD/ năm sao lại là 600 USD/tháng?

Xuân Ba, 02:11, 04/01/2010

Trước tiên, phải thấy GS Phạm Phụ rất thích sử dụng tiếng Anh, không biết ông có phải giáo sư dạy Anh Văn hay không, hay là vì bài viết sử dụng nhiều số liệu nguồn ở nước ngoài, nên sơ suất do copy & paste.

Lương GS 1000 USD/tháng để tương đương với nước ngoài, thì trách nhiệm của GS cũng phải tương đương như những GS nước ngoài. Tôi tin rằng vẫn còn nhiều chênh lệch lớn, giữa trách nhiệm của GS ngoài nước và GS trong nước. Rất nhiều GS vẫn còn "thời gian" để đi dạy thêm. Nghiên cứu khoa học gần như không thấy có kết quả gì. Chưa nói đến chất lượng đào tạo.

Nếu GS Phạm Phụ cho thêm 3 điều về bối cảnh giáo dục các nước, thì bài viết sẽ phản ánh vấn đề công bằng hơn.

Mai Q,, Gotenborg, Sweden, 01:33, 04/01/2010

Hiện nay, chúng ta có hơn 8000 GS/PGS. Nếu theo tiêu chuẩn nước ngoài (mỗi GS/PGS phải công bố ít nhất 1 bài báo khoa học) thì chúng ta phải có hơn 8000 bài báo khoa học trên các tập san quốc tế. Nhưng trong thực tế, số ấn phẩm khoa học xuất phát từ Việt Nam trên các tập san khoa học quốc tế hiện nay là khoảng 1000 bài! Con số này chỉ bằng 1/3 Thái Lan và 1/6 Singapore. Chúng ta cần phải xem tiêu chuẩn nghiên cứu khoa học là tiêu chuẩn số 1 trong việc đề bạt chức danh GS/PGS.

Dinh Q, Gotenborg, Sweden, 01:31, 04/01/2010

Thật sự lương của Giáo sư ở VN hiện nay rất thấp, không đáp ứng được nhu cầu tối thiểu của một người mang chức danh GS. Tôi ủng hộ đề án tăng lương cho các GS và đội ngũ giảng viên đại học.

Mặt khác, một số người cho rằng tình trạng nhiều GS ở VN không đăng nổi một bài báo khoa học trên các tạp chí của thế giới (trong đó rất nhiều giáo sư không sử dụng được một ngoại ngữ thông thạo) thì đó là chuyện khác. Đó là lỗi rất lớn của HĐ Chức danh giáo sư NN đã để xảy ra tình trạng đó (khoảng 1/2 là giáo sư giấy). Cần phải loại bỏ số này qua việc quy định trong vòng 2 năm phải có ít nhất một bài báo khoa học đăng trên các Journal có uy tín của thế giới tùy lĩnh vưc chuyên môn của GS.

Tuan Dat, 21:14, 03/01/2010

Là một người tốt nghiệp đại học và đi làm bình thường, tôi cũng dễ dàng hiểu rằng cần phải cải cách tiền lương mới có thể đổi mới giáo dục. Thật là vô lý khi đòi hỏi nâng cao chất lượng giáo dục ngang tầm quốc tế mà không nâng lương. Tôi không tin có thể tồn tại một giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục mà không cải cách tiền lương.

Anh Sơn, Tp:HCM, 20:20, 03/01/2010

Theo ý kiến của tôi thì việc trả lương 1000USD 1 tháng cho 1 Giáo sư là chuyện rất nên làm mà theo tôi đó cũng không phải là mức lương quá cao. Bạn thử so sánh, giáo sư thuộc loại trẻ nhất VN cũng đã hơn 40 tuổi, có các công trình nghiên cứu cấp nhà nước, có bằng tiến sĩ và với độ tuổi đó thì thường đã làm việc trong ngành hơn 20 năm. Bạn bè tôi tốt nghiệp đại học 10 năm, làm việc cố định trong 1 công ty liên doanh hay công ty nước ngoài tại TP.HCM, lương đa số đã xấp xỉ 1000 USD thì các bạn sẽ thấy ai là người thiệt thòi hơn. Chưa kể đến việc đóng góp gián tiếp cho xã hội thông qua việc giảng dạy, đào tạo.

Các bạn nói rằng chất lượng đào tạo đại học của chúng ta thấp, tôi thì không nghĩ vậy, bằng chứng là rất nhiều bạn sau khi tốt nghiệp đại học trong nước, ra nước ngoài học tiếp thạc sĩ hoặc tiến sĩ một cách rất thành công và gây ấn tượng tốt đối với các bạn sinh viên nước ngoài. Một giáo sư đào tạo ra những con người như vậy có xứng đáng được nhận những phần thưởng cho đóng góp của mình hay không. Hay các bạn lại nói nếu có người giỏi thì do người ta tự học còn kém là do giáo sư dạy nên. Nếu vậy thì chẳng ai cần đến trường đại học làm gì, vừa tiết kiệm cho gia đình và cho xã hội.

Ngành giáo dục là một ngành nghề đặc biệt vì nó góp phần xây dựng sự phát triển cho tất cả các ngành nghề khác, các nước phát triển đều có thời gian rất dài đầu tư phát triển giáo dục trước khi kinh tế phát triển, nếu chúng ta vẫn còn đắn đo với mức lương đảm bảo cho các giáo sư toàn tâm toàn ý với công việc của mình thì vài chục năm nữa hoặc thậm chí cả trăm năm nữa chúng ta vẫn dậm chân tại chỗ mà thôi.

trung, 19:45, 03/01/2010

Tăng lương của các GS dạy tại ĐHQG lên 1000$/tháng vậy thì các GS ở các đại học khác thì sao? Theo như bản thân mình thấy thì ĐHQG tuy đc hưởng nhiều ưu đãi, đầu tư của nhà nước nhưng chất lượng giảng dạy so với các trường ĐH khác cũng chỉ ở mức khá, không có gì là vượt trội so với các trường khác ( nếu ko muốn nói là có phần kém hơn) vậy thì các GS ở các trường khác đáng được hưởng lương bao nhiêu? Hơn nữa ĐHQG là trường ĐH trực thuộc chính phủ hàng năm được trực tiếp cấp ngân sách hoạt động như vậy còn có vẻ dễ thở hơn so với các trường ĐH khác thuộc bộ, như vậy còn kêu ca vậy các trường khác thì sao?

Phạm Như Mai, 36 Trần Hưng Đạo TPHCM, 17:26, 03/01/2010

Sao không " tiền trao cháo múc"?
Tất cả ý kiến của bạn đọc trong 4 trang đều có chung 1 quan điểm cho rằng lao động của các giáo sư đại học cũng là 1 loại hàng hoá , cần được trao đổi trên thị trường lao động với nguyên tắc " tiền nào của ấy ".
Song có 1 chỗ chưa nhất trí về quan điểm thực hiện nguyên tắc này , là " của ( tức là hàng ) trao trước hay tiền trao trước " ?
Tôi xin kể 1 chuyện có thật đã xảy ra tại Hà Nội vào giữa thập kỷ 70 để cùng tham khảo. Người ta tổ chức 1 cuộc thi tay nghề thợ bậc 7 (bậc tột đỉnh) ngành cơ khí tại Nhà máy cơ khí trung quy mô Hà Nội 9nhà máy này do Liên Xô xây dựng theo hiệp định Liên Xô viện trợ không hoàn lại cho VN) , do chuyên gia Liên Xô giám khảo.

Sau khi 1 bác thợ VN thi tài xong , vị chuyên gia Liên Xô ngạc nhiên hỏi: "Tại sao giỏi thế mà hàng ngày mày không làm như vậy ?" ( tiếng Nga giống tiếng Anh, mày là đại từ nhân xưng ngôi 3 , hiểu là ngài , ông , anh , bác , bạn ... đều được).
Uống hết chai nước bự cho đỡ khát, bác thợ mới thủng thẳng đáp : " Hàng ngày tôi chỉ được ăn 3 hào cơm với rau muống (lúc đó 3 hào tương đương khoảng 1000 dồng bây giờ, làm sao có sức mà làm như bạn " .
Cũng trong thời đó , cái vòng luẩn quẩn cửa miệng cứ đi theo mãi nền kinh tế , không sao gỡ ra nổi : " ăn ít thì làm ít , làm ít thì lại chỉ được ăn ít ...". Nó phần nào giống như hiện nay ta cứ luẩn quẩn về cách chọn " của trao trước hay tiền trao trước ".
Để thoát ra cái vòng luẩn quẩn này , tại sao ta quên mất câu răn nổi tiếng của kinh tế thị trường mà ngay các bà nội trợ ít học cũng thuộc lầu : " tiền trao cháo múc !".
Khoan nói đến kinh nghiệm của người Hoa " đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn " , hãy làm đúng cách hợp đồng kinh tế lao động theo Luật định . Đó là cách làm công bằng và văn minh nhất . Cụ thể :
-Nếu chức danh giáo sư không phải là sắc phong suốt đời , phải được định kỳ xem xét lại . Khi thấy giáo sư không còn đạt được các tiêu chuẩn để " sắc phong " thì nhà nước thu lại chức danh giáo sư đó , lo gì các giáo sư dỏm cứ dỏm mãi . Việc này là trách nhiệm của nhà nước trước nhân dân , phải làm chặt chẽ và công khai , minh bạch .
-Nếu khi tuyển dụng 1 giáo sư , giữa giáo sư và nhà tuyển dụng cùng cam kết trong 1 hợp đồng chặt chẽ về quyền lợi và trách nhiệm , nghĩa vụ của đội bên , trong đó có cả điều khoản về lương , điều khoản về quyền huỷ hợp động khi có 1 bên vi phạm thì lo gì " của thu được không xứng với tiền bỏ ra " hoặc " của tốt mà tiền trả không tương xứng " ?.

modesty, 17:15, 03/01/2010

Một điều lố bịch nếu giáo dục có chất lượng trả các vị bao nhiêu cũng không tiếc vấn đề ở chỗ các vị dậy có chất lượng hay ko hay để cho nền giáo dục Việt Nam không có tên tuổi gì và chẳng có nước nào chấp nhận cái bằng đại học của Việt Nam.

Ngay cả trong nước các vị thấy có bao nhiêu trong số sinh viên của mình có thể tự hào cầm cái bằng đại học của mình đi xin việc, nếu ko muốn nói kiếm được việc, bao nhiêu % số SV ra trường làm đúng ngành nghề, các vị phải chuyên nghiệp lên và nhà nước cũng phải thay đổi cơ chế trả lương cao cho những người có năng lực thực sự loại bỏ những kẻ thua cuộc thiếu năng lực, có thế nền giáo dục mới có khởi sắc và những người thực sự tâm huyết với nghề làm nghề, lại nói đến chuyện Gs, Gs ở Việt Nam có nhiều loại và giáo sư giấy cũng rất nhiều, chúng ta cần những người có năng lực chứ ko cần Gs, người có năng lực giảng dạy thực sự 1000$ chứ 10.000$ cũng là bình thường.

Nguyen Hoang Nguyen, Xa Thuy son. huyen Thuy Nguyen. TP Hai Phong, 16:38, 03/01/2010

Sau khi doc bai cua GS Pham PHu va nhung ys kien phan hoi cua ban doc Vietnamnet, toi co may y kien nho sau: Toi dong y voi y kien cua GS Pham Phu ve muc luong chung cho GS o DHQG laf 1000USD/thang. Muc luong nay cung nen ap dung chung cho tat ca cac GS o cac nganh, linh vuc khac. Tuy nhien, trong boi canh "Vang thau lan lon", ben canh mot so GS co thuc duc, thuc tai (Co 1/3), hien co qua nhieu GS "giay". Nhin ve so luong, so GS, PGS, TS, THsy cua nuoc ta da co tam voc quoc gia, khu vuc, the gioi nhung biet bao van de cua cuoc song van con bo ngo? biet bao luan an, luan van, sau khi "Bao ve thanh cong" da...nam im trong ngan keo? Vi the, toi de nghi GS Pham Phu can co nhung nghien cuu, de tai khoa hoc de phan dinh cu the, ro rang, kho hoc dau la "vang", dau la "bac", dau la "dong", dau la "thau'. Noi khac di la khong the cao bang, cu co "Ham" GS la duoc huong muc luong nhu GS Pham Phu de nghi.

Hoàng Trà, Đà Nẳng, 15:45, 03/01/2010

Các ông giáo sư ơi! hãy nghĩ đến những người nghèo.

Tuan Kiet, 15:28, 03/01/2010

Bài viết của GS. Phạm Thụ chỉ mới gợi ý mức lương nếu muốn bắt đầu đổi mới thực sự về giáo dục đại học để với mong muốn hoà nhập với dòng chảy thế giới.

Dựa vào phân tích số liệu thì tôi đồng ý mức lương 1000USD là hợp lý cho GS (mức các ví trí khác có thể suy ra từ mức này). Ở đây nếu chúng ta khoan bàn về việc làm thế nào để có tiền trả lương cũng như cơ chế hoạt động nào với mức lương này để có hiệu quả. Ở đây tôi chỉ muốn nói nó là điều kiện cần đầu tiên để có thể nói về đổi mới giáo dục đại học, nếu không thì đừng có mơ giáo dục đại học hội nhập với khu vực. Bài viết này chỉ đề xuất một con số lương hợp lý để khởi động cổ máy đổi mới cho dù là tư nhân hay nhà nước.

Tôi đồng ý với một số bạn là giảng viên đại học hiện nay nghiên cứu kém, dạy chân trong chân ngoài, kỹ năng ngoại ngữ kém, v.v... Theo tôi, đây chỉ là hệ quả (tôi đặc biệt nhấn mạnh "hệ quả") của hệ thống giáo dục mà đặc biệt là lương thấp hiện nay.

Tôi không đồng ý với một số bạn khi đề cập đến lương thì cứ so sánh với ngành nghề khác vì theo tôi, tất cả các ngành khác đề hưởng lợi từ giáo dục. Hay nói cách khác, đầu tư cho giáo dục là gián tiếp đầu tư cho tất cả các ngành nghề khác và đó là đầu tư cho phát triển xã hội kinh tế và con người. Bởi vì giáo dục là một ngành đặc biệt vì nó phải đảm bảo tính công bằng xã hội và sản phẩm của nó là con người nên về nguyên tắc nó không thể rập khuôn theo một mô hình kinh tế. Pháp, Đức bao cấp ngành giáo dục trong khi Mỹ, Anh phải đóng học phí rất cao.

Lâu nay đã có qua nhiều tranh cãi xung quanh chuyện "quả trứng và con gà" cái nào có trước. Tại sao không phá vỡ vòng lẩn quẩn này bằng cách tạo ra các trường pilot có thể trả lương cao và sau đó một loạt các cơ chế đổi mới hoạt động tiếp theo.
Xin cám ơn

Nguyễn Nam, Hải Phòng, 14:39, 03/01/2010

Đa số là lên án cho rằng các giáo viên hay kêu ca lương thấp. Cũng có ý kiến bảo là đi nếu không thích thì bỏ nghề mà kiếm nghề khác giàu hơn. Hỏi ai cũng có ý kiến như các anh các chị thì xã hội này loạn mất.

Với tình hình kinh tế khó khăn của đất nước ta hiện nay thì khó mà đáp ứng được cái yêu cầu 1.000 USD, nhưng mà cũng đừng bắt giáo viên chúng tôi phải chịu quá nhiều áp lực như hiện nay. Động tí là phê phán, kêu ca. Chẳng may mà có vấn đề gì thì lại được " rao" lên mặt báo .

Chúng tôi cũng là con người, không phải là thánh, làm sao mà không có những khiếm khuyết. Tôi nói vấn đề này không phải lên tiếng bênh vực cho những hành động sai nhưng mong các anh chị hay xem xét vấn đề theo hai mặt.

Hoang Minh Nguyet, Ha Noi, 14:12, 03/01/2010

Thay oi,

Tang luong cho giao su DHQG, roi den tang luong cho Giao su cac dai hoc khac, boi giao su cac truong khac khac cung dau co kem canh gi ? Ngan sach nha nuoc co han vi phai nuoi dan con qua dong. Vay nguon tai chinh trong cho de tang luong chac la nguon hoc phi sinh vien ? Em lo qua di. Giao su song duoc bang luong, vay nha em song duoc bang gi ?

Lê Trung Hiểu , 12 Đinh Tiên Hoàng , 14:03, 03/01/2010

Đừng trả giá thấp mà đòi sản phẩm chất lượng cao
Đã quá nhiều năm nay chúng ta cứ đòi hỏi giáo dục đại học phải có chất lượng cao nhưng nhà nước trả lương cho các giáo sư lại quá thấp. Điều vô lý đó , ngay các bà nội trợ cũng có thể trả lời được là không thể xảy ra trong đời thường này. Họ đi chợ hàng ngày nên họ biết rất rõ như thế .
Làm sao đừng sắc phong những giáo sư dỏm là một việc khác mà nhà nước là người chịu trách nhiệm chính để đùng xảy ra. Hiệu quả giáo dục đại học cũng là 1 việc khác , Bộ trưởng Bộ GD-DT chịu trách nhiệm chính để làm sao đánh giá chính xác và khách quan chất lượng giáo dục của các đại học. Còn việc trả lương , tuy có gắn với những việc trên , nhưng phải tách ra và làm trước.

Nói thẳng thật thì khó nghe , nhưng nguyên tắc của cuộc đời thương là " tiền nào của ấy ". Con người , dù là ít hay nhiều ăn học cũng giống nhau ở chỗ được động viên thì làm việc tốt nhưng nếu bị lạm dụng , động viên xuông lâu ngày thì hết tin và không làm việc tốt nữa . Tôi xin nhắc lại : chúng ta là những người thường sống trong đời thường chứ không phải là thần thánh sống trên mây trên gió , chỉ ưa những lời thuyết giáo .

Tuy không là giáo sư đại học nhưng tôi ủng hộ đề nghị của GS Phạm Phụ . 1000 USD nên là mức lương chung cho tất cả các giáo sư . 1000 USD tương đương khoảng 17 triệu đồng . Sự thật là có vị giáo sư đại học ngành y đã mua sắm được nhà riêng , ôtô riêng . Đương nghiên vị GS đó không thể mua sắm bằng lương chính của nhà nước trả mà bằng thu nhập phụ ngoài lương chính . Vậy thì nhà nước nên trả lương xứng đáng cho các giáo sư để tận dụng toàn phần thời gian lao động của họ cho giảng dạy và nghiên cứu khoa học , là cơ sở cho việc nâng cao chất lượng đào tạo dại học . Không chuyển biến từ người thầy thì đừng mong cải cách giáo dục .
Có 1 điều nên suy nghĩ thêm cho kín kẽ .
Lương trung bình của 1 công nhân VN bây giờ khoảng 2 triệu đồng/tháng . Nếu lương giáo sư 17 triệu đông/ tháng thì khoảng cách về lương giữa họ là khoảng 8,5 lần .
Lương trung bình 1công nhân Pháp khoảng 2000 euros /tháng . Lương 1 giáo sư đại học Pháp khoảng 15000 euros/ tháng . Khoảng cách về lương giữa họ là khoảng 7,5 lần .
Pháp là nước tư bản . VN là nước XHCN . Giai cấp công nhân VN là giai cấp lãnh đạo . Về chính trị , khoảng cách về lương giữa trí thức và công nhân tới 8,5 lần như thế có ổn không .
Nếu nhà nước chấp nhận mức lương do GS Phạm Phụ đề xuất thì nên đồng thời nên tăng lương cho công nhân , sao cho khoảng cách về lương giữa họ chỉ vào khoảng 3 hoặc 4 lần thôi thì ổn hơn.

Hùng, ĐHQG, 13:26, 03/01/2010

Các bạn nói đến cải cách môi trường làm việc, cải cách hình thức tuyển dụng, hợp đồng tuyển dụng trong đó có hợp đồng về mức lương, cải cách chất lượng đào tạo, vv. tất cả đều đúng nhưng toàn là những chuyện còn rất xa vời. Tôi không thấy bạn nào nói rõ được: Ai sẽ làm những việc đó? Và quan trọng hơn: Ai cho phép các bạn làm các việc đó?

Hình thức trả lương ở các trường ĐH công lập cũng như trong toàn hệ thống công, viên chức là trả theo thâm niên, tăng lương định kỳ. Đã trả theo thâm niên thì không khuyến khich người ta lao động thực sự. Cải cách tốt nhất ở đây là chuyển sang trả lương theo vị trí công việc, thâm niên tính vào kinh nghiệm hay chỉ là bonus.
Ai kiến nghị cái này thì chính phủ gạt đi, vì VN có con đường của riêng mình, mô hình cũng độc đáo chẳng giống ai!

Hình thức bổ nhiệm ở các trường Đại học công lập do ai quyết định? Dựa vào danh sách kiến nghị của cấp ủy Đảng. Đã là người của cấp ủy giới thiệu, khi trở thành lãnh đạo ở các trường ĐH công lập thì không ai mặn mà với cải cách, chỉ là keep in order như GS Phạm Phụ nói. Lực lượng cách tân ở các trường đại học có, nhiều người được đào tạo rất bài bản ở nước ngoài hoặc những người rất giỏi trong nước, nhưng ý kiến của họ không lên nổi mặt báo. Chính phủ (thông qua các cấp ủy) không tin dùng họ!

Tự chủ tài chính, tự do tư tưởng - các trường ĐH công lập có được đảm bảo hay không? Nếu cho phép các trường ĐH công lập tự chủ tài chính, ngân sách chỉ hỗ trợ những trường đại học chất lượng với kết quả rõ ràng, không bắt các trường ĐH phục vụ các nhiệm vụ xã hội như phục vụ các đối tượng chính sách, các sinh viên nghèo, v.v, ắt hẳn mức lương cứng cho GV sẽ được cải thiện rõ rệt. Chẳng cần cơ chế xin-cho. Trường nào không đủ năng lực thì tự động giải thể, sẽ có những trường khác, được tổ chức tốt hơn, thay thế.

Nhiều người có những đòi hỏi phi thực tế và tự mâu thuẫn. Rất nhiều người muốn GD ĐH chất lượng cao, với học phí tượng trưng 180k/tháng ($10 usd/tháng) hoặc miễn phí. Mặt khác thì không ai muốn đóng thuế 30% thu nhập cả, rõ ràng là ước muốn viển vông và mâu thuẫn. Chi phí đào tạo 1 sv có chất lượng khá hiện nay ở VN phải ở mức 100usd/tháng (các trường tư khá có mức phí đào tạo cao gấp hơn 2 lần số đó), do đó không nên ngạc nhiên tại sao chất lượng GD ĐH thấp: tiền đầu tư ít, quá tải sinh viên (lớp thường đông cả trăm người), mô hình tổ chức quá cũ và lạc hậu.

Phụ cấp hiện nay cho GV ở ĐH là 25%, trong khi đó phụ cấp cho GV các môn chính trị Mác-Lênin là 45%. Chỉ nhìn vào đó là hiểu các ưu tiên của chính phủ và tại sao không thực hiện được cải cách.

Pham Viet Duc, Ha Noi, 10:46, 03/01/2010

Tôi nghĩ bài viết của GS. Phạm Phụ mới chỉ là những gợi ý cho việc giải quyết một vấn đề phức tạp, tế nhị trong một hệ vấn đề phức tạp của nền giáo dục đại học VN hiện nay.

Tôi đồng ý với ý kiến một số bạn cho rằng nên trả lương cho các GS (và cả những quan chức và tất cả những người lao động ở các lĩnh vực và vị trí khác nhau) theo nguyên tắc “tiền nào của ấy”.

Vấn đề ở chỗ là với cơ chế của nền giáo dục đại học VN hiện nay thì khó có thể đánh giá sòng phẳng, chính xác năng lực và cống hiến thực sự của từng giảng viên để trên cơ sở đó trả lương cho tương xứng với kết quả lao động của họ.

Tôi nghĩ, mấu chốt của vấn đề là cần phải tạo ra môi trường và cơ chế cạnh tranh lành mạnh và khốc liệt trong thị trường lao động trình độ cao, trong đó có các trường ĐH, và chính trong quá trình cạnh tranh này thì người lao động, trong đó có các GS, sẽ tự định giá và được định giá chính xác hơn năng lực và thành tựu lao động của mình.

Ở phần lớn các trường ĐH ở các nước phát triển, khi trống một vị trí giảng viên, họ liền đăng thông báo tuyển dụng toàn cầu, trong đó nêu rõ các yêu cầu cho ứng viên. 3 hoặc 5 ứng viên tốt nhất sẽ có vòng mặc cả rõ ràng, sòng phẳng với trường ĐH về tất cả các điều kiện do hai bên đặt ra, trong đó có cả mức lương.

Hệ thống GDĐH ở VN cũng nên học tập, áp dụng cơ chế này, nhằm xóa đi tình trạng hiện nay, những giảng viên (kể cả các GS, PGS, TS, TSKH), một khi đã “vào biên chế” hay được “cơ hữu hóa” rồi thì cứ yên tâm nhận lương, có thể quan tâm hoặc không cần quan tâm đến chất lượng sản phẩm đào tạo và nghiên cứu khoa học của họ.

Và nếu cứ giữ cơ chế này thì nói đến việc có tăng lương hay không tăng lương cho họ cũng không giải quyết được vấn đề gì! Thật xấu hổ cho nền giáo dục ĐH nước ta khi vẫn còn rất nhiều giảng viên, trong đó có không ít người có học hàm, học vị cao mà không thể sử dụng tốt được bất kỳ ngoại ngữ nào, hằng năm không công bố nổi một công trình nghiên cứu nào có giá trị khoa học và thực tiễn.

Điều đáng xấu hổ hơn là số giảng viên này vẫn được trả lương tương tự như những giảng viên giỏi chuyên môn, giỏi ngoại ngữ, có nhiều công trình khoa học nghiêm túc được công bố. Hơn thế nữa, những người yếu kém về năng lực kia còn thường xuyên tạo ra những vật cản hữu hình và vô hình để gây khó khăn cho những người có tâm huyết và có năng lực.

Vì vậy, tôi cho rằng trước khi nói đến chuyện lương thế nào thì hãy tạo ra một môi trường và cơ chế cạnh tranh lành mạnh và khốc liệt để thanh lọc đội ngũ giảng viên ĐH. Đó là điểm đột phá cho việc cải thiện chất lượng giáo dục ĐH ở nước ta hiện nay.

Viet, TP.HCM, 10:36, 03/01/2010

Nội dung kiến nghị phiến diện, tại sao không thấy đề cập đến tần suất lao động trong giao dục đại học?

Tôi thấy hiện tại tần suất lao động của giáo viên theo chuẩn quá thấp, tức là giáo viên hiện tại quá nhàn so với các công việc khác nên nhiều giao viên thừa thời gian làm dự án, tham gia các công ty khác. Nên xét về thực tế thì thu nhập của Giáo viên trong trường/ tần suất lao động so với các công việc khác cũng không phải thấp.

Hãy xét xem hàng năm chính phủ đã dành bao nhiêu % GDP cho giáo dục, và so với các nước đang phát triển khác xem tỷ lệ ra sao? theo tôi con số này không thấp.

Ngoài hiện tượng tần suất lao động trong khối đại học quá thấp, còn có hiện tượng tỷ lệ lao động gián tiếp quá cao, do tình trạng con em cháu cha. Làm cho kinh phí đào tạo của trường bị phân tán cho quá nhiều lao động với tần suất làm việc thấp thì đương nhiên là thu nhập đầu người trong ngành giáo dục thấp là phải rồi.

Nói chung là làm ít thì hưởng ít đấy là quy luật thị trường. Tôi cũng có 2 bằng đại học và nhiều năm kinh nghiệm tại các công ty lớn và tôi thấy xã hội rất công bằng, nếu lương chỗ này tôi làm được 5 triệu /tháng với sức lao động (tấn suất) bỏ là 1, nếu sang chỗ khác lương 10 triệu/tháng thì lượng sức lao động tôi phải làm việc sẽ là 3 hoặc 4 lần. Tức là cái gì nó cũng có cái giá của nó, muốn có thu nhập cao thì phải bỏ sức lao động gấp nhiều lần.

Với giáo dục Việt Nam để tăng thu nhập cho nhân viên tốt nhất là cơ cấu hệ thống tổ chức trước để tăng giờ giảng cho từng giáo viên. Chứ cứ thấy lương thấp mà đòi tăng lương trong khi không giải quyết những vấn đề mấu chốt trước thì Nhà Nước lấy đâu ra tiền để chi trả cho hàng trăm ngành đòi tăng lương?

Tôi đã từng nghe một câu của 1 người quản lý nói với người lao động: hàm ý cứ ngồi đó mà chê việc lương thấp hay nhiều việc v...v thì khác gì ngửa mặt lên trời mà nhổ nước bọt.

Càng ngẫm tôi càng thấy đúng, mỗi cá nhân hãy tự vận động để đạt được cái mình muốn, chứ đừng ngồi đó mà kêu ca phàn nàn. Xã hội luôn công bằng, quý vị luôn có đạt được cái mình muốn nếu chịu khó lao động. Nếu mục đích là vì tiền thì quý vị có thể rời trường để ra các công ty ngoài làm việc, đấy cũng là quy luật mà thôi.

Huynh dac Thanh, Canada, 09:44, 03/01/2010

1000US/tháng? Mới nghe thôi thì có vẻ hợp lý lắm nhưng suy nghĩ lại so với lương của những người lao động chân tay khác thì một trời một vực.Sự kiện này sẽ gây ra một sự cách biệt càng ngày càng lớn lao giữa các giai cấp trong xã hội.Cần phải suy nghĩ chu đáo mới được.

Nguyễn Đức Vinh, Hà Nội, 09:18, 03/01/2010

Mức lương bao nhiêu là đủ, theo tôi nghĩ lương bao nhiêu cũng không đủ, nhưng sẽ rất đủ nếu người sử dụng lao động và người lao động thoả thuận được với nhau, công chức hay giáo sư, công nhân hay kỹ sư, ai thì cũng là đi làm thuê cả thôi, anh không làm khắc có người khác làm, không ai muốn làm tự khắc tôi phải tăng lương.
Đề nghị có nghĩa là xin, xin cái gì còn có thể được chứ xin lương thì ai có mà cho, mà cho rồi thì ai sẽ quả được chất lượng sản phẩm của anh? Của anh đáng giá bao nhiêu thì bán bấy nhiêu, đến mai đông người bán anh không hạ giá thì mang về nhà mà dùng.
Hiện nay các cơ quan hành chính sự nghiệp và các doanh nghiệp có vốn Nhà nước đang phải áp dụng các khung bậc lương cực kỳ phức tạp theo qui định(từ tính toán đến kiểm tra, kiểm soát và giám sát), càng qui định lắm thì càng phải quản lý nhiều, quản lý không nổi thì sinh ra tiêu cực, tham nhũng và như bác Soc, Paris viết họ kêu lương thấp nhưng mức sống thực của họ có thấp đâu, vậy thì việc qui định mức lương có còn thiết thực nữa không?
Sức lao động là hàng hoá, đã có hàng thì phải có chợ, đã có chợ thì phải có giá và có cạnh tranh, đã có cạnh tranh thì chỉ hàng tốt và hàng rẻ mới tồn tại, đó chính là tiền đề của sự phát triển, chất lưọng cuộc sống sẽ được nâng lên mà tham nhũng không còn cơ hội để đe doạ xã hội nữa.

Đầu xuân xin có vài lời, có gì không phải mong thời bỏ qua.

Vu hai hạnh, hà nội, 08:40, 03/01/2010

1- Vẫn là bài toán con gà có trước hay quả trứng có trước, khi chất lượng giáo dục do các thầy sản xuất có trình độ thấp so với thế giới (không được thế giới chấp nhận), sản phẩm làm ra như vậy thì năng suất xã hội không tăng, giá trị phân phối lại buộc phải thấp là phải thôi. Sao lại đi hồi quy từ thế giới để tìm ra lương cho mình.
2- Các thày thừa biết nền kinh tế nước ta hiện đến đâu, các thày không san sẻ và tự gánh một phần trách nhiệm thì liệu xã hội có khá hơn được không?
3- Các thày không thực hiện cạnh tranh với nhau, không giảm biên chế, không hiểu chất lượng đào tạo hôm nay là hậu quả ngày mai, không tự ký hợp đồng với nền kinh tế bằng lương tâm của mình, không tự kiểm soát kinh phí Nhà nước giao, để cho chi phí quản lý ngốn hết thì các nguyên nhân này không phải tại xã hội mà tại các thày. Hơn thế các thày làm tay trái cũng tài ba lắm, thu nhập của các thày không đưới 1000 USD/ tháng đâu. Xã hội có mắt nên biết cả đấy!

Soc, Paris, 06:11, 03/01/2010

Thiết nghĩ giáo dục cũng là một sản phẩm vô hình, nên nó cũng không nằm ngoài qui luật hàng hoá " chất lượng đi đôi với chi phí để có được chất lượng đó ", nói lôm la theo các cụ nhà mình là " tiền nào của đấy ".

Ở nước ta công chức nói chung và công chức giáo dục nói riêng luôn luôn kêu lương mình thấp ( con số thực tế thì thế thật ), nhưng mọi người hãy nhìn cuộc sống thực của các công chức, họ có mức sống như thế nào so với người dân ? Công chức luôn có nhà cao, xe đẹp, đồ dùng sang…hơn so với mức trung bình của người dân, tất nhiên không phải tuyệt đối nhưng đấy là đại đa số, từ cấp trung ương tới cấp địa phương…Vì sao mức lương thấp mà đời sống họ không thấp ? Không cần trả lời ai cũng biết . Đấy là tôi chỉ xét trên phương diện định lượng đến " chất lượng lương tâm " của họ.

Còn nếu xét thẳng trên phương diện định tính cụ thể với con số cụ thể lương của giảng viên nước ta, nếu tác giả yêu sách rằng lương của giảng viên nước ta cần phải là 1000usd/ tháng và cũng theo lời tác giả tức là gấp 7 lần lương trung bình của người dân mới thoả đáng và hợp lý so với các nước khác trên thế giới.

Tôi xin thưa với giáo sư rằng tôi đang làm việc trong ngành giáo dục ở Pháp, lương của một giáo sư Pháp trung bình cũng chỉ tương đương với lương một kĩ sư bình thường ở nước họ, trong khi đó họ làm việc vì khoa học thực sự thông qua các đề tài khoa học họ công bố… vậy có vô lý không khi ta đòi yêu sách lương giảng viên nước ta gấp 7 lần trung bình của người dân, trong khi giáo dục nước nhà ra sao thì các vị cũng thấy rồi, sản phẩm các vị cho ra là những sinh viên như thế nào so với khu vực ? Một năm trong khoa của các vị, trong chuyên ngành của các vị có bao nhiêu đề án khoa học được công bố … ? Nói đơn giản thôi chỉ cần liệt kê mỗi năm giáo sư việt nam có bao nhiêu bài báo được đăng trên các tạp chí chuyên ngành thế giới, tổ chức được bao nhiêu hội thảo khoa học để thu hút giảng viên, nghiên cứu sinh nước ngoài …? Trong khi đó ở các nước những nghiên cứu sinh Master chưa cần nói tới PhD trung bình một năm đã có một hai bài báo đóng góp vào các tạp chí chuyên ngành trên thế giới. Đó là tôi chưa xét tới ngân sách nước nhà so với các nước khác.

Nói chung tôi thiết nghĩ làm giáo dục nói riêng và làm công chức nói chung, đã xác định làm là mình làm vì cái tâm mong muốn cống hiến cho đất nước cho xã hội. làm việc vì đam mê khoa học và một khi các vị đã cống hiến thực sự vì cái tâm thì chuyện lương bổng của các vị cũng sẽ tự được nhà nước được nhân dân đền đáp tương xứng thôi. Nên với một nền giáo dục của nước nhà như hiện tại thì tôi nghĩ giáo sư hãy khoan " yêu sách " tới chuyện tăng lương vì thực tế cái gì thì cái như các cụ nói " Tiền nào của đấy " !

Hùng, ĐHQG, 03:00, 03/01/2010

Giáo sư Phạm Phụ đã nêu nhiều điểm đúng nhưng có vẻ bài viết của ông hơi khó hiểu cho các độc giả. Tôi cũng có vài phân tích muốn chia sẻ.

Trước tiên tôi chỉ hạn chế các phân tích đến đối tượng là GV đại học có trình độ cao từ TS trở lên. Loại này cả nước có khoảng hai-ba vạn người; nếu xét tiêu chí chất lượng QT thì cả nước có không tới 1 vạn. Còn câu chuyện lương cho giáo viên phổ thông, hàng triệu người, thì nan giải hơn nhiều, nhưng cũng có thể cải thiện được nếu đa dạng hóa chất lượng. Đó là chuyên mục khác.

Lương cứng của GV đại học có trình độ TS (TS thực sự, có công bố quốc tế hoặc sáng chế, sáng kiến ứng dụng) theo tôi nên bằng 4-5 lần lương của lao động phổ thông chưa qua đào tạo. Ở VN hiện nay lương của lao động phổ thông (phi nông nghiệp) ở mức xung quanh 1.5T/tháng. Tại sao phải gấp 4-5 lần như thế? Rất đơn giản, để đào tạo được 1 TS thực sự cần 1 người có tố chất khá-giỏi, người này phải đầu tư 8-10 năm để học tập căng thẳng, gia đình người đó hoặc XH phải đầu tư một lượng tiền không nhỏ (chắc chắn là hàng trăm triệu VNĐ cho 10 năm học hành, chưa kể chi phí đào tạo), nếu học xong đi làm nhận mức lương bằng lương lao động phổ thông hoặc hơn 1 chút, đương nhiên là người đó hoặc chuyển việc, hoặc sẽ coi việc gảng dạy nghiên cứu ở trường ĐH chỉ là nơi chú chân và mải mê lo kiếm việc bên ngoài. Ai sẽ thiệt nhiều nhất? Toàn xã hội, vì chất lượng GD ĐH sẽ cứ mãi mãi lẹt đẹt, và lãng phí tiền đào tạo mà XH đã bỏ ra.

Thực tế ở Việt nam 2/3 số TS đi làm quản lý, chỉ có 1/3 số TS gắn bó với giảng dạy và nghiên cứu. Tại sao lại vậy? Đơn giản là làm quản lý có thu nhập cao gấp xx lần GD và NC. Do vậy để tránh lãng phí tiền đào tạo của toàn xã hội nên chăng kiểm soát chặt thu nhập của những bác "đầy tớ" của dân, tăng đầu tư cho đám TS kia để họ yên tâm với chuyên môn cho giỏi, đỡ lăn tăn nhảy sang quản lý. Sinh viên sẽ có nhiều cơ hội hơn được gặp được người giỏi mà phát triển.

Trung Hiếu, Sài Gòn, 19:19, 02/01/2010

Chỉ khi nào chúng ta quý trọng chất xám tức khi đó lãnh đạo là trí thức thì tức là chất xám bán được thì người ta mới bỏ tiền mua chất xám, bồi dưỡng chất xám. Lúc đó lương bổng giáo viên, giảng viên mới có cơ sở nâng lên thực sự.

Còn bây giờ cứ theo xu hướng thì nâng đại cho có chứ không bền vững vì ngân sách sẽ gánh chịu một cách phi lý khi nguồn thu từ giáo dục không có.

Đại Dương , Hà Nội, 18:33, 02/01/2010

Bây giờ cuộc sống đắt đỏ . Ngành nào cũng nói phải tăng lương với hợp lý . Giáo dục tăng , Y tế tăng , Dầu khí ..Điện tăng .... Tất cả đều tăng .. Tất cả đều đúng . Nhưng tiền ở đâu ra? Ngân sách Nhà nước - Khi ngân sách nhà nước thu không đủ chi thì làm sao có thể giải quyết vấn đề đó được . Không phải cái gì cũng đòi tăng theo bằng với mức quốc tế ?? Các vị nên hiến kế để cho Ngân sách Nhà nước tăng 200% / năm thì mới có thể kham nổi những yêu cầu tăng lương đó .

Trọng Dân, Q.12, 16:43, 02/01/2010

Theo tôi, lương trả cho các Giáo sư hiện nay là chưa thỏa đáng, nhưng việc các Giáo sư Việt Nam cống hiến cho nền khoa học nước nhà cũng chưa ăn thua....

Việc trả lương cho các Giáo sư nên khoán theo chất lượng công việc của họ, không nên cào bằng. Ở các nước phát triển, người ta trả lương cho các cho các giáo sư cao, bởi vì chất lượng các giáo sư của họ là rất tốt, " Tiền nào của đó"

Thử hỏi Những Giáo sư của ta hiện nay toàn chăm chú cho việc dạy học, tham gia làm công tác quản lý...thời gian đâu mà các vị đi làm khoa học và nghiên cứu khoa học, Thậm chí có những vị Giáo sư sau khi nghỉ hưu không chịu tham gia nghiên cứu khoa học, nhưng vẫn mang danh giáo sư, làm sao nhà nước cứ bao cấp mãi cho họ được.


*************************
Nói tóm lại công tác quản lý đội ngũ Giáo sư ở Việt Nam chúng ta đang có vấn đề...cần có một chính sách mới công tâm hơn về quản lý chất lượng Giáo sư, và khuyến khích những vị Giáo sư này tích cực nghiên cứu khoa học nhiều hơn nữa...khi đã có cống hiến nhiều cho đất nước thì người dân không tiếc gì khi phải trả lương cho đội ngũ Giáo sư này...còn không trả 1 triệu đồng người ta vẫn tiếc khi mà người dân phải thắt bụng trả lương cho đội ngũ chả làm được trò trống gì...



Chí Tình, 16:24, 02/01/2010

Giáo sư viết bài báo rất "giáo sư", ngôn ngữ hàn lâm và sử dụng quá nhiều từ vay mượn.

GS có thể đầu tư thêm thời gian, viết đơn giản dễ hiểu với mọi người thì thuyết phục hơn.

Tôi cho rằng lương cần phản ánh đúng chất lượng lao động mà con người bỏ ra. Chất lượng giáo dục và quản lý giáo dục ở Việt Nam thấp, lương thấp cũng là đương nhiên. Cần phải cải tổ lại phương thức quản lý, nâng cao chất lượng giáo dục, từng bước với việc nâng cao mức sống của người làm nghề dạy học thì mới hy vọng thay đổi được tình hình hiện nay.

luwowng owi laf luwowng , 1, Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội, 16:23, 02/01/2010

Lương của ai thì của nhưng phải phù hợp với xã hội mà người đó đáng sống.
Lương của Gíao sư và giảng viên đại học...thực tế cũng chỉ là lương và chúng ta có thể xem lại định nghĩa lương ở các sách vở và từ điển tiếng Việt.
Nếu người GS và giáo viên có trình độ thực sự giỏi thì rõ ràng chẳng ai có thể khống chế mức thu nhập của họ và nghiễm nhiên chính họ sẽ là người có mức thu nhập không hạn chế.
Tại sao chúng ta lại cứ phải đưa ra mức lương rồi lại so sánh với mức lương ở nước ngoài ? Điều quan trọng nhất là sự cống hiến của họ cho xã hội được bao nhiêu thì lại chẳng có ai thích bàn đến.
Tôi đơn cử một ví dụ rằng có một giáo sư, mang tiếng là giáo sư nhưng không có lấy được một cống hiến nào cho xã hội, bản thân ông không có nổi một công trình được sử dụng và mang lại lợi ích cho xã hội thì hỏi rằng lương ông lĩnh hàng tháng đã trở thành gánh nặng cho xã hội từ lúc nào khôgn biết.
Nhiều tiến sĩ nhưng luận án toàn đi chép, có những luận văn ghi chép lại của những luận văn cách đây đến 20 năm để rồi tất cả vỗ tay và “phong hàm” học vị...
Nhiều công trình do tiến sĩ và giáo sư tiến hành nhưng thực chất lại là bản sao của nhiều công trình nước ngoài, cấu véo mỗi nơi một tí để hình thành nên đề tài của mình , rồi xin kinh phí nhà nước, bộ, ngành...
Tôi đã chứng kiến hai đề tài cấp nhà nước nhưng thực tế là sao chép oông trình của Trung Quóc và Nhật bản. Có người là anh hùng lực lượng vũ trang nhưng cũng là đi sao chép công trình của Mỹ, Nhật.. rồi buộc phải tham ô, móc ngoặc để rút tiền ngân sách nhằm phục vụ cho nhu cầu thăng quan tiến chức, hạ cánh....
Tôi lấy đơn cử đề tài chế tạo máy điều khiển số của trường đại học bách khoa Hà nội. Sau gần hai năm tiêu tốn không biết bao nhiêu tiền, cỗ máy trung tâm gia công đứng CNC đã được chế tạo ra nhưng không sử dụng được do dung sai quá lơn... nên các “chiến sĩ tham chiến”, cũng chỉ vì mưu sinh, đã quyết định mua máy trọn bộ của nước ngoài. Sau khi thay thế vài chi tiết bên ngoài nhằm “nội địa hoá” che mặt các quan thầy, đề tài đã kết thúc với thành công rực rỡ.... Hiện cỗ máy không sử dụng được vẫn đắp chiếu nằm trong nhà xưởng của khu vực C8 Bách khoa Hà nội.
Những người tham gia vẫn được phong học hàm...và lên lương....
Còn không ít những ví dụ điển hình mà lương giám đóc nhận hàng tháng lên đến 80 triệu đồng...lương trưởng phong 50 triệu đồng....trong khi lương người lao động bình thường chỉ được vẻn vẹn 4 triệu đòng /tháng ........

kibi, sinh viên, 15:45, 02/01/2010

Quá chuẩn. Lương giáo sư và ngành sư phạm quá thấp. Trong khi đó,họ phải đầu tư cho nghiên cứu, tốn rất nhiều thời gian và sức lực, không có thời gian đi kiêm stieenf trang trải cuộc sống như những ngành khác. Nếu không sửa đổi, e rằng tình trạng chảy máu chất xám ngày càng lớn, cứ xem tạm tỉ lệ du học ngày nay thì bít.

Nguyen Huu Dung, HN, 15:19, 02/01/2010

Toi nhat tri voi viec can nang cao muc luong cho cac nha khoa hoc de cac nha khoa hoc khong phai ban tam nhieu den mieng com manh ao, thay vao do cac nha khoa hoc chi chuyen tam vao nghien cuu khoa hoc, neu nha khoa hoc nao sau mot thoi gian nhat dinh kg co cong trinh nao tuong xung voi hoc ham, hoc vi, vi tri cua minh thi se cat giam, bu vao do la tang them cho cac nha khoa hoc co nhieu cong trinh, chi lam nhu the moi tao ra dong luc thuc su se ng co trinh do yen tam nghien cuu va phat huy het tai nang cua minh

Hạ Quang Hưng, Enschede, Hà Lan, 15:15, 02/01/2010

GS Phạm Phụ nêu lên lương của giáo sư đại học quốc gia nên là 1000 $/ tháng, nhưng tôi thiết nghĩ: Với mức lương đó thì các giáo sư Việt Nam có thực sự làm được tương xứng với mức lương được trả hay không?

Liệu GS nêu lên việc so sánh tương quan mức lương của GS Việt Nam với "xung quanh" là hợp lý hay chưa khi chúng ta chỉ cần so sánh số lượng bài báo được đăng trên các tạp chí quốc tế chuyên ngành. Nếu với số lượng công trình nghiên cứu được đăng quá hạn chế như hiện nay thì thử hỏi việc điều chỉnh và đề xuất tăng mức lương thành 1000$ có phù hợp chăng?

AnKhanh, Nghe An, 14:50, 02/01/2010

Là 1 công chức Nhà nước mẫn cán, tôi cũng thấy rất buồn về chế độ lương của mình, càng buồn hơn khi xã hội cho rằng công chức hưởng lương thấp là vì còn "lậu".

Mấy năm qua các mặt hàng lên giá vùn vụt, nhất là các mặt hàng thiết yếu như giá xăng dầu, giá điện... với lý do là phù hợp với giá thị trường thế giới mà không tính đến sự thật hiển nhiên là người lao động Việt Nam đang hưởng lương thấp nhất thế giới, lợi nhuận kếch xù do giá trị thặng dư của người lao động cả nước làm ra đã chảy đi đâu nếu không vào túi của một số tập đoàn độc quyền và một số nhóm có quan hệ lợi ích mật thiết? Theo tôi lãnh đạo đất nước cần thẳng thắn nhìn nhận đúng vấn đề.

Lê Huy Trung, 13:56, 02/01/2010

Tại sao không dùng tiền Việt?

thanhlong_vkdb, phú thọ, 13:14, 02/01/2010

Các vị giáo sư với mức 1000USD /Tháng thì chẳng thấm vào đâu ,có thể nâng lên 10000 USD/tháng. Nhưng điều này cần được thực hiên với việc nâng cao chất lượng giáo dục đăc biêt ở bậc đại học với ngân hàng câu hỏi điện tử đa dạng, phong phú,dễ tiếp cận,đỏi hỏi sinh viên phải nắm vững kiến thức và vận dụng tư duy logic để trả lời ! chứ hiện nay nhiều thầy đứng lớp hoặc chủ nhiệm bộ môn ở bậc đại học có thu nhập trung bình khoảng 1 tỷ VND /năm thì thử hỏi tiền đó đâu ra ?nếu ko là tiền ......thì bằng đồng lương ít ỏi do nhà nước cấp liệu có đủ mua nhà biệt thự hay mua ôtô hạng sang không?Đồng ý là nâng lương cho tương xứng với quốc tế nhưng chất lượng giảng viên đại hoc phải cao và minh bạch trong thi cử, nếu ko nước ta sẽ có thêm nhiều tiến sĩ giấy là lực cản rất lớn cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước

Các tin khác