Tiến sĩ Tâm lý, bác sĩ chuyên khoa Tâm thần Lương Cần Liêm hiện là giảng viên trường ĐH Paris 13, Chủ tịch Hội khoa học Tâm lý Pháp-Việt. Dưới đây là "giải mã" của ông về một số hiện tượng của giới trẻ Việt đang được xã hội quan tâm dưới góc độ tâm lý và tâm thần học nhân dịp ông về nước tham dự Hội nghị Người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ nhất (20-24/11/2009). Đây là một vấn đề phức tạp, hy vọng những ý kiến này sẽ gợi mở và được tiếp tục nghiên cứu, thảo luận thêm.
Giá trị nội, giá trị ngoại
Thưa ông, năm nào ông cũng về nước vài lần để chủ trì các hội thảo. Những thay đổi nào về tâm lý và tâm thần trong giới trẻ gần đây khiến ông chú ý?
TS Lương Cần Liêm
Điểm tích cực mà tôi nhận thấy ở các bạn trẻ là niềm tin lớn sẽ được hưởng những kết quả tốt đẹp từ những thay đổi rất nhanh của xã hội. Nhưng tôi cũng hơi khó chịu một chút khi các bạn trẻ có vẻ càng ngày càng quá quan tâm đến việc kiếm tiền mà không nhìn nhận vào thực tế.
Thực tế và Lý tưởng bao giờ cũng có khoảng cách, nhưng nếu khoảng cách quá lớn thì sẽ dẫn đến mâu thuẫn. Mâu thuẫn không được giải quyết sẽ dẫn đến giả dối.
Tôi cho rằng hiện nay ở Việt Nam giới trẻ được chia thành hai nhóm chính. Nhóm thứ nhất gắn đời sống với những gì của truyền thống (giá trị nội). Nhóm thứ hai hướng đến những yếu tố nước ngoài. Nhưng tin vào những giá trị ngoại mà tìm mọi cách phải ra ngoài, phủ định sạch trơn những gì của truyền thống dân tộc thì đây là cách nghĩ tiêu cực. Cái này trong tâm lý gọi là tư tưởng tiểu quốc (nước nhỏ).
Có nhiều bạn sinh viên Việt Nam quyết sang Pháp bằng mọi giá, nhưng vì chọn ngành học sai sở trường nên đã thất bại.
Những bạn này không dám nói với bố mẹ, không dám trở về nước vì sợ gia đình thất vọng. Khi hết visa thì có nghĩa là các bạn này sẽ sống chui lủi bất hợp pháp. Nhiều trường hợp bị bệnh tâm thần.
Đồng tính, tự tử, sex và show hàng
Lần này về Việt Nam, ông thường phải trả lời những câu hỏi nào liên quan đến giới trẻ?
Khi tôi chủ trì một hội thảo về tâm lý giới trẻ tại Bệnh viện Y Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM) vào cuối tháng 10/2009, nhiều đại biểu lo lắng về hiện tượng đồng tính ở Việt Nam. Nhưng tôi cho rằng đồng tính không phải là bệnh mà chỉ là một hành vi.
Cách đây 20 năm, khi bắt đầu thành lập Hội Khoa học tâm lý Pháp - Việt, chúng tôi đã bàn về vấn đề này. Theo quan điểm của tôi, thì đây không phải là một vấn đề gì lớn và chẳng có gì phải lo lắng cả. Nếu xã hội càng quan tâm thì nhóm này lại càng có sức hút và càng có nhiều bạn trẻ thấy tò mò và bị lôi kéo tham gia.
Tôi xin chia sẻ thế này, đồng tính là một cái gì đó không rõ ràng, mà đã không rõ ràng thì khó phát triển, khó được công nhận. Trong xã hội, con người cần phải được công nhận, phải được nhận dạng một cách rõ ràng, có thể giống như bạn phải có một tấm thẻ căn cước vậy. Như thế, đồng tính chỉ là một tấm thẻ căn cước tạm bợ. Khi ai đó hỏi bạn là ai, người đồng tính lúng túng không biết trả lời thế nào.
Thế còn hiện tượng tự tử ở người trẻ, ông nghĩ sao?
Theo tôi, cái này không mới. Trước đây cũng có, nhưng bây giờ do truyền thông tốt hơn nên nhiều người có cảm giác bất thường. Nhiều người nói rằng cuộc sống ngày càng áp lực là nguyên nhân chính, nhưng theo nghiên cứu của chúng tôi thì nguyên nhân chính là các giá trị gia đình ngày càng bị xem nhẹ.
Xã hội càng phát triển, càng có nhiều áp lực thì người trẻ càng cần đến sự sẻ chia của các thành viên trong gia đình. Và khi các thành viên trong gia đình cả ngày không có cơ hội ngồi lại với nhau thì người trẻ rất dễ ức chế và nhiều khi có những quyết định sai lầm.
Theo tôi, người trẻ bị trầm cảm mới là vấn đề lớn. Ở Pháp, trầm cảm là lý do thứ hai dẫn đến việc thanh niên tự sát. Lý do thứ nhất là tai nạn, nhưng không biết tai nạn có phải là do trầm cảm gây ra hay không.
Dấu hiệu trầm cảm ở người trẻ rất dễ nhận ra. Nếu bố mẹ thường xuyên gần gũi với con cái thì sẽ nhận thấy những gián đoạn bất thường trong hành xử của con cái mình. Cần có bữa cơm sum họp trong gia đình, cần bố mẹ kể chuyện (không phải là với giọng dạy đời) để con cái lấy đó làm hệ quy chiếu trong một cuộc sống đang thay đổi quá nhanh.
Ảnh: Quỳnh Hoa. |
Kết quả một cuộc điều tra gần đây cho biết một trong những từ khóa được nhiều người Việt tìm kiếm trên mạng là sex. Ông giải thích hiện tượng này như thế nào?
Cần phải nói rõ sex trong quan niệm của người phương Tây thường được hiểu là để phân biệt giới tính Nam-Nữ nhiều hơn là tình dục. Nhưng ở Việt Nam thì lại được hiểu là tình dục. Sex (tình dục) bây giờ ở Việt Nam không còn là điều cấm kỵ. Xã hội đã cởi mở hơn với sex. Đây là lý do đầu tiên.
Lý do thứ hai, nó phản ánh một hiện tượng tâm lý rất cơ bản: bị ức chế về sex. Con đường từ Sự thật đến Lý tưởng bao giờ cũng phải qua ý niệm. Cái gì càng khó đạt đến lý tưởng thì người ta càng nghĩ đến nó nhiều, quan tâm tìm hiểu nhiều.
Ông nghĩ thế nào về việc gần đây một số người trẻ không ngần ngại tung ảnh nóng của chính mình lên mạng?
Thứ nhất là đang có sự phát triển không cân đối giữa các khái niệm hình ảnh và nội dung trong suy nghĩ của nhiều bạn trẻ. Đây là hệ quả của nền kinh tế chuộng bao bì hiện nay, thật khó nhận biết được đâu là chất lượng, đâu là vỏ bọc.
Nguyên nhân thứ hai là nhu cầu được cộng đồng công nhận của người trẻ ngày càng lớn. Nhưng nguy cơ ở đây là không ít bạn trẻ nghĩ rằng hình ảnh đó đủ để nói lên nội tâm của mình.
Cảm xúc với văn hoá Việt là ưu tiên số 1
Nhiều ý kiến cho rằng cách sử dụng ngôn ngữ của giới trẻ hiện nay đang làm hỏng tiếng Việt và đáng bị lên án...
Ngôn ngữ nào cũng có sự thay đổi, biến chuyển. Đó là sức sống của ngôn ngữ. Do đó giới trẻ sáng tạo ra ngôn ngữ mới là chuyện tốt chứ không phải xấu. Chỉ đáng trách là việc kết hợp với tiếng nước ngoài đem lại những cách hiểu không rõ ràng.
Một ngôn ngữ không thay đổi là một nền văn minh, văn hóa không biến chuyển. Chúng ta nên cổ vũ các bạn trẻ sáng tạo.
Tiếng Việt của các con ông thế nào?
Tôi có hai con đều là bác sĩ và đều nói tốt tiếng Việt. Lúc đầu tôi nghĩ nói tiếng Việt phải là ưu tiên hàng đầu với các con tôi. Nhưng sau đó tôi nhận ra rằng có cảm xúc với văn hóa Việt mới là ưu tiên số một.
Yêu đất nước, con người Việt Nam thì tất yếu sẽ tìm hiểu và học tốt tiếng Việt. Nên dạy con cảm xúc yêu quê hương, đất nước. Bắt ép con học tiếng Việt thì chỉ khiến chúng sợ Việt Nam. Nên bỏ kiểu tư duy con không nói tiếng cha sinh, mẹ đẻ thì không phải là con mình nữa.
Xin cảm ơn ông!
-
Theo Tuấn Anh (Sinh viên Việt Nam)