- Sợ bị thầy cô đánh, nhiều học sinh Trường THCS Trần Quốc Tuấn (Q.7) tìm đến nhiều loại thuốc gây ngủ để khỏi phải trả bài.
Không bị đánh cũng ám ảnh
Ngày 19/10, giám thị Trường THCS Trần Quốc Tuấn (trên đường Trần Xuân Soạn, Q.7), phát hiện nhiều học sinh (HS) lớp 7A6 ngủ gật trong lớp. Sau khi tìm hiểu, nhà trường phát hiện ngoài HS lớp này, còn có HS lớp khác dùng nhiều loại thuốc gây ngủ để xin phép thầy cô xuống phòng y tế.
Đừng để mỗi lần đến lớp là một lần ám ảnh của các em học sinh. Ảnh: Minh Quyên |
Một HS lớp 7A6 viết bản tường trình cho biết đã uống 3 viên thuốc gây ngủ vì sợ thầy cô đánh đau. Và đây cũng là HS uống nhiều viên nhất.
Ngoài HS này, còn có 12 HS gồm 10 HS lớp 7A6, 1 HS lớp 7A4 và 1 HS lớp 7A7. Trong số đó, có HS uống một viên, có HS uống 2 viên và có HS có thuốc nhưng không uống.
Theo N. , HS lớp 7A8 cô giáo dạy Sử và thầy giáo dạy Địa (2 giáo viên này cũng dạy ở lớp 7A6) thỉnh thoảng vẫn đánh các HS trong lớp. N. kể: “Từ đầu năm đến giờ, cô dạy môn Sử đánh các bạn khoảng 5 - 6 lần gì đó. Cô dùng tay tát vào mặt các bạn. Có bạn đau quá khóc lên. Còn thầy dạy Địa lại đánh bằng cây roi dài và dẻo”.
N. cũng nói thêm: “Tuy nhiên, thầy cô chỉ đánh bạn nào hư quá, trả bài nhiều lần vẫn không thuộc thôi”.
Và không chỉ giáo viên dạy môn Sử, Địa, cô giáo dạy môn Tiếng Anh cũng được HS lớp này phản ánh có đánh HS bằng roi gỗ ngắn. T. HS lớp này cho biết T. chưa bao giờ bị đánh, vì phần lớn người bị đánh là những HS nói chuyện trong lớp hoặc không chịu học bài, làm bài ở nhà.
“Em không bị đánh, nhưng cứ tới giờ học Sử, Địa và Tiếng Anh em vẫn sợ. Em sợ khi trả bài mà quên mất sẽ bị thầy cô la. Không chỉ em mà nhiều bạn trong lớp cũng run sợ lắm!” - N. đã tâm sự như vậy trong khi cô cũng là một học sinh khá năm lớp 6.
’Không kiềm chế được mới đánh’
Trả lời về vấn đề này, bà Lê Thị Ngọc Bích, Trưởng phòng Giáo dục đào tạo quận 7 nói rằng đã có nắm thông tin về vấn đề này từ trước.
Ngày 19/10 khi nhà trường phát hiện trường hợp này, ngày 20 - 21/10 đã tập trung 13 em HS, phụ huynh để làm rõ và xử lý. Theo bà Bích, từ ngày 25/10 đến nay, việc học ở Trường THCS Trần Quốc Tuấn vẫn diễn ra bình thường và không còn tình trạng các em uống thuốc hay giáo viên đánh HS nữa.
Ông Ngô Xuân Đông, phụ trách chuyên môn bậc tiểu học và THCS lý giải về dụng cụ thầy cô đã dùng để đánh theo mô tả của HS: “Có thể đó chỉ là dụng cụ giảng dạy mà thôi. Nhiều khi HS hư quá thầy cô lại không kiềm chế được nên mới đánh”.
Bà Bích cho biết việc dùng thước trong lớp học của giáo viên là không được phép và những giáo viên nào đánh HS sẽ bị xử lý và có biện pháp để không tái diễn nữa.
Còn đối với 13 em HS, bà Bích nói rằng sắp tới trường sẽ có hướng phụ đạo để các em học được tốt hơn. Hiện nay, để tránh tình trạng các em HS dùng thuốc gây ngủ “né” việc trả bài, trường đã dùng biện pháp không cho HS mang thuốc vào lớp học. Những em nào bị bệnh sẽ được phòng y tế chỉ định thuốc và giao lại cho giáo viên chủ nhiệm.
Ngoài ra, theo bà Bích, phòng GD - ĐT đang phối hợp với nhà trường tìm hiểu rõ hơn động cơ, tác động khiến HS mua thuốc gây ngủ, vì với độ tuổi của các em, khó có thể tự nghĩ ra cách uống thuốc gây ngủ được.
Hiện phòng GD - ĐT đang thu thập thông tin đầy đủ để báo cáo lên UBND quận 7 và Sở GD - ĐT TP.HCM.
Theo tiến sĩ tâm lý Huỳnh Văn Sơn, hành động đánh học sinh gây ra sức ép về tâm lý rất lớn đối với các em HS. Việc các em dùng thuốc gây ngủ, giả vờ bệnh là những phản ứng tức thời mang tính đối phó. Về lâu, về dài sẽ ảnh hưởng đến tính cách hứng thú học tập, sự an toàn tâm lý và cả tính cách của các em HS”. Bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng quận 7 cho biết các loại thuốc ho thường có các tác dụng phụ như người lừ đừ, mệt mỏi, buồn ngủ... và chủ yếu là làm dịu thần kinh. Thuốc nào cũng vậy, nếu dùng quá liều sẽ có hại, ảnh hưởng đến cho sức khỏe sau này. |
-
Minh Quyên