221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
1246880
Ngày mai, tôi sẽ đi chọn quà cho cô giáo của con
1
Article
null
Ngày mai, tôi sẽ đi chọn quà cho cô giáo của con
,
- Thời gian qua đi, tôi nhận ra rằng, chính những tình cảm chân thật, những món quà tinh thần của tôi đã khiến mối quan hệ thầy trò luôn bền chặt và trong sáng.
qua
Tình cảm chân thành và những món quà tinh thần đã khiến mối quan hệ thầy trò luôn trong sáng và bền chặt. 
Ảnh minh họa 
“Sắp 20-11 rồi, mua gì tặng cô giáo của con, anh nhỉ?” Tôi hỏi chồng.


Anh đáp không chút băn khoăn: “Thôi, cứ phong bì em ạ, ai chả thế. Mua quà thì đằng nào chả phải có phong bì hả em?!”

Tôi thì băn khoăn vô cùng, đúng là hầu hết các phụ huynh khác đều biếu cô phong bì. Như hôm 20-10,  tôi bận quá, chả kịp mua gì nên cũng chỉ biếu phong bì. Hỏi ra thì các phụ huynh khác cũng vậy, vì cho rằng phong bì vừa gọn nhẹ, lại “có chất lượng”.

Vậy là, tôi và nhiều người khác đang “làm hư” thầy cô. Tôi biết thế. Tôi tin nhiều người cũng biết thế. Nhưng cũng không còn biết cách nào khác, bởi vì tâm lý e ngại, mọi người đều biếu phong bì, lỡ mình không có, liệu con mình có bị thiệt thòi gì không?


Tôi chợt nhớ đến thầy giáo cũ của mình, gần như ngày Nhà giáo nào chúng tôi cũng đến thăm thầy, hoặc gửi lời chúc mừng tới thầy. Đó là người thầy giáo mà tôi nể phục và biết ơn nhất - dù thầy chỉ dạy tôi vỏn vẹn 45 tiết học, trong đó tôi đã nghỉ ốm mất 10 tiết.

Các tiết học của thầy luôn rất sôi nổi và sinh động. Thầy truyền đạt cho sinh viên những kiến thức rất mới mẻ mà thầy tích lũy được khi học tiến sĩ ở nước ngoài.


Rất tình cờ, thầy lại là người hướng dẫn tôi làm luận văn tốt nghiệp. Có lần thầy đã đến tận nơi tôi thực tập hướng dẫn cách phân tích số liệu để đưa vào luận văn. Tôi nhớ mãi, lần đầu tiên đến nhà thầy để nộp bài, tôi cứ phân vân, cứ đi tay không hay mua quà cho thầy. Mấy cô bạn thân gợi ý nên mua chút hoa quả hoặc hộp bánh, kèm theo phong bì để thầy cô “nhiệt tình” hơn.

Nhưng cuối cùng thì tôi chỉ mua một quả dưa. Tôi nghĩ, việc đưa phong bì là thiếu tôn trọng thầy, còn quả dưa không phải quà cáp gì cao sang, chắc chắn thầy sẽ nhận.
Lúc ở nhà thầy về, tôi ngập ngừng: “Em mua hoa quả biếu thầy cô…”. Thầy cười và đưa lại quả dưa cho tôi: “Em vẫn còn là sinh viên, làm gì có tiền mà mua quà cho thầy, lần sau em đừng làm thế, chỉ cần em đầu tư công sức cho luận văn của mình là thầy vui rồi”.

Nhiệt tình và tận tâm với học trò là thế, nhưng thầy cũng rất nghiêm khắc. Tôi hoàn thành từng phần luận văn, nhưng cũng có một số phần cảm thấy khó quá nên nộp bài chậm, thầy nhắc nhở nghiêm khắc, khiến tôi cũng phải thấy xấu hổ, sau đó quyết tâm cố gắng hơn. Luận văn của tôi đạt 9,8 điểm, trong đó công sức của thầy thật không nhỏ.

Sau khi tốt nghiệp, tôi vào làm ở một tờ tuần báo, khi bài viết đầu tiên được đăng, tôi vội gửi ngay báo tặng thầy.
Tuy tôi không làm đúng nghề, nhưng thầy rất vui khi biết học trò của thầy bắt đầu làm quen với một công việc đầy năng động và sáng tạo. Sau đó, tôi thường xuyên gửi báo biếu thầy và tôi biết, đó là món quà mà thầy rất thích. Đến Tết, tôi còn gửi tặng thầy cuốn lịch của tòa soạn mình.

Sau hơn 2 năm làm báo, tôi muốn thử sức mình ở một lĩnh vực khác nên đã chuyển sang làm cho một công ty xuất bản.
 
Tôi nghĩ ngay đến việc tặng sách cho thầy. Tôi tâm đắc lắm khi chọn được hai cuốn sách của một tác giả nước ngoài cũng làm việc trong lĩnh vực của thầy.
 
Nhận được quà tặng của tôi, thầy nhắn tin cảm ơn và nói rất cảm động khi tôi luôn nhớ đến thầy.
 
Những ngày 20-11 đến thăm thầy, có khi tôi mua bó hoa thật đẹp, có khi là một vài cuốn sách…

Thời gian qua đi, công việc và cuộc sống của tôi có biết bao nhiêu thay đổi, nhưng có một điều không bao giờ thay đổi đó là tình cảm của một người học trò mà tôi dành cho thầy giáo của mình.
 
Tôi nhận ra rằng, chính những tình cảm chân thật, những món quà tinh thần của mình đã khiến mối quan hệ thầy trò luôn bền chặt và trong sáng.

Tôi chạnh lòng nghĩ, món quà vật chất gọn nhẹ và “chất lượng” như chiếc phong bì sẽ khiến tôi và con gái mình nhanh chóng quên lãng cô giáo của con ngay khi con lên lớp lớn hơn.

Có lẽ, đây là lúc tôi phải nhìn nhận lại và hành động khác. Bởi tôi đang làm gương cho con mình trong ứng xử với thầy cô giáo. Ngày mai, tôi sẽ đi chọn mua quà cho cô giáo của con.
  • Nông Thanh Nga
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc

Con tôi 2 tuổi đang học ở trường mầm non. Lúc còn nhỏ nhiều người cũng được bố mẹ cho học ở trường mầm non, ở lứa tuổi tập ăn tập nói tập chơi nên chắc ký ức của nhiều người trường mầm non rất là mờ nhạt hoặc có thể không nhớ được gì. Tối về nhà chơi với con tôi thường hỏi con về những câu hỏi ở trường và trong kí ức non nớt của bé cô giáo là người cho bé ăn, thay đồ cho bé, dạy cho bé hát, nhận biết màu sắc.
Lớp học của con tôi có ba cô giáo, vừa rồi tôi về sớm nên đã đến đón con thay cho vợ. Tôi không vào đón con ngay mà theo dõi bên ngoài cửa sổ xem lớp học như thế nào. Đa số các bé rất hiếu động và nghịch ngợm, mỗi bé một tính nên tôi thấy các cô rất là bận bịu hết dỗ bé này lại đến để hướng dẫn cho bé khác cách chơi đồ chơi, rồi lại có hai bé dành nhau đồ chơi. Các cô giáo thật là kiên nhẫn và yêu trẻ. Tôi thấy một cô đang quét dọn lớp học và áo cô thấm sữa, chắc là cô đang có con nhỏ và gửi ở nhà nên bị căng sữa khi ở trường cả ngày. Thật sự tôi rất mủi lòng khi thấy hình ảnh ấy.
Tôi nghĩ trong nghề giáo thì những người dạy mầm non là vất vả nhất nhưng thu nhập lại thấp nhất. Ai đã trực tiếp thấy các cô giáo chăm các bé thì mới thấu hiểu và thương các cô giáo mầm non.
Tôi và vợ cũng bàn nhau sẽ mua quà cho các cô giáo, món quà thể hiện tình cảm chân thành của phụ huynh tặng cho cô nhân ngày 20-11.

,
lankhoitrang, gửi lúc 18/11/2009 10:25:33

Tôi hoàn toàn nhất trí với ý kiến của bạn. Ngày nay, không ít người có suy nghĩ đặt kinh tế nên hàng đầu, do đó tự nhiên chúng ta làm mất đi giá trị của người thầy và khiến con trẻ hiểu sai.

Người lớn chúng ta và các thầy cô đều cần phải thay đổi cách nghĩ để ngày 20/11 về đúng ý nghĩa của nó.

 

,
Nguyen Thuy, HN, gửi lúc 18/11/2009 08:23:23

Tôi đã đọc bài viết của chị Nga, một bài viết rất hay.

Tôi cũng là một giảng viên, tôi còn rất trẻ, tuy chỉ mới hơn một năm đứng trên giảng đường nhưng tôi đã chứng kiến biết bao nhiêu vấn đề tiêu cực trong giáo dục. Những người thầy như chúng tôi luôn có một mong muốn là thấy những học trò của mình trưởng thành, đó là những món quà quí giá nhất mà các em và gia đình các em mang tặng thầy cô. Tuy nhiên vẫn còn một số phần tử biến chất trong giáo dục, theo tôi thì đó là những con "sâu" mà ngành giáo dục chưa loại bỏ hết, nhưng cũng phải nhìn nhận một cách khách quan thì chính phụ huynh và học sinh cũng góp một phần trong việc làm hư thầy cô giáo.

Nhân dịp 20-11 năm nay tôi xin gửi lời chúc tới các thầy cô giáo với những lời chúc tốt đẹp nhất.

,
Vũ Văn Minh, Dak Lak, gửi lúc 18/11/2009 07:45:47

Tôi thây báo chí mấy hôm nay đưa nhiều tin về vấn đề quà cáp cho các thầy cô giáo nhân ngày 20-11.

Tôi cũng đồng ý với các suy luận đó vì ít nhiều đâu đó vẫn có tình trạng phong bì phong bao trong các ngày lễ tết. Nhưng tôi cung đã một thời cắp sách tới trường cũng đã đi tặng quà các thầy cô giáo nhân ngày 20-11 tôi thây no khong như những gì mà báo đã đăng. Tôi thâý tình cẳm thầy trò nó trong sáng đẹp đẽ vô cùng. Hiên giờ tôi đã là phụ huynh học sinh! tôi cũng đã rèn cho con mình những tình cảm tôt đẹp đối với các thầy cô giáo, những người dậy giỗ mình những điều tốt đẹp mà có thể ra ngoài xã hôi khong bao giờ có trong thời buổi kinh tế thị trường này! Tôi cũng rèn cho con tôi cách tặng quà, và món quà gì có ý nghĩa! có khi chỉ là một bó hoa, có khi chỉ là mọt tấm thiệp chúc mừng tôi cũng cảm nhận được niềm hạnh phúc trên nét mặt của thầy cô giáo! Tôi đọc qua hai bài báo trên Vietnamnet tôi đặt ra một câu hỏi rằng; Có phải thời buổi cơ chế thị trường nên làm cho suy nghĩ của con người cũng trở nên vật chất hoá không? có phải nơi nào càng phát triển kinh tế thì nơi đó có sự vật chất hoá về suy nghĩ và việc làm càng nhanh và cao hơn? con ở quê tôi có lẽ các thầy cô con vất vả lắm vẫn còn phải đến vận động học sinh đến trường khi học sinh khoong đến lớp! vẫn còn phải mua những quyển sách cũ hoặc lấy của con minh để cho học sinh co sách học!

Tôi nghĩ có lẽ vì ở quê tôi vẫn còn nghèo nên các bậc phụ huynh chưa có điều kiên và chưa có suy nghĩ thấu đáo như "chiếc phong bì" có thể các phụ huynh cung không thể có thời gian để tính toán mua quà gì cho các thầy cô nhân ngày 20-11 như các vị. Mà các phụ huynh chỉ có một tình cảm bột phát trước những ngày lế trọng đại đó của các thầy cô giáo và vội vã mua cho con mình một bó hoa; một tấm thiệp mừng! tôi nghi như vậy cũng đủ làm ấm lòng các thầy cô giáo ở quê tôi! Các thầy cô giáo ở nơi thành thị thì tôi không được biíet suy nghĩ của họ ra sao. Nhưng dù xã hội có thay đổi đời sống của giáo viên dù có khó khăn thì phẩm chất của nhà giáo cung không thể thay đổi được đúng không các bạn? thi thoảng tôi có thấy đài báo nêu thầy này đánh học sinh; cô kia đánh học sinh.... nhưng thực ra dó cũng chỉ vì trách nhiệm của các thầy cô giáo trong quá trình dạy học sinh thành người! nhưng khong may thay cho các thầy cô đó đã chạm phải những "kaka"; "cách cách" trong xã hội nên được nêu nên báo đài! thử hỏi các bậc phụ huynh đãphối hợp tôt trong giáo dục trẻ chưa? các tổ chức xã hội đã làm gì khi có những học sinh hư? Chác la thầy cô giáo dạy học khong ra gì nên mới có những học sinh hư dó chứ gì?! Thử hỏi các vị suy nghĩ của các vị như vậy liệu có dễ dàng giáo dục được thế hệ trẻ có những tình cảm trong sáng hay không? câu hỏi đó không hẳn chỉ để hỏi "chiếc phong bì" của các vị!

,
Nguyen Van Thuan, Bac Giang, gửi lúc 18/11/2009 06:38:24

Một học sinh „về hưu“ nhớ lại ngày 20 tháng11 : Bao giờ cho đến ngày xưa?

Tôi tin chắc rằng, nếu bây giờ các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh và các em học sinh đọc câu chuyện thật này của tôi có thể sẽ không thể nào tin được là trước kia đã có những chuyện „ngược đời“ như thế.

Năm ấy, năm 1959, chúng tôi bắt đầu đi học (Thời ấy hệ phổ thông chỉ có 10 năm và 6 tuổi bắt đầu đi học lớp 1). Cô Oanh, giáo viên chủ nhiệm lớp 1 B của chúng tôi trẻ đẹp lắm (về sau này chúng tôi mới biết lúc đó cô vừa mới tốt nghiệp trường sư phạm ra), ngày khai giảng cô mặc áo dài ra tận cổng trường đón chúng tôi.

Thế rồi trong một buổi học cô nói : „ Ngày mai là ngày Hiến chương quốc tế các nhà giáo, các em được nghỉ. Cô mời các em tới nhà cô chơi“. Cả một lũ học trò mới thoát khỏi cảnh „thò lò mũi xanh“ vui sướng ầm ĩ vì được nghỉ học và lại được cô giáo mời tới nhà, chẳng đứa nào buồn quan tâm ngày mai là ngày gì. Chỉ có con bé lớp trưởng „lớn trước tuổi“ nên còn biết hỏi lại cô „Hiến chương quốc tế các nhà giáo là cái gì ạ?“. Còn chúng tôi sau đó phải lặp lặp đi lặp lại mãi mới thuộc những từ này để còn về nói vơi bố mẹ.

Hôm sau chúng tôi đến nhà cô, tất nhiên là đi tay không. Ngày ấy cái chuyện „tặng quà“ nói chung trong xã hội Việt nam có lẽ vẫn chưa có trong tiềm thức của mọi người, nếu có thì tôi thấy chỉ có con cái biếu bố mẹ, em biếu anh chị quà tết mà thôi.

Cô Oanh mời chúng tôi vào nhà và mang ra một đĩa kẹo gói giấy bóng kính – ngày ấy là thứ kẹo sang nhất, ngon nhất và đắt nhất ở Hà nội so với kẹo bột, kẹo lạc và kẹo kéo bán ở vỉa hè. Cô ân cần hỏi thăm hoàn cảnh gia đình của từng em và nhắc một số bạn hay mất trật tự trong lớp. Còn những gì nữ thì tôi không thể nhớ được, đã 40 năm trôi qua.

Từ đó cho đến hết các năm học cấp 1 (hết lớp 4) năm nào cô cũng mời chúng tôi đến nhà nhân dịp ngày 20.11, còn chúng tôi ngày ấy „tồ“ đến mức một bông hoa cũng không có để tặng lại cô. Chúng tôi còn nhỏ nên không biết làm điều đó thì đã đành, khổ nỗi ngày ấy các bậc phụ huynh và cả xã hội cũng „tồ“ nốt (hay là trong sạch tinh khiết đến mức quá „vô tư“ đây), không một ai bảo cho chúng tôi biết phải tặng lại cô cái gì. Chúng tôi chỉ mong cho chóng đến ngày 20.11 để còn được đến nhà cô ăn kẹo.

Đã 40 năm trôi qua, đã có rất nhiều thay đổi kể cả ý nghĩa của ngày 20 tháng 11. Trước đây mấy chục năm có một vị lãnh đạo của nước ta đã nói : „Phải làm sao để „Dạy ra dạy, học ra học, thầy ra thầy, trò ra trò“. Thời học sinh của tôi may sao được sống và học trong đúng bối cảnh như vậy và cô Oanh của tôi cũng hạnh phúc khi làm được như vậy. Thế mới có chuyện cô mời chúng tôi đến nhà rồi lại còn cho ăn kẹo nhân ngày của cô.

Hôm nay, từ nước Đức xa xôi, tôi – một học trò đã „về hưu“ - ngồi đọc mấy bài viết trên vnn.vn nói về cảnh biếu quà các thầy cô nhân ngày 20 tháng 11, nhớ lại chuyện cũ, bất giác tôi thở dài và thốt lên : Bao giờ cho đến ngày xưa ?

Lê Vân - Berlin

,
Lê Vân, Bẻlin - CHLB Đức, gửi lúc 18/11/2009 03:12:25
Trang trước 1 Trang sau
,
,


,
,
,
© Báo VietNamNet, số 141 Bà Triệu, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Cơ quan chủ quản: Bộ Thông tin và Truyền thông.
Số giấy phép: 1285/GP - BTTTT cấp ngày 27/8/2008. Tổng biên tập: Nguyễn Văn Bá
® Ghi rõ nguồn "VietNamNet" khi phát hành lại thông tin từ website này.
,