Chúng ta nên dạy cho trẻ trước khi vào lớp 1. Học tập nhẹ nhàng, kết hợp "học mà chơi" không hề "cắt bớt" đi những năm tháng tuổi thơ của các em.
>> Bài 1: Quan sát người Mỹ dạy "mẫu giáo lớn"
Luyện thi lớp 1. Ảnh: Đất Việt
Khác biệt
Có thể thấy, ở Mỹ, HS ở lớp mẫu giáo lớn đã được "học trước". Các em đã hoàn toàn biết đọc, biết viết (nghĩa là đã được dạy và học cả bốn kĩ năng: nghe, nói, đọc, viết (viết chữ, viết câu, làm toán)) trước khi vào lớp 1. Chương trình lớp 1 là sự nối tiếp chứ không phải là sự lặp lại của lớp mẫu giáo lớn này.
Để đạt được những yêu cầu trên, GV phụ trách các lớp mẫu giáo lớn ở Mỹ hoàn toàn tuân thủ theo những quy định của Ủy ban Giáo dục (UBGD) mà bang đó đưa ra.
Theo tôi, chương trình dành cho lớp mẫu giáo lớn ở Mỹ khó hơn nhiều so với ở nước ta. Tuy nhiên, HS vẫn học rất thoải mái, tiếp thu có hiệu quả và tự tin bước vào lớp 1; phụ huynh không phải lo lắng, bức xúc về chuyện "dạy trước, học trước".
Ở châu Âu thì sao? Đa số các nước châu Âu – cũng như Việt Nam, không chủ trương "dạy trước, học trước". HS không học các con chữ, các từ, các câu, các chữ số, giải các bài tập Toán... trước khi bước vào lớp 1. Việc học chỉ bắt đầu khi các bé vào lớp 1. Tuy nhiên, khác với nước ta, GV và phụ huynh học sinh ở đây đều thực hiện rất nghiêm quy định này.
Còn ở Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo không chủ trương "dạy trước, học trước". Song, nhiều GV vẫn mở lớp dạy thêm cho các bé chuẩn bị vào lớp 1. Phụ huynh không cho con đi học trước thì không yên tâm.
Do đó, đã có sự chênh lệch về hiểu biết của các em khi vào lớp 1. Đồng thời, tạo nên những phản ứng, phản đối gay gắt từ phía phụ huynh học sinh.
Nên dạy cho trẻ trước khi vào lớp 1
Có nên dạy cho trẻ biết đọc, biết viết, làm toán... trước khi vào lớp 1? Câu hỏi này đã gây nhiều tranh cãi lâu nay ở nước ta.
Theo tôi, chúng ta nên dạy cho trẻ trước khi vào lớp 1. Bởi vì các em HS ở lớp mẫu giáo lớn đã có sự phát triển nhất định về mặt tâm sinh lí và trí tuệ. Các em hoàn toàn có thể tiếp thu những kiến thức đơn giản nếu có một sự dẫn dắt, chỉ bảo thống nhất, đúng đắn từ phía GV.
Ở lứa tuổi này, các em tiếp thu kiến thức rất nhanh. Đa số các em đều rất háo hức được đi học chứ không đơn thuần chỉ là "chơi" như các em nhỏ tuổi hơn. Việc bắt đầu học chữ, học số ở tuổi thứ 5 là hoàn toàn có thể.
Học tập nhẹ nhàng, kết hợp "học mà chơi" không hề "cắt bớt" đi những năm tháng tuổi thơ của các em. Thực tế thì ở Việt Nam, những em được "học trước" đều tiếp thu được kiến thức mà GV hoặc phụ huynh chuyển tải.
Nhưng có thể dạy trước cho HS ở lớp mẫu giáo lớn, chúng ta phải đặt ra những yêu cầu đạt "chuẩn" như đối với HS ở Mỹ. Những yêu cầu đạt "chuẩn" đó cần cụ thể cả về mặt nội dung, phương pháp dạy và học, phù hợp với tình hình thực tiễn của Việt Nam.
Bên cạnh đó, chúng phải được thực hiện đồng bộ, nhất quán ở tất cả các trường trong toàn quốc. Việc dạy và học "trước" này cũng cần phải được chỉ đạo, kiểm tra, đánh giá như đối với việc dạy học ở các trường phổ thông cấp cao hơn. Và như thế, cần phải đào tạo và trang bị cho các cô giáo phụ trách lớp mẫu giáo lớn những kiến thức và kĩ năng để truyền đạt nội dung chương trình cho HS. Đồng thời, phụ huynh HS cũng cần được biết và tuân thủ những quy định này.
- Phạm Thị Thu Hiền
Viết từ California, Hoa Kỳ, Tháng 10/2009