221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
1240261
"Quan điểm của chị Hằng không sai, nhưng..."
1
Article
null
'Quan điểm của chị Hằng không sai, nhưng...'
,

  Tỉ lệ độc giả cho rằng "Không nên dùng đòn roi" trong dạy dỗ con trẻ đã tăng lên đáng kể (36% so với 12% khi chủ đề thảo luận mới bắt đầu).

Tuy nhiên, ngay cả với những độc giả đồng tình với phương án không sử dụng roi vọt, thì những quan điểm của TS Nguyễn Lệ Hằng vẫn chưa thực sự khiến họ "tâm phục, khẩu phục".

Nhiều độc giả cho rằng, việc dạy con phải "tùy lúc, tùy thời".

IMG_0489.jpg
Việc dạy dỗ con trẻ phải "tùy cơ ứng biến", "tùy lúc, tùy thời"..?

"Quan điểm của chị Hằng không sai, nhưng..."

Nhiều độc giả tỏ ra tự ái khi TS. Nguyễn Lệ Hằng cho rằng: Phụ huynh Việt Nam đánh con vì
tính gia trưởng của người nông dân đã “thâm căn cố đế” từ đời này sang đời khác. Anh Ngô Tuấn Hiển (tuanhien...@dongnai.gov.vn) lập luận: Tôi có thể so sánh việc áp dụng "đòn roi có điều kiện" để so sánh với kỹ thuật "uốn cành khi còn non" của người nông dân chúng tôi.

Còn anh Mai Xuân Kỳ (ĐH BK Hà Nội) nêu ví dụ: Thưa tiến sỹ, vậy thì ở những gia đình quan lại phong kiến xưa ( cả ở Việt Nam và Trung quốc) có một cái roi (còn được gọi là gia pháp), thì họ có mang tính "nông dân, thâm căn cố đế" hay không?".

Một số độc giả khác thì cho rằng, TS. Hằng đã có phần hơi quá lời khi cho rằng: việc sử dụng đòn roi là "lấy quy luật huấn luyện động vật làm chuẩn mực ứng xử". Hơn nữa, quan điểm: "Xã hội Á Đông dạy con theo nguyên tắc, khuôn khổ, mệnh lệnh… và cái cuối cùng là những thành tựu khoa học, công nghệ rất ít. .. " cũng không nhận được nhiều sự đồng tình của bạn đọc.

Theo chị Nga (Hà Nội) thì: Xin đừng duy ý chí: áp đặt -> trẻ bị xâm hại về tinh thần -> thiếu sáng tạo. Đây là cách lập luận "lười".

Chị Lan Hương (tranlanhung...@gmail.com) có phần gay gắt hơn: "Tôi ghi nhận ý kiến của chị Hằng có giá trị để tham khảo. Mặc dù vậy, sau khi đọc đi đọc lại những vấn đề chị trao đổi thì chỉ thấy đây là một mớ lý luận không chặt chẽ. Vấn đề "loạn" tư duy này dễ gặp phải khi chúng ta nghiên cứu, tham khảo quá nhiều tài liệu mà thiếu kiểm chứng nghiêm túc (testing).

Tôi xin minh hoạ một chi tiết nhỏ: Chị nói rằng chị đã hỏi rất nhiều người, chưa ai thừa nhận là họ "lớn lên" nhờ roi vọt. Nhưng tâm lý chung, không ai cho chị phương án trả lời khác là đương nhiên. Rất nhiều người cứ hay tưởng là mình có tư duy độc lập mà trưởng thành lắm chứ.

Tôi cũng là người không cổ suý cho việc dùng roi vọt đối với con nhỏ. Tuy nhiên, trong một số trường hợp rất cá biệt thì... chẳng lẽ chịu bó tay và để chúng vượt quá giới hạn? Quay lại câu chuyện của chị, cứ cho là mẹ chị không đúng đi. Nhưng nếu chị cứ bỏ nhà ra đi thì chị có hình dung được bây giờ mình là ai không?".

Theo chị Vân (doanthihongvan...@gmail.com) thì chị cũng may mắn như Tiến sỹ Nguyễn Lệ Hằng khi con của mình rất ngoan. Tuy nhiên, chị Vân cho rằng: "... quan điểm của chị Hằng không sai, nhưng ... tôi hiểu dạy con trẻ không đơn giản là dùng KỸ THUẬT CHỜ như chị trao đổi. Vì ngoài gia đình, mỗi con người chịu rất nhiều chi phối khác ngoài xã hội".

"Tôi chân thành khuyên chị, nếu trường hợp bọn trẻ không may trở nên hư, khó bảo, phá phách, vô kỷ luật, trộm cắp... mà nói mãi, giảng giải mãi không được thì tốt nhất chị cứ mạnh dạn cho nó cái "roi" trước khi giao nộp cho công an", chị Vân viết.

Còn độc giả Trần Tiến Quang (Hải Dương) nêu bài toán: nếu cho TS làm giáo viên chủ nhiệm một lớp học vào loại bình thường của trường và lớp đó không bao giờ được xếp loại ba 3 (trong 6 lớp) của trường vì có một số học sinh không học bài nhiều lần, ngồi trong lớp nói chuyện, đánh cãi , gây lộn với bạn bè gây ảnh hưởng xấu đến kết quả học tập của lớp.

Tất nhiên là GV bộ môn và giáo viên chủ nhiệm dùng nhiều biện pháp như dùng lời lẽ giảng giải, phân tích đúng sai, cảnh cáo, viết kiểm điểm và một số biện pháp nữa nhưng học sinh đó vẫn không thay đổi và còn làm ảnh hưởng đến những học sinh ngoan khác nữa. Thế thì TS làm cách nào, hay vẫn cứ dùng những lời lẽ ngọt ngào, khuyên nhủ đối với các em?.

Bạn Trung (Hà Nội) hỏi: Tôi đã đọc những sách mà chị Hằng dẫn, nhưng trường hợp Macarenco đánh học sinh thì chị dẫn giải thế nào? Tôi nghĩ chị lẫn giữa mơ ước và hiện thực. Tôi thấy phần đông phản đối chị là ở chỗ họ không tin là những điều chị nói có giá trị thực tiễn.

Độc giả Trung Truc (Hà Nội) viết: Quả thật, những lập luận của TS rất hay, rất lô-gíc, nhưng ...bài viết của TS sẽ rất phù hợp nếu đăng sau khoảng 20 năm nữa.

Còn chị Nguyễn Thị Thu Hà (nghiaha...@yahoo.com) băn khoăn: "Tôi là một người mẹ của hai đứa con trai 13 và 10 tuổi. Trong giai đoạn này, tôi đang thực sự không biết phải dạy các con như thế nào?

Đúng như bà nói, tôi không thể nào quá căng thẳng với những "lỗi sai" của chúng, vì trước hết chính tôi là người phải chịu những áp lực đó. Nhưng nếu không chăm chỉ học hành thì các con tôi có cơ hội tốt trong xã hội tương lai hay không? Còn nếu tôi gây áp lực với con mình tôi lại lo sợ chúng sẽ mắc phải chứng bệnh tâm lý? tôi cứ đi hết từ lo lắng này đến lo lắng khác và không biết phải giải quyết thế nào? giải quyết từ đâu?"

"Nhất trí cao.."

IMG_0773.jpg
Cần học chữ "Nhẫn" trong giáo dục con trẻ.
Trong các ý kiến phản hồi, số độc giả "nhất trí cao" với TS. Nguyễn Lệ Hằng cũng không hiếm.

Anh Huy Hoàng (huynguyen...@gmail.com) cho rằng: Tiến sĩ Nguyễn Lệ Hằng đã phân tích một cách khoa học và đưa ra nhiều dẫn chứng rất thực tế, thuyết phục.

Đặc biệt, chữ "Nhẫn" trong giáo dục con cái là điều mà anh Hoàng rất tâm đắc: " Tôi thấy nhiều người thích chữ "NHẪN" (viết bằng chữ Nho), thậm chí còn treo trang trọng trong nhà nhưng trong giáo dục con cái mọi người lại không quan tâm đến chữ này. Người lớn dùng roi để dạy con cái là thể hiện sự không nhẫn nại và kiên trì. Vậy thì rất khó làm gương khi bắt bọn trẻ phải kiên trì, nhẫn nại, cố gắng để học tập và tu dưỡng đạo đức.... Tôi nghĩ việc dạy con là quá trình rèn luyện đức tính nhẫn nại và kiên trì trong mỗi người. Và cũng không nên dùng đòn roi trong giáo dục con cái".

Bạn Nam Phương (Quận Ba Đình, Hà Nội) cũng hoàn toàn đồng ý với ý kiến của TS Nguyễn Lệ Hằng. Bạn Phương cho rằng: Chúng ta đang thảo luận 1 vấn đề mà cả thế giới đã nhất trí từ lâu rồi, đó là không nên đánh trẻ em, tiếc là ở VN ý thức và tinh thần sống theo pháp luật còn quá thấp.

Chị Trần Thu Giang (Hà Nội) "đồng ý với quan điểm là cha mẹ phải học và hiểu về tâm sinh lý của trẻ để từ đó học cách giáo dục con" và khẳng định: trong mỗi lỗi con mình mắc phải, thì mình có trách nhiệm và lỗi không nhỏ trong đó.

Độc giả Nguyễn Trầm Hiền Thương (Cà Mau) viết: Tôi thống nhất với quan điểm của TS Nguyễn Lệ Hằng, dùng nhân cách trong sáng, đạo đức của chính mình để cảm hóa, giáo dục chính con cái mình chứ không nên dùng roi vọt.

"Muốn dạy con được như TS đã trao đổi thì trước hết phụ huynh mình phải tự kiểm lại bản thân mình. Mình có thể bỏ ngay tức khắc những thói quen không tốt của mình được không? Mình muốn con mình phải có điểm 10, phải tiêu biểu, ...thế nhưng trong cơ quan, đơn vị, hay ra cuộc đời, mình tiêu biểu và hoàn hảo hơn được bao nhiêu người? nếu không tự đặt mình trong hoàn cảnh cụ thể, không cảm thông, tôn trọng và thấu hiểu con thơ mà trách mắng, dùng đòn roi với con trẻ thì không hay chút nào".

Anh Bùi Quang Vinh (Huyện Ủy Nghi Lộc, Nghệ An) chia sẻ: Tôi năm nay 31 tuổi, vợ chồng tôi có một cháu trai 4 tuổi. Từ tuổi thơ của mình, tôi nhận ra một điều, đòn roi chỉ đem đến cho con cái nỗi khiếp sợ và ám ảnh; tình thương của bố mẹ mới chính là nguồn sữa ngọt cho sự trưởng thành của con cái.

Vì vậy, theo anh Vinh thì: "Câu chuyện mà Tiến sỹ Nguyễn Lệ Hằng trao đổi là điều mà mỗi người lớn chúng ta phải thuộc nằm lòng".

Là người được đào tạo trong môi trường sư phạm, nguyên nhân khiến nhiều bậc phụ huynh vẫn sử dụng đòn roi với con cái, theo anh Đạt (Hải Dương) là: kiến thức về giáo dục trẻ thơ rất hạn chế...

Vì vậy, "có thể mở các lớp bồi dưỡng kiến thức tại địa phương hay tại nới công sở, xí nghiệp công tác để mọi Cha mẹ đều có nhận thức đúng đắn hơn về vấn đề nuôi dậy cho trẻ".

Theo Chị Tuệ Nghi (Đà Nẵng ) thì độc giả không nên "vặn vẹo", bắt bẻ chữ nghĩa để phản đối quan điểm của TS Hằng.

Đồng tình với quan điểm này, độc giả PTN cho rằng: nói quan niệm gia trưởng là tàn dư của xã hội phong kiến hay tư tưởng nông dân là không mâu thuẫn. Xã hội phong kiến phương Đông dựa trên nền nông nghiệp thuần túy, nói tư tưởng phong kiến và tư tưởng nông dân không hề phản khoa học.

Bạn PTN viết: "phải hiểu rằng ý của TS. Hằng là với sự phát triển của xã hội hiện nay thì tư tưởng phong kiến hay nông dân không còn phù hợp chứ không phải bản thân tư tưởng phong kiến hay nông dân là cái gì đó xấu xa".

(Tổng hợp)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,