- Xung quanh diễn đàn "có nên dạy trẻ bằng roi vọt", Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa chia sẻ, dạy học hơn 20 năm, bà chưa bao giờ đánh học trò. Cũng chưa bao giờ đánh con dù thỉnh thoảng có la mắng. Nhưng khi hết giận thì ngồi tâm sự với con để hiểu ra vấn đề.
"Đánh đòn chắc gì đã ngoan"
Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa: "Roi vọt" ở đây là cái roi cảnh cáo một cách nhẹ nhàng, có tính chất răn đe, chứ không phải là roi vọt một cách bạo lực...". Ảnh: Lê Anh Dũng |
Thưa Thứ trưởng, theo khảo sát trên VietNamNet, có tới hơn 67% số độc giả đồng tình với việc sử dụng roi vọt để dạy dỗ con cái. Thứ trưởng nghĩ thế nào về con số này?
Trong lý luận dạy học, không có biện pháp giáo dục bằng sử dụng roi vọt, vì đó là biện pháp tiêu cực, phản giáo dục, hơn nữa, luật pháp nghiêm cấm việc xúc phạm thân thể trẻ em.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp không bình thường (cả bố, mẹ lẫn con cái), bố mẹ đã phải sử dụng đòn roi để dạy con, mặc dù biết rằng sau mỗi lần đánh con, bố mẹ hết sức đau lòng và ân hận, vì bố, mẹ ai cũng thương con.
Tôi nghĩ, có thể hơn 67% số độc giả đã cảm thông với một số phụ huynh, có một đôi lần trong đời, phải sử dụng roi vọt để dạy dỗ con cái trong một số trường hợp không bình thường nói trên.
Tuy nhiên, một điều chắc chắn là các độc giả sẽ nhận thức lại vấn đề và tỷ lệ độc giả ủng hộ việc sử dụng roi vọt để giáo dục con cái, dù chỉ là chỉ để nhắc nhở, răn đe con trẻ, sẽ giảm dần và đến một lúc nào đó sẽ phản đối việc sử dụng biện pháp này. Vì trẻ cần được tôn trọng và bảo vệ.
Có nhiều ý kiến cho rằng, ở Việt Nam, thu nhập của giáo viên còn thấp, đã thế, sĩ số lớp lại đông tới 40 - 50 HS... nên nhiều khi không đủ kiên nhẫn với học trò?
Trong một số trường hợp cá biệt, thầy, cô giáo thiếu kiềm chế, lỡ tay đánh học sinh của mình không xuất phát từ các nguyên nhân nêu trên.
Các thầy cô giáo, tuyệt đại đa số rất thương yêu, tôn trọng học sinh, coi học sinh như con, em của mình.
Thực tế cho thấy, không ít thầy cô giáo đã giành một phần lương ít ỏi của mình để mua áo, quần, sách, vở... giúp các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn có cơ hội được đến trường.
Nhiều giáo viên mầm non mặc dù thu nhập còn rất thấp nhưng vẫn tâm huyết, gắn bó với nghề, chăm sóc dạy dỗ các cháu với tình cảm và tấm lòng của người mẹ, người chị.
Ở một trường dân tộc nội trú vùng cao, với trên 1.800 HS, chủ yếu là con em dân tộc thiểu số, nhưng các em vẫn được sống trong tình yêu thương của thầy, cô, những người cha, người mẹ thứ hai của các em, đảm bảo kỉ cương nền nếp, không xảy ra vấn đề gì đáng tiếc.
Quan trọng là kỉ cương, nền nếp của nhà trường, mối quan hệ thân thiện của thầy giáo đối với học trò.
Hiện nay, các trường học cũng không có những quy định cụ thể về các hình phạt đối với học sinh. Có phụ huynh cho rằng, thà con họ có thể bị "ăn" một vài roi mà ngoan hơn, chứ còn hơn là để bị nhà trường đuổi học.
Đã phải sử dụng đến đòn roi là biện pháp tiêu cực, phản giáo dục và thể hiện sự bất lực.
Đánh đòn chưa chắc trẻ sẽ ngoan, thậm chí trong một số trường hợp lạm dụng đòn roi sẽ có thể dẫn đến tổn thương lâu dài cho trẻ cả.
Giáo dục bằng biện pháp nêu gương là tốt nhất |
Theo tôi, giáo dục bằng biện pháp nêu gương là tốt nhất.
Thầy cô giáo phải là gương sáng cho HS về đạo đức, nhân cách và trí tuệ để các em yêu mến, kính trọng và noi theo.
Khi gặp những trường hợp cá biệt, tùy thuộc vào đối tượng và hoàn cảnh cụ thể, thầy cô giáo và các bậc phụ huynh sử dụng biện pháp giáo dục phù hợp, nhưng tuyệt đối không dùng đòn roi giáo dục trẻ. Đó là một trong những điều cấm đối với giáo viên, đã được cụ thể hóa trong điều lệ trường học và tiêu chuẩn đạo đức nhà giáo.
Ngành giáo dục đang phát động phong trào "xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực", nhưng phụ huynh cũng phải tích cực, thân thiện.
Trường học đầu tiên của trẻ là gia đình, bố mẹ cũng phải là tấm gương của trẻ. Trẻ từ gia đình mới đến trường, rồi còn chịu bao tác động của môi trường xã hội nữa. ...
Thế nên, giáo dục trẻ phải từ nhiều phía, chứ không thể đổ hết cho nhà trường.
"Tôi chưa bao giờ đánh con"
Thứ trưởng có thể chia sẻ một chút, vậy những khi không hài lòng về con, chị làm thế nào?
Tôi nghĩ, ngày nay, phụ huynh rất ít khi đánh con, mà có lỡ đánh thì con đau một, nhưng bố, mẹ thì đau mười.
Khi tôi còn nhỏ, tôi cũng chưa bao giờ bị Bố, mẹ đánh, chỉ thỉnh thoảng nặng lời, hoặc có khi bố mẹ chỉ im lặng là mình đã cảm thấy sợ rồi.
Bản thân tôi cũng đã đi dạy hơn 20 năm, nhưng chưa bao giờ đánh học trò. Tôi cũng chưa bao giờ đánh các con.
Tuy nhiên, thỉnh thoảng tôi cũng có lớn tiếng rầy la khi không hài lòng về các con, nhưng khi hết giận thì mẹ con ngồi tâm sự để con hiểu ra vấn đề.
Tôi luôn tâm niệm một điều là bố, mẹ phải luôn gương mẫu, biết lắng nghe và tôn trọng các con và có những lúc phải biết kiềm chế.
Còn có những người có thể nóng quá mà đánh con, mỗi người đều có một cách giáo dục riêng, nhưng tôi nghĩ hầu hết đều rất thương con. Cô giáo, thầy giáo cũng thế thôi.
Khi tranh luận việc có nên dùng roi vọt trong dạy dỗ con trẻ, nhiều độc giả đã so sánh sự khác biệt giữa văn hóa truyền thống Phương Đông và Phương Tây. Họ cho rằng, việc sử dụng roi vọt là truyền thống của người Á Đông. Thứ trưởng nghĩ gì về điều này?
Việc đòn roi, đừng đổ cho đó là cách giáo dục Phương Đông. Hơn nữa, phương Đông hay phương Tây cũng có tính nhân bản, yêu thương trẻ con, nghiêm cấm việc đánh trẻ con.
Với xã hội ngày nay, phải nhìn nhận lại, phải có biện pháp tích cực khác đối với trẻ, chứ đừng dựa vào quan điểm của một số người nêu trên để đánh các cháu.
Xin cảm ơn Thứ trưởng.
-
Lan Anh (thực hiện)