221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
1239107
Sinh viên ĐH Công nghiệp Hà Nội "choáng" học phí, phụ phí
1
Article
null
Sinh viên ĐH Công nghiệp Hà Nội 'choáng' học phí, phụ phí
,

- Nông dân Phương (tên nhân vật đã thay đổi), quê ở Đức Thọ, Hà Tĩnh sau khi bán đàn lợn cuối cùng đã lặn lội vượt hơn 300 cây số ra Hà Nội để kịp ngày nhập học cho cậu con trai là tân SV Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội (ĐHCN).

Niềm vui chưa được bao lâu, ông đã choáng váng bởi biên lai dài dằng dặc những khoản thu đầu năm nhà trường đưa ra: Kinh phí đào tạo học kỳ I (5 tháng) là 2.625.000 đồng, sổ tay học sinh – sinh viên: 20.000 đồng, tiền khám sức khỏe 30.000 đồng, tiền tăng cường tài liệu học tập và thư viện (kỳ 1): 75.000 đồng, tiền bảo hiểm y tế 1 năm: 148.000, tiền bảo hiểm thân thể toàn khóa học: 82.000 đồng, tiền trang phục bảo vệ lao động: 190.000 đồng, tiền nhập học: 30.000 đồng.

Tổng số tiền là 3.200.000 đồng.  

Mô tả ảnh.
Các khoản tiền đã nộp trong Phiếu nhập học của sinh viên

Ông buồn bã nhẩm: 525.000 đồng học phí một tháng, bằng tiền ăn cho 5 khẩu. Đó là chưa kể phải cho con thêm các khoản sinh hoạt phí ăn, ở...  

Hớt hải, cậu con trai chạy lòng vòng hết phòng đào tạo đến văn phòng khoa thắc mắc về khoản học phí 2.625.000 đồng cho 25 tín chỉ (105.000đ/1 tín chỉ)... nhưng không nhận được giải thích thỏa đáng.

Học phí "cắt cổ"

“Nhà trường nói học phí theo tín chỉ cao vì trong đó bao gồm cả tiền tăng cường thực hành công nghệ cao và cơ sở vật chất. Vậy, tại sao chúng em vẫn phải đóng thêm khoản tăng cường tài liệu học tập và thư viện là 75.000 đồng một kỳ, và 190.000 đồng tiền quần áo bảo hộ? Phải chăng, nhà trường đang thu hai lần cho một khoản?”, một sinh viên thắc mắc.

Hai khoản đóng góp gây nên bức xúc trong sinh viên nhiều năm nay, là khoản tăng cường thực hành và cơ sở vật chất (khoảng 700.000 đồng/1 học kỳ) và tiền tăng cường tiếng Anh  (350.000 đồng/1 học kỳ).

H.T, SV Cơ khí năm thứ 3 phản ánh: học kỳ thứ 5 này (phải học tiếng Anh chuyên ngành), SV chỉ học 1 buổi tiếng Anh/1 tuần, chứ không thêm 2 buổi tăng cường như năm thứ 2, nhưng nhà trường vẫn bắt nộp tiền tiếng Anh tăng cường.

Đã thế, khu thực hành ở Tây Tựu lại “có nhiều máy gia tốc, điện, hàn... đã thuộc vào thế hệ “Na-pô-lê-ông”, 5 SV/1 máy và phải lần lượt thay phiên nhau đứng máy nên cũng bất tiện”, T kể.

Bức xúc nhất có lẽ là SV các khoa Kế toán và Quản trị Kinh doanh (QTKD).

Từ năm thứ nhất đến năm thứ 4 ở cả hệ cao đẳng lẫn đại học, học kì nào, SV cũng phải đóng 700.000 đồng tiền tăng cường thực hành, 900.000 đồng học phí, 350.000 đồng tiếng Anh tăng cường...

Đối với SV học theo tín chỉ thì với những kỳ học từ 24 đến 28 tín chỉ, số học phí lên tới gần 3 triệu đồng. 

Nhiều SV hệ đại học, khoa QTKD đang học tại cơ sở B – Tây Tựu  phản ánh: Giảng đường không có máy chiếu, máy móc thực hành tin thì nhiều nhưng chất lượng phập phù, thư viện bé, mở đóng theo giờ hành chính... 

Ngoài những khoản thu trên, SV các lớp hệ cao đẳng QTKD học tại cơ sở thuê ở Mỹ Đình còn phải đóng thêm 175.000 đồng/1 kỳ tiền vệ sinh, an ninh, nước uống... cho Trung tâm Tư vấn Phát triển nhân lực doanh nghiệp Mỹ Đình. Thế nhưng, SV vẫn phải học tập trong tình trạng: “lớp chật, người đông”; lớp học không máy chiếu, không loa đài...

Không biết “700.000 đồng tiền tăng cường thực hành” được nhà trường đầu tư vào đâu?", nhiều SV đặt câu hỏi.

Hầu như mọi biên lai, kể cả tiền học phí đều do trung tâm này đứng ra thu và đóng dấu đỏ, trong khi biên lai thu tiền học phí tại cơ sở chính lại đóng dấu đỏ của Trường ĐHCN.

Đáng lưu ý, trong sơ đồ cơ cấu của Trường ĐHCN được đăng trên website chính của trường không có sự tồn tại của trung tâm này.

Chờ câu trả lời

SV đã nhiều lần phản ánh lên khoa, lên trường, nhưng đều không nhận được một câu trả lời rõ ràng từ phía nhà trường.

“Thầy cô có giải thích là tiền tăng cường thực hành dành để xây các khu giảng đường, nhưng lại xây chủ yếu ở khu A, phục vụ các ngành kỹ thuật. Còn lớp QTKD vẫn học trong khu B cũ. Vậy, đợi vài năm nữa, chúng em sẽ quay về học khu giảng đường được xây nên từ tiền đóng góp của mình ư?” Một SV bức xúc.

Ngày 29/9, sau khi nhận được nhiều đơn thư phản ánh của SV trường ĐH CN, phóng viên VietNamNet đã đến trụ sở chính của trường tại Minh Khai - Từ Liêm- Hà Nội để tìm hiểu sự việc.

Tại đây, thư ký của Hiệu trưởng thay mặt ban Giám hiệu tiếp PV cho biết: Hiệu trưởng đang đi công tác ở Nhật, đầu tháng 10 mới về. Còn các hiệu phó khác thì không có mặt tại trụ sở do phải đi thị sát ở 27 cơ sở, phân sở khác của trường.

Tiếp tục đề nghị được gặp phòng Đào tạo thì được giải thích, phòng Đào tạo không nắm những vấn đề học phí, tài chính của trường mà chỉ đảm nhận việc lên chương trình, tính toán thời gian học, thi của các khóa....

Đến thứ 6, ngày 2/10, câu trả lời từ phía nhà trường vẫn chưa có. Khi gọi điện cho ông Kim Xuân Phương, Phó Hiệu trưởng đề nghị được giải đáp những băn khoăn của SV, ông Phương cho hay ông đang đi công tác ở TP.HCM và việc phát ngôn của nhà trường phải thông qua hiệu trưởng, bản thân ông cũng chưa nhận được thông tin của phòng hành chính báo lại. 
 

Trong lúc chờ đợi câu trả lời thỏa đáng của nhà trường, nhiều SV và phụ huynh vẫn đang "phấp phỏng" về câu chuyện học phí  ’vượt rào" của trường mấy năm nay.

 

"Thu không đúng quy định sẽ phải trả lại"

Ngày 28/9, tại buổi họp báo của Bộ GD - ĐT, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính Nguyễn Văn Ngữ cho biết, trong tháng 10, Bộ GD-ĐT sẽ cử các đoàn thanh tra rà soát việc thu chi ở các cơ sở giáo dục từ mầm non đến CĐ, ĐH: nếu thu không đúng quy định sẽ phải trả lại.

Mặc dù mức điều chỉnh khung học phí của các trường ĐH công lập áp dụng trong năm học 2009-2010 không quá 240.000 đồng/ tháng/ sinh viên (SV) nhưng thực tế, có rất nhiều trường ĐH, CĐ công lập đã chuyển từ hình thức đào tạo niên chế sang hình thức đào tạo theo tín chỉ.

Và mức thu/số tín chỉ của nhiều trường đã "đội" lên gấp đôi khung quy định của Nhà nước, phổ biến ở mức  từ 400.000 - 450.000 đồng/ SV/ tháng.

"Việc các trường thu như vậy là không đúng. Còn hiện nay, Bộ chưa có quy định mức thu học phí đào tạo theo hình thức tín chỉ" - ông Ngữ nói.

  • Sơn Khê - Kiều Oanh
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,