- Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM cũng "lách luật" bằng cách chia nhỏ học phí thành "phí học" và tiền cơ sở vật chất. Tuy nhiên, SV trường này còn phải "gồng" mình gánh nhiều khoản phụ phí khác.
Chia nhỏ học phí để "xé rào"
Bạn T., SV năm thứ nhất khoa Tài chính ngân hàng, bậc CĐ cho biết, học kì này, bạn học 13 tín chỉ. Với mức đóng 105.000 đồng/tín chỉ, T phải đóng 1.365.000 đồng.
Như vậy trung bình, T phải đóng đến 273.000 đồng/tháng trong khi mức trần học phí của Bộ GD - ĐT cho năm học 2009 - 2010 bậc CĐ là 200.000 đồng.
Một góc Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM. |
“Đó là số tín chỉ tối thiểu mà em phải học, chứ nếu sang kì sau, em đăng ký thêm thì không biết, số tiền phải trả còn vượt khung của Bộ GD - ĐT là bao nhiêu?” - T bày tỏ.
Còn Đ., SV năm thứ nhất khoa Công nghệ Thông tin, bậc ĐH, thì học kì này phải học 22 tín chỉ, số tiền phải nộp cho nhà trường là 2.420.000 đồng (110.000 đồng/tín chỉ).
Với số tiền này, mỗi tháng, Đ. phải đóng 484.000 đồng (mức trần học phí hệ ĐH theo quy định của Bộ là 240.000 đồng/tháng).
Còn ở hệ TCCN, thông báo ở trường ghi rõ: Khóa 36 đóng 320.000 đồng/tháng, khóa 37 đóng 350.000 đồng/tháng.
Theo ông Nguyễn Đình Hưng, Phó phòng Kế hoạch Tài chính, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, mức học phí của trường không hề vượt quá khung quy định của Bộ GD - ĐT.
Cụ thể, hệ ĐH, trường thu 110.000 đồng/tín chỉ, nhưng trong đó 70.000 đồng là tiền học, 40.000 đồng để chi cho điện, nước, vật tư... Bởi: “nếu lấy 70.000 đồng để đào tạo 1 SV là không thể được” - ông Hưng giải thích.
Còn hệ CĐ, số tiền 105.000 đồng/tín chỉ bao gồm 65.000 đồng tiền học, còn 40.000 đồng là tiền cơ sở vật chất. Riêng hệ TCCN, do đào tạo theo hình thức học phần, số tiền học phí được tính bằng với mức trần của Bộ GD - ĐT. Bởi thu 350.000 đồng/tháng, thì trong đó: 135.000 đồng tiền học và 215.000 đồng tiền cơ sở vật chất.
“Bậc TCCN tốn khá nhiều chi phí cho các học viên thực hành, giảng viên phải chia thành từng lớp nhỏ, phần lý thuyết lại chỉ chiếm khoảng 30%, nên tiền cơ sở vật chất ở bậc này khá cao” - ông Hưng nói thêm.
Mặc đồng phục là "chủ trương lớn" ?
Nhìn vào biên lai của Th., SV năm thứ nhất khoa Môi trường, bậc ĐH, học kì I này Th. đóng 2.070.000 đồng. Trong đó gồm có tiền học phí (tiền học + tiền cơ sở vật chất), thư viện, thẻ SV, giáo trình Giáo dục định hướng, Sổ tay SV, sách Niên giám.
Còn với T., SV năm thứ nhất khoa Tài chính ngân hàng, bậc CĐ, ngoài các khoản như trên, còn phải đóng thêm vài trăm ngàn để lấy chứng chỉ vi tính B theo quy định của trường.
Phí "chính thức" SV phải đóng lên đến 6 loại. |
“Học ở trường đắt lắm, tới 490.000 đồng/khóa để có bằng A, trong khi trung tâm ở ngoài do một trường của ĐHQG TP.HCM cấp hẳn hoi, giá lại chỉ có 200.000 đồng. Nhưng nếu học ở ngoài, sau này phải tham gia làm bài “test” của trường mới được công nhận. Nghe các anh chị năm trước nói tham gia bài “test” này, SV rớt như “sung rụng”" - T.kể.
Theo ông Hưng, mặc dù bằng cấp là như nhau, nhưng chương trình đào tạo của trường cao hơn, thời gian học và thực hành cũng nhiều hơn. “Nếu SV nào đã có chứng chỉ rồi mà làm bài “test” của trường không qua thì phải coi lại tấm bằng của mình” - ông Hưng nói.
Ngoài ra, còn có một thứ phí mà trường không bắt buộc, nhưng SV vẫn phải mua, là tiền mua đồng phục.
Bạn A., năm thứ nhất khoa Tài chính ngân hàng, hệ TCCN đã phải mua 2 bộ đồng phục nữ của khoa với giá 185.000 đồng/bộ.
“Khoa yêu cầu mặc đồng phục khi đi học, họ không bắt buộc mua 1 hay 2 bộ, nhưng nếu có 1 bộ mà những lúc trời nắng mưa thất thường thì làm sao?” - A. chia sẻ.
Tại Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, SV nhiều khoa có đồng phục riêng của mình. Đối với nữ, váy được thiết kế đủ màu, hồng, xanh, đen...
Ông Hưng cho biết, chủ trương của trường là đồng phục chung, đồng giá. “Nhưng các khoa muốn xây dựng hình ảnh SV của mình. Tôi rất chia sẻ với những em có hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên cũng phải ủng hộ chủ trương lớn” - ông Hưng bộc bạch.
Ông nói thêm, các ngành không có đồng phục riêng thì trường đã có khoa May, giao cho khoa May với chi phí tiết kiệm. Và SV chỉ phải mua áo thôi.
“Phát hành sách” cho SV
Tưởng chỉ có SV năm thứ nhất mới phải mua Sổ tay SV, sách Niên giám nhưng P., SV năm thứ 4 khoa Cơ khí, bậc ĐH cũng phải mua. “Tôi học đến năm thứ 4 rồi mà còn bắt mua, thiệt không hiểu nổi? Tôi cũng chưa thấy 2 cuốn này mặt mũi như thế nào” - P. bức xúc.
Giải trình của trường về 40.000 đồng tiền cơ sở vật chất được tách ra từ "học phí" |
Ông Hưng cho biết, thông thường, SV chỉ phải mua Niên giám vào năm đầu tiên. Tuy nhiên, do năm nay trường áp dụng cho SV học 3 học kì (các năm trước là 2 học kì), trong đó, học kì thứ 3 để cho SV học vượt hoặc trả nợ. Vì thế, trường muốn trang bị thông tin đầy đủ cho các SV.
“Riêng trường hợp em này đã đóng tiền nhưng vẫn chưa nhận được tài liệu thì có thể do lớp trưởng hoặc nhóm quản lý chưa lên nhận. Nhà trường đảm bảo là SV đã đóng tiền phải có tài liệu này”.
Về việc tại sao trường có đến 3 tài liệu dành cho SV năm thứ nhất, ông Hưng giải thích: Đây là 3 cuốn tài liệu với thông tin khác nhau, không hề trùng lắp. Sách Niên giám nêu những quy chế, điều kiện tốt nghiệp, SV học gì trong học kì I, học kì II...; Sổ tay SV ghi các môn học, giảng viên theo từng môn học, phòng học... để SV lựa chọn; Giáo trình Giáo dục định hướng là định hướng cho SV đi đóng dấu, làm hồ sơ, quy định KTX..
-
Minh Quyên