- Sau 23 năm, Bộ GD-ĐT chưa thể trả lời được 3 câu hỏi về chất lượng giáo dục đại học. Để đảm bảo và nâng cao chất lượng giáo dục đại học giai đoạn 2009-2012, Bộ GD-ĐT đề xuất tổ chức thảo luận trong toàn ngành và xã hội xung quanh chủ đề "Làm gì để đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo" nhằm không vì tiếp tục phát triển quy mô giáo dục đại học mà lại buông lỏng quản lý chất lượng.
Đây là nội dung trong báo cáo sự phát triển của hệ thống GD ĐH, các giải pháp đảm bảo và nâng cao chất lượng do Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân ký ngày 29/10.
Tân cử nhân Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội nhận bằng tốt nghiệp. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Nhìn lại 23 năm đổi mới và 9 năm thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục 2001 - 2010, Bộ GD - ĐT cho rằng, giáo dục đại học nước ta đã từng bước phát triển rõ rệt về quy mô, đa dạng về loại hình trường và hình thức đào tạo, nguồn lực xã hội được huy động nhiều hơn,v.v... .
Tuy nhiên, giáo dục đại học đang đứng trước thách thức to lớn: Phương thức quản lý nhà nước đối với trường đại học, cao đẳng chậm được thay đổi, không đảm bảo yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo của toàn hệ thống, chưa phát huy mạnh mẽ được sự sáng tạo của đội ngũ nhà giáo, các nhà quản lý và sinh viên. Chất lượng nguồn nhân lực đang là một khâu yếu kém kéo dài của toàn bộ hệ thống kinh tế.
Bộ GD-ĐT nhìn nhận, có hai nguyên nhân dẫn đến những hạn chế, yếu kém trong hệ thống GD ĐH. Cụ thể là: Cùng lúc bị chi phối bởi nhiều loại quy luật (quy luật sư phạm, quy luật quản lý hệ thống, quy luật kinh tế và quy luật xã hội).
Bên cạnh đó, các cán bộ quản lý GD ĐH, nhất là ở cấp quốc gia không được quy hoạch và đào tạo có hệ thống để có thể nắm vững các loại quy luật trên, vận dụng sáng tạo trong công tác nên yếu kém kéo dài không khắc phục được.
|
Trong tổng số 376 ĐH, CĐ cả nước hiện nay, Bộ GD-ĐT quản lý 54 trường (chiếm 14,4%); các bộ, ngành khác quản lý 116 trường (30,8%); UBND các tỉnh, TP là cơ quan chủ quản của 125 trường (33,2%); có 81 trường dân lập, tư thục (21,5%).
Mặc dù, Bộ GD-ĐT là cơ quan duy nhất được ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý GD cấp bộ, thì việc kiểm tra chấp hành các văn bản đó ở các trường ĐH, CĐ lại thuộc các bộ, ngành khác là cơ quan chủ quản. Thậm chí có bộ còn ra văn bản chồng chéo lên chức năng quản lý nhà nước của Bộ GD-ĐT...
UBND các địa phương chưa được phân cấp quản lý các trường ĐH, CĐ ngoài công lập trên địa bàn. Mọi nội dung quản lý nhà nước về GD ĐH đối với các ĐH này đều thuộc Bộ GD-ĐT, trong khi khả năng kiểm soát hoạt động của các trường trong cả nước của Bộ rất hạn chế.
Báo cáo khẳng định gần 30 năm, chúng ta chưa thực sự quản lý được chất lượng giáo dục đại học vì chưa có chuẩn đầu ra của các trường đại học, cao đẳng (chuẩn năng lực của người tốt nghiệp); chưa giữ được chuẩn của nhiều yếu tố đầu vào (giáo viên, chương trình, giáo trình, cơ sở vật chất); chưa có cơ quan chuyên trách quản lý chất lượng; hàng năm chưa có đánh giá thực tế và báo cáo về chất lượng đạo tạo của các trường và cả hệ thống giáo dục đại học.
Do đó, xét về tổng thể Bộ GD-ĐT chưa thể trả lời được 3 câu hỏi: Chất lượng đào tạo của các trường thế nào? Các trường tuân thủ các quy định pháp luật liên quan đến đào tạo thế nào? Hiệu quả đầu tư từ ngân sách cho các trường ĐH, CĐ công lập thế nào?
2010: Không "3 công khai", không cho tuyển sinh
Để nâng chất lượng đào tạo, từ 2009-2012, Bộ GD-ĐT xác định: "đổi mới quản lý nhà nước về giáo dục là khâu đột phá để đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo".
Theo đó, trước tháng 6/2010 sẽ hoàn tất các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động của nhà trường (các quy chế, quy định về đào tạo, tuyển sinh, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, quản lý tài chính...). Hoàn thành quy định về phối hợp và phân cấp quản lý giữa Bộ GD-ĐT, các bộ ngành khác và UBND các tỉnh, TP đối với các trường ĐH, CĐ trước tháng 3/2010.
Về phía các trường ĐH, CĐ thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm về phát triển phải rà soát và hoàn thiện các quy định, quy chế của nhà trường, thực hiện 3 công khai, thực hiện trả lương gắn với hiệu quả đóng góp... xong trước tháng 9/2010.
Trước tháng 01/2010, trường ĐH, CĐ nào không thực hiện 3 công khai bao gồm: công khai cam kết chất lượng đào tạo và chất lượng thực tế của cơ sở đào tạo; công khai nguồn lực phục vụ đào tạo (giảng viên, giáo trình, chương trình đào tạo, cơ sở vật chất…); công khai thu chi tài chính theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT thì sẽ không được phép tuyển sinh năm học 2010–2011.
Các nội dung của 3 công khai phải được công bố ở web của mỗi trường, ở các khoa, thư viện để mọi người dễ tiếp cận.
Quy chế đánh giá và cho phép mở ngành tuyển sinh ĐH, CĐ sẽ ban hành tháng 12/2009 cũng có nhiều thay đổi. Cụ thể, kiểm tra tại cơ sở GD trước khi mở ngành 3 tháng, 3 năm sau đó mỗi năm kiểm tra lại 1 lần...
Đồng thời, từ tháng 5/2010 sẽ triển khai SV tham gia đánh giá giảng dạy của giảng viên, giảng viên tham gia đánh giá hoạt động của lãnh đạo trường; các ĐH, CĐ tham gia đánh giá chỉ đạo, quản lý của Bộ GD-ĐT, bộ chủ quản và UBND, thành phố nơi trường đóng.
Các trường cần xây dựng kế hoạch dài hạn 2010-2014, sử dụng phần thu học phí tăng thêm để đầu tư cho các khâu, các yếu tố đầu vào của quá trình đào tạo, nâng cao năng lực quản lý và chăm lo cho giảng viên để có tác dụng rõ rệt nâng cao chất lượng đào tạo...
-
Kiều Oanh
Một số giải pháp cụ thể:
- Về phát triển đội ngũ: Từ năm 2010 mỗi năm cử khoảng 1.000 giảng viên làm tiến sĩ ở trong nước, 1.000 giảng viên làm thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài. Từ năm học 2009-2010, thực hiện sinh viên tham gia đánh giá giảng dạy của 100% giảng viên. Các giảng viên ĐH đều có kế hoạch đến năm 2012 mỗi giảng viên sử dụng tốt một ngoại ngữ cho đào tạo và nghiên cứu khoa học.
- Về chuẩn hoá và nâng cao chất lượng chương trình đào tạo: Thông qua Hội đồng các Hiệu trưởng trường ĐH, CĐ và trưởng khoa cùng nhóm ngành để thống nhất các chương trình đào tạo khung của các ngành do các trường đào tạo, phân công viết giáo trình dùng chung cho các trường.
- Chuẩn hoá và đảm bảo đủ 100% giáo trình ĐH: Bộ GD-ĐT ban hành quy chế biên soạn giáo trình ĐH (trước tháng 2/2010). Các trường rà soát tình hình giáo trình, phối hợp qua Hội đồng Hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ và trưởng khoa cùng nhóm ngành để biên soạn giáo trình dùng chung. Phấn đấu đến năm 2012 tất cả các trường đều có đủ giáo trình cho mỗi ngành đào tạo.
Chuẩn hoá đội ngũ lãnh đạo các trường ĐH, CĐ toàn quốc: Hoàn thiện và tiếp tục chương trình bồi dưỡng hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng, phấn đấu từ tháng 12/2011 trở đi tất cả hiệu trưởng, hiệu phó đương nhiệm đã qua bồi dưỡng.
(Trích báo cáo của Bộ GD-ĐT)