221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
1233451
"Chấm điểm hiệu trưởng": Khó nói thật
1
Article
null
'Chấm điểm hiệu trưởng': Khó nói thật
,

- Rất khó để giáo viên nói lên những mặt hạn chế, yếu kém của hiệu trưởng, nhất là khi hiệu trưởng là người có quyền quyết định tiếp nhận, sa thải hay nâng, hạ bậc lương giáo viên.

Khó công khai, minh bạch

Về mục đích ban hành, Điều 2 Chuẩn Hiệu trưởng viết, "bộ chuẩn này làm căn cứ để: Hiệu trưởng tự đánh giá và cơ quan quản lý giáo dục đánh giá, xếp loại hiệu trưởng"...

Cùng lúc đó, Điều 11 lại có nội dung "Giáo viên, cán bộ, nhân viên cơ hữu của nhà trường đóng góp ý kiến và tham gia đánh giá hiệu trưởng".

Mô tả ảnh.
Hiệu trưởng trường tư thục ngoài việc được áp theo chuẩn này, còn bị áp lực của nhà đầu tư. Ảnh: Lê Anh Dũng

Theo tôi, rất khó để cho các giáo viên (GV) nói lên những mặt hạn chế, yếu kém của hiệu trưởng, nhất là khi hiệu trưởng là người nắm quyền quyết định tiếp nhận, sa thải hay nâng, hạ bậc lương GV. Nhiều GV vì nể nang, ngại đụng chạm nên cũng không nói.

Mặt khác, sau khi cơ quan quản lý đánh giá, xếp loại xong, kết quả đánh giá chỉ thông báo cho hiệu trưởng và lưu trong hồ sơ, chứ không quy định thông báo tới toàn thể GV.

Cách làm này liệu có đảm bảo tính minh bạch, dân chủ?

Tại sao kết quả đánh giá GV thì thông báo với toàn thể hội đồng sư phạm, còn kết quả đánh giá hiệu trưởng lại được “giữ bí mật”?

Trong bộ "Chuẩn Hiệu trưởng" cũng không quy định rõ, nếu hiệu trưởng không đạt chuẩn thì xử lý ra sao.

Vì vậy, để việc GV tham gia đánh giá hiệu trưởng thực sự khách quan, Bộ GD-ĐT nên quy định rõ phương thức đánh giá là bỏ phiếu kín, và kết quả đánh giá phải được thông báo tới hội đồng sư phạm.       

Mơ hồ

Chuẩn Hiệu trưởng, như tên gọi đáng ra phải “chuẩn”, nghĩa là cô đọng, súc tích. Thế nhưng, nhiều tiêu chí trong đó còn trùng lặp, mang tính hình thức.

Ví dụ, yêu cầu "Có ý chí vượt khó khăn" (Tiêu chí 1) còn mơ hồ. "Khó khăn" thuộc về phương diện nào: Hoàn cảnh gia đình, bản thân hay điều kiện của nhà trường? Nếu hiệu trưởng nào không khó khăn thì không đạt yêu cầu này hay sao?

Tiêu chí "Tác phong làm việc" và "Giao tiếp ứng xử" (Điều 1) có thể nhập chung làm một, bởi vì khái niệm tác phong làm việc đã bao hàm hoạt động giao tiếp ứng xử.

Tiêu chí "Trình độ chuyên môn" (7) cũng đã bao hàm "Nghiệp vụ sư phạm" (8), nghĩa là tổng hợp năng lực lý thuyết và khả năng thực hành của cá nhân về lĩnh vực chuyên môn được đào tạo; trong đó, căn cứ hiệu quả công việc là quan trọng nhất để đánh giá, còn bằng cấp, lý luận chỉ là thứ yếu.

Tiêu chí "Tự học và sáng tạo" (9) còn mơ hồ, chưa có cơ sở đánh giá. Bởi vì người ta không biết hiệu trưởng "tự học" ra sao mà chỉ có thể căn cứ vào kết quả, hiệu quả công việc của hiệu trưởng.

Thông hiểu ngoại ngữ - tiêu chí của tương lai?

Tiêu chí 10 "Năng lực ngoại ngữ…", theo tôi có phần còn thiếu thực tế.

Bộ Chuẩn Hiệu trưởng yêu cầu "Sử dụng được một ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc (đối với hiệu trưởng công tác tại trường dân tộc nội trú, vùng cao, vùng dân tộc thiểu số)".

Theo tôi, trong điều kiện hiện nay, chưa có cơ sở để khẳng định sự cần thiết, hay tác động tích cực của khả năng sử dụng ngoại ngữ đối với công việc của các hiệu trưởng. Liệu hiệu trưởng cần sử dụng ngoại ngữ để làm gì: Để giao tiếp, để đọc tài liệu, nghiên cứu khoa học hay để đánh giá các GV ngoại ngữ…?

Thực tế cho thấy, năng lực ngoại ngữ chỉ có thể duy trì và phát triển trong điều kiện sử dụng thường xuyên.

Nếu hiệu trưởng có bằng cấp, chứng chỉ ngoại ngữ nhưng không sử dụng thường xuyên sẽ nhanh chóng bị mai một. Như vậy, may ra chỉ có các GV ngoại ngữ là đáp ứng được tiêu chí này.

Một nghịch lý là có những GV có nhiều tiêu chí xứng đáng với vai trò hiệu trưởng, nhưng lại không đáp ứng tiêu chí yêu cầu sử dụng ngoại ngữ, và ngược lại.

Mặt khác, để đánh giá tiêu chí này chỉ có những GV thông thạo ngoại ngữ mới đủ thẩm quyền. Hiện nay, đại đa số hiệu trưởng không đáp ứng tiêu chí này.

Nói chung đây là một tiêu chí có phần xa vời, để dành cho tương lai thì hợp lý hơn.

“Lãnh đạo” xa vời, “Quản lý” chi li…

Bộ Chuẩn Hiệu trưởng phân biệt "năng lực lãnh đạo" (Điều 6) và "năng lực quản lý" của Hiệu trưởng (Điều 7). Chúng tôi nhận thấy những tiêu chí thuộc về năng lực lãnh đạo của hiệu trưởng còn quá khái quát, còn những tiêu chí về năng lực quản lý của hiệu trưởng lại quá cụ thể, có khi chồng chéo.

Điều 6, tiêu chuẩn 3 nêu ra 5 tiêu chí: Phân tích và dự báo; Tầm nhìn chiến lược; Thiết kế và định hướng triển khai; Quyết đoán, có bản lĩnh đổi mới; Tập hợp lực lượng.

Theo tôi, những tiêu chí đó có lẽ chỉ phù hợp với người đứng đầu ngành giáo dục, còn hiệu trưởng chỉ là cán bộ quản lý một trường học phổ thông, chỉ điều hành hoạt động của trường theo chủ trương, đường lối, cơ chế, quy định của cấp trên, khó có thể độc lập ra những quyết định có tính đột phá.

Thực ra, tiêu chí 16 "Lập kế hoạch hoạt động: Tổ chức xây dựng kế hoạch của nhà trường phù hợp với tầm nhìn chiến lược và các chương trình hành động của nhà trường" đã bao hàm, cụ thể hóa các tiêu chí của Điều 6. Vì vậy, nên rút gọn các tiêu chí của Điều 6, hoặc nhập vào Điều 7.

Trong Điều 7 còn có những nội dung quá cụ thể, không phù hợp với tính chất “chuẩn” để đánh giá hiệu trưởng.

Ví dụ, yêu cầu "Quản lý việc thực hiện chương trình các môn học theo hướng phân hoá, phát huy tính tự giác, tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh nhằm đạt kết quả học tập cao trên cơ sở đảm bảo chuẩn kiến thức, kỹ năng theo các quy định hiện hành" (Tiêu chí 18).

"Quản lý các hoạt động giáo dục toàn diện để mỗi học sinh có phẩm chất đạo đức làm nền tảng cho một công dân tốt, phát triển tối đa tiềm năng của mỗi học sinh; để mỗi học sinh có khả năng định hướng vào một lĩnh vực nghề nghiệp phù hợp với tiềm năng sẵn có của mình” (Tiêu chí 19).

Thực chất, đó là những chuẩn để đánh giá chất lượng học sinh theo mục tiêu giáo dục, chứ không phải là chuẩn để đánh giá hiệu trưởng.            

Qua đây, tôi nhận thấy cách xây dựng các bộ Chuẩn thời gian qua còn những bất cập nhất định.

Việc đánh giá chủ yếu dựa trên kết quả tự đánh giá và xếp loại theo kiểu “chấm điểm” rất dễ rơi vào hình thức.  

Để xây dựng đội ngũ hiệu trưởng có năng lực, phẩm chất, chúng tôi kiến nghị: Lựa chọn cán bộ xứng đáng, thông qua những phương án đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển công bằng, dân chủ; Có chế độ đãi ngộ, khen thưởng hợp lý; Có cơ chế kiểm soát chặt chẽ: từ tín nhiệm của cấp dưới, qua thanh tra, kiểm tra của cấp trên.

Đã có một số địa phương tổ chức bỏ phiếu kín tín nhiệm hằng năm đối với các hiệu trưởng, và có vị không được một phiếu nào. Cơ quan quản lý giáo dục nên thiết lập những kênh thông tin để thường xuyên có đầy đủ thông tin về các hiệu trưởng. Hiệu trưởng là cương vị rất dễ xảy ra tiêu cực, vì vậy, cơ chế kiểm soát tốt sẽ hạn chế được điều này, và buộc các hiệu trưởng luôn nỗ lực.

Kiên quyết xử lý những hiệu trưởng sai phạm. Hiệu trưởng hiện nay nếu có sai phạm thường được nương nhẹ vì lý do “có nhiều cống hiến”. Theo chúng tôi, đó là điều rất bất hợp lý, đúng ra hiệu trưởng sai phạm (cố ý) phải xử nặng hơn một bậc, vì hiệu trưởng là người đã được tín nhiệm, hiểu biết pháp luật, lại giữ trọng trách, nếu để sai phạm sẽ gây hậu quả rất lớn. 

  • Trần Quang Đại (GV Trường THPT Trần Phú, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh)
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
rrer_", r));