221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
1231731
Nếu bị "chấm", hiệu trưởng sẽ tự "vo" mình lại
0
Article
null
Nếu bị 'chấm', hiệu trưởng sẽ tự 'vo' mình lại
,

 - Theo dự thảo "chuẩn hiệu trưởng" mà Bộ GD-ĐT đưa ra ngày 28/7/2009, Hiệu trưởng các trường THPT và THCS sẽ được “chấm điểm” theo 5 tiêu chuẩn: phẩm chất chính trị và đạo đức nghề nghiệp;  năng lực chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm; năng lực quản lý và năng lực xây dựng và phát triển mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội. 

Các hiệu trưởng sẽ được đánh giá để tự hoàn thiện và nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý nhà trường. Cuối mỗi năm học, cấp dưới sẽ "chấm điểm" trên cơ sở hiệu trưởng tự đánh giá, xếp loại và báo cáo kết quả trước tập thể giáo viên, cán bộ, nhân viên. 

Từ kết quả tham khảo này, thủ trưởng cơ quan quản lý trực tiếp hiệu trưởng sẽ chính thức đánh giá, xếp loại hiệu trưởng. Kết quả được thông báo tới từng người và lưu trong hồ sơ cán bộ. 

Đây là một trong những nội dung quan trọng nằm trong nhóm giải pháp quản lý đổi mới, theo chủ đề "Năm học đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục" của niên học 2009 - 2010.

Thang chấm điểm theo mức tối đa là 300 với 30 tiêu chí.

Dựa trên số điểm được chấm, hiệu trưởng sẽ được xếp vào 4 loại: xuất sắc (tổng điểm từ 270 trở lên); khá (tổng số điểm tối thiểu 210); trung bình (tổng số điểm từ 150 trở lên) và kém (điểm dưới 150). 

Hiệu trưởng sẽ đạt chuẩn nếu được xếp loại từ trung bình trở lên. 

Phản biện về bộ dự thảo, một số "nhân vật chính" của dự thảo chấm điểm này đều cho rằng, bộ dự thảo còn quá định tính.

Trong khi đó, các yếu tố định lượng hầu như không được đề cập tới. 

Ông Lê Hoàng Việt - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trãi (Hải Phòng): Đánh giá cả ngược - xuôi

Mô tả ảnh.
"Đánh giá - nơi mất đoàn kết sẽ tìm cách hạ bệ nhau" - ông Lê Hoàng Việt. 
Bộ "chuẩn hiệu trưởng" nên tránh những câu hỏi trực diện, nhạy cảm. Tiêu chí về phẩm chất chính trị còn quá chung chung. Tiêu chí 3 có nêu: "Lối sống lành mạnh, phù hợp với bản sắc văn hóa dân tộc trong xu thế hội nhập", rất khó đánh giá.

"Có tác phong làm việc khoa học, sư phạm" ở tiêu chí 4 chưa rõ ràng - ’tính’ sư phạm có thể nhận định được, nhưng ’tính’ khoa học thì lại khó đo lường. Trong tiêu chí 9 nêu: "Có ý thức, tinh thần tự học và xây dựng tập thể sư phạm thành tổ chức học tập, sáng tạo". Việc này đòi hỏi phải nêu rõ sản phẩm cụ thể.

Điều 6: "năng lực lãnh đạo nhà trường", phải là ban giám hiệu đánh giá. Đặc biệt, tiêu chí 12, xây dựng được tầm nhìn chiến lược phải được cấp trên phê duyệt và triển khai trong nhà trường, được thể hiện bằng kế hoạch 5-10 năm. 

Trong giáo dục có 2 hình thức đánh giá: trong và ngoài nhà trường. Hiện nay, chủ yếu hiệu trưởng được các nhóm ngoài nhà trường đánh giá, là cấp trên và phụ huynh. Còn theo bộ chuẩn này, hiệu trưởng được các nhóm nội bộ của trường đánh giá.

Đối tượng "chấm điểm" hiệu trưởng nên làm 3 nhóm: lãnh đạo nhà trường, giáo viên và nhân viên. Cụ thể, đánh giá về chiến lược, chủ trương giải pháp phát triển nhà trường thì nên để ban giám hiệu, chi uỷ, chủ tịch công đoàn, bí thư đoàn trường - những người phải làm việc này - tham gia đánh giá. Những đối tượng còn lại đánh giá về việc thực thi, hiệu quả công việc, hành chính.

Việc chia nhóm đối tượng đánh giá hiệu trưởng là cần thiết, vì một nhân viên như ông bảo vệ không thể biết được chiến lược phát triển của nhà trường là như thế nào; giáo viên cũng có thể không nắm được hết đường lối lãnh đạo, quản lý... Đặc biệt, tránh đánh giá trực tiếp con người hiệu trưởng vì người tốt hay không tốt là tùy thuộc quan điểm của từng người.

Có nhiều người không đồng tình về việc đánh giá hiệu trưởng vì tâm lý ngại "chấm điểm ngược" của cấp dưới quyền đối với cấp cao hơn.

Đánh giá sẽ thực hiện thành công khi mức độ dân chủ trong nhà trường tương đối cao. Còn ở nơi mất đoàn kết, sẽ có tình trạng tìm cách để hạ bệ nhau. Do đó, đánh giá đòi hỏi phải có minh chứng rõ ràng. Tiêu chí chấm được 8 điểm thì phải lý giải vì sao được 8, hoặc nếu không đồng tình có thể trừ đi 2 điểm thì cũng phải có minh chứng.

Đánh giá ngoài cần căn cứ vào mức độ xếp loại của trường thì mới xếp loại hiệu trưởng. Ví dụ, hiệu trưởng đạt khá, xuất sắc thì nhất thiết trường phải xếp loại tiên tiến trở lên.

Thêm vào đó, với khoảng hơn 10 trang hướng dẫn đánh giá và cho điểm như thí điểm thì người nghe sẽ rất khó nhớ. Cần phải tóm tắt lại cho ngắn gọn hơn. Qua đây, tôi cũng xin đề nghị, cần xây dựng tiêu chí đánh giá các phó hiệu trưởng - những người không có trong chuẩn hiểu trưởng, chuẩn giáo viên và triển khai đồng thời cả 3 đối tượng này.

Ông Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức (Hà Nội): Không có định lượng

ThayNgQuocBinh.jpg
"Nếu đánh giá theo chuẩn này thì hầu hết hiệu trưởng sẽ đạt từ khá trở lên" - ông Nguyễn Quốc Bình.
Dự thảo chuẩn hiệu trưởng này mang tính định tính là chủ yếu và không mang tính định lượng. Nếu có đánh giá theo chuẩn hiệu trưởng thì hầu hết hiệu trưởng sẽ đạt từ loại khá trở lên.

Có thực tế, hiệu trưởng đạt loại khá nhưng trường của họ trong 1 nhiệm kỳ quản lý - 5 năm - không tạo được sự phát triển, sự thay đổi (phần định lượng). Như vậy, phần đánh giá có giúp họ tự đánh giá mình, cấp trên đánh giá đúng về nhà trường không?

Các tiêu chuẩn đưa ra đã hợp lý nhưng các tiêu chí thì vụn vặt, chia nhỏ quá, như Tiêu chuẩn 1: "Phẩm chất chính trị và đạo đức nghề nghiệp". Tôi cho rằng, những người xây dựng chuẩn "sợ" gộp các tiêu chí lại vì cho rằng như thế sẽ không quan trọng bằng các tiêu chuẩn khác. Theo tôi, nên gộp tiêu chuẩn này chỉ còn 3 tiêu chí.

Có những tiêu chí hàm chứa nội dung quá lớn. Ví dụ tiêu chí 12: "Xây dựng được tầm nhìn, sứ mạng, các giá trị của nhà trường hướng tới sự phát triển toàn diện của mỗi HS và nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục của nhà trường".

Hầu hết các hiệu trưởng hiện nay đều chưa có khái niệm về tầm nhìn, sứ mạng của nhà trường nên việc xây dựng chiến lược phát triển không phải trường nào cũng có thể xây dựng được. Do vậy, các hiệu trưởng cũng cần phải được bồi dưỡng kiến thức quản lý tiên tiến, phù hợp với sự phát triển của thời kỳ hội nhập.

Theo tôi, đánh giá hiệu trưởng cần các yếu tố: người hiệu trưởng trước hết phải có cái tâm, năng lực lãnh đạo quản lý, năng lực chuyên môn giỏi, có kiến thức xã hội.

Nếu tôi được đánh giá thì thấy đó là điều bình thường và mong muốn được đánh giá vì đây là chuẩn, là thước để người hiệu trưởng tự đo, người khác đo cho mình. Tuy nhiên, tôi thấy ở điều 11, ý 2.a. - "Hiệu trưởng tự đánh giá, xếp loại và báo cáo kết quả trước tập thể giáo viên, cán bộ nhân viên nhà trường" - thì việc báo cáo kết quả là không hợp lý.

Nếu phải làm điều này thì người hiệu trưởng sẽ tự vo tròn mình lại để vừa lòng tất cả mọi người, không tạo ra sự phát triển. Do đó, chỉ cần báo cáo trước hội nghị liên tịch (cán bộ chủ chốt), cấp trên và mình tự đánh giá là đủ.

 Hiệu trưởng Văn Như Cương, Trường THPT dân lập Lương Thế Vinh, Hà Nội: 4 căn cứ cho tiêu chí đánh giá

Đó là: năng lực chuyên môn, nghiệp vụ quản lý, tư cách đạo đức và hiệu quả giáo dục. Cách đánh giá đơn giản, chuẩn cũng phải đơn giản.

Theo tôi, 30 tiêu chí trong dự thảo Chuẩn hiệu trưởng là quá dài và chỉ nên rút xuống còn khoảng 10 tiêu chí.

Thực hiện đánh giá sẽ phân loại được hiệu trưởng, nhưng tiêu chuẩn còn chung chung, chẳng hạn như tiêu chí yêu nước, gương mẫu, có ý chí vượt khó khăn...

Tiêu chí 2 "Đạo đức nghề nghiệp" phần lớn là cảm tính. Tiêu chí 4 "Có tác phong làm việc khoa học, sư phạm" rất khó đánh giá. Do vậy, đánh giá đạo đức, tư cách của mỗi con người phải hết sức thận trọng.

  • Bảo Anh (thực hiện)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,