- Cuộc sống là tập hợp của các nỗ lực vươn tới những chuẩn mực. Quan trọng là tập hợp này phải mạch lạc, quyết liệt, có thực chất.
Phần 1: Đồng đô-la trong chiến lược giáo dục của Obama
Chính quyền Mỹ, qua Quốc hội, đang chỉnh sửa Luật Giáo dục liên bang theo hướng: riết ráo hơn các yêu cầu như năng lực sư phạm, và các tiêu chuẩn học thuật; tăng cường can thiệp của Chính phủ liên bang trong điều hành giáo dục.
Harvard - Đại học hàng đầu của Mỹ, nổi tiếng trên toàn thế giới.
Nguồn ảnh: Educatednation. com
Nếu đúng như vậy thì chính sách giáo dục của Obama không thể gọi là "bản sao" của cựu Tổng thống Bush (con).
Kích cầu hay kích… cung?
Đạo luật N.C.L.B. cho mỗi bang được ấn định tiêu chuẩn học thuật của mình, kết quả là nhiều bang đã dìm điểm chuẩn xuống.
Bang Colorado, trong cuộc ganh đua thành tích, từng đẩy học lực khá lên thành giỏi.
Một trong bốn cam kết mà các thống đốc phải ký trước khi “ôm” được tiền từ gói kích cầu GD là phải cải thiện chất lượng các môn thi theo chuẩn quốc gia, cũng như các tiêu chuẩn giáo dục công lập nói chung.
Thứ hai, họ phải hứa sẽ tăng cường các yêu cầu đối với giáo viên, và phân bổ sao cho các giáo viên giỏi dạy đồng đều, không phân biệt, cho cả học sinh con nhà nghèo lẫn con nhà giàu.
Thứ ba, các bang phải xây dựng được hệ thống dữ liệu giáo dục đủ phức hợp, tới mức có thể phân biệt ai trong số thầy cô giáo có năng lực, ai không. Tổng thống Obama còn đi xa hơn trong tuyên bố ngày 3/10/2008, rằng hệ thống dữ liệu như thế sẽ: “cho biết học sinh nào được kèm cặp bởi thày cô nào, để chúng ta có thể đánh giá cái gì đang chạy, cái gì không”.
Trả lời phỏng vấn, D. Rokoel - Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục toàn quốc nói ông không nhất trí với tuyên bố trên của Obama.
Ông cho rằng Tổng thống đã đánh đồng điểm thi với nhà giáo. Nhưng, “tôi ủng hộ tầm nhìn xa của Obama trong tăng cường giáo dục quốc dân” - ông Roekel nhấn mạnh.
R. Weingarten - Chủ tịch Liên đoàn Nhà giáo Hoa Kỳ cho rằng công đoàn giáo dục lo ngại rằng các chỉ tiêu của Tổng thống về giáo dục có vẻ quá “hăng hái”.
“Nhưng chính quyền này kiên định” - bà Weingarten đánh giá, “họ làm cải cách giáo dục sát cánh cùng các giáo viên, chứ không định tranh công đổ lỗi”.
Bộ trưởng giáo dục A. Duncan tỏ ra khá “riết ráo” trong giải quyết gói kích cầu giáo dục.
Tháng Sáu vừa rồi, bang California đã “lãnh đủ” khi ông Duncan nói thẳng, rằng trong 300 ngàn giáo viên của bang này, có chừng 30 ngàn người thậm chí tầm cỡ thế giới, nhưng 30 ngàn nữa thì xin mời đi tìm công việc khác.
Bộ trưởng nói tiếp, ở California “chẳng ai chịu nói rõ giáo viên nào thuộc tầm cỡ nào”. Vì vậy, bức tranh phản ảnh giáo dục ở địa phương vẫn sai lạc, và Cali là một trong những bang đang xây “tường lửa” giữa học sinh và các dữ liệu về năng lực của giáo viên, ngài Duncan kết luận.
Các quan chức California phản ứng lại, rằng Bộ trưởng đã quá lo, do đã hiểu lầm.
Người trả tiền có quyền… tom cắc
Trước đó, Ducan từng tuyên bố rằng: “Các thống đốc bang đều phấn khởi vì chúng ta đã đẩy họ đến chỗ họ biết rằng họ phải tiến lên”.
Thống đốc bang Maryland O’ Malley giải thích: “Về cốt lõi, Duncan muốn gửi thông điệp rằng: “Tôi muốn hợp tác với các thống đốc. Tôi biết các ông là những người cầm lái cuộc cải cách giáo dục”.
Duncan nắm trong tay một khoản của gói kích thích giáo dục, trị giá 5 tỉ, được ông gọi là “Chạy đua để nhận tài trợ”, dành cho những bang nào thực hiện tốt các điều mà thống đốc cam kết khi nhận tiền hỗ trợ giáo dục.
Bộ trưởng cho rằng quỹ thưởng này sẽ làm cho các bang nhập vào quỹ đạo thực hiện các chỉ tiêu mới về giáo dục của chính quyền.
Về phần mình, Duncan nguyện làm chất xúc tác cho sự tiến triển của các tiêu chuẩn học thuật cấp quốc gia.
Trong bài “Obamma đem tiền ra nhử để xốc giáo dục lên” (NY số ra ngày 16/8/2009), tác giả Dillon cho rằng cung cách Bộ trưởng Duncan dùng gói kích thích làm đòn bẩy cho định chuẩn trình độ toàn quốc và vai trò thích đáng của nhà nước liên bang trong giáo dục đang gây tranh cãi kịch liệt.
Nhà cải cách như nhà thám hiểm
Trên các diễn đàn về giáo dục, các ý kiến ủng hộ cải cách giáo dục vẫn lấn át. Thành viên diễn đàn R. Johnston, đến từ Manhattan Upper West Side có quan điểm như sau, đạt tỷ lệ đồng thuận cao: “Giải pháp đơn giản, kinh tế, dân chủ cho vấn đề này (dạy và học) là có được một hệ thống giáo dục tập trung, thống nhất toàn quốc, như ở các nước tiên tiến khác”.
Cách tiến hành cải cách giáo dục của chính quyền Obama gây tranh cãi, và có vẻ quá thực dụng, nhưng vẫn là nguồn hứng khởi cho những ai quan tâm đến sự nghiệp giáo dục.
Ý kiến phản hồi đầu tiên dành cho bức thư của giáo sư Don Tapscott gửi Tổng thống Obama, nêu ở phần đầu bài viết này, đã vang lên như lời hịch:
“Giáo dục phải thay đổi. Mô hình cũ đã hư hoại trên mọi bình diện, cần được cải tiến theo đòi hỏi của thế ký 21, nhằm kiến tạo một cấu trúc xã hội mới cho tất cả chúng ta được sống tự do.
Giáo dục không thể là những trước tác phủ đầy bụi, gồm những lời độc thoại viết bởi một vị rậm râu ngồi một mình trong buồng… Chúng ta phải vượt lên mặc cảm. Chúng ta phải chặn nghiệp chướng lại. Bây giờ là lúc chúng ta có thể giương ngọn cờ của sự thật trong mắt thế giới. Hãy kéo buồm lên, vượt đại dương, đi tìm lại nước Mỹ…"
Lê Đỗ Huy (tổng hợp)
Loạt bài cải cách giáo dục ở các nước: