- Vấn đề giáo dục, hay đúng hơn là các biện pháp giải quyết vấn đề này, là chỉ số phát triển văn hoá và đạo đức của một quốc gia.
Mô hình Mỹ, từng nổi tiếng từ đầu thế kỷ trước: đi làm thêm từ khi còn học tiểu học, ở ngưỡng vị thành niên đã đủ chững chạc để tham gia đời sống chính trị đất nước, vừa tốt nghiệp đại học đã mở công ty riêng, vừa qua bị xói mòn …
Đại học Princeton - một trong những trường đại học hàng đầu thế giới và của Mỹ. Nguồn ảnh: bestuniversityinUSA
Vào niên học đầu tiên với Tổng thống “đổi mới” Barack Obama, chìa khoá vàng nào sẽ mở cánh cửa giáo dục, đưa Hoa Kỳ trở lại thế thượng phong về kinh tế, khoa học và công nghệ?
"Mỹ nên theo đuổi mô hình giáo dục… Bồ Đào Nha"?
Tháng bảy vừa qua, Don Tapscott - Giáo sư Đại học Toronto và nhà tư vấn cho Chính phủ và giới công thương, đã gửi bức thư gây tranh cãi cho Tổng thống Obama, đề xuất Mỹ nên theo đuổi mô hình giáo dục… Bồ Đào Nha.
Bồ Đào Nha là một nước được xem là nghèo ở phương Tây, nhưng vừa qua đã dám chi tới 400 triệu euro để kết nối Internet cho mỗi lớp học của trường phổ thông.
Bức thư mở đầu như sau:
“Thưa tổng thống, hẳn ngài đã biết rằng trường sở ở Mỹ đang gây thất vọng cho nhiều học sinh Mỹ. Cứ ba học sinh thì một em bỏ học trước tốt nghiệp. Con số này thật khủng khiếp, nhưng tình hình còn tệ hơn ở các đô thị, khi chỉ có một nửa học sinh gốc Phi và gốc Mỹ Latinh tốt nghiệp tại các trường công lập… Khó có thể tự hào khi mà tỷ lệ học sinh bị đuổi khỏi trường ở con số cao nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.
Vấn đề này quả là nan giải, nhưng một trong những nguyên nhân theo nhiều bạn trẻ Mỹ không chịu học và có học lực kém, khá đơn giản. Họ chán học. Họ lớn lên trong một thế giới kỹ thuật số đang phi nước đại, đầy thách thức, cùng với Internet, điện thoại di động, với giới game thủ, và các tiện ích công nghệ thông tin khác.
Họ đã xem truyền hình ít hơn cha ông, những người từng được dạy dỗ bởi một môi trường có ti vi… Họ là một thế hệ không muốn trở thành đối tượng được phổ biến thông tin. Họ muốn giao lưu, tham dự nhiều “cuộc chơi” với nhiều người cùng một lúc. Vậy mà khi đến lớp, họ phải giở những cuốn vở đã quăn góc, nghe bài giảng của các thầy cô, vẫn đang sử dụng các phát minh của thế kỷ 19 như bục giảng, phấn trắng, bảng đen…
Trường lớp của Mỹ phải được đồng hành với thế kỷ 21. Hàng ngàn giáo viên đã nhất trí với điều này. Đầu năm nay một số tập đoàn giáo dục đã thúc giục Tổng thống và Quốc hội Mỹ thông qua ngân sách 10 tỷ USD để cải thiện trang bị CNTT trong trường học và bổ túc cho giáo viên về sử dụng máy tính sao cho hiệu quả…”
Công nghệ hay chiến lược?
Thư ngỏ gửi Tổng thống Mỹ của Don Tapscott - con người thành đạt cả trên đường kinh doanh lẫn tư vấn, từng viết tới 13 cuốn sách có tiếng về ứng dụng công nghệ trong kinh doanh và các lĩnh vực xã hội khác, đã dấy nên một cuộc thảo luận rộng rãi trên Internet, cả trong và ngoài nước Mỹ, khen nhiều, chê cũng lắm.
Một bạn đọc Mỹ có ý thanh minh cho Don: “Có quá nhiều ý kiến phê bình Don Tapscott vì đã đề cao công nghệ như “công cụ” để giải quyết vấn nạn giáo dục, và đã tập trung quá mức vào kinh nghiệm mua sắm thiết bị CNTT… Trên thực tế, tôi làm việc cho nGenera Corporation của Don Tapscott. nGenera có nghĩa là “phấn đấu cho đời sau” (next Generation era). Đây là tập đoàn nghiên cứu chính sách, chuyên cung cấp giải pháp về tổ chức, kết hợp các yếu tố, ngoài công nghệ, còn có cảm hứng, đào tạo đội ngũ lãnh tụ, năng lực và kỹ năng kiến thiết (quốc gia/doanh nghiệp), cơ cấu thi hành (quyết sách), đánh giá định lượng (thành quả). Một trong những trọng tâm của nGenera là tăng cường đúng lúc các hoạt động hợp tác và đầu tư cho các sáng kiến giáo dục then chốt…”
Một số ý kiến phản hồi bức thư này trên các diễn đàn trong ngoài nước cho rằng Don Tapscott đã nhấn vào mua sắm thiết bị CNTT cụ thể như notebook hay bảng thông minh… để giúp một số nhân vật trong chính quyền tiếp tục trò “tung hứng” trong cuộc chơi vụ lợi muôn thuở với các công ty sân sau của chính họ.
Cũng có thể đây là biểu hiện của tình trạng bế tắc về chiến lược và khan hiếm về giải pháp cải cách giáo dục, hiện đã "lây ra" toàn cầu. Nhưng, chỉ bằng việc nêu mô hình Bồ Đào Nha để cho Mỹ học theo, Don hẳn đã muốn khẳng định chiến lược quan trọng hơn công nghệ.
Nhưng tiền vẫn là “thuốc tiên”?
Ngay sau khi Tổng thống Mỹ phê chuẩn gói kích cầu giáo dục hơn chín chục tỷ USD (nằm trong cả gói kích cầu kinh tế - xã hội khổng lồ 787 tỷ USD), chuyên gia nổi tiếng về lịch sử sư phạm Diane Ravitch đã chỉ trích: “Nền tảng của chính sách giáo dục Obama… chỉ là quốc sách No Child left behind (N.C.L.B.) - Không để em nhỏ nào bị tụt hậu - với thật nhiều ngân phiếu kèm theo”. Bà còn nhận định: “Obama đã cho Bush một nhiệm kỳ thứ ba xét về chính sách giáo dục”.
N.B.C.L. của thời Tổng thống George Bush được biết đến chủ yếu nhờ… chuyện tiếu lâm quốc tế, theo đó có cách làm để cho không một em học sinh nào bị rớt là làm cho tất cả đều bị rớt (All children left behind). Trong những chuyện đùa vẫn luôn là một chút "hóm hỉnh". Ông Bush quả đã không (kịp) làm gì đáng kể trên mặt trận giáo dục.
Quá trình thực hiện cụ thể chắc cũng gây được chú ý cho Tổng thống mới của Mỹ vốn hay lướt Web. Việc bơm tiền cho các trường phổ thông lập tức dấy lên những quan ngại về tính công bằng. Các học khu thuộc bang Utah đang “điêu linh xài xạc” vì khủng hoảng, nơi ngân sách thâm hụt tới 1,3 tỉ sẽ nhận được khoản cứu trợ giáo dục 655 triệu USD. Tức là, mỗi sinh viên bang này sẽ được hỗ trợ 1.250 USD.
Còn ở bang Wyoming cách có một con sông, nơi có những học khu “xông xênh” đến mức vẫn phát cho mỗi học sinh một “con” laptop, sẽ được Bộ Giáo dục “cấp cứu” thêm cho mỗi em tới 1684 USD. Đưa tin này hôm 22/3/09, The New York times (NY) gợi lại chứng “thượng điền tích thuỷ, hạ điền khan" (*) của giáo dục Mỹ.
TS Bailey điều hành một học khu ngập trong dầu - khí ở bang Wyoming, nơi lương khởi điểm của giáo viên là 41.500 USD. Ở học khu bên cạnh, nhưng thuộc bang “nghèo” Utah, con số này là 32 ngàn. Ngài Bailey cho NY hay món tiền kích cầu giáo dục chỉ như sung rụng , chỉ tổ “rách việc”.
Theo các nguồn tin, các tiêu chí của Bộ Giáo dục Mỹ để cấp tiền cứu trợ có ý khuyến khích các học khu được điều hành tốt (biết quay tiền tốt?), hơn là những ai đang cần tiền nhất. Nhiều phụ huynh lại chia sẻ cách hiểu khác về tính công bằng của Bộ Giáo dục Mỹ. Họ cho rằng bơm thêm tiền cho các trường yếu kém không hẳn là giải pháp ổn. Tiền nhà nước cứu trợ các lĩnh vực, kể cả giáo dục đâu phải trên trời rơi xuống, mà từ nguồn thu thuế, gồm cả thuế lợi tức mà công dân vẫn è cổ đóng.
Theo NY, phụ huynh - người đóng thuế, ở bang New Jersey (NJ) chẳng hạn, đã nhận biết mối tương quan trực tiếp giữa số tiền đóng thuế được rót vào những học khu nghèo, và số lượng học trò "dốt" mà các học khu này cho ra trường. Đồng thời, cũng chính các đặc khu này thường kêu ca thiếu kinh phí. Phụ huynh cho rằng đã đến lúc thưởng cho các trường đào tạo học trò giỏi, cũng là thưởng cho các thày cô giáo dạy các trường ấy. Trong danh sách các học khu ở NJ hiện người đóng thuế phải “bao cấp”, thấy có tên Newark, Camden, Paterson…
Giới phụ huynh cũng cho rằng các học khu “ăn trắng mặc trơn” ở Wyoming không cần phải kêu ca về khoản tiền cứu trợ “giời ơi”này. Họ chỉ việc đem trả lại cho Bộ - nơi tiền sẽ đi về nơi nào cần chúng hơn. Mong mỏi này gợi lại nguyện vọng của người dân, rằng các giám đốc ngân hàng AIG vỡ nợ sẽ hoàn trả số tiền khổng lồ mà họ tự thưởng cho mình.
Tiền cứu trợ dĩ nhiên phải được tiêu xài hợp lý. Michelle Rhee, quan chức phụ trách giáo dục bang Washington, nói: “Chúng tôi không muốn ở vào tình thế ôm vào số tiền lớn này để rồi hai năm sau khi xài hết nó, mọi việc lại đình đốn trở lại”.
Washington là nơi được trợ cấp cao nhất, tới 2.112 USD cho một đầu học sinh. Có cảm tưởng chính quyền Obama ủng hộ bà Rhee. Thuộc diện phụ huynh chống đối chính sách giáo dục thời cựu Tổng thống Bush, bà đã quyết liệt đến mức được người dân bầu lên chức vụ này, để xốc lại chất lượng dạy và học bấy nay vẫn "bết bát" ở ngay thủ đô Hoa Kỳ.
-
Lê Đỗ Huy (tổng hợp)
Phần 2: Giáo dục Mỹ trong hành trình "tìm lại nước Mỹ"
Loạt bài cải cách giáo dục ở các nước:
*****************************
(*) Cấp kinh phí cho các trường phổ thông ở Mỹ lấy từ các khoản nộp thuế bất động sản vào ngân sách của bang hoặc thành phố. Vì vậy, chất lượng của trường phụ thuộc vào thực trạng thị trường bất động sản địa phương, và số phụ huynh sẵn lòng chấp nhận trả tiền nhà cao hơn để chuyển vùng, cho con mình được học trường tốt hơn.
Điều này dẫn đến tình trạng địa phương nào có trường có tiếng tăm, thì các gia đình sẽ tới định cư ở đó, để con em được ăn học hơn người. Trường “xịn” cứ ngày một “xịn” hơn; còn các khu phố nghèo thì cứ đành cam phận “vùng sâu, vùng xa”, ngay giữa chốn thị thành.
Nếu bầu chọn được các thành viên của Ban đặc trách trường học có khả năng điều hành tốt trường sở, thì việc dạy tốt học tốt sẽ làm tăng số người tới định cư, làm tăng thu ngân sách nhờ thuế, kết quả là trường ngày càng tốt lên.