- Đòn roi không thể là phương pháp "khuất phục" được con trẻ, nhưng vẫn là một biện pháp cần thiết trong giáo dục học sinh hôm nay?
Nhiều phản hồi của độc giả cho rằng: hiện nay, phụ huynh càng ngày càng nuông chiều con cái, "việc bé xé ra to" khi con mình bị đánh vì thiếu tôn trọng thầy, cô giáo. Nhiều phụ huynh đã bảo vệ cái "tôi", cũng như bênh vực con cái của mình một cách thái quá.
Học sinh hư, bị đánh là bình thường?
Vào tháng 2, trong giờ học nhạc, cô giáo T ở Kiên Giang vào lớp hỏi HS ai chưa thuộc bài thì tự giác đứng dậy. Thấy cả lớp đồng loạt đứng, cô quát: em nào không thuộc bài, cô đánh 5 roi.
Đọc bài viết: "Quá bức xúc, thầy đánh trò bầm mông", độc giả ở địa chỉ mrchulong@yahoo.com (Lê Chân, Hải Phòng): "Tôi cảm thấy xót xa cho sự chiều chuộng thái quá của cha mẹ học sinh".
Sau đó, cô lấy thước đánh vào mông các em.
Cô được đánh giá là một giáo viên có năng lực, nhiều lần được huyện khen thưởng. Hiệu trưởng cho hay, chỉ có một em có vết hằn ở mông. Sau khi tìm hiểu, hầu hết phụ huynh đều thông cảm với hành động của cô.
Tuy nhiên, qua sự việc này, cô đã bị cảnh cáo toàn ngành và phải chuyển đến trường khác vào năm học mới.
Anh Nguyễn Trung Thành (thanh.1970@yahoo.com.vn) cho rằng việc thầy giáo đánh học trò quá tay thì khó có thể chấp nhận được.
Tuy nhiên, đã từng là 1 giáo viên, anh Thành cho biết anh cũng cảm thấy rất buồn vì học sinh không chịu học, mà phụ huynh lại không cầu thị, thậm chí còn bao che cho con cái mình.
Anh Thành đặt câu hỏi với phụ huynh HS : "Nếu con em của mình không nghe lời thì sẽ xử lý như thế nào?"
Bạn Minh Châu (lthmchau@gmail.com) khẳng định: nhiều khi có một mẹ, một con mà còn đánh con sưng mông, nữa là thầy phải quản lý tới 40-50 trẻ".
Vì thế, chị Minh Châu hoàn toàn thông cảm với thầy giáo K: "tận tâm như vậy mà còn vấp phải chuyện này thì chẳng qua là không thể cầm lòng được với học sinh cá biệt".
Độc giả Trần Việt Anh, 325/22R Bạch Đằng, Bình Thạnh cũng cho rằng: Nếu là mình, có khi mình còn đánh mạnh hơn, bởi có như vậy thì con cái mới... ngoan được.
Sự việc thầy giáo K đánh học sinh bầm mông, khiến nhiều người nhớ lại chuyện cô giáo Hoàng Thụy Anh Thư (Kiên Giang) đã phạt 86 học sinh của mình 400 roi vì không thuộc bài.
Khá phổ biến trong những phản hồi gửi về VietNamNet, là những tiếng nói của phụ huynh, bênh vực những trường hợp như cô giáo Thư, thông cảm với sự bức xúc của người thầy khi có học sinh hư.
Các độc giả này cho rằng: học sinh hư, lười học,... thì việc bị đánh nên coi là chuyện bình thường.
Chị Dương Thị Hồng Mai (Thanh Xuân, Hà Nội) thì: "Tôi cũng từng ngồi trên ghế nhà trường và cũng bị thầy, cô giáo cho ăn roi. Nhưng với tôi, tất cả chỉ là những kỉ niệm đẹp và phần nào đó nó giúp tôi thành đạt như ngày hôm nay".
Bạn Hồng Hà (Kiên Giang) cũng không thể quên kỷ niệm: "Chúng tôi rủ nhau đi đá banh bị cô giáo phạt đánh đòn vì không đến lớp. Trong tốp những bạn tôi cùng bị phạt giờ này đều thành đạt ở nhiều cương vị, có người đã làm phó giám đốc công an tỉnh, người làm chủ tịch huyện, người là tiến sĩ khoa học. Mỗi khi có dịp trở lại quê hương chúng tôi vẫn hẹn nhau đến thăm cô giáo và thầm cảm ơn cô vì những chiếc roi răn dạy đó".
Anh Ngô Nam Hải (Pháp) nêu câu hỏi: "Có những ai từng thành đạt, là giáo sư, bác sỹ... mà lại chưa từng bị roi vọt hay không? Có ai chỉ bằng những lời đường ngọt mà có thể trưởng thành?"
Những đòn roi trách nhiệm
Những đòn roi trách nhiệm sẽ giúp HS hoàn thiện mình hơn? Ảnh minh họa
"Tôi nghĩ, thầy giáo K cũng rất đau lòng, xót xa khi cầm roi đánh vào mông học sinh như thế", bạn Bùi Văn Bửu (buivanbuu@yahoo.com.vn) thông cảm.
Còn bạn Phạm Khanh (phamkhanh178@yahoo.com) cho rằng, thầy K có lỗi khi đánh học sinh như vậy. Thế nhưng, "việc thầy đánh trò như báo nói, phần nhiều là xuất phát từ lương tâm của người thầy mà thôi. Tôi nghĩ, nếu sau này em Tài trưởng thành, chắc sẽ phải cảm ơn thầy K vì trận đòn này".
"Thời học sinh, tôi cũng từng bị phạt roi, đó là những lúc tôi nghịch dại hay không học bài, làm bài đầy đủ. Lúc đó, thoáng qua trong tôi chỉ là nỗi oán trách và hổ thẹn của trẻ con, nỗi oán trách qua đi rất nhanh, còn sự hổ thẹn là một động lực. Giờ đây, tôi xin gửi đến các thầy cô lời tri ân và sự kính trọng nhất", độc giả Vương Công (Nha Trang, Khánh Hòa) viết.
Cũng như anh Công, nhiều độc giả thẳng thắn: Ngành giáo dục và bản thân mỗi phụ huynh cũng không nên quá "nhạy cảm" với những hành động tương tự như thầy K và cô Thư. Và hiện nay, việc dùng "đòn roi" vẫn là một biện pháp cần thiết để giáo dục học sinh.
Việc cô giáo Thư phạt 86 học sinh 400 roi, độc giả Phạm Thị Thúy ở Bình Thuận viết: Tôi nghĩ, một lớp mà toàn bộ học sinh đứng lên với lý do không thuộc bài thì phải xem lại tư cách đạo đức của các em trước, đó là thái độ coi thường giáo viên, nếu không nói là hỗn láo. Con tôi đang học lớp 2, mặc dù không thích việc đánh đòn học sinh, nhưng tôi vẫn đề nghị cô giáo nếu cần thiết vẫn cứ phạt roi cháu. Chúng ta ai cũng đã qua thời học sinh, việc bị cô giáo đánh đòn chưa hẳn là biện pháp xấu, mà ở một mức độ thích hợp cũng làm học sinh hoàn thiện mình hơn.
Theo Bạn Nguyễn Khúc Lương (Long Biên, Hà Nội) thì câu tục ngữ của ông cha ta từ xưa: "Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi" đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Anh Nguyễn Tuấn Hùng (Hải Phòng) khẳng định: "Con cái của chúng tôi cũng cần đòn roi".
Đồng tình với ý kiến này, bạn Le Quang (margo.hugo@yahoo.fr) nêu ý kiến: Hình phạt đòn roi vẫn luôn cần thiết, nhưng đó phải là những đòn roi xuất phát từ trách nhiệm, tình yêu thương của thầy với trò.
Anh Quang cho rằng: Thầy K mạnh tay với em Tài như vậy rõ ràng là không phải, nhưng "điều tôi rất quý ở thầy K là trong thời buổi cơm áo gạo tiền này mà mỗi ngày đã dành 30 phút để phụ đạo miễn phí cho học sinh yếu kém".
- Lan Anh (tổng hợp)
|