221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
1232869
Thủ khoa đại học: Nới đầu vào, thít đầu ra
1
Article
null
Thủ khoa đại học: Nới đầu vào, thít đầu ra
,

- Sau một kỳ thi căng thẳng, từ tháng 9, các tân sinh viên bắt đầu nhập học, giã từ 12 năm học phổ thông, bước vào môi trường mới: giảng đường đại học. Vào đại học có phải là "xả hơi", là đã vượt qua vũ môn căng thẳng của hành trình học tập? Có vào ắt có ra?

"Nâng cao tính trung thực trong thi cử của sinh viên và nghiêm khắc trong giảng dạy cũng như chấm bài thi của người dạy là cách tốt nhất để khắc phục chất lượng đầu ra ở bậc giáo dục đại học".

Đây là câu trả lờicủa 4 thủ khoa đầu ra ở các trường ĐH, học viện ở Hà Nội: Nguyễn Hồng Vân, thủ khoa Trường Đại học Kiến trúc; Trần Thị Thu Hương, thủ khoa Học viện Kỹ thuật quân sự; Đào Văn Ba, thủ khoa Trường ĐH Kinh doanh & Công nghệ; Phạm Thanh Hà, thủ khoa Học viện Tài chính kế toán.

anh 1
Buổi lễ vinh danh các thủ khoa đầu ra tại Văn Miếu, Hà Nội tối 28/8. Ảnh: Thu Hà
“Đầu vào” ắt phải có… “đầu ra”

Nguyễn Hồng Vân: Ở Việt Nam đầu vào rất khó mà đầu ra thì cực dễ, vì vậy đã gây ra tình trạng sinh viên ỷ lại vào người dạy. Hơn nữa sinh viên Việt Nam rất thụ động vào giảng viên, lười tư duy và thiếu sáng tạo.

Như sinh viên Trần Xuân Thanh là một trường hợp rất cụ thể. Vì không qua được môn Anh văn, thầy không “nương tay” nên quay ra hành hung thầy. Tâm lý của Thanh lúc này đang đè nặng cụm từ “đầu vào ắt hẳn phải có đầu ra”. Khi không thỏa mãn thì đã quyết trả thù chính thầy giáo của mình.

Trần Thị Thu Hương: Một số trường Đại học còn quan niệm “cho qua” đối với những sinh viên kém, vì thương họ đã phải học mất mấy năm. Do vậy, sinh viên mới có quan niệm “có đầu vào thì ắt có đầu ra”. Điều này sẽ làm cản trở sự đi lên của giáo dục cũng như sự phát triển của đất nước.

Đào Văn Ba: Nhiều sinh viên có đầu vào cao nhưng khi vào học Đại học lại rớt hạng, thậm chí là phải thi lại nợ môn. Bạn trẻ vẫn luôn nghĩ vào được thì ra được.

Lười học ở sinh viên là tình trạng chung mà trường Đại học nào cũng có. Nguyên nhân là do tâm lý trên mà ra. Thầy cô nên tìm cách đẩy lùi tâm lí ấu trĩ đó ra khỏi tư duy người trẻ. Không nên để sinh viên cầu cứu đến lòng hảo tâm của thầy cô để xin một tấm bằng theo nguyện vọng của xã hội mà không đáp ứng được yêu cầu công việc sau khi ra trường.

Phạm Thanh Hà: Giáo dục Đại học Việt Nam như một cái chai. Đầu vào thì hẹp nhưng đầu ra thì rộng. Việc học trong bậc Đại học còn rất nhẹ nhàng.

Hiện tượng này chính là nguyên nhân dẫn đến “tảng băng” chây lười, thiếu sức tư duy của sinh viên Việt Nam từ mấy chục năm nay. Sinh viên chỉ chực qua 4 – 5 năm để sẵn sàng được ra trường. Nếu không ra được có khá nhiều sinh viên tỏ ra bất mãn và thậm chí có hành động dã man như sinh viên Thanh.

Thầy cô chưa đánh giá được chất lượng sinh viên

Trần Thu Hương: Việc đánh giá chất lượng sinh viên có vai trò vô cùng quan trọng. Nếu việc kiểm tra đánh giá điểm thi không thực hiện một cách công bằng, nghiêm túc sẽ dẫn tới tình trạng một số sinh viên lười học, dùng tiền và các mối quan hệ để mua điểm; điểm thi lúc đó không còn ý nghĩa gì. Và việc giáo viên chấm điểm thiếu công bằng còn là rào cản làm thui chột ý chí phấn đấu của những sinh viên có năng lực và lòng ham mê học hỏi, bởi vì khả năng, công sức của họ không được xem trọng, đánh giá đúng mức.

 Phạm Thanh Hà: Nếu như ở nước ngoài, khi làm bài tập nhóm thì trưởng nhóm sẽ phân công, công việc không ai làm phần của ai và bắt buộc phải làm tốt việc được giao. Giảng viên kiểm tra chất lượng của sản phẩm từ mỗi nhóm nếu không đạt sẽ bắt buộc làm lại hoặc thi lại. Việc học trong đại học của họ khó khăn hơn ở ta rất nhiều. Nhưng khi sinh viên ra trường, họ có thái độ làm việc tốt hơn, trình độ nghiên cứu cũng như các kĩ năng mềm tốt hơn rất nhiều so với sinh viên Việt Nam.

Do thầy cô không gắt gao nên sinh viên mình dễ hỏng. Và cứ thế sinh viên thiếu đức tính cần cù, sáng tạo. Căn bệnh chây lì trầm kha càng có cơ hội lên cao.

Khắt khe chấm điểm là động lực của sinh viên

Nguyễn Hồng Vân: Ở bậc giáo dục Đại học tại Việt Nam, thầy cô cần khắt khe hơn trong khâu chấm điểm và coi thi. Như vậy, sinh viên mới biết sợ mà học chứ như tình trạng hiện nay sinh viên coi việc học là chuyện chơi. Thầy cô trong Đại học mà làm nghiêm túc khi chấm điểm, yêu cầu gắt gao trong nghiên cứu cho sinh viên thì sẽ đập tan được khâu lười của họ. Từ đó tâm lý ỷ lại, thụ động sẽ không còn ở trong sinh viên và cũng tránh rất nhiều phiền toái cho thầy cô như: sinh viên đến nhà xin xỏ, không xin xỏ được thì đe dọa thầy cô.

Trần Thị Thu Hương: Trong quá trình dạy cần phải giao bài tập và kiểm tra chặt chẽ, kiểm tra điều kiện để xây dựng cho sinh viên thái độ tích cực học tập, chống tình trạng đến khi thi mới học. Việc sinh viên tích cực trong quá trình học chính là điều kiện căn bản để họ lĩnh hội được tri thức. Ở một số nước ngoài họ rất coi trọng vấn đề đầu ra, nếu như không đủ tiêu chuẩn thì nhất định không cho tốt nghiệp. Tôi nghĩ đây là một cách làm rất hay, nó bắt buộc sinh viên của họ phải thực sự học, nghiên cứu nếu muốn lập nghiệp.

 Đào Văn Ba chia sẻ: Thầy cô chấm bài thi nên công bằng và chặt chẽ, đó là yếu tố để sinh viên phát huy được mình. Tâm lý sinh viên cũng thích được nhìn thấy năng lực của mình có kết quả xứng đáng.

Nếu sinh viên thắc mắc, thầy cô nên công khai và minh bạch trong tiết trả bài. Nếu sinh viên đúng thầy cô nên chấp nhận sự thật và ngược lại. Tôi nghĩ đây là cách học hiệu quả nhất cho sinh viên.

Phạm Thanh Hà trình bày: Thầy cô ở Đại học không phải quan tâm nhiều đến sinh viên nhưng phải xem xét và có đủ năng lực để đánh giá kết quả học tập, nghiên cứu của sinh viên. Khắt khe trong quá trình chấm điểm luôn là động lực để thúc đẩy sinh viên tự học, tự nghiên cứu và phấn đấu.

Sinh viên bớt lười đi. Đọc nhiều, nghiên cứu nhiều. Không chỉ học trên lớp mà còn học cả trong cuộc sống và ngoài xã hội. Các bạn có thể đi làm thêm nhưng cần phải căn cứ thời gian thích hợp để cân đối việc học. Mình cũng đi làm thêm và mình cũng tham gia các hoạt động trong trường trong lớp nhưng việc học vẫn đảm bảo. Bởi vì mình phải có trách nhiệm với chính mình thôi. Chịu trách nhiệm với chính mình là sự khác biệt ở bậc Đại học so với các bậc học khác.

Việc thắt chặt “đầu ra” là động lực chính để thúc đẩy sinh viên học và nghiên cứu. Nếu không làm tốt khâu này sinh viên sẽ ngày càng chây lười, ỷ lại vào giảng viên nhiều hơn. Theo ý kiến chung của bốn thủ khoa: việc giáo dục Đại học cần làm hiện tại là xóa bỏ tư tưởng “Đầu vào ắt có đầu ra”. Đây chính là cốt lõi để chất lượng giáo dục đại học phát triển, nên coi trọng chất lượng của “đầu ra”.

  • Nguyễn Thu Hà               
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,